Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch kêu “khát” nhân lực, nhưng nhiều sinh viên ngành này ra trường vẫn không tìm được việc. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng người lao động không biết cách tiếp cận doanh nghiệp, hay doanh nghiệp vẫn chưa “mở lòng” để đón nhận sinh viên mới ra trường?
Thiên Tiên trong thời gian làm nhân viên thời vụ tại Khu phức hợp Laguna ở Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Khát” nhân lực chất lượng cao
Đến năm 2015, Đà Nẵng ước tính cần thêm 16.000 lao động cho các khách sạn 4 và 5 sao, chưa kể các khách sạn, nhà hàng nhỏ khác. Trước cơn “khát” này, sinh viên học các ngành liên quan đến hoạt động du lịch tại Đà Nẵng được khá nhiều doanh nghiệp săn đón ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chẳng hạn, Trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng dù mới đi vào hoạt động cách đây vài năm nhưng mỗi năm đều có từ 10 đến 20 doanh nghiệp đến tận trường đề nghị ký liên kết đào tạo nhằm phát hiện và bồi dưỡng nguồn lao động có tay nghề. Th.S Huỳnh Đăng Hy, Phó trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên nhà trường, cho biết trong năm học 2013-2014, nhà trường đã ký hợp đồng với 16 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và lữ hành như Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng, Công ty cổ phần dịch vụ cáp treo Bà Nà, Khu du lịch Bắc Mỹ An, Công ty Lữ hành Vitours, Khu nghỉ mát Sandy Beach Non Nước, Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort… “Đây là cơ hội lớn cho nhà trường cũng như sinh viên ngành du lịch tìm hiểu nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để có hướng đầu tư vào việc dạy và học như thế nào cho phù hợp”, ông Hy chia sẻ.
Dù đến tận trường để đặt vấn đề tuyển dụng, nhưng ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Vitours, nói rằng không phải thiếu bao nhiêu lao động thì doanh nghiệp sẽ tuyển dụng bấy nhiêu bởi thà chờ đợi để tuyển một nhân viên được việc còn hơn là tuyển đại trà rồi đào tạo lại sẽ tốn thời gian và công sức.
Hoạt động kinh doanh, vấn đề lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu, nên doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động có tay nghề cao, nhằm đáp ứng ngay nhu cầu công việc. Đó là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp luôn kêu “khát” nhưng vẫn không chịu tuyển nếu chưa gặp được nhân lực giỏi. Theo ông Dũng, “nguồn nhân lực du lịch được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Các em chưa đủ tự tin trong giao tiếp, trong tiếp cận thực tế công việc; kỹ năng hoạt động nhóm chưa cao; khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin chưa thật sự tốt; chưa được trang bị kiến thức về địa kinh tế, về tổ chức sự kiện, quản lý các bộ phận phục vụ trong khách sạn, khu nghỉ cao cấp. Trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng thiếu khiến chúng ta không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài”.
“Hãy cho chúng tôi cơ hội thể hiện mình”
Từ năm 2015, người làm du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch của một trong 10 nước ASEAN chứng nhận sẽ được các nước khác thừa nhận tay nghề và tự do tìm việc làm ở các quốc gia thành viên. Cụ thể, có 6 nghiệp vụ du lịch gồm lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề được ASEAN công nhận. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, vì có thể sẽ mất những lao động tốt do các công ty khác trong khối thu hút về và người lao động cũng có thể mất việc làm nếu không nâng cao nghiệp vụ để cạnh tranh với lao động trong khối. |
Cùng với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong những năm gần đây, nguồn nhân lực ngành du lịch đang được quan tâm hơn bao giờ hết, khiến sinh viên có thêm nhiều sự lựa chọn khi ra trường. Trái ngược với đòi hỏi của doanh nghiệp, nhiều cơ sở đào tạo cho rằng, sinh viên ngành du lịch mới ra trường hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu công việc mà doanh nghiệp đặt ra.
Có chăng họ chỉ yếu ngoại ngữ. Do đó, việc đòi hỏi sinh viên mới ra trường có kinh nghiệm thực tế, đáp ứng ngay yêu cầu công việc là quá khắt khe, bà Đinh Thị Thi, Trưởng khoa Du lịch, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết. Bởi trong quá trình đào tạo, để sinh viên tiếp xúc với công việc cần có nhiều giai đoạn. Với ngành hướng dẫn viên, hầu như năm nào sinh viên cũng tham gia các tour du lịch để học cách hướng dẫn, điều hành, quan sát và tập xử lý tình huống. Với ngành quản trị khách sạn, chỉ cần thực tập tốt ở một khách sạn thì vẫn có thể áp dụng ra nhiều khách sạn khác.
Nhiều sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã biết nắm bắt cơ hội nghề nghiệp như làm việc bán thời gian, nhân viên thời vụ, thiết kế tour, tổ chức sự kiện… nhưng khi ra trường vẫn khó khăn trong tiếp cận việc làm. Đơn cử, anh Nguyễn Phùng Diệp Thiên Tiên (Đà Nẵng), làm việc tại Essence Hoi An Hotel & Spa, tốt nghiệp ngành quản trị du lịch nhà hàng - khách sạn (hệ cao đẳng - Trường Đại học Duy Tân) vào tháng 3-2013, đến đầu tháng 9 Tiên mới có việc làm sau khi đã nộp hơn 20 bộ hồ sơ trực tiếp cùng hàng chục đơn xin việc qua mail gửi đến các doanh nghiệp.
Anh đành tìm vào Hội An, thì được nhận làm việc chính thức ngay, sau khi có cơ hội thể hiện một bài thực hành trang trí phòng tân hôn do khách sạn yêu cầu. “Việc gửi đi hàng chục bộ hồ sơ nhưng không nhận được lời hồi âm nào từ phía doanh nghiệp làm tôi khá hoang mang. Lớp tôi ra trường có việc làm khoảng 80%, còn lại khá chật vật trong quá trình xin việc. Nhưng xét về đúng ngành thì chỉ có 50% là đúng ngành, còn lại 30% làm trái ngành. Tôi mong rằng, doanh nghiệp hãy cho chúng tôi cơ hội để thể hiện mình khi đi xin việc”, Tiên nói.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Việt-Úc cũng cho biết, rất nhiều doanh nghiệp (có vốn đầu tư nước ngoài) yêu cầu nhà trường cung cấp cho họ một lực lượng lao động chuyên nghiệp, có kỹ năng chứ không hẳn phụ thuộc vào bằng cấp. Điều này vô tình khiến một số sinh viên khi tìm được việc làm đã không chịu quay về trường thi tốt nghiệp dẫn đến thiếu bằng cấp, khi muốn xin một công việc mới sẽ rất khó vì hồ sơ xin việc không bảo đảm.
Cũng theo bà Thi, việc vẫn còn khoảng 50% sinh viên ngành du lịch ra trường không có việc làm hoặc làm việc trái nghề là do doanh nghiệp chưa “mở lòng” đón nhận sinh viên mới ra trường. Bà nói “Tôi thường nói với doanh nghiệp rằng, hãy xem sinh viên như con cháu, hướng dẫn và tạo cơ hội cho bọn trẻ làm việc”. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tuyển nhân viên tùy hứng, không có kế hoạch nên việc tuyển vào (mùa cao điểm) và thải ra (mùa thấp điểm) đã khiến lao động muốn chờ cơ hội để được làm việc lâu dài tại một địa điểm.
TIỂU YẾN