Ngày 25-9 vừa qua, tại thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa CHXHCN Việt Nam và CH Pháp. Sự kiện này mở ra trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng cùng nhau vượt qua những thăng trầm của lịch sử để chung tay vun đắp một mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy lẫn nhau giữa hai dân tộc trong thế kỷ XXI.
Giao lưu văn hóa, hữu nghị Việt - Pháp chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ảnh: H.D |
40 năm trước, vào ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam. Gần 4 tháng sau, ngày 12-4-1973, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Từ đây, lịch sử ngoại giao hai nước đã chứng kiến những bước thăng hoa mới. Năm 1993, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Françoise Mitterrand - Tổng thống phương Tây đầu tiên tới Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong của Pháp ủng hộ Việt Nam phá thế bao vây, cấm vận, tích cực hội nhập quốc tế.
Trải qua bốn thập kỷ, nhờ nỗ lực và quyết tâm của hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Pháp trở thành những đối tác đặc biệt, những người bạn tin cậy. Pháp khẳng định vị trí là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, quốc phòng đến văn hóa, giáo dục, đào tạo…
Hai nước đã tạo lập một khuôn khổ hợp tác vững chắc thông qua gần 20 hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký và hình thành hàng loạt các cơ chế đối thoại, tham vấn như Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng, Đối thoại kinh tế cấp cao. Hai bên cùng hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế với quan điểm gần gũi về những vấn đề chung của thế giới, vì mục tiêu hòa bình, công bằng, thịnh vượng trong khuôn khổ ASEAN - EU, ASEM, Tổ chức Pháp ngữ v.v…
Cầu nối của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác Đà Nẵng - Pháp là những người Đà Nẵng đã từng hấp thụ nền văn hóa, giáo dục của Pháp và những bạn bè Pháp ở Đà Nẵng. Họ đã tìm nhau và thành lập CLB tiếng Pháp, Hội hữu nghị Việt - Pháp hoạt động đã hơn 20 năm. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếng Pháp của Đại sứ quán Pháp tại Đà Nẵng, Khoa tiếng Pháp thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, Trung tâm Kỹ thuật số Pháp ngữ CNF - AUF Đà Nẵng là những nhịp cầu nối tình hữu nghị và đoàn kết Việt - Pháp ngày càng khăng khít, bền chặt với những hoạt động giao lưu luôn thắm tình hữu nghị.
Hằng năm, Hội Hữu nghị Việt - Pháp tại Đà Nẵng thường tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa, hữu nghị, có những cụ ông, cụ bà mái đầu điểm bạc, phong thái lịch lãm, có những bạn trẻ tuổi thế hệ 8x, 9x... đến dự, nói với nhau vài câu tiếng Pháp. Hình như họ tìm thấy nơi đây những gì mà họ không thể tìm thấy ở những nơi khác.
Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ hai nước quyết định tổ chức Năm giao lưu Việt - Pháp với Năm Pháp tại Việt Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2013 và Năm Việt Nam tại Pháp bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc tháng 9 năm 2014. Năm giao lưu diễn ra với gần 200 sự kiện/hoạt động trải rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao…
Những nhà ngoại giao xác định rằng mục tiêu của các chuỗi sự kiện này để tạo đà cho các hoạt động trao đổi song phương, đồng thời giúp công chúng hai nước có cái nhìn toàn diện hơn về quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Pháp. Công chúng Pháp và bạn bè các nước châu Âu sẽ có cơ hội khám phá một nước Việt Nam truyền thống, hòa bình, thân thiện và đang đổi mới, hiện đại, hội nhập. Ngược lại, công chúng Việt Nam có cơ hội tìm hiểu về một nước Pháp không chỉ của nghệ thuật, kiến trúc, thời trang, không chỉ qua những giai điệu của quá khứ mà còn là một nước Pháp với nền văn hóa Pháp đương đại.
Mở màn cho mùa văn hóa Pháp tại Đà Nẵng năm nay là buổi giao lưu văn hóa hữu nghị Việt - Pháp với chuỗi các hoạt động giao lưu ngôn ngữ, ẩm thực và văn hóa nghệ thuật do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam - Pháp tổ chức đã thu hút hầu hết học sinh, sinh viên và những người nói tiếng Pháp tham gia. Trong năm 2014 sẽ tổ chức liên hoan các ca khúc tiếng Pháp tại 3 tỉnh, thành là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam để chào mừng sự kiện Năm Việt Nam tại Pháp.
Diện mạo của Đà Nẵng hôm nay không những còn mang dấu ấn ở những công trình kiến trúc hàng trăm năm của Pháp để lại mà thông qua nhiều cơ quan, tổ chức, Pháp đã hỗ trợ vốn ODA thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, cải tạo hệ thống cấp nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị để xây dựng một Đà Nẵng văn minh, hiện đại.
Bạn bè Pháp đến Đà Nẵng sống và làm việc không nhiều nhưng họ lại gắn bó và chọn nơi này là quê hương thứ hai của mình. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn nổi tiếng của người Pháp như bánh Crep, bánh mì Pháp, bò vùng Bourguignon... ở nhiều quán ăn, siêu thị, hay có thể nhâm nhi tách cà-phê, rượu vang Pháp chính hiệu tại quán Café Nhà Léo, Ohlala Chocolate hay đại lý vang Pháp Cellier d’Asie.
Đà Nẵng đã từng được Pháp đổi tên thành Tourane, được xây dựng với dáng vẻ và tâm hồn của một đô thị theo kiểu Tây phương, với một lớp người ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng và văn hóa Pháp. Vì vậy hợp tác văn hóa, giáo dục được phát triển mạnh mẽ nhất, phong phú nhất, được xem là nền móng và cầu nối cho quan hệ ngoại giao chung.
HOÀI DUY