22 năm nay, CLB Tiếng Pháp Đà Nẵng (Cercle Francophone de Danang - CFD), ngoài hoạt động chính là phát triển việc học và nói tiếng Pháp, còn là cầu nối để đưa các tổ chức nhân đạo, từ thiện đến với các địa chỉ cần sự hỗ trợ.
CLB Tiếng Pháp đón đoàn ANAI de Lyon sang thăm và làm việc với CLB. (Ảnh do CFD cung cấp) |
Bà Hồng Hạnh, con gái đông y sĩ Phan Châu Toàn, có chồng là người Pháp, ông này làm trong bộ phận hoạt động đối ngoại của bà Danielle Mitterrand, phu nhân của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Lúc đó, bà Lê Thị Kinh, công tác ở Bộ Ngoại giao, vừa nghỉ hưu tại Đà Nẵng, đã nhờ bà Hồng Hạnh tác động với chồng để có thể mời bà Danielle Mitterrand sang thăm Đà Nẵng. Và bà Mitterrand đã sang Đà Nẵng vào cuối tháng 5-1991. Trao đổi với phu nhân Tổng thống Pháp, bà Kinh thông tin rằng, Đà Nẵng hiện có nhiều người biết tiếng Pháp, nhưng chưa có một nơi nào để họ đến gặp gỡ, trao đổi về tiếng Pháp. Bà Mitterrand tỏ vẻ thích thú, bởi người Pháp luôn mong muốn phát triển ngôn ngữ của mình.
Sau chuyến thăm đầy duyên nợ đó, với sự tác động của ông Nguyễn Đình An lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, CLB Tiếng Pháp QN-ĐN chính thức ra đời vào ngày 5-12-1991, 18 năm sau ngày Việt Nam và Pháp lập quan hệ ngoại giao, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về mọi mặt của Pháp và các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ. CLB nay đổi tên thành CLB Tiếng Pháp Đà Nẵng (Cercle Francophone de Danang - CFD) với gần 300 hội viên, từ học sinh tiểu học đến các cụ già, trong đó gần 30 người Pháp, Canada, Bỉ đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng và Hội An.
Ông Phạm Ngọc Cừ, nguyên Chủ nhiệm CLB, nhớ lại: “Khó mà tả hết không khí hồ hởi ban đầu, trong những tuần cuối năm 1991. Hàng mấy trăm người biết tiếng Pháp ở Đà Nẵng đăng ký gia nhập CLB, trong đó có một số bạn ở Hội An, ở Hòa Vang (lúc bấy giờ chưa thuộc thành phố Đà Nẵng) và 26 tổ chức, 87 cá nhân ở Pháp, Đức, Bỉ, Canada liên hệ với CLB. Sau đó, nhiều công-ten-nơ sách từ Pháp được chuyển sang, ủng hộ phòng đọc của CLB. Nhờ vậy, Phòng đọc tiếng Pháp trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Đà Nẵng từ chưa đầy 200 bản sách báo, khi thành lập CLB đã tăng vọt lên trên 2.000 bản”.
Sau đó, bà Mitterrand tiếp tục đến Đà Nẵng, hỗ trợ từ thiện cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố QN-ĐN (cũ) và giới thiệu một số bạn bè người Pháp ở Hội đồng vùng Nord Pas De Calais và Tổ chức Vietnamitié sang quyên góp xây dựng văn phòng CLB trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố. Kể lại chuyện này, bà Lê Thị Kinh nhận định: “Chưa có nơi nào không phải của mình mà được người ta đến xây dựng sớm như thế, đó là cái thuận lợi ban đầu. Họ về gây quỹ, chính phủ Pháp cũng tham gia vào đó. Đến tháng 3-1999 thì văn phòng CLB khánh thành”.
Có chỗ “an cư”, hội viên ngày một được “lạc nghiệp” hơn. Sáng chủ nhật hằng tuần, các hội viên đến CLB thuyết trình, xem phim, diễn kịch, thảo luận, gặp gỡ giao lưu với những người bạn Pháp sống và làm việc tại Đà Nẵng. Hội viên, học sinh, sinh viên có thể tham gia 2 lớp tiếng Pháp do Tổ chức ANAI de Lyon và ALAS của Pháp hỗ trợ về kinh phí, hoặc học các khóa tiếng Pháp ngắn hạn (1-3 tháng) do các bạn sinh viên tình nguyện đến từ Pháp, Bỉ, Canada phụ trách.
Đều đặn trong nhiều năm liền, một người Pháp định cư tại thành phố, ông Gerard Kimpe, luôn luôn lọc cọc đi xe đạp trên 6 cây số từ nhà đến CLB để sinh hoạt. Ông ta từng cho hai thanh niên Pháp đi xe đạp vòng quanh thế giới đến tá túc tại nhà mình và đưa hai người này đến CLB kể lại chuyến đi của họ. Hai bạn trẻ rất cảm kích trước lòng hiếu khách của CLB và “chúc tất cả các bạn có nhiều dịp đi đây đi đó và thực hiện được những ước mơ của mình”.
CLB cũng là cầu nối giữa những trái tim nhân đạo, những tấm lòng hảo tâm đến với các trẻ em nghèo bất hạnh, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay các nạn nhân chất độc da cam tại thành phố. Trong năm qua, nhờ quan hệ rộng rãi và uy tín lâu năm, ông Phạm Ngọc Cừ đã giúp CLB vận động 9 tổ chức phi chính phủ ở Pháp và Canada giúp được 42 trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng và 13 em ở Quảng Nam, mỗi em mỗi năm được từ 3 triệu đến hơn 4 triệu đồng và cho một số gia đình các em vay tín dụng nhỏ.
Nhân ngày Quốc tế nói tiếng Pháp 20-3 vừa qua, CLB đã phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trung tâm Tiếng Pháp Đà Nẵng và Đại học Cộng đồng Pháp ngữ (AUF) tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, ẩm thực thu hút nhiều sinh viên, học sinh và các bạn Pháp đang sống và làm việc tại Đà Nẵng và Hội An. Anh Nguyễn Lê Đức Huy, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Trong tuần sinh hoạt này, chúng tôi đã tổ chức một buổi tọa đàm về 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp với sự tham gia của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An. Chúng tôi đang chuẩn bị xuất bản tập san OASIS VI (Ốc đảo VI) để chào mừng sự kiện ngoại giao quan trọng này”.
ĐOAN PHƯỢNG