1. Lần đầu tiên, tôi đi đám tang mà không có tiếng khóc, chỉ có tiếng đàn ghi-ta bập bùng lan trên chiếc quan tài nhỏ nằm ấm cúng giữa những vòng hoa trắng phủ đầy chung quanh. Thầy Lê Viết Dũng, Hiệu phó Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, nói như vừa tâm sự với chúng tôi, như vừa gửi gắm cho người nằm xuống bằng giọng Huế thâm trầm: “Đêm ni, mình ngồi đây hát đến sáng, ngày mai Loan đã nằm dưới đất lạnh rồi”.
Vợ chồng Bertrand Courné - Thúy Loan tay trong tay trước Cathédrale de Chartres (Pháp) (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Ngày mai, cô Loan của chúng tôi “nằm xuống dưới đất muôn đời”. Các thầy cô của khoa Tiếng Pháp cũng như những đồng môn của cô: Thầy Dũng, thầy Tiễn, cô Thanh Thanh, cô Thủy, cô Điệp… cùng đám cựu sinh viên qua nhiều thế hệ như chúng tôi quây quần bên cô. Không khóc. Nước mắt chảy thầm vào trong để cất thành tiếng hát, hòa cùng tiếng đàn. Chồng cô – một người đàn ông Pháp chính gốc, khăn tang trắng trên đầu, gầy gò ngồi lặng lẽ nghe chúng tôi đàn và hát những bài hát bằng tiếng Pháp, rồi cả bài hát được dịch sang tiếng Pháp. Đó là những bài hát mà thời sinh viên, cô Loan thường hay hát và rất thích nghe hát. Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn, Que serais-je sans toi (Anh sẽ ra sao khi thiếu vắng em), Que sera sera (Biết ra sao ngày mai)… âm vang như lời tự tình trong căn nhà lặng lẽ ở ngoại ô thành phố. Demain n’est jamais bien loin/Laissons l’avenir venir” Ngày mai không bao giờ quá xa/chúng ta hãy để cho tương lai đến/dù ngày mai có ra sao (Que sera sera)… Et pourtant je vous dis que le bonheur existe/Ailleurs que dans le rêve ailleurs que dans les nues/Terre terre voici ses rades inconnues (Que serais-je sans toi). Anh từng nói với em rằng: Hạnh phúc là có thật; không phải trong mơ mà ở đâu đó trên bến bờ xa lạ nơi trái đất này…
Người đàn ông ngồi lặng lẽ như chùng xuống bên quan tài đó, chính là nhân vật Bertrand Courné cười hiền lành trong một bài viết của đồng nghiệp tôi đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần (số ngày 9-6-2013). Ông bén duyên cùng cô Loan sau tình yêu sét đánh mà ông coi là định mệnh; để rồi ông rời nước Pháp và gắn bó 8 năm qua với mảnh đất bình yên bên sông Hàn này và ông luôn dành tình yêu cho gia đình nhỏ của mình cũng như cả thành phố thân yêu. Trong bài viết của đồng nghiệp, ông thổ lộ rằng mình tiếc là không gặp Loan sớm hơn, nếu không ông đã đến Đà Nẵng, đến Việt Nam sớm hơn nữa. Vẫn biết điều gì đến sẽ đến, rồi rằng ai cũng một cõi đi về, nhưng chúng tôi vẫn thấy tiếc cho ông, cho hạnh phúc còn quá ngắn ngủi trong cuộc đời của ông với cô giáo của mình, khi cô ra đi sau một căn bệnh hiểm nghèo, khi hạnh phúc của hai người đang trong thời viên mãn…
2. Tôi gặp cô Loan khi mới bước vào đại học năm thứ nhất. Cô là giám khảo trong cuộc thi vấn đáp đầu vào phân loại chất lượng sinh viên đầu khóa để chia thành 2 lớp nhằm bảo đảm chương trình dạy và học. Ấn tượng ban đầu là một cô giáo cương nghị, nghiêm khắc. Cô không hỏi tôi về kiến thức, mà chỉ trao đổi những chuyện đời thường, chuyện học hành những ngày phổ thông. Vốn tiếng Pháp ít ỏi trong chương trình tiếng Pháp 3 năm cũ kỹ ở trường phổ thông, lại rơi rớt sau 5 năm lang thang ngoài xã hội chẳng đủ để tôi chuyện trò với cô, tôi chỉ trả lời cô rằng thời phổ thông, tôi học tiếng Pháp với thầy T., cô D.; cô nghe thế rồi mỉm cười nói rằng đó là những bạn học của cô thời đại học ở Huế.
Nhắc đến thầy T., cô D… với lũ học trò tiếng Pháp của Trường PTTH Thăng Bình 1 (Trường THPT Tiểu La hiện nay), đó là những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Thầy cô có một mối tình lãng mạn theo đúng kiểu Pháp ở trường đại học, khi thầy là học trò xứ Quảng với tiếng đàn ghi-ta lãng tử và đôi mắt biết nói gặp cô gái Huế có giọng hát và vóc dáng mượt mà. Mối tình đẹp và lãng mạn ấy đơm hoa kết trái trên đất Thăng Bình khi thầy cô về dạy cùng trường. Cái thời ngấp nghé đổi mới, khi chúng tôi bước vào cấp 3, là lúc thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sớm tinh mơ, cô tất tả mang mớ rau muống cải thiện trong ao trước khu nhà tập thể giáo viên ra chợ Hà Lam bán, rồi cô ăn mặc chỉnh tề, trang trọng lên lớp và cuốn hút chúng tôi vào khu vườn đầy ma mị của thứ ngôn ngữ đầy chất văn học lãng mạn của trời Tây.
Ba năm học phổ thông với thứ tiếng Pháp được in trong cuốn sách nhỏ, vàng xỉn màu giấy… nhưng tôi vẫn nhớ như in giọng đọc truyền cảm của cô trong bài văn “Le livre de mon ami” (Cuốn sách của bạn tôi) của một trong những bậc thầy ngôn ngữ Pháp - Anatole France. Những dấu ấn tuổi thơ mãi còn đọng trong tâm trí ông khi băng qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười vương vấn một chút dịu buồn và đẹp hơn bao giờ hết, khi lá vàng rơi từng chiếc từng chiếc trên bờ vai những pho tượng trắng “…je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues... Cô đọc du dương và bắt chúng tôi tập đọc thuộc lòng đoản văn ấy với tất cả sự lãng mạn vốn có của tuổi học trò. Cho đến bây giờ, hơn 25 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in giọng đọc ấy, và tôi chưa tìm thấy một bản dịch tiếng Việt nào đủ sức chuyển tải cái đẹp đầy chất thơ từ đoản văn này. Tôi cứ ngỡ rằng trong một đoản văn của “Tôi đi học”, nhà văn Thanh Tịnh đã lĩnh hội cái hồn lãng mạn ấy và chuyển tải thành những dòng văn đầy cảm xúc mà hàng triệu người Việt hẳn đã thuộc nằm lòng “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”.
Nhưng điều đáng buồn, là mối tình lãng mạn ấy đã không theo thầy cô đi đến cuối cuộc đời, khi những sóng gió của thời mở cửa thị trường đã ào vào căn phòng đơn sơ, cũ kỹ nằm khiêm tốn trong dãy nhà tập thể lặng lẽ một góc sân trường. Thầy trở nên lặng lẽ hơn trong dáng người gầy gò, trĩu nặng u buồn. Chỉ có đôi mắt sáng tinh anh như luôn biết nói, giọng đọc của thầy vẫn du dương mỗi lần lên lớp. Tôi nhớ những lần thầy đạp xe cọc cạch lên nhà, rủ tôi đi hái lá bầu đường về chữa bệnh tim. Nhưng dường như những cố gắng đó không đủ níu kéo một trái tim đa cảm hay lỗi nhịp trong một cuộc đời nhiều đớn đau, nên thầy đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn đau khi tuổi còn rất trẻ…
3. Những người thầy tiếng Pháp của tôi, dù ra đi nhưng vẫn để lại trong tôi chút dịu dàng, vương vấn những kỷ niệm đẹp và lãng mạn đến không bao giờ quên. Dường như, cái đẹp trong ngôn ngữ Pháp rất gần với tiếng Việt trong sáng và giàu biểu cảm, nên trong mỗi chúng tôi luôn thấm đẫm không gian đầy màu sắc lãng mạn - một không gian dễ làm cho trái tim yếu đuối, dễ đưa người ta đến gần nhau hơn nhưng cũng dễ cách xa… Nhưng tôi luôn tin chắc rằng, tình cảm được truyền tải qua ngôn ngữ ấy luôn là sợi dây bền chặt, gắn bó đến muôn đời, dẫu có cách xa. Như một bài hát tiếng Pháp đầy tự tình, lãng mạn cất lên trong đêm tiễn đưa cô Loan: Chúng ta luôn mãi nắm tay nhau, như những người tình/Anh yêu em và yêu em mãi mãi… (Mains dans la mains – Tay trong tay).
NGUYỄN THÀNH