.

Chắp cánh ước mơ

.

Năm 2006, sau cơn bão Chanchu kinh hoàng, hàng trăm trẻ em Đà Nẵng phải gánh chịu nỗi đau tột cùng vì cha và anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển cả. Nhiều em có hoàn cảnh hết sức khó khăn và đứng trước nguy cơ thất học. Trong những ngày tang tóc ấy, Ban trụ trì Chùa Già Lam Thiện Sanh (Biên Hòa-Đồng Nai) thông qua Hội Từ thiện thành phố, nay là Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố (Hội TTTP) đã đến Đà Nẵng, bảo trợ ngay cho 100 con em nạn nhân bão Chanchu.

Thượng tọa Thích Phước Minh tặng áo cho con em nạn nhân bão Chanchu và học sinh nghèo ở Đà Nẵng.
Thượng tọa Thích Phước Minh tặng áo cho con em nạn nhân bão Chanchu và học sinh nghèo ở Đà Nẵng.

Mức bảo trợ ban đầu cho mỗi em là 500.000 đồng/năm. Với thời giá hồi ấy, số tiền đó đủ mua quần áo, sách vở cho một học sinh tiểu học tựu trường, và các em được bảo trợ hằng năm đến khi học hết THPT, nếu thi đỗ đại học, cao đẳng sẽ được bảo trợ tiếp. “Con em nạn nhân bão Chanchu đã được nhiều tổ chức giúp đỡ về cái ăn, cái mặc, còn chúng tôi xác định giúp các cháu về cái chữ. Hễ cháu nào còn ngồi trên ghế nhà trường thì còn được chúng tôi giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cháu kiến tạo tương lai”, Thượng tọa Thích Phước Minh chia sẻ.

“Khi ba em mất, em mới học lớp 6, còn chị em mới học lớp 8, mẹ em tảo tần sớm hôm, ban ngày đi bán cá, ban đêm đi phụ giúp nấu bếp cho một quán ăn, gia đình triền miên thiếu trước hụt sau. May nhờ được chùa bảo trợ, giúp em có đủ điều kiện đến trường. Hằng năm, các sư, thầy, đạo hữu còn ân cần động viên, khuyên nhủ chúng em cố gắng học tập”, em Hồ Thị Mỹ Lệ ở tổ 14 phường Xuân Hà, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), trải lòng. Mỹ Lệ vừa được Chùa trao học bổng 1,5 triệu đồng và người chị của Mỹ Lệ cũng vừa được chùa này tặng suất học bổng 1 triệu đồng.

Những năm qua, các sư, thầy, đạo hữu chùa Già Lam Thiện Sanh đã trở thành những người thân thiết của các gia đình nạn nhân bão Chanchu. Thượng tọa Thích Phước Minh, Trụ trì nhà chùa, được các gia đình nạn nhân gọi bằng hai từ “thầy Minh” tràn đầy yêu thương và kính trọng. Mỗi lần đến trao học bổng, Chùa đều tổ chức thăm hỏi, kiểm tra kết quả học tập và ân cần động viên, dặn dò từng cháu. Những học sinh giỏi được nhà chùa khen thưởng, khích lệ kịp thời, còn những em học chưa tốt được nhắc nhở với nhiều cách giáo dục hay. Khi trao học bổng năm học 2012-2013, thầy Minh gài vào đó một cành cây nhỏ để trao cho các em học yếu. Lúc đầu, các em này không hiểu thầy trao cành cây để làm gì, nhưng khi ngẫm nghĩ kỹ, các em mới hiểu ra những cành cây ấy tượng trưng cho những con roi!

Sau cơn bão Chanchu, em Nguyễn Thị Bích Lê (tổ 9, Thanh Khê Tây) thảng thốt hàng tháng trời trong nỗi đau khôn xiết, chiều chiều em ra bờ biển, dõi mắt về phía xa mờ, mong ngóng bóng hình của người cha thân yêu. Năm đau thương ấy, Bích Lê mới học lớp 8, còn bây giờ em đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Việt Hàn và đã xin được việc làm tại Công ty Du lịch Biển Ngọc. Từ khi cha mất, hai chị em Bích Lê được chùa  trao tặng học bổng dài hạn và thường xuyên động viên hai em cố gắng học tập.

Nhiều học sinh con em nạn nhân bão Chanchu năm nào, bây giờ đã học đại học, cao đẳng, có em đã tìm được việc làm và khi nói đến chùa Già Lam Thiện Sanh, các em đều tỏ rõ niềm biết ơn sâu sắc. “Sự quan tâm giúp đỡ của chùa đối với chúng em có ý nghĩa thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần và đã chắp cánh cho chúng em đi tới tương lai”, Bích Lê khẳng định.

Hằng năm, Hội TTTP bổ sung thêm một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đến nay đã có 154 học sinh, sinh viên mồ côi, nghèo ở Đà Nẵng được nhận học bổng của chùa. Năm học 2013-2014, mỗi em được nhận từ 500.000-1,5 triệu đồng. Em Nguyễn Quốc Vương (tổ 13, Xuân Hà), cha bị ốm mất, hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã được chùa giúp đỡ kịp thời, hiện đang học lớp 10 tại Trường THPT Trần Phú, bộc bạch rằng, em coi các sư, thầy, đạo hữu chùa như người cha thứ hai của mình. Chị Phan Thị Ân, mẹ Quốc Vương, chia sẻ: Các sư, thầy, đạo hữu chùa còn thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chị, giúp mẹ con chị khuây khỏa nỗi đau buồn và bền bỉ vượt khó vươn lên.

 Trong mỗi năm học, ngoài học bổng, các em còn được chùa hỗ trợ sách vở, quần áo và trên các tặng phẩm ấy in đậm những lời dặn dò của nhà chùa. Cụ thể như, trên những chiếc áo tặng cho các em mới đây, chiếc nào cũng có dòng chữ: “Vâng lời cha mẹ/Tôn trọng người lớn/Kính mến thầy cô”.

Mặt khác, những năm qua, chùa còn tích cực vận động giúp đỡ những hộ nghèo và nạn nhân bão lũ ở Đà Nẵng. Đầu tháng 11 năm nay, nhà chùa đã hỗ trợ 150 suất quà cho nạn nhân thiên tai ở quận Sơn Trà, mỗi suất trị giá gần 400.000 đồng. Theo Nhà giáo ưu tú Tống Văn Quang, một đạo hữu của Chùa cho biết, sau cơn bão số 11, nhà chùa đã quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiên tai ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung tổng số hơn 1 tỷ đồng.

Chùa Già Lam Thiện Sanh đến với trẻ em mồ côi, nghèo ở Đà Nẵng từ cơ duyên thầy Trụ trì Thích Phước Minh chính là em ruột của ông Phạm Như Ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội TTTP Đà Nẵng. Đồng thanh tương ứng, những năm qua, ông Ủy đã trở thành nhịp cầu để các sư, thầy, đạo hữu chùa thực hiện tâm nguyện cứu giúp chúng sinh. Từ kết quả ở Đà Nẵng, chùa đã phát triển mô hình này ra 9 tỉnh, thành phố, với gần 1.000 suất học bổng mỗi năm. Tại buổi trao học bổng cho học sinh mồ côi và học sinh nghèo ở Đà Nẵng mới đây, Ban Trụ trì và phật tử chùa đã được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích hoạt động nhân đạo và những đóng góp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.