Một lần viếng cảnh Ngũ Hành Sơn, cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng luận rằng: “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết”. Những người làm công tác dịch vụ du lịch ở Ngũ Hành Sơn ngày nay luôn nỗ lực để giữ vững cái “danh” mà chí sĩ yêu nước người Quảng đã ưu ái tặng cho nơi này.
Giữ gìn môi trường văn hóa du lịch để xứng danh là một trong 3 điểm du lịch Đà Nẵng hấp dẫn nhất Việt Nam. TRONG ẢNH: Giới thiệu quốc tự Linh Ứng cho du khách. Ảnh: V.T.L |
Di sản văn hóa Việt Nam, trong đó có Di tích lịch sử - văn hóa Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa quốc gia, nhân loại, khắc họa nên tính cách độc đáo, đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Con người với ý thức tự chủ trước vẻ đẹp vô hình và hữu hình của văn hóa đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã dày công dựng xây và bồi đắp. Quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn không những là di sản có giá trị về lịch sử - văn hóa mà còn có cả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Gần đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức Kỷ lục châu Á và Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã triển khai “Hành trình quảng bá điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam”. Qua đề cử từ các hiệp hội du lịch, các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông, báo chí và bạn đọc trong cả nước, danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng với đèo Hải Vân, biển Non Nước đã được ghi nhận là 3 điểm du lịch Đà Nẵng hấp dẫn nhất Việt Nam.
Phát huy tiềm năng và lợi thế đó, hiện nay thành phố đang triển khai xây dựng Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn để “nâng cấp” nơi đây trở thành điểm du lịch lớn của Đà Nẵng, từng bước xây dựng khu vực phía Đông Nam thành phố thành khu trung tâm văn hóa - du lịch, trong đó dịch vụ du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiềm năng và lợi thế đã mang lại cho khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sức hút hấp dẫn ít nơi nào có được đối với du khách, nhưng cũng đồng thời phát sinh từ đó những tồn tại chưa thể khắc phục một sớm một chiều được. Nhằm thu hút khách đến tham quan nhiều hơn, Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã chú trọng đến việc giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa du lịch, chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại môi trường văn minh du lịch tại Ngũ Hành Sơn.
Phường Hòa Hải hiện có 24 phụ nữ chuyên “nghề” bu bám, mồi chài khách du lịch, làm mất vẻ văn hóa, văn minh của khu danh thắng. Ban quản lý đã cùng UBND phường, các lực lượng liên ngành, đoàn thể, phối hợp tổ chức vận động và tạo điều kiện để các phụ nữ này chuyển đổi công việc phù hợp. Qua các cuộc tuyên truyền, người dân quanh đó thấy được việc giữ gìn môi trường văn hóa, văn minh du lịch là trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà, cùng nhà nước tham gia khai thác dịch vụ du lịch và thương mại một cách hiệu quả. Với các hộ này, chính quyền địa phương đã xem đây là một trong các tiêu chí để bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa hằng năm.
Tại các diễn đàn hội nghị, hội thảo về du lịch diễn ra hằng năm, ngoài việc xúc tiến quảng bá để thu hút khách, Ban quản lý còn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ di tích, môi trường để các tour du lịch, các hãng lữ hành cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường văn hóa, văn minh đối với các tuyến - điểm tham quan du lịch, nhất là các điểm tâm linh như chùa chiền, hang động, các di tích văn hóa. Về phần mình, Ban quản lý kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác đá, chặt phá cây xanh, cơi nới, lấn chiếm đất đai trong khu di tích, viết vẽ bậy lên các hiện vật, các công trình văn hóa; nghiêm cấm các thành phần lợi dụng tôn giáo đến các hang động, nơi thờ tự trang nghiêm để hoạt động mê tín dị đoan và các hành vi tiêu cực khác.
Thành phố Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn luôn tạo mọi điều kiện để trùng tu, tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú trọng đến công tác giữ gìn cảnh quan, môi trường và những giá trị văn hóa phi vật thể hiện hữu. Lễ hội Quán Thế Âm hằng năm được tổ chức vào ngày 19-2 âm lịch được nâng cao cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút hàng vạn du khách, tín đồ đến chiêm bái, tham quan, trẩy hội. Trong năm 2013, Ngũ Hành Sơn dự kiến đón 560.000 lượt khách đến tham quan (khách nước ngoài hơn 150.000 lượt), tăng 30% so với năm 2012, trong đó có hơn 305.000 lượt khách sử dụng dịch vụ thang máy để tham quan Thủy Sơn.
Năm 2014, dự báo tình hình tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của suy thoái toàn cầu chậm khắc phục và thời tiết diễn biến phức tạp khó dự lường sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động dịch vụ du lịch của cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Với Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, thách thức trong năm mới sẽ là trách nhiệm của cả cộng đồng để cùng nhau giữ vững cái “danh” mà người xưa đã ưu ái tặng cho vùng đất tâm linh này, để nơi đây thật sự là điểm đến “An toàn - Văn minh - Thân thiện”.
LÊ QUANG TƯƠI