Khi trao đến tay người nhận, mỗi món quà đều được gói ghém cẩn thận. Bộ áo quần dù đã cũ thì cũng được giặt ủi phẳng phiu, ký gạo hay chai nước mắm cũng là những nhãn hàng có thương hiệu trên thị trường. Công tác từ thiện ngày càng được tổ chức một cách bài bản, mỗi chuyến đi, mỗi món quà đều được mỗi người nâng niu, trân trọng, chứa đựng tấm lòng yêu thương.
Em thiếu dép, các chị mua dép tặng em nè! TRONG ẢNH: CLB Nụ cười trẻ thơ tặng dép cho các em ở Bắc Trà My, Quảng Nam. (Ảnh do CLB cung cấp) |
Mấy ngày sau khi hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị bão, rồi lũ lụt tấn công, tất cả đoàn viên cơ quan Báo Đà Nẵng sau khi quyên góp áo quần, sách vở từ anh em, bạn bè đã xúm lại mỗi người một tay phân loại từng bộ áo quần, bỏ riêng đồ mùa đông và mùa hè vào từng chiếc túi nhỏ. Việc phân loại, chia từng bộ áo quần nghe có vẻ bình thường, nhưng người nhận sẽ thấy món quà ấy có thể dùng được, nó thiết thực cho từng người. Đem việc này kể với nhiều người mới biết bây giờ làm từ thiện, ai cũng chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Mấy
cô chú thuộc chi hội từ thiện chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn hôm vừa rồi chuẩn bị hàng cho chuyến xe đi cứu trợ ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, cũng bỏ ra mấy hôm ngồi phân loại từng thứ áo quần. Mỗi gói quà là áo quần tuy đã cũ nhưng sẽ có một bộ cho người đàn ông, một bộ cho phụ nữ và một bộ cho em bé. Hỏi thăm mấy tổ chức từ thiện do các bạn trẻ điều hành, mới biết việc phân loại đồ dùng hay gạo, mì, nước mắm các bạn mang đến các vùng khó đều là kết quả của một chuyến khảo sát trước đó. Thế mới hiểu công tác từ thiện ngày càng được tổ chức một cách bài bản, mỗi chuyến đi, mỗi món quà đều được mỗi người nâng niu, trân trọng vì nó chứa đựng tấm lòng yêu thương đồng loại, nhất là lúc khốn khó.
Ấm lòng người cho-người nhận
Chuẩn bị sinh con đầu lòng mà công việc từ thiện khiến bạn Đoàn Thị Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nụ cười trẻ thơ không thể nghỉ ngơi. Cách đây hơn nửa tháng, Hạnh cùng 3 thành viên trong nhóm đi xe máy lên Đại Lộc, Quảng Nam khảo sát tình hình thiệt hại của bà con vùng bị lũ. Được chính quyền địa phương giúp về danh sách bà con có nhà bị thiệt hại, các bạn còn phải đến từng nhà bị ảnh hưởng nặng để xem có đúng như khảo sát ban đầu không, khi về còn phải lên kế hoạch cần mua thứ gì trước khi đi trao quà chính thức. Sau chừng 10 ngày chuẩn bị, 100 suất quà dành cho bà con vùng lũ (một suất 500 nghìn đồng, 10kg gạo, 1 thùng mì gói) được nhóm Nụ cười trẻ thơ trao tận tay người dân.
Cũng nhờ những chuyến khảo sát mà món quà của các bạn trao luôn có ý nghĩa với người nhận. Tháng 12 năm ngoái, sau một lần đi khảo sát ở Bắc Trà My, Quảng Nam Mỹ Hạnh thấy các em nhỏ ở đây ngoài thiếu thốn áo quần, đôi dép các em đi cũng đôi sứt quai, đôi đứt mất nửa. Lần trở lên lại, Hạnh đã chuẩn bị sẵn cả chục đôi dép đủ cỡ cho các em, rồi áo quần, chăn bông, quyển sách cũ…tất cả trở nên có giá trị với những em bé nghèo, ở cách Đà Nẵng hàng trăm cây số. Hạnh bảo rằng, về các vùng quê nghèo để khảo sát cho đúng đối tượng, chứ thật ra ai mình cũng muốn giúp đỡ. Khó nhất với các bạn là khảo sát ở chính Đà Nẵng, khi chương trình Tết Nguyên đán vừa rồi, để trao tận tay món quà Tết cho 400 hộ nghèo, các bạn đã huy động cả những bạn sinh viên là thành viên không thường xuyên, để món quà đến tay đúng người khó.
Nhờ cách làm của Hạnh mà đến nay Nụ cười trẻ thơ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ những nhà hảo tâm lớn. Như sau chuyến ủng hộ vùng lũ vừa rồi, một mạnh thường quân đã tài trợ cho chuyến đi của Hạnh hôm rồi đã quyết định nhờ Hạnh tiếp tục khảo sát, để 100 suất quà tương tự đến tay người dân vùng lũ. Hay một nhà kinh doanh giấu mặt hiện ở Lào tháng nào cũng đều đặn gửi vào tài khoản của Hạnh một số tiền để các bạn tổ chức các chương trình từ thiện. Hay mấy cô, mấy chú thuộc chi hội từ thiện chùa Quán Thế Âm cũng vậy. Ai cũng đã và sắp bước vào tuổi 60, 70, trở trời còn nhờ cháu nội đấm lưng, thế mà vẫn tập trung lại để phân loại từng gói quà trong đó gồm áo quần, mì gói; theo xe ra tận Quảng Bình để phân phát quà.
Trở về sau chuyến đi ấy, cô Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng nói rằng, trong đoàn ai cũng có tuổi rồi, sau một đoạn đường dài còn đứng phát quà cho bà con đến nhận tập trung, rồi đến từng nhà bị thiệt hại nặng trao quà tận tay nữa, nhưng những chuyến đi ấy thực sự khiến người cho, người nhận đều vui, xua tan mệt mỏi. Có thể món quà không lớn, nhưng nó thiết thực vì trao đúng lúc bà con thiếu, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”…
HOÀNG NHUNG