.

Tinh hoa trên những đường may

.

Cũng chỉ là vải, là hoa văn, nhưng biến tấu trên đó để trở thành một chiếc áo dài thướt tha, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, thì với nhiều người, có lẽ chỉ có nghệ nhân Nguyễn Văn Hà của nhà may Văn Hà là làm trọn vẹn nhất. Đó là ghi nhận, là lời khen tặng của bao thế hệ khách hàng. Nhưng điều hạnh phúc nhất của ông Văn Hà là khi ông lui về trong vai trò là cố vấn cho các con, thì những tinh hoa ông truyền lại, các con của ông đã lĩnh hội đủ để tiếp tục thể hiện phần tinh tú đó trên từng chiếc áo.

Nghệ nhân Văn Hà đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, lui về làm cố vấn cho các con nhưng ông vẫn còn “say” và yêu nghề lắm. Ảnh: H.L
Nghệ nhân Văn Hà đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, lui về làm cố vấn cho các con nhưng ông vẫn còn “say” và yêu nghề lắm. Ảnh: H.L

Nghe ông nói về kỹ thuật đo, cắt may áo dài, mới biết ông vẫn còn “say” nghề lắm. Và hơn hết, nghề làm đẹp cho người phụ nữ qua trang phục hình như đã ngấm vào máu ông. Điều này cũng dễ hiểu vì theo nghề may từ năm 1957, ông chính thức mở tiệm ở Đà Nẵng năm 1960, gần sáu chục năm trong nghề, con mắt ông quá tinh tường để đo ni từng vóc dáng, biết phần nào trên cơ thể khách cần tôn thêm cho đẹp hơn, phần nào nên gia giảm để che cái chưa đẹp. Từng ngày qua, không biết bao nhiêu bộ áo dài, bộ Âu phục đã được ông cắt may cho khách hàng. Khách nhớ đến bàn tay tài hoa của ông. Còn ông thì cố công học kỹ thuật cắt may, mẫu mã của nhiều nước châu Á; ông nghiên cứu thêm các tài liệu về y khoa, về cơ thể người để biết đặc điểm từng đôi vai, tấm lưng… để sáng tạo nên những chiếc áo hợp dáng người mặc.

Ông Văn Hà tiết lộ: Ngoài yêu cầu kỹ thuật cắt chuẩn, tôi còn có bí quyết đo. Đó là khi cầm thước đo trên người khách, người thợ phải suy nghĩ về vóc dáng của họ để  bảo đảm khi cắt vải phải khéo léo. Vai của khách ngang hay xuôi, lưng cong hoặc thẳng… đều ảnh hưởng đến việc cắt vải. Nếu không chú ý thì khi may lên áo có thể thụng phía trước, cong phía sau. Mà đã cắt, may sai thì rất khó sửa cho đẹp bằng may mới. Hay chỉ riêng việc chít-banh thì chít-banh ở phần ngực như thế nào để khi mặc lên thấy đẹp… Những bí quyết ấy, ông truyền lại cho các con. Và trong số 9 người con đều theo nghề may của cha, có 3 người giỏi nghề nhất đứng làm chủ tiệm là chị Thu Huyền, anh Văn Hiếu và Văn Hoàng, đều cùng chung thương hiệu Văn Hà ngay tại địa bàn Đà Nẵng.

Nắm được kỹ thuật đo, cắt với áo dài là một quá trình, cần học hỏi từng ngày. Ông Văn Hà là người đau đáu với nghề may, như sinh ra là để làm đẹp cho đời, nên việc ông nắm vững kỹ thuật như một bí quyết, bộ áo ông thiết kế nhờ đó đã thực sự tôn được vẻ đẹp cho người mặc. Do đó áo dài của nhà may Văn Hà may ra bao giờ cũng vừa khít với dáng người mặc, nét đẹp của người phụ nữ có phần được tôn thêm, phần khiếm khuyết che bớt.

Năm 14 tuổi ông Văn Hà mồ côi cha. Cha ông mất trong một trận đánh Pháp ở vùng núi Phước Sơn. Ông theo mẹ về quê ngoại ở Triệu Phong, Quảng Trị. Hai năm sau thì vào Huế học nghề may. Ông bảo “hồi đó còn nhỏ, chẳng ai bày vẽ nhưng đã biết chọn một nghề để học, sau còn lập thân”. Có lẽ ý chí, lòng yêu nghề đã hun đúc trong ông trong những năm tháng khó nhọc đó. Nên khi trở về quê Đà Nẵng (quê cha ông ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), ông một tay gây dựng nên tiệm may Âu phục, rồi đến sau năm 1975 thì chuyển hẳn sang may áo dài. Ông thành công và thành danh cũng nhờ những bộ áo dài thướt tha đó.

Những kiểu áo dài của thương hiệu Văn Hà qua bao năm bao tháng vẫn mang một vẻ đẹp riêng có, nửa thực nửa hư, khi mặc lên mỗi người mỗi dáng, nhưng vừa khít, và tiện lợi cho từng người tùy vào nghề họ đang làm. Các con ông khi kế tục nghề của cha vẫn luôn nghĩ mỗi bộ áo dài không chỉ giúp khách hàng tự tin hơn vào hình thức; mà những hoa văn trên vải sẽ tạo thành từng cung bậc cảm xúc cho người mặc, giúp người phụ nữ thăng hoa trong một bộ trang phục phù hợp cũng là một cách làm đẹp cho đời.

77 tuổi, mái tóc bạc trắng, ánh nhìn ấm áp và đôn hậu - với người đời, chân dung ông Văn Hà thế là quá đẹp. 7 người con trai của ông còn cùng nhau lập nên đội bóng đá “Văn Hà”, tạo nên một sân chơi lành mạnh với rất nhiều cúp, bằng khen… Có lẽ với một người, bước qua tuổi cổ lai hy với nhiều điều mãn nguyện như ông là quá đủ, trọn vẹn với hai chữ: hạnh phúc.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.