.

Trao yêu thương, nhận yêu thương

.

Suốt gần một năm hoạt động, suất cơm trị giá 2.000 đồng của câu lạc bộ (CLB) Vì cuộc sống sẻ chia đã hỗ trợ hàng trăm bữa ăn cho những người làm nghề thợ hồ, xích lô, xe thồ, gánh hàng rong và cả sinh viên nghèo. Nhiều mạnh thường quân thấy chương trình có nhiều ý nghĩa, đã ủng hộ các bạn để nâng chương trình lên 3 lần/tháng/vào các ngày 15, 25 và 30 hằng tháng. Hộp cơm trị giá 15.000 đồng nhưng chỉ thu lại 2.000 đồng, hay những bát cháo miễn phí được phát hằng ngày tại bệnh viện đã giúp ấm lòng những người nghèo.

“Nồi cháo tình thương” được triển khai tại Mái ấm tình thương, số 18 Phan Tứ-quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.  Ảnh: H.L
“Nồi cháo tình thương” được triển khai tại Mái ấm tình thương, số 18 Phan Tứ-quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: H.L

Và qua 19 năm hoạt động, chương trình Nồi cháo tình thương đến nay đã có 92 nồi cháo được phát miễn phí ở khắp các bệnh viện (BV), mái ấm trong thành phố. Những người hằng ngày nấu cháo, mang cho người thiếu thốn hơn mình thấy ấm lòng hơn, bởi họ thấy được tấm lòng ghi nhận, sẻ chia từ người nhận. Đó là liều thuốc quý để các bạn trẻ ở các CLB đến các cô, các bà đến tuổi đổi màu tóc cần mẫn với việc mình làm…

Bà Lê Thị Mai (65 tuổi, ở Quảng Ngãi) khăn gói ra Bệnh viện Đà Nẵng chăm con gái ốm. Mấy ngày đầu, bà chỉ mua một hộp cơm rồi nhường con gái phần thức ăn, còn mình lấy ít canh chan với cơm trắng ăn tạm cho qua bữa. Có người mách ở tầng trệt có phát cháo từ thiện. Cầm cà mèn đi, bà Mai thấy hơi kì kì, bởi trước giờ dù nghèo khổ nhưng bà có đi xin ăn bao giờ. Đến nơi, cô bé múc cháo đón lấy cà mèn của bà và cho vào đó đầy cháo. Tối hôm ấy, bà khoe với chồng trong điện thoại: “Sáng nay mẹ con tôi đi xin cháo từ thiện để ăn. Từ thiện mà ngon hơn cả cháo bán ông ạ, bữa nay lỡ có kẹt tiền thì hai mẹ con cũng không sợ đói”.

Khi bà Mai vừa đi khuất, bạn Đỗ Thị Út Linh, thành viên CLB Hãy tìm nhau nói rằng, đây mới là nồi cháo thứ 4 của nhóm tại bệnh viện này. Khi nghe câu chuyện của bà Mai, Linh rất vui bởi câu chuyện là sự chia sẻ, trở thành liều thuốc kích thích mạnh mẽ nhất giúp các bạn tiếp tục duy trì nồi cháo thời gian đến. “Nhóm của Linh vừa lập một tài khoản trên facebook mang tên Nồi cháo tình thương để kêu gọi sự đồng hành của nhiều người. Hy vọng những tô cháo nóng sẽ đến tay người bệnh ngày một nhiều hơn, chất lượng hơn để sự cho-nhận thật sự có ý nghĩa”, Út Linh cho biết thêm.

Cách đây hơn 10 năm, tại khoa Nhi (BV Đà Nẵng), người ta đã thấy một bà lão tóc muối tiêu hằng ngày mang đến đây một nồi cháo nhỏ rồi cần mẫn phân phát cho mọi người. Có ai hỏi, bà chỉ trả lời mình tên Lê Thị Thọ, nhà ở phường Vĩnh Trung. Ban đầu nồi cháo chỉ có khoảng 50 suất/ngày. Hằng ngày thấy nhiều bà mẹ hớt hải bồng con chạy đến khi nồi đã hết cháo khiến bà Thọ nhiều đêm trăn trở và quyết định tăng lượng cháo lên 130 suất. Tiếng lành đồn xa, nồi cháo của bà nhận được sự hỗ trợ của một nhóm Việt kiều và tiếp tục phát triển ra 18 địa điểm khác tại hầu khắp các BV ở Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày bà và những người bạn đồng hành mang đến cho bệnh nhân nghèo khoảng 1.000 tô cháo nóng.

Nay đã ở tuổi 85, bà Lê Thị Thọ không còn đủ sức theo chân mọi người đi phát cháo như trước đây. Nhưng bà bảo, ngồi ở nhà bà vẫn có thể hình dung được công việc mọi người đang làm bởi hình ảnh này với bà đã rất quen thuộc. “Tôi vẫn nghĩ rằng một miếng khi đói bằng một gói khi no. Vì thế tôi vẫn thường nói với con cháu rằng, làm gì thì làm cũng phải xuất phát từ cái tâm. Cháo từ thiện nhưng phải ngon và khi trao tay mọi người phải ân cần, niềm nở để niềm vui, sự ấm áp đến với họ được trọn vẹn hơn”.

Người bệnh, dù bệnh gì cũng cần được yêu thương như nhau. Nghĩ thế nên từ năm 2006 đến nay, nhóm các cô Trần Thị Thương, Phạm Thị Điểu, Nguyễn Thị Sau (chi hội từ thiện chùa Tịnh Quang, Liên Chiểu) đã góp sức nhau nấu cháo phát cho bệnh nhân BV Lao Đà Nẵng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, 3 giờ sáng các cô bắt đầu bắc nồi cháo lên bếp, đến 5 giờ 30 chở vào BV phát cho bệnh nhân đến cỡ 7 giờ, khoảng 100 bát cháo như thế. Cô Thương bảo, được cái trời cho sức khỏe, mấy người khá giả thì cho tiền nên mấy năm gần đây các cô không thiếu kinh phí, chứ hồi đầu bỏ tiền túi là chủ yếu. Bữa nấu cháo, bữa nấu mì, mỗi tháng cô Thương tính công việc từ thiện của các cô tốn chừng 8 triệu. Suốt 9 năm qua, hơn 91 nghìn bát cháo đã đến tay bệnh nhân Lao. Chừng đó yêu thương được san sẻ, mới thấy “Nồi cháo tình thương” thực sự trở thành thương hiệu riêng của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng, được cộng đồng, xã hội ghi nhận, có sức lan tỏa đến nhiều tỉnh thành của miền Trung…

Giai đoạn 2011-2013, đã có  hơn 1,3 tỷ suất cháo, cơm, sữa, bánh mỳ các loại, trị giá 16,1 tỷ đồng thuộc “Nồi cháo tình thương” được triển khai. Trước đó, giai đoạn 2005-2010, toàn thành phố có 28 nồi cơm, cháo từ thiện phát ở các bệnh viện, phát hơn 1,13 tỷ bát cháo, cơm, trị giá trên 5,1 tỷ đồng. Có 22 tổ chức và cá nhân cùng hơn 100 tình nguyện viên hằng ngày mang đến cho các bệnh nhân những bát cháo nóng đầy lòng nhân ái, với mong ước giúp họ vượt qua khó khăn, bệnh tật, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Nguồn: Hội Từ thiện & Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng

HIỀN LƯƠNG - HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.