Nếu năm 1997, cả thành phố Đà Nẵng chỉ có 4 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và một số được đăng ký bảo vệ thì đến nay, đã kiểm kê được trên 300 di tích các loại, đã xếp hạng được 17 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp thành phố.
Giáo viên và học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) thắp nến tưởng niệm nghĩa sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: V.T.L |
Trước đây, khi còn là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, các di tích đặc biệt quan trọng nằm ở các huyện phía Nam của tỉnh đã được quan tâm đầu tư nghiên cứu xếp hạng, nhiều di tích thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng chưa được chú ý đúng mức. Cho đến khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chỉ có 4 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và một số được đăng ký bảo vệ. Dưới tác động của thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, nhất là qua hai cuộc chiến tranh quá ác liệt, phần lớn di sản văn hóa vật thể đều bị hư hại, mất mát, nhất là các di tích kiến trúc như đình, chùa, đền, miếu… ít có cái nào còn nguyên vẹn.
Ngay sau những ngày chia tách tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Nẵng (cũ) nay là Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo tiến hành điều tra, nghiên cứu, kiểm kê toàn bộ di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn các quận, huyện của thành phố. Cho đến nay đã kiểm kê được trên 300 di tích các loại, đã xếp hạng được 17 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp thành phố.
Ở lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ, Sở đã phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học Trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đi điền dã, điều tra khảo cổ học tại nhiều địa điểm ở bán đảo Sơn Trà, huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn… Qua tiến hành khai quật 2 di chỉ khảo cổ tại Nam Thổ Sơn và Vườn Đình Khuê Bắc ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết đây là 2 di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Tiền Chămpa. Năm 2012, Trung tâm Quản Lý Di sản văn hóa Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Viện Khảo học Việt Nam một lần nữa khảo sát và nghiên cứu các di tich Khảo cổ học trên địa bàn thành phố, qua đó đã phát hiện thêm nhiều tư liệu mới giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu lịch sử - văn hóa của địa phương.
Các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố ngày càng chú trọng đến công tác phục vụ tham quan, học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên. Một số di tích có giá trị lịch sử - văn hóa như Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Khu di tích K.20, Nghĩa trủng Hòa Vang, danh thắng Ngũ Hành Sơn… hằng năm đều có học sinh thuộc các trường tiểu học, trung học ở Đà Nẵng đến tham quan, học tập nhằm tìm hiểu về tinh thần đấu tranh cách mạng, tinh thần yêu nước của cha ông ngày xưa. Công tác thuyết minh tại các di tích ngày càng đi vào nền nếp, có phần chuyên sâu, phục vụ khách chu đáo, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách gần xa.
Nhằm phát huy tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng, mọi thành phần kinh tế xã hội cùng tham gia sáng tạo và phát triển sự nghiệp văn hóa, Nhà nước chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xã hội hóa là chuyển một phần công việc của nhà nước cho nhân dân, tổ chức tập thể làm, nhưng nhà nước không giảm nhẹ trách nhiệm.
Những năm qua Sở VH-TT&DL đã triển khai thực hiện chủ trương này ở lĩnh vực công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và gìn giữ di tích. Ở mỗi di tích, nhân dân đều cử ra các Ban hoặc Tổ quản lý di tích, có chức năng chăm lo gìn giữ di tích, nhờ đó mà hằng năm nhân dân bỏ ra hàng trăm triệu đồng để trùng tu tôn tạo di tích. Nhân dân thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, đóng góp 4 triệu đồng để tu sửa đình làng, xây trụ biểu, bình phong. Nhân dân các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đã đóng góp hơn 15 triệu đồng để tu sửa đình làng và tổ chức lễ hội. Nhân dân làng Đà Sơn (Hòa Khánh Nam) đã góp hơn 200 triệu đồng cùng với nhà nước xây dựng lại đình Đà Sơn…
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa ở Đà Nẵng tuy đã đạt những kết quả khả quan nhưng vẫn còn những bất cập. Quá trình đô thị hóa, xây dựng và mở rộng các khu dân cư, chỉnh trang đô thị, đã làm mất đi nhiều di tích có giá trị, và xâm lấn vành đai bảo vệ di tích, môi trường cảnh quan di tích đã và đang bị biến dạng. Nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hằng năm chống xuống cấp di tích có hạn, nên nhiều di tích chưa được đầu tư tôn tạo, chưa phát huy hết tác dụng di tích trong việc tham quan du lịch. Công tác quản lý di vật, cổ vật tuy được tăng cường, nhưng cũng chưa có cơ chế quản lý thích hợp.
Thêm vào đó, cán bộ làm công tác nghiên cứu di tích chưa phát huy hết khả năng chuyên môn nghiệp vụ, còn hạn chế về trình độ, nhất là ở các địa phương cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng còn thiếu. Hiện tại, cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến thông tin cổ động tuyên truyền, gia đình, kể cả công tác bảo tồn di tích. Do vậy mà việc gìn giữ, bảo vệ di tích còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (DSVH) đã ban hành và có hiệu lực; đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác bảo tồn và phát huy DSVH trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Thế nhưng, việc triển khai, tuyên truyền nhằm đưa Luật DSVH vào trong đời sống nhân dân ở một số địa phương vẫn chưa được chú trọng; vì thế, các địa phương, tổ dân phố, thôn xóm vẫn chưa hiểu và chưa có ý thức giữ gìn và phát huy tốt công tác bảo vệ DSVH. Đồng thời, cũng nên đưa Luật DSVH vào trong trường học phổ thông để học sinh sớm nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… của DSVH dân tộc, sớm có ý thức và không quên về cội nguồn dân tộc.
HỒ TẤN TUẤN