Tinh thần dũng cảm - điều này thì những chiến sĩ Cảnh sát biển, những người thực thi pháp luật trên biển, mới bước qua tuổi 30 có thừa.
Hoàn thành nhiệm vụ nơi đầu sóng Hoàng Sa cũng như khắp các vùng biển miền Trung, các anh đã thể hiện ý chí, bản lĩnh kiên cường trước mọi khó khăn gian khổ. Con số 165 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” đã nói lên điều đó.
Thuyền trưởng Lê Trung Thành (phải) và chính trị viên Hoàng Văn Thường của tàu CSB 4033, hai chiến sĩ nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” do Trung ương Đoàn trao tặng. Ảnh: H.L |
Cảm giác đầu tiên khi gặp Đại úy Lê Trung Thành, sinh năm 1983, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển (CSB) 4033 là sự rắn rỏi, già dặn hơn tuổi. Tốt nghiệp ngành Kỹ sư điều khiển tàu biển, Học viện Hải quân năm 2007, Thành được phân công về lực lượng CSB, đóng ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Đến tháng 8-2008, Thành được điều động về Vùng CSB 2.
Một năm sau, anh được bổ nhiệm chỉ huy tàu CSB 2013, là thuyền trưởng trẻ nhất binh chủng. Tháng 8-2013, anh sang làm thuyền trưởng tàu 4033 và có 128 ngày tham gia bảo vệ tàu khảo sát thăm dò dầu khí Bình Minh 02 trên biển. Vị thuyền trưởng trẻ đã chỉ huy tàu đi được gần 10.000 hải lý an toàn, phát hiện và xua đuổi được 6 tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Phần “lý lịch trích ngang” đó của Lê Trung Thành mới nói đến khả năng chỉ huy của người chiến sĩ CSB. Chính tư tưởng và ý thức phải hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao bất chấp hoàn cảnh khó khăn đến đâu đã đưa anh và các chiến sĩ tàu CSB 4033 dẫn đầu trong thời gian đảm nhiệm công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa tháng 5 vừa qua.
Thành bảo, tôi hiểu rằng chủ quyền của đất nước là thiêng liêng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền luôn được đặt lên hàng đầu, nên chúng tôi luôn sẵn sàng và chỉ suy nghĩ cách nào, làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang đó. Không có chỗ cho những lo lắng về nguy hiểm, càng không có khái niệm sợ.
Suốt cuộc hành trình 75 ngày đêm trên biển thực hiện nhiệm vụ, Thành có mặt thường xuyên trên cabin chỉ huy tàu. Đến bữa ăn, Thành bảo anh em ăn trước, lúc các vị trí trực trên tàu ổn định mới lo cho phần mình. Hết ca trực chỉ huy, Thành không về phòng thuyền trưởng mà mắc võng ngay cabin chỉ huy tranh thủ nghỉ, kịp thời chỉ huy khi có tình huống khẩn cấp.
Tàu CSB 4033, một trong những con tàu có mặt đầu tiên ở Hoàng Sa và là tàu đầu tiên bị tàu nước ngoài đâm hư hỏng nặng phải quay về bờ sửa chữa gấp mấy hôm lại quay trở ra thực địa cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Vị thuyền trưởng trẻ tuổi chỉ huy tàu CSB 4033 có 73 lần tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981, đối đầu gần 100 lần với tàu hải cảnh, quân sự nước ngoài, hung hăng cản phá, phun vòi rồng, sẵn sàng đâm va khi tàu CSB Việt Nam tiến vào khu vực giàn khoan mà nước ngoài hạ đặt trái phép trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thành là con út trong gia đình, trên có hai chị gái. Ngày đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, qua các phóng viên đi cùng tàu, Thành được biết mẹ mắc Bệnh ung thư vòm họng phải vào điều trị tại bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. Cũng qua những phóng viên, người mẹ nhắn nhủ với con trai: “Chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là thiêng liêng nhất, phải bảo vệ đến cùng. Tổ quốc đang cần, con hãy tự tin, khôn ngoan, dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Con hãy yên tâm, mẹ được chăm sóc, điều trị tốt”.
Thành bảo mình ứa nước mắt khi nghe tin mẹ bệnh, nhưng lời nhắn nhủ của mẹ tiếp thêm sức mạnh cho anh can trường hơn trên đầu sóng ngọn gió ở Biển Đông. Trong những ngày trên biển, Thành tổ chức giao lưu với 7 phóng viên nước ngoài, 3 phóng viên trong nước đang tác nghiệp trên tàu, xung quanh là hàng chục tàu nước ngoài bao quanh. Chủ đề của buổi giao lưu mang tên “Hát giữa biển Hoàng Sa” chính là tinh thần dũng cảm, kiên trì, khôn khéo mà những chiến sĩ CSB đã thể hiện.
Ngày 29-5-2014, tàu CSB 4033 quay về cảng Đà Nẵng sửa chữa, đang chờ lệnh quay lại Hoàng Sa, thuyền trưởng Lê Trung Thành được trao Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Cùng nhận huy hiệu cao quý này là thuyền trưởng Đàm Minh Khoa của tàu CSB 2012. Lúc này anh Khoa đang làm nhiệm vụ trên biển. Cách đây một tuần, tàu CSB 4033 được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.
Cùng nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc là tàu CSB 4032 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2. Chính trị viên tàu CSB 4032 Trần Quang Vững cho rằng, với chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển thì ở đâu cũng có khó khăn nhất định. Ở trên một con tàu, mỗi người mỗi quê, mỗi tính, phải là một khối thống nhất mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiểu hết những khó khăn của chiến sĩ khi anh em đều có gia đình ở quê, Vững đã liên lạc về đơn vị, nhờ các cấp chỉ huy thông báo tình hình cán bộ, chiến sĩ với từng gia đình, rồi truyền đạt lại những điều mà gia đình các anh nhắn gửi. Nhờ đó mà hơn hai tháng ở trên thực địa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ không hề xao động. Ai cũng hiểu nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc là trên hết. Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” mà Trần Quang Vững được trao tặng nói hộ tinh thần dũng cảm, kiên cường mà anh đã thể hiện.
Khi giới thiệu với chúng tôi Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên tàu CSB 2016, Chủ nhiệm chính trị BTL Vùng CSB 2 Lê Trọng Phổ bảo rằng, Trung ương Đoàn trao Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho những người như Huy là rất xứng đáng. Trong những ngày ở biển Hoàng Sa, khi tàu CSB 2016 bị tàu nước ngoài đâm thủng nhiều chỗ, phun vòi rồng vào ống khói. Khi ấy các chiến sĩ và phóng viên đang tác nghiệp trên tàu được lệnh vào cabin để tránh gặp nguy hiểm.
Nguyễn Quốc Huy đã một mình dũng cảm lao ra boong tàu, kiên trì bám trụ hơn 1 giờ đồng hồ trong tình cảnh hết sức nguy hiểm để ghi lại những hình ảnh, những thước phim sống động và chân thực nhất về thái độ hung hãn của tàu nước ngoài. Đó làm bằng chứng tố cáo Trung Quốc trước dư luận quốc tế. Ít người biết rằng, phía sau hành động dũng cảm của người chiến sĩ ấy là người vợ ở đất liền ngày đêm đang đối chọi với căn bệnh ung thư…
Chủ quyền của đất nước là thiêng liêng nhất, là bất khả xâm phạm. Hiểu điều đó nên những người nhận nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đất nước không ngại hy sinh, gian khổ. Trong mùa biển động này, các anh tiếp tục ra khơi bảo vệ vùng biển Tổ quốc, cứu giúp ngư dân, cứu nạn tàu cá, tàu vận tải trên biển. Những gì các anh thể hiện xứng đáng với huy hiệu trên ngực áo “Tuổi trẻ dũng cảm”!
HIỀN LƯƠNG