.

Lãng quên bả trạo

.

Những buổi chiều vàng nắng hay những đêm trăng mênh mông, vằng vặc, trẻ em vùng biển lại háo hức tập trung trên bãi cát phẳng lặng để ngắm nhìn và lắng nghe các bậc cao niên tập hát, múa bả trạo cho những ngư dân trẻ có chất giọng đặc biệt, được tuyển chọn kỹ lưỡng.

Hát bả trạo tại Lễ hội Cầu ngư tổ chức tại quận Thanh Khê 2014. Ảnh: M.T
Hát bả trạo tại Lễ hội Cầu ngư tổ chức tại quận Thanh Khê 2014. Ảnh: M.T

Hát bả trạo trở thành niềm vinh dự không chỉ của cá nhân được lựa chọn mà còn cả gia đình, dòng tộc, là niềm mơ ước, ngưỡng vọng của hầu hết trẻ con trong vùng ngày ấy.

Tắt dần tiếng hát cầu an

Tiếng hát khoáng đạt, điệu múa khỏe khoắn của những nghệ sĩ vạn chài không chỉ kết nối cộng đồng mà còn hình thành và nuôi dưỡng niềm tin tâm linh, giúp ngư dân chắc tay chèo đưa thuyền lướt sóng ra khơi.

Hằng năm, sau 3 ngày Tết âm lịch, cư dân ven biển thường tổ chức Lễ hội Cầu ngư, trong đó có hát bả trạo – linh hồn của lễ tế. Là một loại hình nghệ thuật dân gian có truyền thống lâu đời, hát bả trạo còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò đưa linh… Hát bả trạo đi kèm các động tác múa, “bả” có nghĩa là nắm chắc, “trạo” có nghĩa là mái chèo. Hát bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư là cách để ngư dân – những người có cuộc sống, sinh mạng gắn liền với mênh mang sóng nước – cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, cá đầy khoang, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Với ý nghĩa này, hát bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ngư dân.

Theo nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam, nhạc sĩ Trần Hồng thì thông qua nội dung và ngôn ngữ của bài hát, người nghe sẽ cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu cuộc sống và nguyện vọng của người dân vùng sông nước trước cảnh đẹp của thiên nhiên, sự trù phú của biển cả. Bài hát bả trạo của từng vùng được xây dựng đúng làn điệu cho từng tình tiết, phổ lời vần với ca dao, thơ lục bát, luôn thấm đẫm chất thơ dân gian.

Lời ca của bả trạo là bức tranh trác tuyệt, hoàn hảo bởi nó kết tinh sự lãng mạn, thăng hoa của những nghệ sĩ ngư dân trước cái đẹp nhưng không kém phần huyền bí, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi. “Hàm lượng văn hóa trong các câu hát bả trạo luôn thăm thẳm và là kho báu vô giá cho thế hệ mai sau”, ông Trần Hồng khẳng định.

Hát bả trạo là linh hồn của Lễ Cầu ngư. Thế nhưng, nhiều năm nay, ngư dân làng chài ven biển Đà Nẵng đều phải thuê đội hát từ Quảng Nam, bất chấp thực tế, bài hát bả trạo được thể hiện bởi người dân xứ khác không thể hay, mượt mà và nguyên bản như bài hát quê mình.

Theo bô lão Trần Văn Lự (75 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết đình làng Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thì Lễ Cầu ngư và hát bả trạo vốn là truyền thống suốt 500 năm nay của ngư dân phường. Ký ức đẹp nhất về tuổi thơ của ông là những buổi chiều vàng nắng hay những đêm trăng mênh mông, vằng vặc, ông và bạn bè cùng lứa lại háo hức tập trung trên bãi cát phẳng lặng để ngắm nhìn và lắng nghe các bậc cao niên tập hát, múa bả trạo cho những ngư dân trẻ có chất giọng đặc biệt, được tuyển chọn kỹ lưỡng. Hát bả trạo vì thế mà trở thành niềm vinh dự không chỉ của cá nhân được lựa chọn mà còn cả gia đình, dòng tộc, là niềm mơ ước, ngưỡng vọng của hầu hết trẻ con trong vùng ngày ấy.

Thế nhưng, khi cuộc sống phát triển, cổng làng chỉ còn là hình ảnh của quá khứ, cơ hội làm việc không còn gắn liền với sóng nước, các loại hình giải trí ngày càng đa dạng thì tiếng hát bả trạo giữa lồng lộng gió thổi càng yếu ớt. Để rồi giờ đây, phường Thọ Quang không còn ai có thể nhớ và kể huyền thoại làng biển qua lời ca tiếng hát. Phường chấp nhận đi thuê người hát bả trạo từ Quảng Nam để buổi Lễ Cầu ngư hằng năm được trọn vẹn.

Tuy nhiên, với các bậc bô lão trong vùng thì đây cũng chỉ là sự trọn vẹn giả tạo bởi mỗi vùng đất gắn liền với một bài hát bả trạo riêng, với cách kết hợp giữa hát và nói riêng, giữa kho tàng ngôn ngữ Hán, Nôm đa dạng và nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống hay các làn điệu dân ca riêng… Sự khác biệt này khiến người Quảng Nam không thể thể hiện trọn vẹn cái hồn của lời ca, tiếng hát lẫn thần thái vốn có trong từng điệu múa gắn liền bài hát bả trạo phường Thọ Quang. Lễ Cầu ngư vì thế cũng mất đi ý nghĩa linh thiêng vốn có.

Lễ hội Cầu ngư hằng năm được tổ chức trang trọng, nghiêm cẩn tại 3 phường gắn với nghề biển của quận Thanh Khê: Xuân Hà, Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây. Tuy nhiên, do không có đội ngũ kế thừa, việc thực hiện nghi lễ quan trọng nhất của Lễ hội Cầu ngư – hát bả trạo – vẫn phải nhờ đến các nghệ nhân đến từ Hội An, Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

Các bậc bô lão trong vùng chỉ có thể kiểm duyệt nội dung lời hát, điệu múa cho phù hợp với hồn xứ đất, không quá xa rời tục lệ của địa phương và hy vọng mong manh: “Lớp trẻ hôm nay nhớ, thẩm thấu và tự rút kinh nghiệm qua mỗi lần chỉnh sửa để tiếp tục việc thẩm định trong tương lai, khi những bậc cao niên đều đã về với đất”, ông Lê Văn Lễ (70 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết.

“Ta chết đi rồi thì còn  ai hát?”…

Phần lớn người am hiểu hát bả trạo ở Quảng Nam - Đà Nẵng đều biết ông Phạm Văn Đủ (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) - người gần 30 năm gắn bó với tiếng nhạc, lời ca bả trạo. Ông năm nay 60 tuổi, làn da bánh mật ngăm đen, giọng nói bản năng luôn ở âm vực cao như át đi tiếng gió, tiếng sóng và luôn thường trực một nỗi lo: “Ta chết đi rồi thì còn ai hát bả trạo?”.

Để giải tỏa nỗi lo lắng này, ông đi đâu, làm gì cũng để tâm lắng nghe xem giọng nói, tiếng hát của người dân trong vùng, ngoài vùng, ai có chất giọng phù hợp với bả trạo. May mắn tìm ra người có giọng hát hay, ông lại kiên trì thuyết phục để… được truyền nghề miễn phí, thế nhưng, lớp trẻ không ai mặn mà với loại hình hát “Phải mặc những bộ đồ sặc sỡ như diễn viên tuồng, mỗi năm chỉ biểu diễn một lần nhưng muốn học phải mất đến 6 tháng…” này.

Hát bả trạo đòi hỏi người theo đuổi phải dạn dĩ, tâm huyết, khổ công để thuộc lòng nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát (thường kéo dài đến 3 giờ đồng hồ). Bởi, đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, linh thiêng, không chấp nhận sai sót. Tốn nhiều công sức và thời gian luyện tập, hát bả trạo lại không thể làm giàu cho người theo đuổi, thậm chí còn khiến gánh lo cơm áo thêm nặng nề. Vì những khó khăn này, trong suốt thời gian qua, ông Đủ chỉ mới đào tạo được 2 người hát bả trạo.

Một người năm nay 52 tuổi và người còn lại là con trai ông – anh Phạm Văn Kim, 38 tuổi. Theo ông, hai giọng hát này không quá hay để theo đuổi câu hát bả trạo, tuy nhiên, “Khi không còn ai đam mê thì lựa chọn này vẫn là phương án tối ưu”.

Đội hát bả trạo của ông Đủ có tuổi đời gần 300 năm, do ông cố nội hình thành và truyền lại qua 4 đời. Đến nay, đội hiện có 15 người, trong đó 3 người hát chính, những người còn lại là bạn chèo. Tổng mũi - ông Đủ - giữ vai trò hàng đầu trong đội hát bả trạo. Ông biểu diễn thành thục các thể loại ca hát dân gian như ngâm, lý, phú, hò…

Bạn chèo làm động tác chèo thuyền theo lời hát, điệu múa của tổng mũi, tất cả nhịp nhàng và đồng bộ như thể đang cùng con thuyền lướt sóng trên biển khơi. Để chuẩn bị cho một lần hát bả trạo đậm chất truyền thống, đội của ông Đủ phải đầu tư nhiều tâm sức và tiền bạc dàn dựng, tập luyện. Do vậy, đội hát đôi khi chấp nhận hát cho những đám ma gần xa để trang trải kinh phí, đầu tư trang phục, trà nước cho toàn đội, chứ không nhận hát cho những nơi trả kinh phí chưa tương xứng.

Lý giải cho sự tàn lụi của loại hình di sản phi vật thể này, ông Đủ cho rằng, hát bả trạo xuất phát từ đời sống của ngư dân, mô phỏng cuộc sống qua lời ca, tiếng nhạc. Do đó người nghệ sĩ của biển – người hát bả trạo - phải đồng thời là ngư dân dãi dầu mưa nắng, bám biển, hiểu từng con gió, thấu từng ngọn sóng. Điều này mới giúp niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển được gửi gắm linh thiêng và thể hiện trọn vẹn qua lời hát bả trạo. Thế nhưng, nghề đi biển hiện nay không còn như trước, ngư dân thường đóng tàu và thuê bạn đi biển chứ không trực tiếp ra khơi, thế hệ trẻ không tiếp nối truyền thống của cha ông nên không hiểu hết được giá trị văn hóa - âm nhạc đích thực trong làn điệu bả trạo.

Có lẽ, chỉ khi sống nhờ vào biển, gắn bó với biển, đối mặt với tiếng gầm của sóng, tiếng gió rít trong đêm lạnh, giữa không gian bao la của biển thì mới cảm nhận hết và trân trọng ý nghĩa của sự khoáng đạt mà gần gũi, linh thiêng mà sôi nổi của văn hóa dân gian hát bả trạo.

Ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho rằng, để bảo tồn và phát huy loại hình diễn xướng dân gian truyền thống, độc đáo này của cộng đồng dân cư vùng biển cần phải có nguồn nhân lực tâm huyết, am hiểu văn hóa để nghiên cứu sâu, tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩn trong ngôn ngữ của hát bả trạo. Bên cạnh đó, sự đầu tư kinh phí và công sức trong việc sưu tầm, ghi chép, lưu trữ có tính khoa học những bài hát bả trạo cũng là việc làm không thể thiếu.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.