Tục khai bút đầu xuân, sách 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam viết: Đầu xuân, những người có học thường khai bút đón mừng năm mới.
Ông đồ trẻ Nguyễn Hữu Pháp trong một lần cho chữ. Ảnh: T.Y |
Họ quan niệm, khai bút đầu xuân sẽ nhận được mọi điều tốt lành, nhất là trong việc học hành, thi cử. Ngày nay tục khai bút tuy không còn phổ biến, cầu kỳ về nghi lễ nhưng vẫn được lưu giữ và duy trì trong các sự kiện lễ hội đầu năm.
Thông thường, người ta chọn ngày giờ tốt để khai bút. Đối với những bậc danh sĩ thường khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu xuân bày tỏ nguyện vọng hay ý chí của mình. Những bài thơ khai bút này được viết lên giấy hồng điều hoặc trên giấy hoa tiên (giấy có vẽ hoa). Viết xong, danh sĩ treo bài thơ lên tường để thưởng xuân.
Ngoài ra với những người có chức vụ lớn như tổng đốc, tuần phủ, tri phủ, tri huyện... còn có lệ khai ấn và khai triện vào ngày khai hạ (mồng 7-1 âm lịch); các quan võ có tục khai kiếm, người ta lấy gươm chọc huyết trâu, bò hay cắt tiết lợn, gà, vịt… dùng cho tế lễ. Với những người dân thường, tùy theo nghề nghiệp của mình, họ làm lễ khai trương cửa hàng hoặc làm lễ cúng các vị tổ của mỗi nghề (gọi là lễ cúng Tiên Sư). Lễ này thường được cúng vào ngày 9-1 âm lịch.
Chữ lành chúc phúc
Ngày thơ bé, tôi được thầy giáo dạy rằng, sau giờ giao thừa nên ngồi vào bàn học bài, ghi vài câu ca dao, tục ngữ mình yêu thích hoặc viết những dòng yêu thương dành tặng đấng sinh thành. Thầy nói việc làm đó không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn giúp chuyện học cả năm của chúng tôi hanh thông, gặp nhiều thuận lợi. Thuở đó, chỉ cần nghe thầy nói ngồi vào bàn học sau giao thừa sẽ giúp mỗi đứa học giỏi là chúng tôi răm rắp làm theo mà không hề thắc mắc vì sao lại thế.
Lớn lên chút nữa, trong câu chuyện hàn huyên đầu năm với thầy giáo cũ, ông mới “bật mí” rằng đó là cách dạy chúng tôi thói quen “khai bút đầu xuân”, một nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Bao năm qua thầy vẫn tin khai bút là khai trí, khai tâm, là chữ lành chúc phúc cho một năm mới gặp vạn điều bình an, may mắn.
Tục khai bút đầu xuân xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, khi thầy giáo Chu Văn An về huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương mở lớp dạy học. Sau thời gian gắn bó, tình cảm thầy trò như cha con nên mỗi dịp Tết, trò đến nhà thăm đều được thầy tự tay viết tặng một chữ mang về với mong muốn học trò đề cao sự học, cố gắng thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới. Về sau, các tao nhân mặc khách thường mặc áo dài khăn đóng, mực mài nghiên, bút sắp sẵn, trịnh trọng xông trầm, đốt nến, rồi “hoa tay thảo nét” trên những vuông giấy hoa tiên trong không gian yên tĩnh, thiêng liêng. Xong đâu đó, họ treo bức tranh chữ “khai bút” đó lên tường, ở nơi trang trọng nhất.
Qua thời gian, tục khai bút tinh giãn bớt những thủ tục lễ nghi để gần hơn với nhịp sống đương đại. Đơn cử với ông đồ sẽ khai bút bằng cách thảo chữ trên mực tàu giấy đỏ, người họa sĩ họa một bức hình, người làm việc liên quan đến chữ nghĩa thể hiện qua dòng viết (trên giấy hoặc trên máy tính) trong thời khắc đầu tiên của năm mới. Còn đối với học trò như chúng tôi ngày ấy có thể là ngồi vào bàn làm một bài toán, bài văn “dễ nuốt” để không “bỏ bút giữa chừng” mà ảnh hưởng đến kết quả học hành sau đó. Ngày nay, trong sự kết nối không giới hạn, giới trẻ thường chọn cách viết nhật ký hoặc chia sẻ vài dòng yêu thương dành cho gia đình, bạn bè trên mạng xã hội sau thời khắc giao thừa.
Là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc nên tục khai bút đầu xuân thường được nhắc đến trong nhiều bài thơ của người xưa. Ví như nhà thơ Tú Xương lúc sinh thời từng viết “Huống thân danh đã đỗ tú tài/Ngày Tết đến cũng phải thở một hai câu đối” hay như tác giả Cao Nguyên từng miêu tả cái phong thái tĩnh tại, an nhiên của tục khai bút đầu xuân rằng “Mồng Một mang chữ xuất hành/Tung lên vất xuống đã thành nhịp thơ”. Dường như, trong tâm thức người Việt, nếu ngày đầu năm viết chữ mà bút hư hoặc bút hết mực là điều tối kỵ. Ngược lại, đầu năm viết chữ đẹp, thơ viết nhanh “tung lên vứt xuống đã thành nhịp thơ” như lời Cao Nguyên sẽ hứa hẹn một năm sáng tác suôn sẻ, mọi sự hanh thông.
Mang ý niệm tâm linh
Hầu như không có nguồn sách nào lý giải vì sao tục khai bút đầu xuân một thời được giới trí thức, nho gia sùng bái và nhất nhất thực hiện sau thời khắc giao thừa với hy vọng một năm mới thành công, gặp nhiều may mắn. Theo nhà thơ Thanh Quế, phong tục khai bút là đề cao sự học. Với giới văn nghệ sĩ, một nét bút đầu năm tượng trưng cho sự khởi đầu sự viết trong năm đó.
Điều đáng nói, khai bút, theo quan niệm xưa, là “hạ thủ bất hoàn”, như chơi cờ tướng, đặt quân cờ/hạ bút xuống như thế nào thì để nguyên thế đó, không chỉnh sửa mới đúng thần hồn của nó. Ngày nay tục lệ khai bút không còn phổ biến, tuy nhiên bằng cách này hay cách kia, nó vẫn “sống” trong lòng người dân Việt.
Có thể nói rằng, tục khai bút trước đây chỉ có thầy đồ, học sĩ biết chữ thực hiện theo một lễ nghi quy định sẵn. Nay theo thời gian, khai bút đã “biến tấu” phù hợp hơn với mọi giới, mọi ngành nghề trong xã hội. Theo đó, đầu năm mới “sĩ” khai bút, “thương” khai trương, “nông” khai canh còn “quan” thì khai ấn để cầu may.
Học giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” có viết: “Mồng 2 Tết nguyên đán, những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng. Kẻ sĩ thì thường làm lễ khai bút”. Điều đó cũng cho thấy, tục khai bút không nhất thiết diễn ra ngay sau thời khắc giao thừa mà có thể kéo dài trong mấy ngày Tết, những ai không biết chữ thường chọn cách đi “xin chữ”, nhờ ông đồ “khai bút hộ” chủ yếu cầu tài lộc, bình yên cho bản thân và người thân trong gia đình.
Chia sẻ về phong trào cho chữ trong dịp Tết nguyên đán, ông đồ Nguyễn Hữu Pháp, Chủ nhiệm CLB Thư pháp trẻ Đà Nẵng cho biết những năm gần đây, mỗi khi Tết đến xuân về, thành viên CLB thường tổ chức những buổi cho chữ tại bờ Tây sông Hàn hoặc ở các chương trình lễ hội tại Công viên 29-3, qua đó nêu cao truyền thống “khai bút” của dân tộc, khơi dậy nét đẹp văn hóa trong lòng người dân, đặc biệt là trong giới trẻ. Mỗi dịp như thế, CLB Thư pháp trẻ chia sẻ hàng trăm bức thư pháp với những từ đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa như “nhẫn”, “bình an”, “hưng thịnh”, “tài lộc”… với niềm tin tâm linh rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn trong năm mới.
Tuy không thuộc hàng nghi lễ bắt buộc phải có trong ngày Tết cổ truyền, nhưng từ khi ra đời đến nay, tục khai bút vẫn được giới trí thức coi trọng, gìn giữ. Trong tiết trời giao hòa, vạn vật đâm chồi nẩy lộc, những người hay chữ chọn cách viết lên điều gì đó tốt đẹp cho mình và cho cả mọi người.
TIỂU YẾN