.

Tết với mọi nhà

.

Dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ, chuẩn bị những món ăn truyền thống đầy ăm ắp nơi góc bếp, chăm sóc những cây mai để có được sắc vàng rực rỡ, gia đình quây quần, sẵn sàng để đón thời khắc trái đất quay về đúng thời điểm người người mong chờ… là những nét đặc trưng của ngày Tết vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay, tạo nên nét riêng cho ngày Tết Việt.

Dịp Tết chính là dịp để người thân sum họp sau một năm xa cách, để gìn giữ, phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc. (Ảnh Internet)
Dịp Tết chính là dịp để người thân sum họp sau một năm xa cách, để gìn giữ, phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc. (Ảnh Internet)

Với ý nghĩa “Nguyên” là bắt đầu, sơ khai, “Đán” là buổi ban mai. Nguyên đán là khởi đầu năm mới nên hầu hết các gia đình Việt đều bắt đầu sắm sửa, quét dọn, mua hoa, trang trí nhà cửa... thật chu đáo cho ngày Tết từ trước đó một vài tuần cho tới ngày tận cuối của năm cũ. Những chiếc lư đồng quanh năm bám bụi giờ đây được gột rửa sạch sẽ, bàn thờ gia tiên được lau dọn tinh tươm, bát hương với những vụn tàn màu xám tro được thay cát trắng khô tơi, trắng ngần, chân hương được thay mới từ bữa cơm cúng rước ông bà.

Những bộ ly chén, bát đựng hạt dưa bằng thủy tinh quanh năm nằm im lìm trong tủ chén nay được đánh thức và tắm táp trong dung dịch nước nóng vắt cốt chanh. Để rồi, tất cả đều tươm tất, sáng bóng như mới. Những công việc không tên này ngốn không ít thời gian khiến nhiều người chọn các dịch vụ dọn dẹp để làm thay mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người tự tay mình lau dọn nhà cửa chỉ để cảm xúc về Tết được trọn vẹn, tròn đầy hơn.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, chủ tiệm Yến Vàng (đường Ông Ích Khiêm) thì những ngày giáp Tết, trong không khí xuân tràn về phố phường, các chậu cúc vàng rực, thược dược rực rỡ khoe vẻ đẹp phô phang trong nắng ấm, những cung đường xanh mướt hoa lá xôn xao thì nhà nhà dọn dẹp, mở cửa như mở lòng, ai ai cũng hòa nhã, vui vẻ, xóm làng, phố phường tưng bừng với mùi xi-măng, vôi vữa thơm nồng… chính là những giây phút đẹp nhất trong một năm.

Theo tục lệ của người Việt, trong ngày đầu năm, tuyệt đối không động đến cây chổi, không được quét dọn. Bởi, theo quan niệm truyền thống, quét dọn nhà cửa trong ngày này đồng nghĩa với việc quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà, gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài cũng sẽ đi mất.

Tuy nhiên, nhiều gia đình tránh quét dọn nhà cửa trong ngày đầu năm không chỉ vì ý nghĩa kiêng kỵ thông thường này mà còn bởi không nỡ chạm đến những cánh mai vàng mỏng mảnh, rơi rải rác trên nền gạch sáng bóng. Hơn nữa, cánh mai – biểu tượng của Tết đến xuân về, dấu hiệu báo tài lộc một khi đã được quét đi, vén nằm gọn ghẽ nơi góc sân, chung số phận với vỏ hạt dưa và các loại rác rến khác cũng sẽ tạo cảm giác bi quan, chán chường bởi cảm giác Tết đã trôi qua.

Với hầu hết các gia đình Việt, việc rước tổ tiên về ăn Tết, cháu con tề tựu đầy đủ trong bữa cơm sum họp cuối năm là sự kiện quan trọng nhất của một năm. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết” nên Tết đến, dù nghèo khó đến đâu, dù làm ăn phương nào thì người ta cũng cố xoay xở, bươn chải quay về để có được bữa cơm tươm tất, ấm cúng, để được hít hà không khí xuân thơm dìu dịu mùi hương tỏa ra từ bàn thờ gia tiên, để được rộn rã tiếng cười bên người thân.

Hầu hết các món ăn đều gọi tên Tết như: bánh chưng xanh ngọc óng ánh, củ kiệu trắng ngần có vị chua ngọt hòa lẫn với cái nồng nàn hăng hắc giúp nâng đỡ vị béo ngậy của đĩa thịt kho trứng sóng sánh màu hổ phách, những cọng dưa cải chua chấm với nước mắm rin rắc ớt giúp nem, chả, giò càng thêm tròn vị… Dường như, Tết thực sự bắt đầu từ đây.

Sáng mồng Một, rất nhiều gia đình vẫn còn ngại ngần không dám trở thành người đầu tiên “xông đất” nhà ai đó. Dù, ngày xuân đếm “chẳng tày gang, nhưng cả buổi sáng mồng Một, trừ những người đi thắp hương nơi yên nghỉ của người thân hoặc đi lễ chùa, còn lại rất nhiều người cứ loanh quanh trước ngõ, không dám qua cả nhà hàng xóm.

Cũng vì cái tục này, trên mạng cũng đầy ắp thông tin chọn người xông đất tốt năm Ất Mùi 2015, chỉ cần gõ ngày tháng năm sinh theo dương lịch, lập tức sẽ cho kết quả ngày tháng năm sinh theo lịch âm và một loạt người mang tuổi nọ, tuổi kia xông đất hợp với gia chủ. Chị H.T, ở đường An Cư 7,  phường An Hải Bắc nói vui, đầu năm, bản thân chị cũng hay ngóng xem mình sẽ pha ly nước trà, hay rót ly rượu nhỏ mời ai thăm Tết đầu năm, nhưng bước qua năm mới, có mấy khi nhớ được năm vừa rồi ai đã chạm bước chân đầu tiên vào cửa nhà mình.

Nhìn khói hương bảng lảng bay, kéo thành từng sợi mỏng rồi tan trong thời khắc trời đất giao hòa lúc chuyển sang năm mới, một người bạn nói với tôi rằng, trong đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới, thích nhất là được đọc báo Tết, báo không nặng nề về những thông tin kinh tế, chính trị, ngoại giao mà chỉ để đắm chìm trong ký ức về Tết xưa cũ được bày trên trang báo.

Không văn chương cầu kỳ, không trau chuốt hoa mỹ mà chân thành, mộc mạc về những cái Tết nghèo, hoài niệm về tiếng pháo và mùi diêm sinh giúp bạn nhận ra rằng, giá trị của cuộc đời dường như không nằm ở những thành công, chức vị, giàu sang có được mà nằm ở những cái Tết sum họp đầm ấm bên gia đình, quây quần cùng người thân.

Tất cả những phong tục, thậm chí cả những điều kiêng kỵ đều như góp phần giúp khoảnh khắc Giao thừa và Tết cổ truyền của người Việt thêm trầm lắng, sâu sắc, có giá trị văn hóa thiêng liêng. Vì lý do này mà khi có ý kiến nên tổ chức Tết cổ truyền theo dương lịch, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan từng phản đối kịch liệt. Bởi, Tết Nguyên Đán đã ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt Nam.

Dịp Tết chính là dịp để người thân sum họp sau một năm xa cách. Dịp Tết là dịp để gìn giữ, phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc. Chính vì điều này mà, “Tết Dương lịch chỉ là “món ăn thêm”, còn Tết Âm lịch mới chính là máu thịt, đi vào hồn cốt của người dân Việt”.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.