.

Thầy thuốc và bệnh nhân

.

Trên trái đất này, dù ở tận bên trời Tây xa xôi hay ở ngay bên cạnh chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, thầy thuốc và bệnh nhân như là một “cặp đôi hoàn hảo”.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng đang khám bệnh cho bệnh nhân vừa nhập viện do ngã xe máy. Ảnh: M.T
Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng đang khám bệnh cho bệnh nhân vừa nhập viện do ngã xe máy. Ảnh: M.T

Đối tượng này là điều kiện cần và đủ cho đối tượng kia trong cuộc đồng hành giữa chốn nhân gian. Bất cứ ngóc ngách nào của hành tinh xanh này, thầy thuốc tốt luôn luôn là người đáp ứng được sự mong muốn của bệnh nhân và người nhà của họ. Về phía bệnh nhân và người nhà cũng phải hiểu và chia sẻ với những nỗ lực của thầy thuốc về những điều ngoài tầm kiểm soát của chuyên môn.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân chưa bao giờ là mối quan hệ đơn giản cho dù ở ta hay bên Tây. Bao nhiêu bút giấy và những vần đề liên quan xen giữa cặp đôi này với đầy đủ những cung bậc của sự buồn vui, vinh quang và cay đắng…

Cuộc sống phong phú và bộn bề lo toan, ở đó, mỗi người đều có một góc nhìn, một sự chiêm nghiệm riêng về mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân về những điều tốt đẹp và cả những điều chưa tốt đẹp. Âu đó cũng là chuyện khó tránh như một thân cây thẳng vẫn cứ khuất lấp đâu đó những cái mắt gây khó chịu, không vừa ý. Điều quan trọng là biết cách làm sao tạo ra những mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn giống như người ta sử dụng thân cây chưa hẳn đã vừa ý để làm nên một sản phẩm hài lòng cho mọi người.

Tùy phong tục, tập quán, văn hóa và điều kiện sống của mỗi dân tộc mà biểu hiện của mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân cũng có những điểm khiến ta phải chạnh lòng suy nghĩ. Nhờ sự may mắn như là một giấc mơ mà tôi có dịp viếng thăm vài bệnh viện tận bên kia nửa vòng trái đất, ở xứ sở cờ hoa của Nữ thần Tự do. Không biết có phải nhờ đời sống cao mà người dân ít mắc bệnh hay họ có quá nhiều bệnh viện và nhiều bác sĩ hoặc một cơ chế làm việc linh hoạt nào đó mà buổi khám bệnh tại các phòng khám thường ít bệnh nhân. Nhờ vậy, thời gian mà thầy thuốc dành cho một bệnh nhân khá lớn đủ để có thể trao đổi nhiều vấn đề, tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Tôi có dịp ôm hồ sơ bệnh án đi thăm bệnh với giáo sư, bác sĩ Thạch Nguyễn - một chuyên gia tim mạch tầm cỡ thế giới hiện nay. Ông khám bệnh và trò chuyện với bệnh nhân rất lâu, không chỉ “gói gọn” trong chuyên môn mà nhiều vấn đề khác xoay quanh cuộc sống đời thường và các lĩnh vực như thể thao, âm nhạc, văn học, nghệ thuật…, nếu những vấn đề này là hoạt động hay mối quan tâm của bệnh nhân. Tất cả những trải lòng như là một sự chia sẻ và cảm thông giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Điều này đòi hỏi những kiến thức rộng rãi nằm ngoài lĩnh vực y học mà không phải ai cũng có được.

Tôi thật sự ấn tượng và nhớ mãi hình ảnh bệnh nhân tên Angela R. sinh năm 1927. Vóc dáng nhỏ thó, gầy gò, bà mắc các bệnh hen phế quản và suy tim, nằm gần như bẹp dí trên chiếc giường cấp cứu rộng quá khổ so với con người. Dây thở oxy, dây truyền dịch và những thiết bị theo dõi khác gắn đầy người. Ấy vậy mà khi chúng tôi bước vào, bà vội chồm lên như muốn chào hỏi và gắng sức nở một nụ cười dù là héo hắt. Phải chăng đây là lịch sự mà người ta vốn quen nói là “lịch sự kiểu Tây”! Giáo sư Thạch Nguyễn nói với tôi rằng ở đây, bệnh nhân rất tin tưởng vào thầy thuốc, nếu không tin tưởng họ sẽ đi nơi khác, đơn giản vậy thôi!

Phòng bệnh chỉ có một giường với một bệnh nhân. Hình như, mỗi phòng bệnh trong bệnh viện này cũng chỉ có một giường bệnh với một bệnh nhân. Trên tường, bên cạnh giường bệnh có treo một tấm bảng với các dòng thông tin lần lượt là Ngày (Date), Số điện thoại (Phone), Y tá (Nurse, Trợ lý (Aide), Bác sĩ (M.D)… Cạnh dưới bảng là một câu nhắc nhở mọi người rửa tay (Wash your hands!).

Ngoại trừ các phòng chăm sóc đặc biệt với một chiếc giường cũng đặc biệt với các nút điện tử để điều khiển độ cao, gọi giúp đỡ… nằm dọc hai bên thành ngang vị trí tay vịn. Giường bệnh ở các phòng bệnh bình thường khác đều trang bị như nhau và không có sự phân biệt nào hết. Tiêu chuẩn giường nằm và các trang thiết bị sinh hoạt không khác gì đang ở trong một phòng của khách sạn 3 - 4 sao. Chỉ có một điều khác là trong mỗi toilet cá nhân đều có gắn hệ thống tay vịn để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Khi chúng tôi còn đứng ở phòng bệnh, một nhân viên xét nghiệm nữ vào xin phép làm một test nhanh tại chỗ cho bệnh nhân. Tôi thấy họ nói cười vui vẻ trong khi thực hiện xét nghiệm. Thậm chí nhân viên này còn để lại nụ hôn tạm biệt trên trán bà bệnh nhân trước khi hoàn thành công việc và bước chân ra khỏi phòng.

Không thấy có cảnh bệnh nhân hoặc người nhà chốc chốc lại lê những bước chân nặng trĩu đi tạm ứng tiền hoặc thanh toán viện phí. Người có bảo hiểm y tế sau khi lành bệnh ra về được gửi cho một thông báo về chi phí trong đợt họ nằm điều trị tại bệnh viện mà bảo hiểm y tế đã trả cho bệnh viện.

Theo một thông tin đã được công bố rộng rãi, chi phí y tế bình quân đầu người của Mỹ là 6.714 USA (năm 2006) và chi phí bình quân cho một đợt nằm điều trị nội trú tại một bệnh viện phi lợi nhuận là hơn 6.500 USD, so với khoảng 8.100 USD của bệnh viện tư nhân hoạt động có lợi nhuận. Khoản tiền đầu tư cho chăm sóc y tế tại Hoa Kỳ thật là một khoản tiền khổng lồ.

Không thấy có câu khẩu hiệu nào và cũng không thấy có quy định nào mang tính “răn đe” bác sĩ và y tá. Tại các bệnh viện, hầu như tất cả các nhân viên đều cố gắng làm tốt công việc của mình trong cái suy nghĩ tưởng chừng như rất đơn giản là họ được trả tiền để làm những việc đó. Vậy thôi, cũng chẳng ai khuyên ai, bảo ai mà mọi người đều tự giác làm tốt. Nếu như họ không làm tốt chắc chắn sẽ bị sa thải mà không cần một sự biện minh, bao biện nào khác.

Phong bì, quà cáp là chuyện hoàn toàn xa lạ ở xứ sở này. Dù người ta thường nói Mỹ là xứ sở của đô-la và tiền là thước đo của nhiều giá trị, song vượt lên trên tất cả, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là một mối quan hệ đẹp theo đúng nghĩa của từ này. Ở bệnh viện phụ sản, khi người nhà đón mẹ và bé ra về, hoa và những tấm hình chụp chung như là kỷ niệm đẹp, khó quên giữa các thầy thuốc và bệnh nhân. Tôi chợt ao ước, đó là điều phổ biến và hết sức bình thường ở tất cả các bệnh viện trên dải đất hình chữ S dấu yêu của chúng ta.

MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.