.

Trọn vẹn tấm lòng y đức

.

Lương y Trần Đình Niên, sinh năm 1954, chủ nhân Phòng chẩn trị Đông y Vạn Phát Đường (số 380, Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng) cả đời luôn hướng đến bệnh nhân nghèo.

Lương y Trần Đình Niên bồng cháu bé của vợ chồng anh Dõng, chị Lài ở Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế - một trong rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã được lương y Trần Đình Niên điều trị đã có con.
Lương y Trần Đình Niên bồng cháu bé của vợ chồng anh Dõng, chị Lài ở Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế - một trong rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã được lương y Trần Đình Niên điều trị đã có con.

Ông tâm niệm: “Chữa bệnh không phải để cầu danh lợi, phải có cái tâm trong sáng, phải biết lo cái lo của người bệnh”.

Từ năm 12 tuổi, lương y Trần Đình Niên đã có duyên với nghề thuốc. Học hết lớp 5, ông thi đậu đệ thất, Trường An Phước. Tuy nhiên, lúc đó do nhà quá nghèo nên ông đành gác lại giấc mơ trường lớp để theo học nghề thuốc Đông y. Nói là đi học nghề, chứ thật ra là đi ở đợ cho một nhà thuốc của người Hoa. Nhưng với quyết tâm và sự sáng dạ, ông đã lén học hỏi bí quyết của nghề; ban ngày ông nghe được gì, tối đến ông tranh thủ ghi chép lại… Nhờ vậy, ông đã học được rất nhiều phương thuốc Đông y và cứu chữa cho mẹ của mình khi trọng bệnh. Từ đó, ông hoàn toàn tin tưởng vào sự kỳ diệu của Đông y và chuyên tâm vào học hỏi nghề y học cổ truyền.

Với quyết tâm theo đuổi nghề y, ông phải cố gắng hết sức để vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống. Vợ chồng ông bất đồng về quan điểm sống nên đã chia tay vì chuyện “bao đồng”, chăm lo chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo của ông. Một mình ông lo toan cuộc sống để nuôi dạy các con nhỏ. Có lần ông đã muốn bỏ nghề để đi làm kinh tế, lo nuôi gia đình, nhưng duyên nghiệp đã gắn ông với nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người.

Đến nay, gần 40 năm theo nghề, với ông, việc chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân là trách nhiệm của người thầy thuốc. Có lẽ với ông chưa bao giờ mong họ mang ơn mình, ông chỉ mong sao họ thật nhanh lành bệnh để sống khỏe, sống vui. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều mang hết khả năng của mình để khám bệnh và điều trị cho bệnh nhân. Ông tâm sự: “Đối với tôi bệnh nhân ai cũng như ai. Ai cũng phải được chữa trị, mà đã chữa trị thì phải chữa trị hết khả năng của người thầy thuốc”.

Yêu nghề và ham học hỏi, lương y Trần Đình Niên không những sưu tầm và gây dựng một tủ sách gần 400 cuốn sách về y học mà ông còn lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm hàng trăm loại cây thuốc quý, đưa về trồng tại vườn thuốc mẫu nhà mình trên diện tích gần 300m2. Ông cũng chịu khó ghi chép những kinh nghiệm hay, những trăn trở với nghề cho thế hệ sau.

Trăn trở trước mắt và tâm nguyện của ông cũng đã thành hiện thực khi được sự đồng ý của sư trụ trì chùa Hưng Quang (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), lương y Trần Đình Niên cùng một số cộng sự đã mở Phòng Đông y từ thiện Tuệ Tĩnh Đường nhằm giúp những người nghèo có được sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe.

Những năm qua, bất cứ trời mưa hay nắng, đôi lúc trong nhà ông có những việc hệ trọng, ông cũng cố gắng thu xếp để đến với bệnh nhân nghèo của mình ở chùa mỗi tuần một lần vào ngày Chủ nhật. Gần hai năm nay, nhiều bệnh nhân nghèo ở các xã miền núi của huyện Hòa Vang, thậm chí ở Quảng Nam cũng đã tìm tới Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường. Trung bình mỗi ngày Chủ nhật có khoảng hơn 40 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh.

Ông còn bào chế những phương thuốc thành cao, thuốc xoa bóp chuyên trị các chứng bệnh ngoài da, trị bong gân, đau xương khớp để cấp phát miễn phí cho bà con nghèo. Mới đây, trước tình hình rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, gây hoang mang dư luận, lương y Trần Đình Niên đã kịp thời bào chế thành công phương thuốc chuyên chữa trị khi bị rắn cắn, để cấp phát miễn phí cho người nghèo đến khám và điều trị bệnh tại phòng khám từ thiện ở chùa. Lương y Trần Đình Niên cũng đã bắc thêm nhịp cầu, mở thêm một phòng khám từ thiện tại chùa Phổ Thịnh (thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với tâm nguyện để có thêm nhiều người nghèo được quan tâm chăm sóc và chia sẻ.

Cả cuộc đời làm nghề thầy thuốc, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của lương y Trần Đình Niên là những dòng cảm tưởng từ những lá thư viết tay của những bệnh nhân được ông cứu chữa khắp mọi nơi gửi về. Ông xem những lá thư này là những phần thưởng cao quý của đời mình. Trong tâm thư, chị Đặng Thị Hồng, 28 tuổi (xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) kể lại: Hai vợ chồng chị cưới nhau được 5 năm, qua 4 lần mang thai nhưng lại không có tim thai.

Vợ chồng chị đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không có hiệu quả. Một lần, chị nghe lời giới thiệu của người bạn và tìm đến lương y Trần Đình Niên. Ông bắt mạch, kê đơn và tận tình chỉ bảo, động viên vợ chồng chị Hồng. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị Hồng đã mang thai trở lại và thai nhi khỏe mạnh bình thường, sau đó chị Hồng đã sinh được cháu trai bụ bẫm. Chia sẻ trong thư, chị Hồng xúc động: “Bác Niên ở Phòng Đông y Vạn Phát Đường là một thầy thuốc đáng kính, luôn có tấm lòng bao dung và biết thương yêu chân thành đến những người nghèo khó”.

Đại đức Thích Huệ Chấn, trụ trì chùa Hưng Quang (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết: Hòa Vang là huyện vùng ven của thành phố Đà Nẵng, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Từ ngày có Tuệ Tĩnh Đường của lương y Trần Đình Niên và những cộng sự, nhiều bệnh nhân nghèo nơi đây được chăm sóc, giúp đỡ và đã được điều trị khỏi bệnh.

Theo lương y Trần Đình Niên, nghề thầy thuốc là giúp ích cho đời và tạo nên phước đức cho con cháu. Vì vậy, ông luôn truyền cho các con lòng đam mê với nghề làm thuốc và hướng các con cùng theo nghề. Ông có 7 người con, thì 3 người con trai theo học nghề thuốc. Ông cho rằng, sức mình có hạn, nên không chỉ cho con cái theo học nghề y ở các trường đại học mà ông còn gửi con ra Hà Nội, nhờ thầy giỏi, có tiếng về y đức để học thêm. Bởi theo ông, với nghề y thì chữ đức càng đặc biệt quan trọng.

ĐẶNG VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.