Nhiều người nhận định, vai trò của thư viện (TV) đang ngày một nhỏ đi. Thế nhưng, qua thời gian, sách điện tử vẫn không thể nào thay thế sách giấy và TV vẫn là điểm đến yêu thích nhất của sinh viên (SV).
Kho sách ngoại văn được đầu tư đến 20 tỉ đồng của Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Q.T |
Thư viện không chỉ là kho đựng sách
Ngày nay, TV không còn gợi cho người ta liên tưởng đến nơi đọc sách, học bài, tra cứu tài liệu với bầu không khí “đi nhẹ, nói khẽ”. TV ở các trường đại học thành viên thuộc Đại học (ĐH) Đà Nẵng đang được thay đổi mạnh mẽ, không còn im lìm, cũ kỹ, và khép kín.
Tháng 4, tại TV Trường ĐH Kinh tế, không gian thoáng đãng, rợp bóng cây xanh, như thể ngoài kia, cái nắng không còn oi bức. Từng tốp SV tự chọn cho mình quyển sách yêu thích. Những SV cần không gian tuyệt đối yên tĩnh sẽ lên tầng 3. Các SV đọc sách văn học, tâm lý hay thảo luận hội, nhóm thì ở tầng 1 và 2. Phòng đọc rộng rãi được bố trí bàn ghế riêng lẻ, độc lập giúp SV không bị gián đoạn việc đọc khi có người đến ngồi cùng (như bàn ghế dài trước đây). Dọc lối đi vào TV, bàn ghế được sắp đặt phù hợp để SV có thể học nhóm hoặc thảo luận gần gũi và tự nhiên. Không gian này đã thay đổi cách nghĩ của SV về TV không chỉ là kho đựng sách.
Tại đây, SV được phục vụ đồ ăn và thức uống và được phép mang đồ ăn, thức uống vào bên trong khuôn viên TV. Cách làm này không chỉ thu hút SV đến mà còn níu giữ SV ở lại TV lâu hơn. Thầy Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc TV Trường ĐH Kinh tế nhận định, mỗi ngày có hơn 2.000 lượt SV đến TV, hy vọng năm sau, con số này sẽ cao hơn nữa. TV ngày nay cần được chuyển đổi từ kho sách thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Riêng TV này, sẽ biến thành trung tâm sinh hoạt văn hóa sống động nhất, điểm đến yêu thích nhất của SV trong trường.
Đến TV, SV được các cô thủ thư tiếp đón rất thân thiện và gần gũi. Một cán bộ phụ trách thường xuyên có mặt tại khuôn viên TV để lắng nghe ý kiến, kịp thời đáp ứng nguyện vọng của SV. Khác với lối suy luận, “dân kinh tế” thường khô khan, chỉ biết đến tính toán, con số, các bạn SV ở đây lại rất thích đọc sách văn học, mà theo giải thích của họ, “đọc sách văn học khiến chúng tôi thấu hiểu cuộc sống hơn, yêu quý bản thân hơn”.
Ngồi trong không gian thoáng đãng đang say sưa đọc cuốn “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” - Huỳnh Huyền Trâm (SV năm 1, khoa Luật), cho biết: “Trước đây em rất ít khi đến TV vì thông tin gì cũng tra cứu trên mạng hết rồi. Khi nghe bạn bè rủ, em đến TV rồi mê luôn, bây giờ tuần nào em cũng lên TV 2-3 lần. Có hôm em “đóng đô” ở TV cả ngày. Em xem TV như là người bạn. Cầm cuốn sách trên tay cảm xúc hơn đọc trên máy tính rất nhiều. Khi đọc được một cuốn sách hay, em thường chia sẻ trên facebook hoặc chia sẻ với những người bạn của mình”.
Tương tự với mô hình TV mở của Trường ĐH Kinh tế, TV Trường ĐH Duy Tân cũng thu hút rất đông SV đến đọc sách. Vừa kết thúc mùa thi, nên sách văn học vơi hẳn trên hầu hết những kệ sách. Theo cô Minh Ngọc, cán bộ phụ trách TV của trường, thì cứ sau thời gian thi kết thúc môn là các giá sách văn học Việt Nam, văn học nước ngoài “tơi tả” vì bị sinh viên “oanh tạc”. Thực ra, TV ĐH Duy Tân chỉ mới cuốn hút SV những năm gần đây nhờ một cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ từ cách bài trí sách đến thái độ phục vụ, chỗ ngồi... với mục tiêu biến TV thành tổ chức không gian quan trọng nhất của nhà trường. “Từ ngày đổi mới, TV rất khác, rất mới, SV đều bình chọn TV là điểm đến thú vị nhất”, một bạn SV nói.
Để thu hút SV, TV đã áp dụng nhiều cách làm rất mới mẻ. Mỗi năm, ít nhất 3 lần tổ chức các buổi tọa đàm về sách, trực tiếp mời tác giả đến trò chuyện về văn hóa đọc với SV. TV thường xuyên cập nhật sách mới; mỗi tuần đều có cán bộ phụ trách viết bài giới thiệu sách hay cho SV. Với những cuốn sách SV mượn chưa được đáp ứng, cán bộ TV sẽ lưu lại thông tin, đến khi có sách sẽ điện thoại cho SV. TV còn nhờ SV giới thiệu sách hay
bổ sung cho kho sách. Hàng kỳ, TV đều làm bảng khảo sát gửi SV đánh giá về thái độ phục vụ, số lượng, chất lượng sách, chỗ ngồi… để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, giảng viên phải gương mẫu đến TV để từ đó làm cầu nối giới thiệu sách của TV đến với sinh viên.
Một nhóm các bạn SV của Trường ĐH Duy Tân đồng tình cho rằng, sách giấy luôn là một tài liệu đáng tin cậy, có giá trị lâu dài, và nếu môi trường TV tuyệt vời như thế này thì không lý do gì SV không đến TV cả.
Đầu tư cho thư viện chưa đồng đều
Nếu như các TV Trường ĐH Kinh tế, Bách khoa, Duy Tân, đang có xu hướng thay đổi mạnh mẽ thì TV Trường ĐH Ngoại Ngữ vẫn hoạt động theo hình thức cũ. Theo thống kê của tổ TV, dù số lượng SV của trường là hơn 3.000, nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 200 SV đến TV đọc sách. Hiện tại, TV vẫn duy trì việc trao đổi sách với SV kiểu thủ công, khiến cho cả thủ thư lẫn SV mất rất nhiều thời gian, đồng thời SV không được mượn sách về nhà vì TV không quản lý được.
Việc chỉ được đọc sách tại chỗ, khiến cho SV chỉ đọc sách tham khảo, sách giáo trình là chủ yếu chứ không đọc sách văn học, văn hóa, tâm lý… Từ năm 2007 đến nay, TV hầu như không mua thêm sách mới. Số lượng sách trong kho vào khoảng 25.000 cuốn (một con số rất khiêm tốn so với 300.000 cuốn của TV Trường ĐH Kinh tế và gần 50.000 cuốn của ĐH Duy Tân).
Tăng Long Hữu, SV năm 4 khoa Tiếng Anh chuyên ngành buồn bã: “Dù rất muốn đến TV để học bài, đọc sách nhưng nhiều lần em chuẩn bị đi rồi lại thôi. Cả TV rộng lớn của trường ĐH mà chỉ có 1 máy tính để tìm sách. Mỗi khi muốn tìm sách gì tụi em phải xếp hàng chờ đợi rất lâu”. Đây cũng là nỗi buồn chung của nhiều SV trong trường. Các bạn đều cho rằng, ngoài kho sách không được cập nhật thường xuyên, trang thiết bị máy móc của TV cũng “quá đát”, hầu như không ai dùng, hệ thống wifi thì rất yếu.
“Tụi em mong TV trường mình phải “mở” hơn nữa. Có lẽ do trường chưa có hệ thống quản lý sách bằng điện tử nên các cô thủ thư rất ngại SV vào đông sẽ mất sách khiến không gian cứ kín bưng như vậy. Hơn nữa, tụi em cũng muốn được mượn sách về nhà đọc, vì không thể nào trong một buổi, một ngày ở TV em có thể hiểu hết những gì trong sách”, một bạn SV giấu tên nói.
Cô Văn Thị Thanh Trà, tổ trưởng tổ TV Trường ĐH Ngoại Ngữ cho biết, băn khoăn, bức xúc của các em cũng chính là trăn trở của những người làm công tác TV: Có thể nói, trong các trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng, thì Trường ĐH Ngoại Ngữ có TV lạc hậu nhất. Dù chúng tôi có nhiều ý tưởng để nâng cấp TV nhằm thu hút SV nhưng đã nhiều lần xin kinh phí mà không được (được biết, năm 2014, Trường ĐH Kinh tế đầu tư 20 tỉ đồng bổ sung cho kho sách-PV). Kho sách, trang thiết bị nghèo nàn, thủ tục phức tạp nên SV ít vào TV là đương nhiên.
Cô Trà cho biết, nếu có kinh phí thì trước nhất tổ TV sẽ mua ngay phần mềm quản lý sách, bổ sung nguồn sách phong phú, giới thiệu sách hay lên website, mở hội nghị bạn đọc, giao lưu với nhà văn, nhà thơ... để thu hút bạn đọc.
QUỲNH TRANG