Sách vẫn chưa hề bị lãng quên. Học sinh vẫn bị lôi cuốn bởi thói quen đọc, vẫn say sưa với những tác phẩm có giá trị để vui hoặc khóc cùng số phận nhân vật, để đi tới những vùng đất xa xôi, để thả mình vào thế giới huyền ảo tuyệt vời của trí tưởng tượng…
Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh tranh thủ đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: M.T |
Cuộc phiêu lưu của tâm hồn
38 phòng học của Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) có 38 kệ sách mang hình ngôi nhà màu xanh, được bố trí cao thấp khác nhau sao cho phù hợp với chiều cao trung bình của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Xếp đều đặn trên thư viện (TV) mini này là những tập truyện tranh về các chàng cao bồi, những nhà du hành vũ trụ, về mẹ con nhà tê giác, cá sấu, về thế giới cổ tích với nàng công chúa xinh đẹp…
Những quyển sách nhiều màu sắc đó đánh thức trí tưởng tượng và sự hiếu động của học sinh, để rồi, sau khi gấp sách lại, sân trường trong mắt các em hóa thành vương quốc trù phú với rừng rậm, lâu đài, sông núi, nơi bạn học - đều là hoàng tử, công chúa - cùng nhau trị vì. Đôi khi sân trường lại trở thành vũ trụ bí ẩn và bạn học là những nhà du hành dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy. Khi đã chán với việc phải sống trong điều kiện… không trọng lực của các nhà du hành, các em lại rủ nhau trở thành những chàng cao bồi hào hứng phi ngựa quanh “sa mạc” – sân trường.
Dưới những tán cây xanh mát, các em học sinh lớp 3/1 của trường đọc cho nhau nghe, tranh nhau bàn luận về mẹ con tê giác, mẹ con nàng voi trong quyển sách được cô giáo tặng cho lớp. Các em đọc to, mân mê những hình ảnh tê giác, voi ngộ nghĩnh và tự dặn dò nhau rằng: “Sừng tê giác, ngà voi rất cần thiết cho sự sống của bạn tê giác, bạn voi, mình không nên và không được lấy mất”.
Dạo quanh sân trường, quan sát và lắng nghe câu chuyện của các “nhà du hành vũ trụ”, “chàng cao bồi”, “công chúa” hay “nhà sinh vật học”, thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn khẳng định: Sách đã giúp các em học sinh lạc vào thế giới thần tiên, phiêu lưu đến những chân trời xa xôi khi vẫn đang thức chứ không phải trong giấc mơ, sách giúp các em lưu giữ những trải nghiệm hữu ích cho cuộc sống.
Xuất phát từ thực tế này, trường không chỉ thường xuyên bổ sung các đầu sách hay trong thư viện truyền thống, bố trí những kệ sách mini trong lớp học mà còn xây dựng ba tủ sách đặt ngay trong sân trường. Nhờ đó, mọi học sinh đều có thể khiến khoảng thời gian nhàm chán khi đến trường sớm hoặc chờ phụ huynh đến đón muộn trở nên thú vị, hữu ích hơn bằng cách tranh thủ đọc sách.
Đỗ Thị Ngọc Trúc (lớp 9/2 Trường THCS Nguyễn Văn Linh) vẫn luôn tự hào khi được bạn bè và thầy cô gọi là “con mọt sách” bởi: “Newton, Einstein hay Edison đều từng là những con mọt sách” và: “Mọt sách không đồng nghĩa với việc kém thân thiện, chỉ rành những điều ghi trong sách vở mà sống lờ nhờ với những đổi thay xung quanh…”.
Thói quen đọc và tình yêu với sách giúp Trúc học được không chỉ tri thức cơ bản, cách đối nhân xử thế, mà còn giúp em tự làm giàu cảm xúc, trải nghiệm, tích lũy được cách hành văn hay và vốn liếng ngôn ngữ dồi dào - điều góp phần quyết định giúp Trúc đạt được giải khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi văn toàn thành phố vừa qua. Với Trúc, thông tin sách mang lại không phải là thông tin “chết” mà rất sống động; đọc một quyển sách giống như cầm trên tay chiếc kính vạn hoa, giúp hành trình khám phá thế giới thân thuộc xung quanh em trở nên mới lạ, hấp dẫn và đầy thương yêu.
Thủ thư – người thầy không đứng trên bục giảng
Trong giờ học im ắng, tiếng hát nho nhỏ: “…Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng, em vẫn mở đường để xe đi tới…” phát ra từ TV Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) thật trong trẻo và đầy truyền cảm. Bài hát kết thúc và được tiếp nối bằng lời kể về đại thắng mùa xuân năm 1975. Đây không phải giờ học lịch sử mà là buổi tập giới thiệu loạt sách “Những con đường huyền thoại” của cô thủ thư Phan Thị Dung. Một mình giữa các giá sách cao quá đầu, cô say sưa vừa kể về những chiến công đánh Mỹ gắn với con đường vận tải chiến lược trên bộ cũng như trên biển.
Sau gần 30 năm làm thủ thư, cô Dung nhận ra rằng, sách lịch sử là loại sách ít có học sinh tìm đọc nhất; vì lý do này, những buổi giới thiệu sách được tổ chức dưới cờ của cô thường xuyên là sách lịch sử. Bằng cách lồng ghép, kết hợp khéo léo giữa các bài hát cách mạng với tóm tắt nội dung sách cô đọng cùng những hình vẽ sinh động, cô Dung giúp nhiều học sinh Trường THPT Thái Phiên nhận ra: “Lịch sử không phải là môn học “đi sau thời đại” với những trang sách khô khan”.
Bạn Nguyễn Võ Thảo Uyên chia sẻ, môn Lịch sử từng khiến bạn mệt mỏi, áp lực và muốn từ bỏ. Tuy nhiên, những buổi giới thiệu sách của cô thủ thư đã khơi dậy trong bạn lòng tự hào và sự ngưỡng mộ dành cho quá khứ gian lao mà hào hùng. Lịch sử có chiến tranh, mất mát, những vết thương lòng không xóa được, do đó, thời gian có thể trôi qua nhưng lịch sử cần được tôn trọng.
Quá trình tìm hiểu về lịch sử của Uyên và các bạn học trở thành hành trình khám phá thú vị, hấp dẫn và ý nghĩa bởi: “Đọc sách Sử giúp hình thành thói quen phân tích, so sánh để thực sự hiểu nguyên nhân, để biết đặt câu hỏi “vì sao” và tìm cách trả lời chứ không phải học thuộc làu sách giáo khoa. Học thuộc lòng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là chìa khóa để hiểu và yêu lịch sử”, Uyên khẳng định.
Người ngày ngày có mặt tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ) sớm nhất và quay về muộn nhất là cô thủ thư Tống Thị Ngộ. Cô “đi trước, về sau” để mở 2 tủ sách đặt ngay dưới sân trường nhằm phục vụ những độc giả đi học sớm và tan trường muộn. Những tủ sách di động dưới sân trường của cô được hầu hết học sinh yêu thích bởi nó không gò bó, tôn nghiêm với quy định “trật tự, im lặng” như những TV truyền thống.
Dưới bóng dây leo mát rượi, quanh hòn non bộ thoáng mát, học sinh người đứng, người ngồi, người tập trung đọc, người hào hứng trao đổi, bàn luận. 31 năm làm thủ thư, cô hiểu cảm giác cầm một quyển sách trên tay, trong không gian đọc tiện lợi mới là điều tuyệt vời cho quá trình tiếp thu tri thức chứ không phải là môi trường nghiêm cẩn của TV. Cô Ngộ tin rằng, mình đang góp phần giúp học sinh hình thành thói quen trân trọng sách, nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt và văn hóa đọc. Khi học sinh đã hình thành được thói quen đọc sách thì sách sẽ là bạn suốt đời giúp nâng cao vốn sống, sự trải nghiệm cho những “học trò nhỏ” của cô hôm nay.
Hầu hết các thủ thư mà người viết được gặp trong bài viết đều gặp nhau ở một ước mơ chung: một ngày không xa, tại TV của trường nói riêng, Việt Nam nói chung, dù là ban ngày hay ban đêm, dù ngày làm việc hay nghỉ lễ thì TV – nơi được mệnh danh là thánh đường của tri thức - sẽ luôn mở cửa để đón các “con chiên” đến với nhau bằng trái tim yêu sách, để nối dài tri thức của nhân loại. TV sẽ sớm trở thành niềm tự hào của trường và của cả đất nước.
MAI TRANG