Giữa đêm hè cuối tháng năm, ngồi cùng đoàn giáo viên Trường tiểu học Phả Lại 1, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương trên tàu du lịch Hàn Giang, xuôi theo dòng nước ngắm cảnh sông Hàn, chúng tôi nhận ra rằng, rất nhiều người phương xa dành cho Đà Nẵng thứ tình yêu mê đắm.
Du thuyền trên sông Hàn về đêm. Ảnh: T.Y |
Dòng sông Hàn hiền hòa, sóng nước lung linh, những chiếc thuyền hoa rực rỡ đưa khách dạo chơi trên sông trở thành nơi “neo đậu” cho những tâm hồn hướng về Đà Nẵng.
Sau bao nhiêu thăng trầm vẫn một niềm đau đáu
Cũng như nhiều đồng nghiệp, đây là lần đầu tiên cô giáo Mai ngồi trên thuyền hoa du ngoạn sông Hàn. Ánh mắt chị như hút về phía những cây cầu và những công trình dọc hai bên dòng sông. Đứng trên mũi tàu Hàn Giang, thuyền trưởng, ngư dân Đặng Hòa cầm micro say sưa giới thiệu những thông tin về lịch sử phát triển Đà Nẵng, về sông Hàn với lời mở đầu vô cùng giản dị “Du thuyền Hàn Giang chào mừng quý khách phương xa đến với dòng sông Hàn quê tôi”. Có lẽ, bao thông tin về “dòng sông Hàn quê tôi” qua giọng nói chân chất, hào sảng của ngư dân Đặng Hòa càng trở nên thân thuộc, gần gũi với người một đôi lần đến thăm Đà Nẵng như cô giáo Mai.
Ngư dân Đặng Hòa, chủ hai du thuyền Hàn Giang được mọi người biết đến với vai trò tiên phong trong việc khai thác du lịch đường sông tại Đà Nẵng. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1997, khi ông gom góp tiền bạc đóng chiếc tàu du lịch có sức chứa 50 khách, công suất 80CV đặt tên “Du thuyền Hàn Giang”, mở đầu loại hình du lịch này ở Đà Nẵng và quyết định liên kết với Công ty CP Du lịch Đà Nẵng (Danatours) tìm nguồn khách.
Dù rất cố gắng, nhưng sông Hàn thời điểm đó không có gì nổi bật nên lượng khách tìm đến tàu Hàn Giang chưa nhiều, thậm chí có ngày, ông cho thuyền chạy trên sông chỉ để phục vụ vài ba khách lẻ. Tình trạng thua lỗ thường xuyên diễn ra nên chỉ vài ba năm, ông phải bán thuyền, lên bờ bươn chải với nghề đóng sửa tàu thuyền, sản xuất bao bì bằng gỗ, cho thuê xe…
Dù đã “lên bờ” vì làm ăn thua lỗ, nhưng tâm huyết của Đặng Hòa dành cho dòng sông Hàn vẫn âm ỉ cháy, mãi đến giữa năm 2003, sau thời gian dài tích góp, tìm hiểu văn hóa, con người Đà Nẵng, Đặng Hòa quyết định thành lập công ty, lấy tên DNTN Hoàng Giang, chọn hướng liên kết làm ăn với các công ty du lịch như Vitour, Xuyên Á, Vietravel nhằm mở rộng, nâng cấp dịch vụ trên sông theo hướng ngày càng chuyên nghiệp.
Để danh chính ngôn thuận trong việc phát ngôn, giới thiệu sông nước Đà Nẵng đến du khách, Đặng Hòa mày mò, tập hợp tài liệu, sử dụng vốn hiểu biết của mình viết nên cuốn “Du lịch sông nước Đà Nẵng”. Cuốn sách sau đó được Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phát hành năm 2005. Sau nhiều sóng gió thăng trầm, gầy dựng lòng tin trong lòng du khách bằng chất lượng phục vụ, hiện nay trung bình mỗi đêm, 2 du thuyền của ông đón từ 1 đến 2 đoàn khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn sông Hàn.
Bước đi thăng trầm trong khai thác du lịch đường sông tại Đà Nẵng còn là câu chuyện của con tàu du lịch được thiết kế hai nhà hàng, một bar và không gian cà-phê sân thượng cùng các hạng mục đi kèm phù hợp với nhà hàng 500 khách mang tên Tàu Rồng Sông Hàn (TRSH). Hạ thủy năm 1997 với kinh phí đóng mới 4,5 tỷ đồng, TRSH có thời điểm làm mưa làm gió, đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng mỗi tháng, là sản phẩm liên doanh giữa 4 đơn vị là Công ty Xây lắp Điện 3, Saigon Tourist, Danatours, Công ty CP Seatecco Đà Nẵng.
Trong quá trình khai thác du lịch trên sông Hàn, con tàu này từng được Sở VH-TT&DL đánh giá là một trong 10 điểm đến hấp dẫn tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, cùng với sự suy thoái kinh tế, cộng khoảng thời gian thành phố đầu tư xây dựng cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, TRSH phải chấp nhận đứng bến trong thời gian dài vì dòng sông bị chia tách bởi những công trình.
Sau thời gian dài bị quên lãng nơi góc sông, TRSH tiếp tục sứ mệnh phục vụ khách du lịch từ tháng 6-2014, sau khi được bán cho Công ty TNHH Đồng Vĩnh Thịnh tiếp tục khai thác, sử dụng. Về với ông chủ mới, TRSH dường như sống lại với dáng vẻ uy nghi, sang trọng cùng bảng thực đơn 250 món dành cho khách trong và ngoài nước.
Có thể nói, TRSH là con tàu hiện đại bậc nhất hiện nay trên dòng Hàn giang, mỗi tối, tàu lừng lững trôi giữa dòng sông, làm đẹp thêm bức tranh trên sóng nước. Quản lý Nguyễn Quốc Huy, người gắn bó với con tàu này từ ngày hạ thủy không khỏi xúc động khi nhắc lại câu chuyện mua đi, bán lại trong những năm kinh tế toàn cầu suy thoái; chuyện nó “trùm mền” 3, 4 năm trời vì lòng sông chia cắt hay thời điểm anh - từ một quản lý trên tàu - trở thành nhân viên bảo vệ tàu trong thời gian TRSH dừng hoạt động. Với anh, sự trở lại của TRSH như một món quà ý nghĩa mà anh may mắn nhận được trong cuộc đời lênh đênh sông nước.
Thuyền trưởng, ngư dân Đặng Hòa đang say sưa giới thiệu những thông tin về Đà Nẵng cho khách đi tàu Hàn Giang. |
Hướng đi cho du lịch đường sông
Để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch đường sông, thời gian qua, chính quyền thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng nghiên cứu, tham mưu các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, nghiên cứu mô hình phát triển bến tàu, cầu tàu và tàu du lịch tại một số thành phố có du lịch đường sông phát triển; thường xuyên thông báo các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển du lịch tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Chí Cường khẳng định, trong định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng những năm gần đây, du lịch đường sông luôn được thành phố quan tâm nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách.
Có thể nói, mỗi con tàu du lịch trên sông Hàn hiện nay là một câu chuyện về sự nỗ lực tư nhân hóa, xã hội hóa mô hình dịch vụ tại Đà Nẵng những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, để du lịch đường sông tiếp tục phát triển, thành phố cần có định hướng và quy hoạch ở một đẳng cấp cụ thể, với tầm nhìn dài hạn, cần đầu tư sản phẩm du lịch hai bên bờ sông, tiêu chuẩn về hạ tầng cầu tàu, đề ra tiêu chí an toàn đường thủy và vệ sinh môi trường sông nước…
“Chúng ta cần một bức tranh tổng thể, đẳng cấp và hấp dẫn, có những tiêu chí, quy định rõ ràng để doanh nghiệp, nhà đầu tư thấy rõ cơ hội, quyền lợi và trách nhiệm đầu tư, khai thác du lịch trên sông Hàn”, ông Bình nói.
Đêm lang thang cùng một số chủ tàu du lịch trên sông Hàn, chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng cò mồi, tự ý hạ giá vé (từ 100.000 đồng xuống còn 50.000 - 70.000 đồng) để lôi kéo, tranh giành khách, thậm chí cắt xén thời gian thưởng ngoạn để tiết kiệm nhiên liệu. Mặt khác, việc neo đậu thuyền hiện nay còn nhiều bất cập, một số điểm chờ thiếu ánh sáng, thiếu cầu thang lên, xuống, không ít hướng dẫn viên chủ động đòi nâng cao “hoa hồng” bồi dưỡng từ 20% lên 30%, thậm chí 50%.
Theo ông Đặng Hòa, nếu việc này tiếp tục tái diễn, du khách sẽ là người chịu thiệt, sản phẩm du lịch đường sông ngày càng giảm về chất lượng, đòi hỏi cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng trên. Đó chính là niềm đau đáu của những người một đời tâm huyết với du lịch đường sông như ông Hòa và nhiều người khác nữa.
Cuối năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển cầu tàu du lịch tại các điểm đến và tàu du lịch trong tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, kêu gọi nhà đầu tư đổi mới hệ thống tàu du lịch nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong phát triển du lịch đường sông. Thực hiện chủ trương này, hiện có nhiều nhà đầu tư mua sắm tàu du lịch mới. Bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ Thể thao dưới nước do Công ty cổ phần DHC Marina làm chủ đầu tư xây dựng các hạng mục chính: Cầu cảng đón trả khách, nhà hàng du thuyền nổi sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới. So với cách đây 4 năm, con số tàu du lịch phục vụ du khách tăng từ 3 đến 4 lần, (với gần 30 tàu) như Hàn Giang, Tiên Sa, Phú Quý, Công Danh, Cầu Rồng Sông Hàn, Hoàng Long Yến… |
TIỂU YẾN