.

Để hạnh phúc gọi tên

.

Với những người công nhân, dường như họ không có đủ thời gian để nhận ra sự đổi khác mỗi ngày. Thế nhưng, tự trong sâu thẳm, họ vẫn luôn khao khát, hy vọng và nuôi dưỡng tâm hồn bằng những mơ ước về một điều tốt đẹp hơn, về niềm hạnh phúc được ai đó yêu thương thật lòng…

Trung tâm KHHGĐ Đà Nẵng cung cấp thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân tại KCN Hòa Khánh. Ảnh: M.T
Trung tâm KHHGĐ Đà Nẵng cung cấp thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân tại KCN Hòa Khánh. Ảnh: M.T

1.001 hoàn cảnh

Nơi đi về sau giờ làm của chị Nguyễn Tây Ninh (30 tuổi) và Hoàng Thị Mai (39 tuổi) là căn phòng trọ 12m2, khuất sâu trong con hẻm nhỏ đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu), nơi chưa một lần có người khác giới đến thăm hai chị. Ngày làm việc bắt đầu từ sáng sớm cho đến 18 giờ 30, sau khi tan ca, thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các chị nấu cơm và nghỉ ngơi, lấy sức khỏe cho ngày mai lại cày cụi lắp ráp các mẩu đồ chơi bằng nhựa.

Cứ như vậy, suốt 6 năm, mọi sinh hoạt của chị Ninh và chị Mai đều xoay vần, khép kín giữa nhà trọ, khu công nghiệp, gần như không còn mối giao lưu nào với bên ngoài. Nơi “du lịch” xa nhất, đông vui nhất với hai chị là… chợ Hòa Khánh.

Vừa kê lại chiếc tủ quần áo bằng vải đã rách bươm, chỉ còn trơ lại chiếc khung sắt đang chực chờ đổ ập, chị Mai kể về quãng thời gian son trẻ cũng đã khao khát yêu đương, cũng muốn có một bờ vai bình yên để tựa vào, cùng nhau xây dựng gia đình. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc hơn 80% là nữ, cơ hội để chị và các nữ công nhân khác tìm thấy bạn đời dường như không có.

Thế nhưng, chị quyết không buông tay trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình. Với khoản tiền tích cóp từ nhiều năm đi làm, hai chị đã quyết định sẽ sớm về quê Hà Tĩnh, về với xóm làng, gia đình. Và biết đâu đấy, trong môi trường thân thuộc, gốc rạ bờ tre, hai chị sẽ tìm được người bạn đời của mình.

Phòng của chị Ngô Thị Vân Anh (25 tuổi) ồn ào nhất xóm trọ bởi sự có mặt của thành viên 3 tuổi. Quê Quảng Nam, ra Đà Nẵng làm việc từ năm 21 tuổi, chị Vân Anh quen và về sống chung cùng anh chồng “hờ” mà không cần đến đám cưới bởi điều kiện kinh tế của 2 gia đình quá khó khăn. Khi con trai đầu gần 3 tuổi thì chị mang thai lần hai. Công việc tại khu công nghiệp buộc chị phải đứng trong suốt ca làm. Khoảng thu nhập chưa đến 100.000 đồng/1 ngày nên chị Vân Anh quyết định bỏ việc. Người chồng “hờ” khi thấy vợ chuẩn bị sinh con thứ, lại tay trắng, không việc làm nên lặng lẽ bỏ nhà đi.

Ôm đứa trẻ lên 3 trên tay, chị Vân Anh nói: “Vì hoàn cảnh của mình, tôi thường xuyên nhận được các món quà nho nhỏ; sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những anh chị em công nhân trong khu trọ mình sống. Những món quà vật chất và tinh thần này đã giúp tôi cảm nhận đầy đủ sự ấm áp của tình cảm gia đình; giúp tôi hiểu rõ, trân trọng hơn ý nghĩa của tình thân và thêm vững vàng với quyết tâm nuôi dạy con nên người dẫu biết còn nhiều khó khăn”.

Trong môi trường làm việc chỉ toàn công nhân nam, anh Hoàng (34 tuổi) may mắn tìm được vợ trên chuyến xe cùng về thăm quê Quảng Bình. Hai vợ chồng anh quyết định chỉ có con khi đã tích cóp được một khoản tiền kha khá để con có cuộc sống no ấm. Tuy nhiên, vì thiếu kiến thức kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), gia đình anh liên tiếp có thêm hai thành viên nhỏ. Để tiết kiệm tiền gửi trẻ, vợ chồng anh Hoàng phải thay phiên nhau chăm sóc con bằng cách chồng làm ca đêm, vợ làm ca ngày. Ước mơ lớn nhất của anh chị là dành dụm đủ tiền để đưa người con lớn đi mổ bàn tay bị dị tật bẩm sinh để con kịp nhập học lớp 1.

Thiếu kiến thức về giới, tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản

Công nhân là người thường khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời hoặc chịu tổn thương nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần bởi thiếu hiểu biết sức khỏe sinh sản (SKSS), an toàn tình dục. Để mang lại hạnh phúc cho những công nhân này, kiến thức về giới, tình dục, chăm sóc sức khỏe là đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát, thu thập thông tin của Trung ương Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tháng 12-2014 thì tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Đà Nẵng chỉ có 10,2% số người được hỏi nhận thức đúng về quan hệ tình dục an toàn, 52,2% trả lời đúng nhưng chưa đầy đủ và vẫn còn 1/3 người được hỏi trả lời sai về tình dục an toàn.

Việc không sử dụng phương tiện tránh thai đối với cả 2 giới cũng khá cao: 61,4% đối với nam và 50,2% đối với nữ. Lý do chủ yếu được những công nhân này đưa ra là do không có sẵn phương tiện, do tâm lý e ngại, sợ người khác biết mình đang quan hệ tình dục trong khi chưa kết hôn…

Theo ông Huỳnh Chiến, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu Công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng thì đây là căn bệnh trầm kha đối với công nhân và “có lẽ không có biện pháp để khắc phục dứt điểm” bởi do điều kiện sống khó khăn, hầu hết công nhân đều tập trung lo cho miếng cơm manh áo mà ít quan tâm đến sức khỏe bản thân. Hoạt động tuyên truyền của Công đoàn cũng không hiệu quả bởi công nhân tăng ca triền miên, doanh nghiệp vì lợi nhuận, năng suất cũng không khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian để công nhân có cơ hội để tiếp cận với thông tin và các dịch vụ chăm sóc SKSS.

Theo đại diện của Trung tâm KHHGĐ Đà Nẵng, từ năm 2005, Đà Nẵng là 1 trong 11 tỉnh thành của Việt Nam được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Dự án Choices – Tăng cường giáo dục SKSS vị thành niên, thanh niên và SAAF – dự án chăm sóc SKSS cho nữ công nhân. Tuy nhiên, có lẽ, do bệnh phụ khoa, tình trạng nạo phá thai, nhiễm khuẩn đường sinh sản, thậm chí ung thư cổ tử cung là những bệnh không có dấu hiệu rõ rệt, không gây đau, sốt, người mang bệnh vẫn có thể làm việc bình thường nên lãnh đạo các xí nghiệp, khu công nghiệp không mặn mà lắm với dự án mang nhiều ý nghĩa này.

Vì lý do trên, cả 2 dự án đều bị treo tại các khu công nghiệp từ năm 2005 cho đến 2013. Sau quá trình làm việc, thuyết phục, giờ đây Trung tâm KHHGĐ đã tiếp cận được các khu công nghiệp, tuy nhiên số lượng công nhân tham gia khám chữa bệnh, tư vấn miễn phí vẫn rất hạn chế. Từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm chỉ mới khám và tư vấn cho 900 công nhân nữ trong tổng số khoảng 42.000 công nhân nữ ở các khu công nghiệp.

“Vì cơm, áo, gạo, tiền, nhiều nữ công nhân biến thành cỗ máy công nghiệp gầy xanh. Vì năng suất, nhiều xí nghiệp quản lý sát sao cả thời gian cho những nhu cầu tối thiểu của công nhân như ăn, uống và vệ sinh. Điều này kết hợp với điều kiện làm việc nóng bức, công nhân mặc quần áo bó chật, phải đứng hoặc ngồi trong nhiều giờ liên tục nên đến 70% công nhân nữ đến khám đều mắc bệnh phụ khoa. Số lượng công nhân không am hiểu về phòng tránh thai dẫn đến việc phải đi giải quyết hậu quả vẫn còn. Trước thực tế này, việc tuyên truyền SKSS, lối sống lành mạnh trong giới công nhân là việc tối cần thiết”, đại diện Trung tâm KHHGĐ Đà Nẵng nói.

Bà Phan Thị Huệ, phụ trách công tác nữ công tại Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng phản ánh thực tế, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều chưa nhận ra thực tế: sức khỏe, hạnh phúc của công nhân là tài sản của họ. Chỉ cần 20 đến 30 phút là một công nhân đã được khám chữa bệnh, phát thuốc và tư vấn miễn phí, nếu thay phiên nhau thì dây chuyền sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Do đó, việc “mất” thời gian tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho công nhân, đặc biệt công nhân nữ sẽ giúp doanh nghiệp “được” tinh thần, thái độ hăng say làm việc của chính lực lượng công nhân hạnh phúc đó.

Theo thống kê của Trung tâm KHHGĐ Đà Nẵng thì riêng trong 6 lần làm việc tại các khu công nghiệp năm 2015, Trung tâm đã lắp được 30 vòng tránh thai, phát 900 vỉ thuốc tránh thai và 5.000 bao cao su cho những công nhân có nhu cầu. Những con số này khiến các y bác sĩ tại Trung tâm KHHGĐ lo lắng bởi, nhu cầu tránh thai an toàn trong công nhân là rất lớn. Hoạt động của Trung tâm chỉ là “muối bỏ biển” so với nhu cầu của công nhân.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.