Suốt chục tiếng đồng hồ đầu tắt mặt tối trong nhà máy, xí nghiệp, về nhà trọ rã rời cả người, đành ăn vội cái gì đó rồi lăn ra ngủ, “thời khóa biểu” đó ít khi thay đổi đối với công nhân.
Bù đầu với công việc nặng nhọc, anh L.V.T chưa bao giờ biết đến các khu vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
Thượng úy Lê Văn Điệp, Phó trưởng Công an phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, đưa chúng tôi dạo một vòng qua các khu nhà trọ ở khu vực Thanh Vinh và Đa Phước trên đường Âu Cơ - nơi tập trung phần lớn công nhân khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh thuê trọ. Cả phường có 46.000 nhân khẩu thì trong đó có đến 22.000 người tạm trú với một nửa là công nhân, một nửa là sinh viên.
Đời vui nhờ cái… ti-vi
Buổi sáng, hầu hết các phòng trong khu nhà trọ ở kiệt 227 Âu Cơ vắng chủ, chỉ có phòng chị N.T.H quê Quảng Ngãi cửa mở với chiếc xe máy bên ngoài. Chị ra Đà Nẵng làm ở Công ty Mabuchi Motor trong KCN Hòa Khánh được 4 năm, cùng một người chị họ thuê chung một phòng. Ngày làm việc từ 8 giờ đến 16 giờ, đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, nếu làm ca đêm thì ngày hôm sau được nghỉ. Ngoài Chủ nhật hằng tuần, mỗi tháng được nghỉ thêm một ngày thứ bảy, đây là lúc chị tranh thủ về thăm quê.
Chị làm lâu năm nên lương mỗi tháng được 4,1 triệu đồng chứ nếu mới vô làm mỗi tháng chỉ được 2,7 triệu đồng. Tiền nhà trọ, điện, nước xong xuôi mỗi tháng mất 800.000 đồng, hai chị em “cưa” đôi nên cũng nhẹ gánh. Hồi mới ra Đà Nẵng làm công nhân, thấy nhà người dân địa phương tối tối mở ti-vi xem các chương trình hay, thỉnh thoảng đưa cả nhà xuống trung tâm thành phố vui chơi trong các siêu thị, chợ đêm… chị cảm thấy tủi thân lắm. Hai chị em ngày nghỉ chỉ ru rú ở nhà trọ, chẳng biết đi đâu. Năm rồi, cả hai mua được cái ti-vi rẻ tiền, từ đó những đêm trú ngụ trên đất khách quê người mới bớt đi cái cô đơn, hiu quạnh.
Với công nhân ở trọ, có ti-vi là coi như tiếp cận được cái sân-khấu-nhiều-chương-trình và cảm thấy đời bớt đi hiu quạnh.
Chị Đ.T.L quê Thừa Thiên - Huế, mới vô làm công nhân Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa Đà Nẵng với mức lương 2,75 triệu đồng/tháng, ở trọ cùng với cô bạn đồng hương tại khu nhà trọ kiệt 317/21 Âu Cơ. Có lần, một bạn học cao đẳng ở Đà Nẵng đến thăm chị, buổi tối cả khu nhà trọ im ắng như ở một làng quê hiu hắt. Cảm thương bạn mình, người này mấy ngày sau mang đến cho chị một cái ti-vi đời cũ, to gần bằng cái tủ lạnh mi-ni, hình ảnh thì đôi lúc mờ mờ ảo ảo. Nhưng không sao, chị bảo, vậy là nhất hạng ở khu nhà trọ này rồi.
Theo Thượng úy Điệp, hầu hết các phòng trọ công nhân ở Hòa Khánh Bắc đều không có ti-vi, trừ những công nhân có gia đình. Buổi tối cả gia đình không biết đi đâu về đâu, phải mượn cái ti-vi làm cái sân khấu để quây quần bên nhau. Tối tối, chưa nói đến hình ảnh, chỉ mỗi tiếng phát thanh viên đọc tin thời sự hay âm thanh rộn rã của các chương trình truyền hình hấp dẫn là cả khu nhà trọ đã thấy có “sự sống” rồi.
“Kéo” nhà văn hóa đến với công nhân
Anh L.V.T quê Lệ Thủy - Quảng Bình, 3 năm vào Đà Nẵng làm nhiều nơi, hiện đang làm cho Công ty Thành Lợi Phát, chủ yếu lắp dựng cốp-pha, đổ bê-tông… công việc nặng nhọc với mức lương 6,5 triệu đồng/ tháng, được bao thêm bữa ăn trưa. Thuê phòng tại khu nhà trọ kiệt 317/21 Âu Cơ, chủ nhật anh rủ đồng hương uống cà-phê hoặc lai rai vài ly, chủ yếu đến các quán bình dân, “góp mỗi người 100.000 đồng là nhậu... chết bỏ!”. Anh tiết kiệm tối đa để hoàn thành “chỉ tiêu” mỗi tháng dư ra 3 triệu đồng “bỏ ống” dành cưới vợ. Anh chưa bao giờ biết đến một số siêu thị có khu vui chơi như BigC, Lotte Mart…!
Không riêng gì anh T. mà phần lớn công nhân đều không biết đến các khu vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng. Làm mỗi ngày 8 tiếng, tăng ca thêm 2 tiếng, có khi 4 tiếng nữa. Chưa nói đến tiền bạc, chỉ riêng thời giờ như thế thì công nhân khó có thể tìm đến các hoạt động văn hóa tinh thần được. Suốt chục tiếng đồng hồ đầu tắt mặt tối trong nhà máy, xí nghiệp, về nhà trọ rã rời cả người, đành ăn vội cái gì đó rồi lăn ra ngủ, “thời khóa biểu” đó ít khi thay đổi đối với công nhân.
Nhà Văn hóa Lao động thành phố ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, nơi phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân, thế nhưng có mấy công nhân biết đến? Cơ sở khang trang, bề thế này ở rất xa các KCN, ngoài hoạt động cá nhân như học thể dục thẩm mỹ, nhảy, võ... các hoạt động tập thể cũng khó triển khai vì doanh nghiệp chẳng mặn mà việc tổ chức xe đưa rước công nhân và bỏ giờ làm để cho công nhân đi chơi...
Để “kéo” nhà văn hóa đến với công nhân, tại Hội nghị liên tịch giữa UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố diễn ra ngày 12-3-2014, Liên đoàn Lao động kiến nghị UBND thành phố bố trí khu đất 4.500m2 nằm ở đường số 2 KCN Hòa Khánh để xây dựng Trung tâm Văn hóa Công nhân. Đầu năm 2015, Liên đoàn Lao động thành phố đã bàn giao Trung tâm về Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Đà Nẵng quản lý, sử dụng và khai thác.
Ông Huỳnh Chiến, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng cho biết: “Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho Công đoàn cơ sở trên địa bàn Hòa Khánh tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, ngày hội, đám cưới cho công nhân… và miễn phí các dịch vụ, được nhiều Công đoàn cơ sở đồng tình và hoan nghênh”.
Nghe nói tại Phòng tư vấn pháp luật của Trung tâm chiều thứ Năm hằng tuần có người trực để giải đáp thắc mắc cho công nhân, chiều 30-7 vừa rồi chúng tôi đến thì hơn tiếng đồng hồ không thấy ai đặt chân tới. Tủ sách toàn sách pháp luật, nghe người trực (xin được giấu tên) nói chỉ cho công nhân mượn đọc tại chỗ.
Trung tâm chỉ mới là khối nhà bê-tông với mặt sân bê-tông trơ trọi, vắng bóng cây xanh, thiếu cả ghế đá, trong giờ hành chính nhưng không thấy một bóng xe máy nơi nhà xe. Nói chung, nhà sinh hoạt văn hóa nhưng sao thấy như khối nhà hành chính cứng nhắc, thiếu “hơi thở” sinh động của đời sống văn hóa tinh thần dành cho công nhân.
Đưa vào hoạt động chưa được một năm, Trung tâm Văn hóa Công nhân còn phải đầu tư nhiều hơn nữa mới thực sự là nơi mang lại niềm vui cho người lao động. Những công nhân chúng tôi gặp, khi đề nghị chụp họ tấm hình minh họa, họ bảo công nhân thì có gì vui để lên báo đâu. Nhưng rồi, nghĩ lại, họ cũng đồng ý, nhưng chỉ cho chụp phía… sau lưng thôi!
VĂN THÀNH LÊ