.

Nuôi những ước mơ

Khi bắt tay thực hiện và cả lúc hoàn thiện chuyên đề cho số báo tuần này, nhóm phóng viên chúng tôi rất ước ao  được nhìn thấy bức tranh tổng thể đời sống công nhân tươi hơn, sáng hơn.

Lâu nay, những thông tin liên quan đến công nhân vẫn bị lấn át bởi chuyện thu nhập thấp, ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể, chuyện đánh nhau, bất mãn lao động, chuyện khó tìm bạn đời, chuyện nhà trọ tạm bợ, chuyện bữa ăn tằn tiện, con cái suy dinh dưỡng…

Về màu sắc bức tranh đời sống công nhân, chúng tôi thử làm một cuộc thăm dò nho nhỏ ý kiến của một số người xung quanh. Có người ngán ngẩm lắc đầu đời sống công nhân qua bao năm vẫn “xám” một màu. Tuy vậy, cũng có người thẳng thắn tranh luận: Làm dân lao động, có việc để làm đã mừng, việc nhiều đến mức tăng ca lại càng mừng hơn. Nhiều công nhân bây giờ sở hữu xe máy tay ga, có thể dành dụm tiền bạc nuôi gia đình là phấn khởi rồi.

Trong khi đó, với bà chủ quán bán cà-phê gần khu công nghiệp mà chúng tôi có dịp hỏi chuyện, bức tranh về công nhân trong mắt bà có màu hơi… lộn xộn. Lộn xộn từ chuyện yêu đương đến cách tiêu tiền. Ngoại trừ đối tượng công nhân có nhà ở trong thành phố, còn lại những người từ nhiều vùng quê nghèo đến khu công nghiệp gần như phải đối mặt với những túng bí trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Ăn ở kham khổ, quỹ thời gian chỉ xoay quanh một vòng “đi làm-về ngủ-đi làm”. Nói một lèo về đời sống công nhân, bà chủ quán cà-phê, người vốn rất tường tận nếp sống, sinh hoạt của công nhân trong suốt nhiều năm qua đúc kết: Thấy rối vậy, nhưng chỉ cần xây dựng chỗ ở phù hợp cho công nhân là có thể giải quyết căn bản vấn đề. Họ không có chỗ ở thực sự để cảm thấy đó là nơi yên vui tìm về sau giờ làm việc. Họ không có thứ gì bổ ích, gần gũi, hay ho giải trí, để rồi đành phải tìm một ai đó “yêu đại”, hoặc tìm cái gì đó “chơi đại” như số đề, lang thang cà-phê…

Điều bà chủ quán cà-phê này nói, thật ra đã được chính quyền, ngành chức năng thành phố nhìn thấy từ rất lâu, cách đây cả hơn 10 năm về trước. Tính từ năm 2003 đến nay, phải đến năm lần mười lượt, các dự án nhà ở cho công nhân được khởi động. Sau nhiều năm rục rịch phần thô, đến giờ, các công trình này vẫn chưa có cái nào nên hình thành dạng để bố trí cho công nhân vào ở. Dù không ít kế hoạch, dự kiến tốt đẹp của cơ quan chức năng, doanh nghiệp dành cho đối tượng công nhân bị trễ nải vì nhiều lý do, tuy nhiên không vì vậy mà ước mơ về một đời sống tiện nghi, thoải mái và bớt buồn tẻ hơn cho công nhân lại bị dập tắt. Kế hoạch vẫn còn, quỹ đất vẫn ưu tiên, thuế vẫn ưu đãi, chính quyền thành phố vẫn quan tâm, đó là cơ sở để những người ngày đêm miệt mài bên cỗ máy công nghiệp có thể phần nào hy vọng về giấc mơ khu nhà ở thực sự đi vào hoạt động chứ không đơn thuần nằm trên giấy.

Với những người thực hiện chuyên đề này, chúng tôi luôn hy vọng một điều, ngày nào đó, khi trở lại với chủ đề Đời sống công nhân, người viết sẽ có nhiều vấn đề mới và lạ hơn. Mới và lạ ở đây có thể là chúng tôi sẽ được mô tả cuộc sống sôi động, vui tươi ở ký túc xá công nhân, nơi những người trẻ tuổi sau giờ làm việc lại hăng say với các hoạt động bổ ích. Ký túc xá có khu nhà ở, khu bếp, chỗ phơi phóng quần áo hợp vệ sinh và không lo mất trộm. Trong khuôn viên có sân chơi, bãi cỏ, những hàng cây rợp mát để đi dạo hoặc ngồi hóng gió, có siêu thị mi-ni giá rẻ. Hằng tối cuối tuần, công nhân có chương trình Quà tặng âm nhạc, Nhịp cầu tình yêu, v.v… tổ chức theo hình thức “cây nhà lá vườn” để giao lưu, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ niềm vui và gửi gắm yêu thương đến ai đó. Xa gia đình, mỏi mệt bên guồng máy tăng ca, nhưng về đến ký túc xá, nghe “đài truyền thanh” phát bài hát mình yêu thích kèm lời chúc mừng sinh nhật từ những người bạn cùng công ty, có lẽ bất cứ công nhân nào cũng cảm thấy nhẹ hẫng sự vất vả. Hằng tháng, công nhân rộn ràng bên bữa cơm tối, tai lắng nghe “đài truyền thanh” đọc những bức thư tâm sự, thắc mắc không biết chia sẻ cùng ai, hoặc nhờ tư vấn về các vấn đề chung liên quan đến sức khỏe, hôn nhân, pháp luật.

Những buổi sinh hoạt này có thể được tổ chức dưới hình thức tập trung công nhân đến hội trường nghe ca sĩ hát, xem diễn hài, lồng ghép nội dung thông tin hoặc thực hiện thông qua kênh truyền thanh vui vẻ của ban quản lý ký túc xá. Bên cạnh những hoạt động chăm sóc tinh thần, điều đặc biệt, then chốt quyết định việc thu hút công nhân vào ở là ký túc xá có giá cho thuê rẻ hơn hoặc ngang bằng giá phòng trọ bình dân bên ngoài... Những ước mơ này liệu có viển vông?

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.