Chưa đến nửa đêm đã thấy từng đoàn xe tải, xe container các loại tập kết về chợ Đầu mối Hòa Cường phía đường Lê Thanh Nghị. Từng tốp nhân viên bốc xếp, vận chuyển hàng cùng với xe kéo cải tiến tỏa ra, hoạt động ban đêm ở chợ bắt đầu nhộn nhịp.
Những “cửu vạn” ở chợ Đầu mối Hòa Cường giờ không còn phải nai lưng ra vác những kiện hàng nặng nhọc như trước nữa. Ảnh: V.T.L |
Chuyển vác thành xếp
Trước Rằm tháng bảy âm lịch 2 ngày, các loại hàng trái cây, rau củ quả tấp nập đổ về chợ, sẵn sàng cung ứng nhu cầu của người dân trong dịp lễ Vu Lan. Trưởng ban Quản lý chợ Diệp Hoàng Thông Anh chỉ những chiếc xe tải đỗ bên đường chờ đến lượt vào xả hàng, nói với tôi: “Ban ngày hàng hóa về chợ không nhiều, chủ yếu ban đêm từ 1 giờ đến 4 giờ sáng. Mỗi đêm trái cây nhập về từ 180 - 200 tấn, rau củ quả 150 - 170 tấn. Những đêm trước ngày Rằm lớn như thế này lượng hàng nhập còn nhiều hơn”.
Để đưa lượng hàng lớn này từ xe vào lô hàng của các tiểu thương trong chợ, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cùng với Ban Quản lý chợ thành lập hai đội bốc xếp vận chuyển (BXVC) tự quản, một cho ngành hàng trái cây gồm 61 người và một cho ngành hàng rau củ quả (đơn vị gọi là rau hành – lê-ghim) gồm 93 người.
Ông Nguyễn Văn Cừ, Tổ trưởng Tổ kế toán Ban Quản lý chợ cho hay, hai đội đứng ra ký hợp đồng BXVC hàng hóa với các tổ ngành hàng ở chợ với giá cả thỏa thuận giữa các bên. Để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các nhân viên bốc xếp, 2 đội thành lập 2 nghiệp đoàn trực thuộc Công đoàn ngành Công thương thành phố.
Càng về khuya, xe về càng đông dần, đèn pha sáng rực cả một góc chợ. Từng tốp nhân viên, kẻ bốc xếp, người vận chuyển, xuôi ngược đưa các thùng hàng vào đúng địa chỉ ghi trên toa hàng. Ông Trần Văn Khôi, 50 tuổi, Đội trưởng Đội BXVC trái cây, làm nghề này từ năm 1994 ở chợ Cồn. Lúc đó, gọi đúng công việc là bốc vác, phải kê vai vác hàng rất nặng. Mỗi giỏ cần xé đựng các loại trái cây đặc ruột như bơ, mãng cầu xiêm nặng đến hơn hai tạ, phải hai người vạm vỡ mới khiêng nổi.
Giờ thì tất cả được đóng thùng hay vô bao nặng, loại nhất không quá 70kg, lại được vận chuyển bằng xe kéo cải tiến nên công việc nhẹ hơn nhiều. Thêm vào đó, sau khi đưa giàn trượt vào sử dụng càng giúp công việc của anh em đỡ tốn công sức hơn. Đối với loại xe container, chuyển hàng từ bên trong ra cửa container nếu dùng giàn trượt chỉ mất 3-4 người, còn không thì phải đến 6 người. Mưa gió thì tài xế cho xe vô sát cổng, anh em bốc xếp dùng giàn trượt đưa hàng thẳng vào bên trong chợ, tránh ẩm ướt làm hư hỏng hàng hóa.
Ông Khôi ước chừng sức lực giờ bỏ ra cho bốc xếp chỉ còn một phần ba so với bốc vác trước đây.
Đôi lúc cũng phải “giang hồ” một chút
Lúc thành lập năm 2005, chợ Đầu mối Hòa Cường thu nhận hàng trái cây bán sỉ từ chợ Cồn chuyển lên, hàng rau củ quả các loại từ chợ Mới, chợ Đống Đa chuyển lên. Trong mấy năm đầu, người đi chợ Đầu mối còn ít, phần chưa quen chợ, phần sợ bị cướp giật, trấn lột. Người mua không dám mang nhiều tiền, tiểu thương, vì thế, cũng không dám nhập nhiều hàng.
Từ năm 2007, khi Đội dân phòng cơ động phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) tham gia vào đội BXVC ở chợ, an ninh ổn định dần. Từ đó, chợ ban ngày hút khách, ban đêm hút hàng; hai ngành hàng trái cây, rau củ quả đã tăng từ vài chục lô lúc đầu lên 150 lô mỗi ngành hiện nay.
Ông Trần Văn Giáo, Đội trưởng Đội dân phòng cơ động kiêm Đội trưởng đội BXVC rau củ quả, quản lý 93 đội viên, trong đó có hơn 30 người là đội viên dân phòng. Chiều tối ông dẫn quân đi tuần tra, đến 1 giờ đêm là đưa anh em quay về chợ “trực tiếp sản xuất”.
Ông nguyên là dân vạn ghe Lỗ Sài ở Hòa Cường thuộc khu Sông Đà trước năm 1975. Ông có người chú là cơ sở cách mạng, cảnh sát chế độ Sài Gòn bắt cả hai chú cháu đưa xuống Ty Gia Long (cách gọi tắt chỉ Ty Cảnh sát Đà Nẵng thời chế độ cũ trên đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng). Sau đó, ông còn mấy lần bị đi tù ở Hội An. Trong tù, ông lấy dép nhựa đốt lửa hơ nóng kim, lưỡi lam rồi xăm nhiều chỗ trên người, trong đó cánh tay phải ông xăm “ơn đền oán trả”, tay trái “máu chảy về tim”. Đó là cách nhìn của ông về cuộc sống trong tù ngày đó, câu đầu sòng phẳng “ân oán giang hồ”, câu sau mong sớm ra tù về với gia đình.
Thời mới thành lập chợ Đầu mối, tình hình trật tự trị an ở đây còn phức tạp. Trong những người làm nghề bốc xếp từ các chợ dưới trung tâm thành phố lên có không ít tay muốn làm “anh chị”. Ông Giáo bảo, đối với những đối tượng kiểu “xã hội đen” này thì mình phải tỏ ra “giang hồ” một chút thì họ mới kiềng mặt. Mỗi khi có vụ việc gì xảy ra, người đàn ông 62 tuổi này vươn vai ưỡn ngực, xắn tay áo lên lộ nhiều hình xăm, những kẻ có máu “giang hồ” thấy vậy là “lạnh” ngay.
Nhiều vụ giành hàng bốc xếp ở chợ dẫn đến mâu thuẫn, hai bên xách mã tấu tới “giải quyết”, ông vừa ra can ngăn, vừa gọi Công an đến. “Ớn” nhất, ông kể, là vụ hai thanh niên nhiều lần giữa ban ngày ban mặt thản nhiên mang dụng cụ tới sát hông chợ, bên đường Hồ Nguyên Trừng, chích ma túy. Ông gọi lực lượng Công an phường đến, hai thanh niên này huơ kim tiêm lên dọa dẫm một hồi rồi lên xe máy định tuôn chạy. Ông rú ga xe máy phóng thẳng tới, chấp nhận hư hỏng nửa đầu xe để ghìm chân hai đối tượng rồi nhảy qua bắt gọn cả hai. Vì nhiều thành tích, ông là người BXVC hàng hóa duy nhất ở chợ Đầu mối Hòa Cường được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2014.
Lấy đêm làm ngày
2 tháng nay, chàng trai Nguyễn Ngọc Thiện, 22 tuổi, đến từ Tiên Phước, Quảng Nam, được nhận vào đội của ông Khôi. Ông kể, lúc đầu do thiếu người, tuyển được ai vào là cho làm đêm ngay. Có anh làm được 1-2 đêm, giỏi hơn được 6-7 đêm là bứt, phải “bỏ của chạy lấy người”. Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều anh không thạo việc, đưa hàng người này vào lô người khác hoặc làm hư hàng.
Từ đó, phải cho “tân binh” làm ban ngày cho quen việc, từ lúc ít hàng cho đến hàng nhiều, quen từng loại hàng đóng gói, quen các chủ hàng... Đến những đêm cao điểm trước Rằm, mồng Một, cho họ xuống làm “quan sát viên” để quen hoạt động chợ đêm. Việc này ngó vậy mà rất cần thiết, bởi một số người thấy cảnh đêm xe cộ đông đúc, đèn pha sáng choang, động cơ ầm ĩ, hàng hóa tấp nập, người tới lui nhộn nhịp… là cảm thấy ngợp ngay.
Để tăng cường an ninh trật tự cho hoạt động chợ ban đêm, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng ký kết quy chế phối hợp với Phòng PC45 Công an thành phố Đà Nẵng nhằm phòng chống tội phạm ở chợ. Tuần qua, Phòng PC45 đã chụp hình, lăn tay làm hồ sơ từng người bốc xếp vừa ngăn ngừa trường hợp các đối tượng xấu trà trộn vào, vừa tạo thêm tự tin cho anh em.
Mỗi đêm chỉ làm từ 1 đến 4 giờ sáng, thu nhập bình quân mỗi người từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng; nếu ai có sức làm thêm vào ban ngày thì thu nhập sẽ cao hơn. Tổng tiền công được trích lại 10% tiền công làm quỹ đội, dùng chi vào những khoản như: trả tiền thuê văn phòng, điện nước, may trang phục bảo hộ lao động, mua BHYT, bảo hiểm tai nạn, chi thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ, khuyến học...
Lấy đêm làm ngày, tối, chủ lô hàng về hết, toa hàng trên xe của chủ nào đều được người bốc xếp giao đúng hàng, đúng người. Sáng hôm sau, chủ hàng đến kiểm tra không sai một ly. 10 năm gắn bó với nhau rồi nên nương nhau mà sống, tất cả lấy chữ tín làm đầu. Từ điển giải thích “người làm nghề bốc vác thường hay gọi là cửu vạn hoặc khi làm công một việc gì đó mà nặng nhọc thấp bé nhất trong xã hội cũng gọi là đi làm cửu vạn”. Những người làm đêm ở chợ Đầu mối Hòa Cường không phải vác, công việc cũng không nặng nhọc thấp bé nhất. Vì thế, viết về họ, tôi phải nháy nháy là “cửu vạn”…
Các chợ lớn nhỏ ở Đà Nẵng cứ đến đêm là “ngủ”, trừ chợ Đầu mối Hòa Cường. Những người “cửu vạn” ở ngôi chợ loại 1 “trẻ” nhất thành phố này, bằng mưu sinh của mình, đã tạo nên một không gian chợ rất khác: nối dài hoạt động của chợ ra suốt 24 giờ mỗi ngày.
Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ