.

Khiếm thính ở trẻ em

.

Hạnh phúc nhất của các bác sĩ chữa trị khiếm thính ở trẻ em là được nhìn thấy những em bé bị điếc bẩm sinh giật mình vì tiếng “bíp bíp” của máy móc sau khi được đeo máy trợ thính hay cấy điện cực ốc tai.  Đó là một thanh âm tuyệt vời…

Một em bé đang học nói với chuyên gia thính lực ở trung tâm trợ thính Cát Tường. Ảnh: Q.T
Một em bé đang học nói với chuyên gia thính lực ở trung tâm trợ thính Cát Tường. Ảnh: Q.T

Chưa được phát hiện kịp thời

Bé Q.C (quận Sơn Trà) từng là một cậu bé gắt gỏng, khó chịu, thích gì làm nấy khiến cha mẹ và những người xung quanh rất mệt mỏi. Giờ đây, nhờ được y học can thiệp, cậu bé rất hiếu động, vui tươi, không còn cáu kỉnh nữa mà liến thoắng gọi ba, gọi mẹ.

Chị N.H, mẹ bé C kể, thời gian mang thai chị bị nhiễm rubella nhưng vì thiếu thông tin nên không hề biết mẹ bị rubella có nguy cơ cao sinh ra con bị điếc. Khi con 1 tuổi vẫn không thấy con ê a tiếng nào, bố mẹ hay người khác gọi cháu không hề quay lại hay có phản ứng gì. Ban đầu, vợ chồng chị nghĩ đơn giản, mỗi đứa trẻ có một tập tính riêng, chậm cái này sẽ nhanh cái khác.

“Đinh ninh” như vậy nên chị cố chờ đợi, mãi đến khi con gần 3 tuổi vẫn im bặt thì chị đưa con đi đo thính lực và nhận được kết quả bé bị điếc bẩm sinh, chị rất ân hận và tự trách mình: “Tôi đã linh cảm có điều gì đó bất thường ở con từ lâu nhưng cố lờ đi. Tôi giận mình đã bỏ qua mất giai đoạn vàng (6 tháng-1 tuổi) để giúp con tiếp xúc ngôn ngữ, hòa nhập xã hội. May là vẫn còn kịp để y học can thiệp”, chị ngậm ngùi nói.

Cùng cảnh ngộ như chị N.H, vợ chồng chị V.M (quận Thanh Khê) cũng từng phải chịu đựng một thời gian dài căng thẳng vì tính cách cáu bẳn, hung hăng của cậu con trai. Do cậu bé rất lanh lợi, nghịch ngợm, dù không nhạy cảm với tiếng động, nhưng khi mẹ nói, cậu bé nhìn theo miệng mẹ mà phát ra bập bẹ “ba, ba” nên cả gia đình không nghĩ tai bé có vấn đề mà lại nghĩ bé bị… tự kỷ.

Ông bà nội bé thì khuyên, “chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” nên chị cũng tin theo kinh nghiệm dân gian. Khi con hơn 2 tuổi vẫn chưa nói được tiếng nào dù mẹ cố gắng trò chuyện, chơi đùa thật nhiều, chị mới tự mình lên mạng tìm hiểu thông tin. Khi nhận tờ kết quả từ tay bác sĩ chị “đứt ruột đứt gan vì thương con”.

Nhiều năm làm trong lĩnh vực hỗ trợ cải thiện thính lực cho trẻ bị điếc, ông Trần Kim Sơn, phụ trách Trung tâm trợ thính Cát Tường (tại Đà Nẵng) nhận định, những bệnh lý về thính giác có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên bệnh điếc ở trẻ lại chưa được phát hiện kịp thời dẫn đến khó khăn trong chữa trị.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 250 triệu người điếc. Riêng ở Việt Nam cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị điếc. Bác sĩ Phan Vũ Thanh Hải (Khoa Tai-mũi-họng Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh điếc của trẻ. Như quá trình mang thai người mẹ đã sử dụng nhiều loại kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, người mẹ bị nhiễm virus Rubella hoặc mắc các bệnh giang mai, lậu. Ngoài ra, một số trẻ có thể bị điếc sau sinh do mắc sởi, quai bị, viêm tai giữa… Ông Trần Kim Sơn lưu tâm đến con số: Hơn 80% các bé đang can thiệp máy trợ và phục hồi chức năng ngôn ngữ ở Trung tâm trợ thính Cát Tường sinh vào năm 2011 (năm bùng phát dịch Rubella tại Đà Nẵng).

Cần sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh

Theo bác sĩ Thanh Hải, việc nhận biết trẻ nghe kém không khó, chỉ cần phụ huynh chú ý quan sát. Ví dụ, trẻ dưới 1 tuổi là không nhìn theo hoặc quay đầu về phía phát ra âm thanh, không tỉnh giấc khi nghe tiếng ồn, không phản ứng (giật mình/chớp mắt) khi nghe tiếng động lớn. Từ 1 đến 1 tuổi rưỡi, nếu trẻ chưa ê a được các từ đơn như “ba, mẹ” thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại.

Trẻ sơ sinh bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể nghe, nói, và phát triển như trẻ bình thường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vì chủ quan hoặc thiếu thông tin về bệnh nên đưa con đi khám muộn, khi trẻ đã 4-5 tuổi khiến việc điều trị cả điếc và ngôn ngữ đều rất khó khăn.

Từ tháng 6-2013, sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh là một trong 5 sàng lọc cơ bản được Bệnh viện (BV) Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khuyến cáo. Sàng lọc thính lực cho trẻ trước khi xuất viện về nhà sẽ giúp phát hiện từ rất sớm những trẻ có vấn đề về thính giác để kịp thời can thiệp. Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai-mũi-họng, đối với bệnh này, giai đoạn vàng để phát hiện và can thiệp là 6 tháng tuổi. Trung tâm phát triển ngôn ngữ ở vỏ não chỉ phát triển trong 3-4 năm đầu đời, trung tâm ngữ nghĩa thì 1-2 năm đầu đời. Vì thế, phát hiện bé không có khả năng nghe khi đã 2,5 - 3 tuổi là muộn, khiến việc học nói của trẻ khó khăn. Khi không thể nghe được, trẻ sẽ không thể nói, hòa nhập xã hội kém.

Những năm đầu mới áp dụng, do chưa đủ điều kiện về vật chất và nhân lực, BV phải phối hợp với Trung tâm thính lực Cát Tường và chỉ thực hiện được ở khoa nhi sơ sinh (những em bé có bệnh lý) đến tháng 8-2015, BV mới trang bị đầy đủ máy móc và con người để thực hiện sàng lọc rộng rãi, cả bên khoa sản (những em bé nằm với mẹ).

“Từ ngày BV độc lập sàng lọc, một ngày đo thính lực cho khoảng 30 em, chiếm hơn 90% trẻ em được sinh ra. Chi phí sàng lọc cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ 30.000 đồng/lần. Chi phí rẻ góp phần làm tâm lý phụ huynh “nhẹ gánh” nên hầu như bà mẹ nào cũng đưa con em đi kiểm tra thính lực cả”, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lan (chuyên khoa Tai-mũi-họng BV Phụ sản-Nhi) nói.

Theo ông Trần Kim Sơn, trong năm đầu tiên chào đời, cha mẹ phải hết sức chú ý đến con để đừng bỏ qua giai đoạn vàng can thiệp. Đặc biệt, những bệnh lý liên quan đến thính giác và ngôn ngữ hiện đang ngày càng tăng khi cha mẹ bận rộn với công việc và trẻ tùy thích sử dụng các sản phẩm công nghệ.

Kỹ thuật điều trị mới

Để hòa nhập cuộc sống và giao tiếp bình thường với mọi người, những trẻ khiếm thính cần được can thiệp càng sớm càng tốt. Tùy theo mức độ, nhẹ và vừa có thể sử dụng máy trợ thính, một số trường hợp điếc nặng và điếc sâu, máy trợ thính không phát huy tác dụng thì phải cấy điện cực ốc tai.

Kỹ thuật cấy điện cực ốc tai là hình thức đưa điện cực vào ốc tai thay thế tế bào lông ở tai trong, dùng tín hiệu điện chuyển hóa âm thanh thành tín hiệu điện não giúp ta có thể nghe được. Hiện, BV Đà Nẵng là nơi đầu tiên ở miền Trung thực hiện cấy điện cực ốc tai để cải thiện thính lực. Phương pháp này vẫn còn quá mới mẻ vì mới được áp dụng và giá thành thiết bị rất cao (600 triệu đồng/ca) nên rất ít bệnh nhân khiếm thính được hưởng thụ kỹ thuật tiên tiến này. Từ lúc áp dụng đến nay (9-2014), BV Đà Nẵng đã cấy 5 ca.

Bác sĩ Trương Ngọc Hùng (chuyên khoa II khoa Tai-mũi-họng, BV Đà Nẵng) cho biết, sau khi cấy điện cực ốc tai trẻ cần phải có thời gian tối thiểu 3 năm để tập nghe và nói. Đặc biệt những trẻ điếc bẩm sinh chưa từng làm quen với thế giới âm thanh thì càng phải có quá trình tập nghe nói lâu dài.

Quá trình tập luyện sau khi phẫu thuật giữ vai trò rất quan trọng để giúp trẻ phục hồi. Trẻ phải có sự tập luyện ở nhà trường với thầy cô giáo, ở BV và với các chuyên gia thính học. Nhưng quan trọng nhất là phải có thời gian luyện tập tại nhà với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Tại Đà Nẵng hiện nay đã có một số cơ sở dạy nói cho trẻ như BV Đà Nẵng, khoa phục hồi chức năng BV C, Trung tâm Med-el (260 Nguyễn Tri Phương), Trung tâm trợ thính Cát Tường (111 Hải Phòng).

Trẻ điếc bẩm sinh có khả năng cải thiện thính lực hiệu quả nhất nếu được cấy điện cực ốc tai trước 5 tuổi. Tuy nhiên, chi phí quá cao khiến nhiều trẻ khó có cơ hội điều trị. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra, nói như ông Trần Kim Sơn, việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của gia đình nào mà cả xã hội phải vào cuộc.

Bác sĩ Trương Ngọc Hùng (chuyên khoa II khoa Tai-mũi-họng, BVĐN): Trẻ em sinh ra nhất thiết phải được tiêm ngừa vắc-xin phòng các bệnh sởi, cúm, giang mai, quai bị, viêm màng não, rubella; nữ thanh niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải tiêm phòng rubella để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro bẩm sinh cho trẻ. Đặc biệt, khi trẻ bị viêm tai giữa, nên dùng thuốc theo toa bác sĩ, không nên tùy tiện dùng thuốc nhỏ tai cho trẻ hay để bệnh kéo dài vì đây cũng là nguyên nhân gây giảm thính lực.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.