Tháng tám, tiết trời đỏng đảnh nắng mưa. Chỉ cần nghe tiếng trống múa lân “cắc, tùng tùng tùng tùng” vang lên đâu đó, là biết một mùa Trung thu nữa đang về.
Niềm vui con trẻ trong mùa Trung thu. Ảnh: T.Y |
Niềm vui con trẻ
Cách đây gần một tháng, khi nghe con trai giọng hào hứng pha lẫn ganh tỵ kể bạn bè mình được ba mẹ mua cho đầu lân, trống tiểu, anh Nguyễn Văn Quý, tổ 149C, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà quyết định đầu tư cho con một cái đầu lân để chung vui cùng bạn bè. Nói là làm, ngay ngày hôm sau, anh tranh thủ nghỉ buổi chợ sớm, ngược xuôi tìm mua đầu lân cho con.
Ban đầu, anh chỉ định mua một chú lân nhỏ. Nhưng khi đứng trước hàng trăm con lân đủ kích cỡ, màu sắc tươi vui, anh muốn dành cho con một món quà đặc biệt. Vét túi được gần 2 triệu đồng, anh mua lân, trống, mặt ông địa, trang phục cùng chiếc quạt mo xinh xắn.
Anh vui vẻ cho biết: “Tuổi thơ mình ngày xưa cực khổ. Nhưng cực đến đâu cũng luôn có một mùa Trung thu trọn vẹn, rong ruổi khắp xóm làng với đoàn múa lân. Người lớn mình đây đi trên đường khi thấy đoàn múa lân còn thích ghé mắt lại xem, huống hồ gì con nít. Mua cho con, cũng chính là mua lại tuổi thơ cho mình. Miễn con vui là được”.
Từ ngày có đầu lân, cậu con trai Nguyễn Văn Phúc hí hửng gọi bạn bè tới cùng tập luyện. Góc sân nhỏ phía trước nhà rộn ràng tiếng trống giục lân. Đứa cầm dùi đánh trống. Đứa chộn rộn theo lân. Đứa ông địa, múa mây quạt gió… Phúc bảo, đây là lần đầu tiên ba đầu tư cho cậu một chú lân thiệt to với đầy đủ phụ kiện đi kèm. Khoái nhất là khi bạn bè biết chuyện, đứa nào cũng tấm tắc khen ba Phúc thương con.
Hầu hết trẻ em đều thích múa lân. Suốt gần nửa tháng nay, chiều nào em Nguyễn Nhật Minh, lớp 8/3, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) sau giờ tan học cũng xin phép ba mẹ đến nhà bạn tập múa. Có hôm vui quá, em và các bạn tập hăng say từ 5 giờ 30 đến hơn 7 giờ tối, quên cả đói.
Cầm chiếc đầu lân trên tay, mồ hôi nhễ nhại, Minh nói phải luyện tập thật nghiêm túc để đến rằm Trung thu cả nhóm cùng đi múa lân. Trung thu, với Minh vui nhất không phải là được ba mẹ mua cho bánh kẹo, lồng đèn, mà được đi múa lân cùng bạn bè, tiền kiếm được mấy đứa dồn lại liên hoan một bữa ra trò. Cùng tập lân với Minh còn có các em học sinh khối tiểu học như Nhi, Vỹ, Hoàng, Chức, Linh…, mỗi đứa phân công từng phần việc cụ thể để khỏi tranh giành nhau khi múa.
Tương tự, em Đinh Văn Danh, học sinh lớp 7/6, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà) cũng trải qua những ngày rong ruổi với cậu bạn cùng lớp múa lân. Hai đứa vốn đã thân nhau ở lớp, nay có dịp luyện tập nên càng vui, dù đôi lúc cãi nhau chí chóe. Danh bảo, cãi đó rồi cười đó, trước khi muốn tập một động tác mới, cả hai mượn máy tính ba mẹ, vào youtube.com xem người ta nhảy ra sao rồi bắt chước. Mỗi khi tập hoàn chỉnh một động tác khó là y như cả ngày hôm đó người cứ lâng lâng, sung sướng vô cùng.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, lân tượng trưng cho điềm lành, mang lại may mắn, bình an. Vào dịp Trung thu, người ta hay múa lân vào 2 ngày 14 và 15 âm lịch. Đám múa ít nhất phải có 4 người, gồm người đánh trống, người đóng vai ông địa và 2 người múa đầu và đuôi lân. Từng động tác, từng điệu bộ của chú lân phải thật trùng khớp với nhịp trống vang dồn. Lúc vui tươi, nhộn nhịp, lúc nhẹ nhàng, lắc lư, lúc nằm sóng soài trên mặt đất thật sống động, tự nhiên. Vào dịp Trung thu, đám múa lân đi trước, người lớn trẻ con dắt díu theo sau. Nhà nào có lân ghé vào thường treo tiền thưởng trên cao cho lân leo lên lấy. Không khí lúc nào cũng rộn rã, nhiều tiếng cười.
Xin đừng thương mại hóa
Ngay từ ngày mồng 7, 8 âm lịch, trẻ con thường rủ nhau múa lân với mục đích vui là chính. Múa lân không chỉ là hoạt động góp vui, tạo tiếng cười cho con trẻ, múa lân còn là nét đẹp văn hóa. Ở Đà Nẵng, vào mùa Trung thu, trên các tuyến phố chính, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh như Phạm Văn Đồng, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Hùng Vương… có hàng nghìn người dân đổ ra đường xem lân múa.
Từ năm 2011, Võ Văn Mạnh (1986), Bí thư Chi đoàn Nại Nghĩa, phường Nại Hiên Đông tập hợp một số đoàn viên thanh niên góp tiền mua đầu lân về luyện tập, múa miễn phí phục vụ trẻ em và một số chùa chiền đóng chân trên địa bàn phường.
Thời gian còn lại của mùa Trung thu, Mạnh cùng nhóm bạn nhận lời múa phục vụ trẻ con tại tổ dân phố, nhà dân, trường học hay công sở, xí nghiệp với kinh phí chỉ bằng ½ kinh phí thị trường. Số tiền thu được, đội dùng tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện, tặng quà cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để tiết kiệm kinh phí đầu tư, Mạnh mua giày ba-ta, bao tay sáng tạo thành bàn chân lân.
“Đoàn lân của Nại Hiên Đông thuộc về nhóm thanh niên tình nguyện nên giá cả đưa ra rất mềm. Dù là đội lân nghiệp dư, nhưng cả nhóm thường xuyên sáng tạo những động tác mới nhằm thay đổi phong cách ngày càng phong phú. Đặc biệt, tối 14 âm lịch, đoàn đi múa từ 3 giờ chiều đến hơn 11 giờ đêm mới trở về nhà. Dù mệt nhoài nhưng ai cũng vui vì có một đêm nhảy múa hết mình”, Mạnh chia sẻ.
Đoàn lân càng chuyên nghiệp, khách hàng càng đòi hỏi sự dẻo dai, điêu luyện, múa nhiều động tác khó, lạ, đẹp mắt. Chính vì vậy, người múa lân phải bỏ rất nhiều công sức để luyện tập, thậm chí gặp tai nạn khi tập các động tác trên cao. Bên cạnh đó, múa lân chuyên nghiệp còn là sự kết hợp hài hòa giữa võ thuật và sự khéo léo, thuần thục của đôi bàn chân.
Anh Nguyễn Văn Dũng, hộ buôn bán trên đường Lê Duẩn cho biết, theo quan niệm của giới kinh doanh, con lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt và may mắn. Trong đoàn lân luôn có ông địa với tai to, bụng bự, miệng cười toe tét, tay phe phẩy quạt mo tượng trưng cho tâm trạng nhẹ nhõm, vui tươi của người buôn may bán đắt. Do đó, dù kinh phí có phần đắt đỏ (trung bình vài triệu đồng cho một tiết mục biểu diễn gần 30 phút), nhưng hầu như năm nào, anh Dũng cũng hợp đồng đưa lân về múa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những đoàn lân mang tính tự phát, mỗi năm chỉ múa một lần vào dịp Trung thu với mức kinh phí “tùy tâm” hoặc rất khiêm tốn thì còn có nhiều đội lân mang tính dịch vụ, khi múa có hợp đồng hẳn hoi và chi phí có thể lên tới vài triệu, thậm chí 10 triệu đồng. Do tính chất chuyên nghiệp nên những đoàn lân này thường rất đắt “sô”, thời gian biểu diễn tùy theo kinh phí.
Nhắc đến múa lân dịp Trung thu, anh Nguyễn Bình Nam, người vừa thực hiện chương trình “Trăng nhỏ vùng cao” tại Trường PTDT Bán trú tiểu học Măng Bút 1 - xã Măng Bút, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum trăn trở, với những đứa trẻ vùng cao, Trung thu chỉ mong được cha mẹ mua cho một chiếc đèn ông sao, vài thanh kẹo ngọt. Đồi núi chập chùng, nhà cửa heo hút, làm sao nhìn thấy một đám lân vui nhộn, đầy màu sắc trẻ thơ.
Có thể nói rằng, trẻ em nông thôn, đô thị may mắn còn giữ lại hình ảnh đội lân đi múa dọc đường phố, đường thôn dưới ánh trăng rằm. Nhưng giá như, vào những mùa Trung thu, hoạt động múa lân ít dần tính thương mại hóa, hòa vào nhịp điệu phố phường, đi đến từng nhà, từng ngõ để mang đến màu sắc tươi vui, rộn ràng trống hội cho những đứa trẻ. Như thế, cái Tết trung thu sẽ thêm phần ý vị, vui tươi.
TIỂU YẾN