.

Tiếng rao vào chợ

.

Người ta nghiệm ra rằng, muốn bán thì phải có rao. Nếu không rao, ai biết mà mua. Tuy nhiên, không dừng lại ở chỗ quảng bá món hàng, mỗi tiếng rao được cất lên còn cho thấy nét thông minh, hóm hỉnh của người bán và hóa thành “cơn nghiện” của không ít người mua hàng.

Sau tầm 4 giờ chiều, khu bán quần áo cũ ở chợ Cồn ken đầy hàng hóa và ồn ã tiếng rao. Ảnh: N.H
Sau tầm 4 giờ chiều, khu bán quần áo cũ ở chợ Cồn ken đầy hàng hóa và ồn ã tiếng rao. Ảnh: N.H

Từ tiếng rao dân dã

Những tiếng rao đêm của người bán bánh mì nóng giòn, tiếng lốc cốc buồn của xe hủ tiếu, hay tiếng ngân nga vang vọng cuối đường trong những đêm đông; hay tiếng rao kem cây, kem cắt, chè đậu ván, đậu đỏ... làm dịu đi cái nắng của ngày hè luôn là một phần không thể thiếu được của cuộc sống. Chính những tiếng rao bình dị ấy đã tạo nên một nét riêng của  mỗi làng quê, phố thị.

Ai một lần ra xứ Huế mà không bị hớp hồn bởi tiếng rao ngọt lịm của mấy o bán bánh “bèo, nậm, lọc” rong ruổi khắp nẻo đường; không nổi da gà với ngọn đèn trứng vịt đong đưa đằng sau thanh âm ma mị kéo dài “hột vịt... lộn” rồi mất hút cuối đường của mấy mệ. Ai vào trong Nam mà không nhớ tiếng rao “ngọt như đường cát, mát như đường phèn” của mấy chị, mấy cô bán quà sáng, quà trưa khắp nẻo đường.

Có lẽ tuổi thơ của bất kỳ ai cũng một thời gắn bó với một món kẹo kéo quê kiểng. Không chỉ mê kẹo mà còn mê cả lời rao có một không hai của ông bán hàng. “Kẹo kéo vừa dẻo vừa dai, vừa dài vừa ngọt. Chạy tọt về nhà, xin ông xin bà, năm xu ra mua kẹo kéo… đây!”.

Cái giọng Bắc Kỳ vừa thanh vừa ngọt khiến bầy con nít rồng rắn bu quanh chiếc xe có chiếc hộp gỗ thần kỳ ngọt lịm. Không chỉ thế mà lời rao cũng biến hóa tùy theo đối tượng mời. Mới phút trước ông còn mời chào cô gái trẻ bằng lời rao dí dỏm: “Cô nào chồng bỏ chồng chê.  Mau ăn kẹo kéo chồng mê tối ngày”; vậy mà phút sau đã mồi chài bọn học trò tiểu học: “Em kia lớp một lớp hai. Ăn năm xu kẹo kéo nay mai lên lớp mười!”.

Ngày nay người bán dạo đã có thiết bị điện tử phụ trợ, làm khuấy động không khí vốn đã quá ồn ã nơi phố thị, phá tan sự tĩnh lặng chốn thôn quê, nên với nhiều người, nhất là những người lớn tuổi, vẫn thấy nhớ làm sao tiếng rao hàng với lối vận dụng ca dao, văn vần, câu vè… một cách sáng tạo, khéo léo thuở trước.

Đến “chợ la làng”

Từ lâu chợ Cồn nổi tiếng khắp gần xa không chỉ là ngôi chợ lâu đời với quy mô bề thế nằm ngay trung tâm thành phố như một niềm kiêu hãnh của người dân Đà Nẵng mà mấy năm gần đây, chợ Cồn còn được người ta biết đến với một cái tên khá lạ lẫm: Chợ “la làng”. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì người bán hàng vừa bán vừa rao to như thể la làng. Vào tầm 4 giờ chiều, ngay lối đi vào cổng chợ phía đường Ông Ích Khiêm, khu bán quần áo cũ (còn gọi là đồ bành, đồ si-đa) được bày bán la liệt. Thôi thì đủ thứ giọng Quảng, Huế, Bắc, Nam... với cung trầm, cung thanh hòa nhau thành một bản hòa ca rất chi là... chợ!

Lạ một điều, mặt hàng áo quần cũ này không chỉ riêng chợ Cồn độc quyền kinh doanh mà hầu như chợ nào ở Đà Nẵng cũng có. Vậy mà cứ đến chợ Cồn thì khách vừa được mua hàng vừa được thưởng thức những lời rao lạ lẫm. Lạ đến nỗi đâm ra ghiền lúc nào không biết. Nếu đem so sánh thú mua bán này với thú chơi bài chòi của dân miền Trung thì có quá khập khiễng không? Nhưng thật sự đi chợ Cồn mua đồ bành, người mua không chỉ chọn được hàng độc, hàng hiệu mà còn không bị nhăn nhó, đốt vía hay thậm chí xua đuổi như ở nơi bán các mặt hàng khác.

Thêm vào đó, người mua còn được thưởng thức những lời rao dẻo quẹo kiểu như: “Rẻ rê rê, rẻ rề rề. Năm ngàn một cái mua về... chùi chân. Chùi chân rồi lại chùi tay. Chùi cả mặt mày mà vẫn còn nguyên”. Hay tếu táo như: “Áo sơ-mi Hàn Quốc, đầm dạ hội Nhật Bản đây... Không mua là dại là khờ. Mua rồi mới biết còn khờ... hơn lúc chưa mua”!

Nói về cách thức rao bán độc đáo này, chị Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi),  mới gia nhập đội quân bán quần áo cũ tại chợ Cồn cho biết: “Cũng chẳng biết có từ hồi mô nữa, khi bắt đầu ra bán, đã thấy mấy lão tiền bối ở chợ rao lanh lảnh... Sau đó thì bắt chước nhau mà rao. Đặc biệt cánh đàn ông ở đây rao bạo miệng lắm”. Chị buổi sáng bán đồ bành ở chợ Hòa An, quận Cẩm Lệ, không một tiếng rao; đến chiều xuống chợ Cồn thì phải “nhập gia tùy tục”, không rao thì ế hàng ngay.

Những người khác thì lý giải rằng: Hàng áo quần cũ, nhất là hàng đuôi (hàng chót, được thải ra từ những cửa hàng đồ bành tuyển), giá cả rẻ, lại chất thành từng đống trên mặt bằng chật hẹp cỡ 2 mét vuông. Nếu không la, không rao thì làm sao khách hàng biết mà mua. Đặc biệt, “chợ la làng” bao giờ cũng ưu tiên cho lời rao, sau đó mới đến sản phẩm. Và cũng vì là hàng la làng nên khách không cần trả treo làm gì cho mệt sức. Cứ thoải mái chọn lựa và trả tiền theo như lời rao mà không liếc nhìn bảng giá.

Những người bán đồ bành ở chợ Cồn, họ không biết Elmer Wheeler là ai. Họ cũng không có điều kiện đọc cuốn sách thú vị có tựa đề “Tested Sentences That Sell” (tạm dịch: Những câu bán hàng nổi tiếng) của tác giả người Mỹ này với khẩu hiệu: “Hãy bán âm thanh xèo xèo hấp dẫn, chứ không phải miếng bít-tết”. Họ chỉ vì cuộc sống mưu sinh vất vả mà tìm ra phương thức kinh doanh khá độc đáo. Họ biết rằng, để bán được hàng, họ cần phải biết rao.

Rao to hơn “đối thủ” chưa đủ, cần phải biết rao một cách thông minh và hấp dẫn. Khi đó không cần phải “khản hết cả cổ” đâu. Chỉ cần vừa đủ thôi. Thậm chí khe khẽ thôi. Nhưng khách hàng sẽ chú ý vì tò mò, sẽ muốn tìm hiểu và sẵn sàng móc hầu bao để mua hàng. Chính vì vậy họ vận dụng hết khả năng thơ ca, hò, vè, hát xuân nữ, hát bài chòi... miễn sao đánh vào thị hiếu của khách bình dân là “rẻ, đẹp, độc đáo”!

Lời rao dân dã ngõ quê đường phố đã đi vào kinh doanh thời hiện đại và tạo nên một nét lạ, nét riêng cho ngôi chợ đất Đà thành đã nổi tiếng bao đời nay khắp cả miền Trung-Tây Nguyên.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.