.

Trung thu cổ tích

.

Tiếng trống múa lân rộn rã, ánh sáng lồng đèn lung linh, hương bánh Trung thu thơm lựng... mùa trăng rằm tháng Tám bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc đẹp đẽ như cổ tích.

Tiếng trống múa lân rộn rã, ánh sáng lồng đèn lung linh, hương bánh Trung thu thơm lựng... mùa trăng rằm tháng Tám bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc đẹp đẽ như cổ tích.
Tiếng trống múa lân rộn rã, ánh sáng lồng đèn lung linh, hương bánh Trung thu thơm lựng... mùa trăng rằm tháng Tám bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc đẹp đẽ như cổ tích.

1. Đọc trên “phây” thấy có cái status (trạng thái) đại khái rằng, ngày trước quê nghèo không biết đến bánh và lồng đèn Trung thu ra sao. Một bữa được người cậu tặng chiếc bánh Trung thu, chia làm 4 phần thì thừa ra một bịch giấy nhỏ, cả nhà không biết để làm gì. Tác giả status đoán mò đó là gia vị dùng ăn với bánh, rồi nhanh nhảu xé bịch giấy ra, lấy phần bánh của mình chấm vào đó và cho vào miệng cắn một phát thiệt đã. Nhai ngấu nghiến một lát thì phát hiện trong miếng bánh có cái gì rất lạ, không thể nào nuốt nổi, bèn nhả ra. Nhìn lại cái bịch giấy thì thấy hàng chữ “túi chống ẩm, không được ăn”!

Có lẽ bây giờ không trẻ con nào còn ngớ ngẩn như thế nữa. Chỉ có điều, không phải tất cả mọi trẻ con ngày nay đều bình đẳng như nhau trong việc ăn bánh và chơi lồng đèn Trung thu.  

Chị Nguyễn Thị Dân, một cư dân Đà Nẵng kể, năm ngoái xem chương trình Trung thu của cơ quan mình thấy quá hoành tráng, chị chợt nghĩ đến nhiều trẻ em nghèo không có quà Trung thu và muốn làm một điều gì đó. Khi hỏi mấy người bạn về địa chỉ làm từ thiện thì họ bảo nên đi Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Qua kết nối trên Facebook, chị cùng bạn bè trong nhóm Thiện nguyện Từ Tâm đứng ra vận động được một số tiền và quà, kết hợp với thầy trụ trì chùa Hải An trên đường Lưu Quang Vũ tổ chức tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo trong phường.

Từ trung tâm Đà Nẵng đến chùa Hải An không quá xa, chỉ gần 11km, nhưng chị tưởng hai thế giới riêng biệt. “Sự khác biệt không phải là ánh trăng ở đây mênh mang hơn, huyền diệu hơn, tĩnh lặng hơn… nhưng có lẽ sự khác biệt đáng nói là sự nghèo khó của một vùng ngoại ô không quá xa so với sự phồn hoa nơi trung tâm thành phố”, chị chia sẻ. Nhìn những con đường xi-măng trong chương trình nông thôn mới, những mái ngói, mái tôn liêu xiêu, những vườn hoang cằn cỗi… chị bỗng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về những thân phận nghèo khó. Tặng các em 400 suất quà Trung thu (bánh và lồng đèn), 50 suất quà khuyến học, chưa phải nhiều nhặn gì, nhưng đó là sự chia sẻ chân tình của những người có lòng.

Trong đêm hội trăng rằm lần đó, các cháu bé vô tư - bởi trẻ con vốn là vậy, nhưng những người đi làm từ thiện lại không được thế. Nhìn các em uống sữa, ăn bánh, chơi đèn... hình như ai cũng cùng một suy nghĩ rằng phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp niềm vui cho những trẻ em không có điều kiện vui chơi trong ngày Tết dành riêng cho mình. Vì thế, Trung thu năm nay nhóm Thiện nguyện Từ Tâm kết hợp với thầy trụ trì và các nhà mạnh thường quân tiếp tục tặng thiếu nhi nghèo ở đây 500 suất quà, 20 xe đạp, 20 cặp học sinh. Lồng đèn thì năm nay giá mỗi chiếc đến 50.000 đồng, không thể tặng mỗi em một chiếc, chỉ mua 40 chiếc để trang trí cho đêm hội.

2. Có bánh, có lồng đèn, nếu thêm “ông lân” nữa thì còn gì bằng. Thâm nhập thị trường đầu lân mới biết ngó vậy mà lân có tới hai loại. “Lân sườn” là lân đan sườn bằng tre trước rồi sau đắp giấy lên; “lân đúc” là lân đắp giấy trên cốt đúc bằng xi-măng. Tất nhiên loại lân trước có giá cao hơn. Hầu hết các lân trên thị trường đều na ná như nhau, các tiệm bán đầu lân nhận về phải đề nghị bên cấp hàng chỉnh sửa đôi chút để hợp với thị hiếu người mua.

Trung thu, hàng triệu trái tim cùng đập theo nhịp trống và điệu nhảy sôi động của con lân, ông địa. Người viết từng làm “ông bầu” đội múa Tứ linh ở phường Khuê Trung (lúc đó trực thuộc quận Hải Châu), ra mắt ngay Tết Trung thu năm Canh Ngọ 1990 tại một số các nhà trẻ, cơ quan ở Đà Nẵng. Lần đầu tiên trẻ con thành phố (cũ) trố mắt ngạc nhiên bởi điệu múa của những linh vật bước ra từ truyền thuyết dân gian.

Giờ thì ánh đèn thị thành đã làm mờ nhạt ánh trăng rằm, cuộc sống hiện đại đã bóc dần đi cái ý nghĩa dân dã mà không kém phần cao quý của những đêm hội tuổi thơ. Trung thu thời hiện đại ngày một vắng dần những đêm trông trăng, thưởng thức đèn kéo quân, chờ phá cỗ... Vắng dần vẻ hồn nhiên đầy hồn cổ tích trong ánh mắt con trẻ, tuy rằng tiếng trống vẫn thúc vào lòng người những tiết tấu mà nhiều người nhắm mắt lại vẫn có thể mường tượng ra điệu múa của lân, của Địa…

3. Tết Trung thu được cho là xuất phát từ Trung Hoa với tích Đường Minh Hoàng được một đạo sĩ đưa lên chơi trên cung trăng vào đêm rằm tháng Tám. Về lại hoàng cung, vua còn nuối tiếc cảnh tiên nên cho chế tác khúc Nghê thường, cứ đến đêm rằm tháng Tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng, lâu dần thành tục lệ dân gian.

Với người Việt, trăng có một ý nghĩa rất to lớn, nó gắn liền với văn hóa lúa nước, với mùa màng và mọi hoạt động của người Việt cổ. Khi chưa có lịch thì cổ nhân đã lấy trăng làm đơn vị tính thời gian tương đương với một tháng: lúa ba trăng, xa nhau đã mấy mùa trăng… Bởi thương nên ốm nên gầy/ Cơm ăn chẳng đặng sầu đầy ba trăng/ Ngó lên sao mọc như giăng/ Thấy em có nghĩa mấy trăng cũng chờ (Ca dao).

Trong những mùa trăng thì trăng rằm tháng Tám được cho là sáng nhất, đẹp nhất bởi tiết thu mát mẻ, trời thu trong xanh. Quan trọng hơn, trung tuần tháng Tám âm lịch lại rơi vào thời điểm nhàn hạ của việc nông tang. Vậy thì, một dân tộc ưa chuộng lễ hội và luôn quan sát “đời sống” của trăng (không chỉ vì sắp xếp việc đồng áng mà còn hơn thế nữa là... thưởng ngoạn) như nước ta lẽ nào lại hờ hững với thời điểm “trời cho” này mà không bày ra một hội hè vui chơi gì đó, phải đợi đến khi người láng giềng phương Bắc “mách nước” giùm mới “sáng tác” ra cái Tết Trung thu?

Nhiều phong tục, lễ Tết... của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định từ phương Bắc do bị đô hộ một nghìn năm. Điều đó không tránh trớ đâu được. Song không phải là tất cả. Đã đến lúc người Việt mình phải tự khẳng định những chân giá trị các tập tục, lễ hội phát sinh từ nền văn minh lúa nước, trong đó Tết Trung thu - Lễ hội Trăng rằm là một trong những “đặc sản”.

Trẻ con phương Tây có đêm Giáng sinh với ông già Noel chui qua ống khói xuống phòng khách đặt quà tặng vào chiếc tất mở sẵn cho những đứa trẻ ngoan rồi trở ra theo đường ống khói. Vậy thì, những trẻ ngoan của Việt Nam sao lại không được chị Hằng (hay một nhân vật truyền thuyết nào đó) tặng quà trong đêm trăng rằm Trung thu đầy sắc màu cổ tích?

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.