.

"Hạt gạo làng ta"

.

Với diện tích ruộng không nhiều, mỗi nhà chỉ được 2-3 sào chia theo nhân khẩu từ hơn 20 năm trước, có thể nói sản lượng lúa của người nông dân Đà Nẵng làm ra chỉ đủ ăn, số lúa thương phẩm không đủ để đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1 triệu dân, phải cậy nhờ lúa gạo của các tỉnh miền Nam.

Với anh em ông Ngô Văn Hồng, hạt lúa mình làm ra để ăn luôn an tâm về chất lượng.
Với anh em ông Ngô Văn Hồng, hạt lúa mình làm ra để ăn luôn an tâm về chất lượng.

Hỏi chuyện quy trình sản xuất của nông dân nhiều nơi, bà con đều khẳng định: Lúa làm ra để ăn, sản xuất theo chương trình IPM trên lúa, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nên hạt gạo của nông dân hiện nay sạch hơn trước rất nhiều.

Ruộng trở nên có giá

Xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang có 8 thôn thì nay người dân 3 thôn không còn làm lúa là Đông Hòa, Bàu Cầu và Cẩm Nam, diện tích đất nông nghiệp toàn xã bị thu hẹp, giờ còn khoảng 67ha. Ông Ngô Văn Hồng, ở thôn Phong Nam cho biết: “Hồi trước ra đồng toàn thấy ông bà già, giờ thanh niên đi làm công nhân, nếu có ruộng họ vẫn làm để có lúa ăn, chủ động hạt gạo. Chừ làm ruộng quá khỏe, đi thăm đồng bằng xe máy, đến mùa từ làm đất cho đến thu hoạch đều thuê hết, chỉ mất công chở lúa về rồi phơi là xong, nên nhà ai mấy năm trước cho mượn ruộng chừ lấy lại hết”.

Bà Trần Thị Phúc, ở tổ 90 Hải An, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cũng nói: “So với ngày xưa thì chừ làm ruộng quá sướng. Ở đây chỉ còn dân Hải An, Khái Tây, Mân Quang, Thụy An là còn ruộng. Bữa ni không ai cho mượn ruộng nữa, nhiều nhà kiếm ruộng, tự làm lúa để ăn cho yên tâm”. Ông Phạm Định, 60 tuổi, làm nghề xay xát gạo ở Hải An trên 10 năm bảo “chú không ăn gạo miền trong, ăn gạo quê quen rồi. Bà con đem gạo đến máy, mỗi bao 50kg thì trả chú chừng 2kg gạo. Ở đây nhà nào không làm ruộng họ cũng ăn gạo quê, mùa này là giống lúa thơm, mùa kia là X30”.

Tự trồng lúa để lấy thóc gạo ăn là chính, vì nông dân tự nhận thấy làm lúa không có lãi. Thay vì bỏ tiền đong gạo, bà con tự canh tác để có gạo sạch, giống như những nhà ở phố trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng để có rau sạch. Bà Phúc cho rằng, giống lúa đạt chất lượng mà hợp tác xã (HTX) Hòa Quý 1 cung cấp cho bà con giúp giảm sâu bệnh rất nhiều. Nhà bà có 2 sào ruộng, được cấp 12kg lúa giống, bà thêm 4kg nữa để gieo. Ruộng sau khi làm đất được rải vôi, bón lót bằng phân chuồng; sau khi gieo thì rải phân ure, DAB, NPK, phun thuốc diệt cỏ. Bà bảo “lúa trở bệnh là phải báo với ông đội trưởng sản xuất ngay, họ sẽ phun thuốc ở đám ruộng đó để tránh lây lan”.

Gần một đời người gắn bó với ruộng, ông Ngô Văn Hồng và 3 người em trai nhà ở cạnh nhau, làm ruộng gần nhau, đều theo một quy trình sản xuất mà HTX Nông nghiệp 1 Hòa Châu đưa ra, từ khâu làm đất thì rải vôi khử phèn, rải phân vi sinh, đến khâu bón lót. Ông bảo “chú làm 2 sào, đủ để ăn. Nếu bị sâu vằn, đốm nâu, đạo ôn khi cây lúa 40-45 ngày tuổi thì còn có thể phun thuốc, chứ khi lúa đã trổ nếu phun thuốc sẽ ảnh hưởng hạt lúa, không ai phun vì chắc chắn hạt lúa bị lép, không đạt chất lượng”. Trước đây HTX phun thuốc định kỳ mỗi mùa 2 lần để dập dịch. Hơn 10 năm qua, khi áp dụng chương trình IPM thì nông dân không phun thuốc định kỳ nữa để đảm bảo hạt lúa sạch, môi trường trong sạch, dùng côn trùng như chuồn chuồn, bướm… để diệt sâu bệnh.  

Kỷ nguyên của sản xuất sạch

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp - IPM được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng trên nhiều giống cây trồng như lúa, rau và cây ăn quả, nhằm xây dựng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực từ khả năng gia tăng sử dụng phân bón, hóa chất và thuốc BVTV để hướng tới mục tiêu giảm 50% lượng thuốc trừ sâu, 10% lượng phân bón. Ông Nguyễn Thảo, Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1 nhận định: phương pháp IPM yêu cầu “phân tốt, bón cân đối sẽ không ảnh hưởng đến phát sinh sâu bệnh”.

Khác với trước kia, những cánh đồng vẫn được phun thuốc định kỳ để diệt sâu bệnh. Hơn 10 năm qua, HTX tuân thủ quy trình sản xuất IPM và VietGap, rải 450-500 tạ vôi/ha đất ruộng; khi đất được làm tơi nhuyễn sẽ rải lân vi sinh. Theo ông Nguyễn Văn Chức, phụ trách kỹ thuật sản xuất của HTX, thì phân hữu cơ vi sinh tạo thức ăn cho đất, giữ thức ăn đọng lại không bị rửa trôi. Nếu trong vùng có vài đám ruộng vẫn còn ký sinh, làm lúa bị nghẹt rễ, thì việc cây lúa huy động thức ăn diễn ra dễ dàng hơn, hạn chế việc nghẹt rễ.

Ngoài ra, HTX luôn đưa ra khuyến cáo yêu cầu bà con nông dân thăm đồng thường xuyên, xem xét những cây lúa bị yếu thế làm nấm bệnh phát sinh, xử lý nhanh không để sâu bệnh phát sinh thành dịch. Còn nếu khi có rầy nâu, HTX sẽ phun thuốc sinh học (trong danh mục Chi cục Bảo vệ thực vật cho phép), không gây hại nhiều cho môi trường cũng như quá trình sinh trưởng của cây. Khi lúa đã làm hạt thì không sử dụng việc phun thuốc diệt sâu bệnh, mà nhờ đến côn trùng.

Hòa Tiến được xem là cái nôi sản xuất nông nghiệp của Hòa Vang cũng như Đà Nẵng, đất đai phì nhiêu với cụm từ “bờ xôi, ruộng mật”. HTX Hòa Tiến 1 có diện tích đất ruộng canh tác là 250ha, cho năng suất 61 tạ/ha vụ hè thu và 68 tạ/ha vụ đông xuân, mỗi vụ cho sản lượng từ 15-17 nghìn tấn lúa thương phẩm, chưa kể hàng nghìn tấn lúa giống. Hiện HTX chủ động lúa giống cho bà con, với giống nguyên chủng dài ngày XI23, NX30 (hiện đang hạn chế) và tiến tới sử dụng giống ngắn ngày (90 ngày) như OM4900, HT1, Thiên Ưu, OM6976, Q5, Khang Dân để tiết kiệm chi phí, nước tưới và công lao động.

Ông Nguyễn Thảo cho rằng HTX Hòa Tiến 1 có sản lượng lúa lớn, trong khi diện tích không lớn, do áp dụng biện pháp thâm canh, chất lượng hạt lúa cao. “Muốn có năng suất cao, sản lượng nhiều thì phải có giống tốt, chúng tôi chỉ dùng 70-80kg/ha, vì nếu gieo dày cây lúa nhỏ, rất dễ phát sinh sâu bệnh. Nông dân có xu hướng “bóc lột” đất chứ không bù đắp cho đất, ít dùng chất hữu cơ, hay dùng vô cơ, chúng tôi đề nghị bà con bón bánh dầu với khoảng 20kg/sào, bám ruộng nhiều hơn. Câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” luôn đúng với người làm nông nghiệp”.

Ông Thảo khẳng định là với sản lượng lớn, lúa gạo thương phẩm ra thị trường rộng rãi hiện nay chủ yếu từ Hòa Tiến hoặc Điện Thọ. Ở những cánh đồng này, quy trình sản xuất được áp dụng nghiêm ngặt, hạt gạo quê đảm bảo sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu…

Bà Lê Thị Xuyến, bán hàng gạo ở trước chợ Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang kể chuyện hạt gạo của chính dân Miếu Bông: “Vụ hè thu ni nhiều cánh đồng bị chuột phá, có nhà 2 sào chỉ gặt được vài bao. Bữa ni lúa “trở” (sâu bệnh-PV) họ để rứa, không phun thuốc, lúa cháy hết trơn, mất mùa quá chừng”. Nông dân đang thực hiện nói “không” với thuốc BVTV, vì chính miếng ăn của họ, cũng như đồng loại. Đây có lẽ là tín hiệu vui cho hạt gạo thương phẩm của Đà Nẵng, trước khi ra thị trường.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.