.

Tạo nguồn lao động chất lượng cao

.

Trong giáo dục đại học hiện nay, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) không là chuyện mới nhưng chưa bao giờ là vấn đề cũ.

Buổi trao đổi giữa lãnh đạo khoa Marketing với đại diện doanh nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Buổi trao đổi giữa lãnh đạo khoa Marketing với đại diện doanh nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Đặc biệt trong bối cảnh DN vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao thì lượng sinh viên (SV) ra trường không tìm được việc làm đã chỉ ra một nghịch lý: cầu - cung vẫn còn một khoảng cách nhất định, cần được lấp đầy trong thời gian tới.

Yêu cầu khách quan từ thị trường lao động

Cách đây tròn năm, tại Hội thảo Nhà trường và DN hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng do Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng tổ chức, ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng chỉ ra rằng, về phía DN, sự hợp tác giống như hình thức đầu tư phát triển, giúp họ có quyền và cơ hội lựa chọn “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt được thời gian và chi phí đào tạo lại. Về phía nhà trường, hợp tác góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tìm “đầu ra”, giúp SV điều chỉnh nhận thức, động lực học tập. Trong đó, các DN sẽ đảm nhận trách nhiệm vừa phản biện, hỗ trợ trong công tác đào tạo, vừa là khách hàng, là đích đến của các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong một bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1-2015, Viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ ra rằng, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. Giữa bối cảnh SV ra trường vẫn khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thì sự tự điều chỉnh trong giảng dạy, đào tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động càng trở nên bức thiết. Ông Mai Triệu Quang, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng ECC đơn cử: “Với mô hình hoạt động đa ngành nghề như ECC, trong một số lĩnh vực như thi công xây lắp, thí nghiệm vật liệu, khảo sát, nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, chúng tôi thường muốn tuyển dụng SV tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp nghề vì các đối tượng này cần mẫn, khéo tay, an phận, ít đòi hỏi vì bằng cấp không cao. Trong khi, nhiều người tốt nghiệp ĐH hoặc bậc cao hơn hay có tâm lý tự cao nên khi tuyển dụng, DN dễ gặp rủi ro vì tâm lý thích “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội khác”.

Bên cạnh đó, dưới góc độ nhà tuyển dụng lao động, ông Quang chỉ ra một số điểm yếu của SV mới tốt nghiệp như chưa nắm vững kiến thức đã học, nhút nhát, phản xạ chậm khi nhà tuyển dụng phỏng vấn bằng tiếng Anh, đi phỏng vấn mà không biết mình được tuyển vào vị trí nào. Theo ông, nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo cho SV của mình hoàn thiện hơn về kiến thức (chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng sử dụng vi tính), kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống (nghiên cứu, giao tiếp)... nhằm giúp SV có cơ hội tốt hơn sau khi ra trường.

Hiện nay, rào cản lớn nhất trong mối quan hệ giữa nhà trường và DN là sự thiếu hụt thông tin từ hai phía, thiếu đầu mối liên lạc cụ thể. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng khẳng định con người luôn đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của DN. Nếu so với các nước trong khu vực và quốc tế thì Việt Nam còn non kém về kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu lao động tăng, số lượng SV tốt nghiệp ra trường vẫn chưa đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ. Liên kết đào tạo mở ra một hướng đi mới giúp DN chủ động được nguồn lao động đầu vào, ổn định kinh doanh, cung ứng dịch vụ; đồng thời, giúp nhà trường cập nhật chương trình đào tạo theo sát với thực tiễn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho SV.

Tuy nhiên hiện nay, chưa có nhiều mô hình liên kết đem lại hiệu quả thực sự, các liên kết đào tạo vẫn mang tính hình thức nhiều hơn. Liên kết đào tạo giữa DN và nhà trường vẫn còn dừng lại ở mức độ gửi SV đi thực tập hoặc DN thông báo nhu cầu tuyển lao động về trường như một kênh đăng tin tuyển dụng. Bên cạnh đó, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực và khả năng đảm bảo đầu ra ổn định cho trường. Nếu trường chỉ đào tạo theo nhu cầu của một DN thì yêu cầu đối với lao động của DN khác cũng khó đáp ứng được. Ngoài ra, nhà trường cũng có những khó khăn của mình, đó là chương trình dạy như thế nào, môn gì, giáo trình ra sao còn phụ thuộc vào sự xét duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phải muốn dạy thế nào cũng được.

Hợp tác đôi bên cùng có lợi

Thời gian qua, rất nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dành sự quan tâm lớn cho việc đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo một cách toàn diện cũng như tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và xem việc liên kết giữa nhà trường với DN là hướng đi đúng đắn, đôi bên cùng có lợi. Trung bình mỗi trường có mối quan hệ liên kết với 20 - 30 đơn vị DN trong và ngoài địa phương.

Đơn cử, thời gian gần đây, Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng tổ chức hẳn một “Học kỳ doanh nghiệp” kéo dài từ 6 đến 8 tuần. SV Ngô Lê Anh Khoa, lớp 13Đ5, ngành Kỹ thuật điện, điện tử cùng nhóm bạn trực tiếp tham gia thực tập tại Công ty ShinkoTechnos theo chương trình này. Mỗi tuần, nhóm dành 3 buổi làm việc tại công ty giống như những nhân viên thực thụ. Ngoài những kiến thức chuyên môn, Khoa còn được rèn luyện cách làm việc theo nhóm, kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh, phong cách làm việc chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế.

PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ khẳng định, sứ mạng của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên nghiệp ở nhiều trình độ, có đủ năng lực tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất trong điều kiện hiện tại và thích nghi nhanh chóng với sự đổi mới của công nghệ trong tương lai. Thời gian qua, nhà trường đã cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên, SV đến tham quan, thực tập, kiến tập tại các DN trong và ngoài nước, tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến phản hồi từ các DN và cựu SV. Nhờ đó, chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện.

Qua mối liên kết với DN, nhiều trường đã thiết kế thêm một số môn học phù hợp với yêu cầu đào tạo như Khởi sự doanh nghiệp (45 tiết) tại khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Nhập môn ngành (30 tiết) tại khoa Công nghệ thông tin tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)… Nhờ đó, SV được trang bị thêm những kiến thức quan trọng và cần thiết. PGS.TS Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế cho biết từ năm 2013, khoa này bắt đầu tổ chức Chương trình thực tập định hướng thực tiễn, đưa SV đến thực tập và đảm nhiệm những công việc cụ thể tại DN. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, khoa tổ chức 10 hoạt động ngoại khóa, trong đó có khoảng một nửa là hoạt động tương tác với DN. Kết quả, sau 3 tháng tốt nghiệp, 100% SV khoa Marketing niên khóa 2011-2015 đã tìm được công việc phù hợp, đúng chuyên ngành được đào tạo.

Nhờ khai thác tốt mối quan hệ giữa nhà trường và DN, hằng năm, có khoảng 50% SV khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) được nhận vào làm việc tại các DN liên kết. PGS, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa cho biết đây là khoa duy nhất tại Trường ĐH Bách khoa đến thời điểm này tổ chức thành công tuần lễ “Sinh viên với Doanh nghiệp”. Thông qua các buổi nói chuyện, trao đổi, khảo sát nhu cầu của DN, SV đã có những định hướng nghề nghiệp nhất định và có thái độ học tập tích cực hơn.

Một số ý kiến cho rằng, các chương trình liên kết đào tạo nên chỉ rõ vai trò, lợi ích và nghĩa vụ của các bên. Nhà trường cần hiểu rõ yêu cầu của DN đối với SV của trường sau đào tạo, cần chú trọng kỹ năng, nghiệp vụ nào để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, tăng thời lượng thực hành và thực tế cho SV. Ngoài ra, SV nên tận dụng thời gian thực tập, đây là cơ hội rất quan trọng để bạn học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ công việc thực tế. Đây là cũng là cơ hội để SV chứng tỏ khả năng của mình với DN.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.