.

Chuyện của thế hệ "lưng chừng"

.

Thế hệ lưng chừng là thế hệ những người chưa đến tuổi già để được nghỉ ngơi nhưng cũng không còn trẻ để hăng say lao động. Ở ngưỡng…lưng chừng, nhiều người có “nghề” mới: trông cháu!

Sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Viễn hằng ngày chăm sóc, đưa đón đứa cháu ngoại. Với bà, khái niệm nghỉ hưu hầu như không tồn tại, chỉ là “nghỉ công việc này để tiếp nối công việc khác”.  Ảnh: Q.T
Sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Viễn hằng ngày chăm sóc, đưa đón đứa cháu ngoại. Với bà, khái niệm nghỉ hưu hầu như không tồn tại, chỉ là “nghỉ công việc này để tiếp nối công việc khác”. Ảnh: Q.T

Về hưu còn vất vả hơn đi làm!

Bà Đoàn Thị Êm (đội trưởng CLB dưỡng sinh người cao tuổi phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho hay, CLB dưỡng sinh của bà có 27 đội viên đều ở tuổi hưu nhưng trong đó, chỉ có 3 cô rảnh rang một tí do con cái có điều kiện thuê người giúp việc, còn lại, các cô đều vướng bận cháu chắt. Giờ tập của các cô từ 5 giờ đến 6 giờ sáng, xong, cô nào cũng vội vội vàng vàng về cho cháu ăn sáng, đưa đi học. Có cô còn dắt cả cháu ra sân tập vì cháu… đòi bà. Sáng nào, sân tập cũng có 4, 5 cháu ngồi đợi bà như vậy.

Bà Đặng Thị Vững (tổ 43 phường Thọ Quang, bộ đội về hưu), 2 năm về hưu vừa rồi bà ví như mình đang trong giai đoạn… “nuôi con dại” bởi bà phải “đèo bồng” tới 4 đứa cháu, đứa lớn nhất mới 5 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi. Các cháu ở mỗi độ tuổi lại có chế độ ăn, ngủ, uống sữa khác nhau khiến bà quay như chong chóng mỗi ngày. Bà Vững cho biết: “Chăm cháu vất vả gấp mấy lần chăm con. Ngày xưa, trẻ con chỉ ăn cháo rồi bú mẹ thôi. Bây giờ nào là nước cam, sữa chua, váng sữa, sữa công thức… cứ 2 tiếng đồng hồ phải cho cháu ăn một lần. Hết đứa này lại đến đứa kia. Hết cho ăn lại đến cho ngủ, giặt giũ, dọn dẹp bãi chiến trường do chúng quậy phá để lại. Tôi chẳng còn thời gian cho mình nữa, đến xem bộ phim còn khó”.

So với các bà trong đội dưỡng sinh, bà Đoàn Thị Êm thảnh thơi hơn vì các cháu đã lớn, nhưng nhớ lại cảnh ra vào giữa Nha Trang-Hà Nội để nuôi đẻ, chăm cháu cách đây 5 năm, bà vẫn chưa hết… ớn lạnh. Hết con dâu sinh đến con gái sinh, nuôi đẻ đứa này vừa xong lại ra chăm cháu cho đứa kia. Trong 5 năm, bà bỏ ông ở nhà một mình, xoay vần với 4 đứa cháu.

Các bà trong hội dưỡng sinh phường Thọ Quang thừa nhận, về hưu còn vất vả hơn đi làm! Bây giờ, để chăm cháu, các bà phải đọc báo, xem tivi, giao tiếp ngoài xã hội để có thêm kinh nghiệm, thậm chí, học theo cách tiếp xúc với trẻ như… cô giáo mầm non. Học từ cách buộc tóc, cột dây giày, phối hợp quần áo. Với bé trai thì không sao, nhưng bé gái thì phải diện. Chỉ cần hôm qua đã mặc cái váy này, hôm nay dù đã giặt rồi, mình quên mặc lại cho cháu là nó không chịu. Còn ăn sáng thì trước khi đi mua phải hỏi cháu, không hỏi mà mua về là nó không chịu ăn…

Không chỉ chăm cháu, ở tuổi này, các bà còn phải… chăm ông. Mà theo các bà, chăm ông lúc ông về hưu còn… khó hơn lúc ông đang tại chức. Bởi về hưu, không có việc làm các ông chồng sinh ra khó tính, khó chiều. Thế là, các bà phải “gồng” mình gánh từ việc nhà, đến việc chăm trẻ, chăm già!

Cần sự cảm thông ở con cái

Chuyện chăm cháu ở cái tuổi lưng chừng này cũng lắm nhiêu khê. Thời đại thay đổi kéo theo cả ý thức hệ đổi thay. Bà Đặng Thị Vững nói, ngày xưa, các bà, các mẹ nuôi con dễ dàng hơn bây giờ nhiều lắm. Bây giờ, dù các bà lớn tuổi, có kinh nghiệm nhưng việc chăm sóc một đứa trẻ phải hoàn toàn nghe theo cha mẹ chúng nó. Bà Nguyễn Thị Viễn CLB dưỡng sinh phường Xuân Hà, quận Thanh Khê kể, mỗi sáng ra, con gái bà dặn dò mẹ một danh sách dài các việc cần làm cho cháu trong ngày, nào là mấy giờ cho cháu ăn cháo, mấy giờ ngủ, pha sữa như thế nào… Trong ngày, nó điện thoại về hỏi thăm… bà có làm đúng những việc nó dặn dò không, hỏi cháu ăn ngủ có ngon không, tuyệt nhiên không hỏi đến mẹ một câu nào.Vậy nhưng, bà bảo, hoàn cảnh hưu trí của bà còn… tốt hơn nhiều chị em trong CLB. “CLB tôi có một cô vất vả lắm. Cô ấy có đến 4 cháu, đều còn nhỏ tuổi. Sớm mai dậy, cha mẹ chúng chỉ lo cho bản thân chúng rồi đi làm, con cái vứt hết đó cho bà. Bà ấy thương cháu nên cứ tất tả lo. Bà ấy lại bị khớp. Nhờ đi tập dưỡng sinh mà bớt bệnh. Nhưng nhiều hôm lu bu với cháu quá bà ấy tâm sự với tôi rằng, “chắc em bỏ tập chị ơi”, tôi phải động viên mãi bà ấy mới tiếp tục đi tập được”.

Bà Đoàn Thị  Êm thì kể, lúc bà chưa về hưu, các con đã nói “con trông cho đến lúc con sinh em bé, mẹ về hưu để… chăm cháu cho con”. Theo bà, dù thương con thương cháu, nhưng việc tự nguyện giúp đỡ con cái chỉ là một phần, chín phần là vì tình thế phải chịu như vậy.

Hay như bà Nguyễn Thị Viễn kể, các con bà khi gửi cháu còn “yêu cầu” bà mỗi lần cho cháu uống sữa phải rửa bình bằng nước sôi, pha sữa bằng nước ấm, có hôm vừa chở cháu đến, nó đã hối ầm lên, “cho cháu ăn liền đi mẹ” dù tô cháo còn đang bốc khói… dặn đi dặn lại cả tỉ thứ khiến bà rất bực mình. Thế nhưng, bà cũng hiểu rằng, “ăn theo thưở, ở theo thời”, xã hội ngày càng tiến bộ đòi hỏi mình phải theo. Trong gia đình, muốn êm ấm, cần tránh nói những câu “tôi đẻ 3, 4 đứa con đấy cô nhé, cô không phải dạy tôi”…

Các bà ở CLB dưỡng sinh phường Xuân Hà tâm sự rằng, mình về hưu, không giữ cháu, tạo điều kiện cho con cái đi làm thì không được. Nhưng, chúng tôi rất cần ở con cái sự thông cảm. Cuộc sống bây giờ phương tiện hiện đại xen vào nhiều quá, làm cách xa khoảng cách giữa con cái và bố mẹ. Con đi làm về chỉ nói dăm ba câu… hỏi thăm về con nó rồi cứ chúi mắt vào cái điện thoại. Nhiều lúc muốn nói chuyện với con lại sợ nó bận việc của nó nên thôi. Sống cùng nhà chứ mấy khi mẹ con nói chuyện với nhau.

Không những rối ren vì trông cháu, những người ở thế hệ lưng chừng khi được hỏi họ cần gì ở con, các bà đều trả lời đó là sự cảm thông. Bao nhiêu năm đi làm, tự nhiên ở nhà khiến các bà rơi vào cảm giác hụt hẫng. Thế nhưng, hụt hẫng chưa được bao lâu đã lại rơi vào… ma trận khác. Người Việt Nam có tâm lý thương con thương cháu, hy sinh, ôm đồm nhiều việc nên cứ phải gồng mình lên sống hộ người khác mà quên mất rằng, mình còn có cuộc đời của riêng mình để sống.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.