.

Đồng hành cùng con

.

Trên con đường học vấn của con trẻ có tình yêu thương, mồ hôi, nước mắt, những trăn trở, suy tư, thậm chí hy sinh… của các bậc làm cha, làm mẹ. Song, đó cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao của  đấng sinh thành. Sự đồng hành của cha mẹ trên con đường học tập của con cái có ý nghĩa quyết định nhiều đến thành công trong quá trình học tập của trẻ.

Chị Trần Thị Đào đang dạy con nhận biết các con vật bé yêu thích.  Ảnh: THANH TÂN
Chị Trần Thị Đào đang dạy con nhận biết các con vật bé yêu thích. Ảnh: THANH TÂN

Gian nan khi con… chưa vào lớp 1

Chuẩn bị hành trang tốt nhất cho cô con gái gần 5 tuổi nay mai bước vào bậc học đầu tiên, chị Huỳnh Như Quỳnh (trú phường Hòa Minh – quận Liên Chiểu) đầy băn khoăn trước những lựa chọn: có nên dạy chữ, dạy tiếng Anh, có nên cho con đi học thêm cho con trước khi vào lớp 1? Thâm tâm, chị chỉ muốn con mình là “tờ giấy trắng” trước khi vào lớp 1. Nhưng, trên thực tế, không ít trường hợp, vì không học trước, không bằng bạn bè đã khiến nhiều em nhỏ rơi vào trầm cảm hoặc những trạng thái tâm lý tiêu cực ngay từ bậc học đầu tiên. Lo lắng của chị Quỳnh không phải là không có căn cứ.

Bé Bin, con trai chị Trần Thị Đào (quận Sơn Trà), đang học mẫu giáo nhỡ, nhưng đã thuộc lòng bảng chữ cái tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Bin có thể chỉ và đọc các chữ cái lưu loát trên các bìa sách, thậm chí những bài báo có chữ nhỏ li ti. Chị Đào bắt đầu dạy chữ cho bé từ lúc 3 tuổi. Bởi chị vẫn nghe người ta nói từ 3-5 tuổi là giai đoạn “vàng” để phát triển trí thông minh của trẻ, nếu bỏ phí thì đó là sai lầm không thể tha thứ của cha mẹ. Nhưng, thực tình lúc đầu, chị chẳng tự tin dạy cho con nếu không nhờ những hướng dẫn của cô giáo ở trường về phương pháp đọc – viết các chữ cái đúng trình tự hiện nay. Dù vậy, hành trình dạy chữ cho con suốt hơn 1 năm qua, với hai mẹ con chị Đào là “mỗi ngày một câu chuyện”.

Có hôm, con trai chị phải tập viết chữ trong nước mắt. Chị Đào vận dụng, chuyển đổi nhiều phương cách trong quá trình kèm cặp con, trong đó, “việc rèn cho con thói quen học hỏi từ sách đem lại hiệu quả đặc biệt, tất nhiên, đó phải là những quyển sách có nội dung con yêu thích chứ không phải mẹ. Từ việc gắn bó với những cuốn sách này, dù mới hơn 4 tuổi, bé có thể tự giải thích được vì sao có hiện tượng trời mưa, vì sao sa mạc có nhiều cát, vì sao có khủng long cổ dài, khủng long cổ ngắn…?”, chị Đào chia sẻ.

Tất cả cho con

Theo nhiều phụ huynh, sự quan tâm và tham gia của cha mẹ đối với quá trình học tập của con không chỉ dừng ở việc kiểm tra bài làm ở nhà, tham gia các cuộc gặp gỡ và họp mặt với giáo viên, trao đổi các vấn đề của trường, lớp. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ ngày nay thường xuyên ở trong trạng thái “căng như dây đàn”, thậm chí “dốc” toàn bộ sức lực, tiền của để lo cho việc học của con mình.

Hơn một năm nay, chị Nguyễn Phương Loan (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), đã quyết định nghỉ công việc hành chính với mức lương ít ỏi để ở nhà đưa đón hai đứa con (học lớp 8 và lớp 2) đi học. Ngoài chương trình chính khóa ở trường đều tham gia học thêm các môn cơ bản như Toán, Văn, Ngoại ngữ và các môn năng khiếu. “Công việc của chồng mình quá bận, lại thường xuyên đi công tác xa, nên việc chăm lo hai đứa con một tay mình lo liệu. Riêng việc đưa đón hai đứa đi học mỗi ngày tính ra phải mất không dưới 10 vòng xe. Thường phải 10 giờ đêm, mấy mẹ con mới kết thúc vòng quay đi học mỗi ngày”, chị Loan bộc bạch.

Để phát huy tối đa “sức mạnh” của gia đình trong hành trình học tập của hai đứa con, chị Nguyễn Thị Tuần (quận Hải Châu) phân định các nhiệm vụ kiểm tra bài, bảng điểm, phát thưởng, đưa đón… rạch ròi cho chồng và các thành viên còn lại trong gia đình. “Ngoài việc rèn cho hai con thói quen coi việc học là tất yếu. Tôi muốn mọi người trong gia đình đều ý thức việc học tập của con cháu là tối quan trọng. Mỗi người đều có vai trò nhất định và cùng hướng tới mục đích chung là kết quả học tập cao nhất của các con”, chị Tuần cho biết.

Cũng theo các bậc phụ huynh, đồng hành cùng con khác nhau ở các cấp học, thường thì cấp học càng cao, nỗi lo càng lớn, tùy thuộc vào mục tiêu, quan điểm, kỳ vọng đối với con cái của mỗi người. Như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Tất Thắng (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), sau khi trải qua hết những lo toan, trăn trở với cô con gái duy nhất trên ghế nhà trường phổ thông, 4 năm Đại học, vợ chồng anh Thắng vẫn quyết dùng khoản tiền tiết kiệm, chắt bóp hơn 20 năm cho con đi du học nhằm giúp con mình mở mang kiến thức, hiểu biết, cách thức tư duy… Cơ hội công việc, cuộc sống tương lai cũng sẽ đảm bảo hơn.

Chỉ có… tình yêu thương!

Trong khi nhiều bậc phụ huynh phải “đau đầu” đồng hành trên con đường học vấn của con, thì với nhiều người, đồng hành cũng có nghĩa là làm sao đủ lo cho con ba bữa cơm mỗi ngày, làm sao ngày mai, con được tiếp tục đến lớp…

Đến bây giờ, khi con trai chị Nguyễn Thị Kim Xinh (44 tuổi, trú đường Lê Hữu Trác – quận Sơn Trà) đang học năm cuối khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (hệ Quốc tế), chị vẫn giật mình không hiểu được làm sao mình có đủ sức mạnh để vượt qua chặng đường học hành gần 20 năm đã qua của con?

Chồng chị làm nghề thợ nề, nhưng nay ốm mai đau nên thu nhập của cả gia đình chủ yếu từ thúng bún tươi chỉ bán mỗi ngày. Hành trình cùng con trên con đường học vấn với những người có điều kiện đã khó, với chị Xinh nhọc nhằn hơn bội phần. Có lần, chị  phải nằm viện phẫu thuật trong thời điểm nợ nần quá nhiều, nhiều người khuyên chị cho con nghỉ học, nhưng chị quyết không để con dang dở việc học hành. Ngoài lo cho con ba bữa cơm, chị chỉ biết thức để nhắc nhở cháu nghỉ ngơi mỗi đêm, vì nó quá ham học, sợ bị kiệt sức.

Nhiều đêm, 2-3 giờ sáng hai mẹ con mới cùng ngủ. Trần Văn Châu - con trai chị năm nay 22 tuổi thì cũng chừng ấy năm chị gắn bó chăm chỉ với thúng bún ở ngã ba đường. Mấy ngày nay, chị Xinh cứ lâng lâng trong dạ vì nghe con báo có công ty trong Sài Gòn ra tuyển vào thực tập, thử việc, dù chưa tốt nghiệp. Dù vất vả nhưng chị Xinh luôn tâm niệm rằng bản thân quá may mắn vì sinh được đứa con ngoan. Theo chị Xinh, từ nhỏ đến lớn, Châu chưa một lần làm cha mẹ phiền lòng, lo lắng, đặc biệt là trong việc học. Châu thường nói: “Con muốn học giỏi có tương lai tốt để chữa bệnh cho ba, để mẹ không phải vất vả”… Mỗi lần như thế, trong chị Xinh - người mẹ chỉ có tình yêu thương cho con lại dâng lên niềm hạnh phúc đến nghẹn ngào!

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, công tác tại VTV Đà Nẵng: Khuyến khích tư duy độc lập của con trẻ

“Con tôi học tiểu học (bán trú) ở trường suốt ngày, buổi tối về nhà phải làm bài tập cô giao, thời gian chơi chỉ còn lại ít, vì vậy tôi dành tối đa thời gian còn lại cho con chơi, đọc sách và làm các việc nhà lặt vặt giúp cha mẹ. Tôi nghĩ thông qua đó con học được cách giao tiếp, hòa đồng với bạn bè, các kỹ năng nhỏ, tinh thần trách nhiệm, chia sẻ trong gia đình, và đặc biệt là rất nhiều thứ qua việc đọc sách.

Tôi muốn con được sống đúng với lứa tuổi của mình, và phát triển các tố chất riêng một cách tự do. Tôi quan niệm mỗi con người sinh ra đều có một thế mạnh riêng. Mục tiêu giáo dục của tôi là mong con mình được hạnh phúc - là khi được sống theo cách mình muốn và quan trọng nhất là được làm công việc mình yêu thích. Tôi mong con tôi sẽ trở thành người sáng tạo. Có được đặc tính này, sẽ không phải lo lắng cho con nhiều trong môi trường công việc sau này, khi xã hội luôn vận động thay đổi nên đòi hỏi các cá nhân phải thích ứng tốt”.

ThS Lê Quang Sơn – Giảng viên tâm lý – giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng: Đừng áp đặt mong muốn của cha mẹ lên con cái!

 “Một sai lầm thường gặp ở cha mẹ là biến trẻ thành công cụ đạt mục đích của cha mẹ, tước đi ở trẻ khả năng trở thành chính mình. Vì vậy, điều nên làm là giúp trẻ nhận ra năng lực của bản thân và tạo cơ hội cho trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình. Để làm được điều này cần sự phối hợp tốt với nhà trường và nên sử dụng các dịch vụ tham vấn tâm lý để phát hiện, đánh giá tiềm năng của trẻ, trên cơ sở đó có kế hoạch phát triển tiềm năng của trẻ. Cha mẹ ngày nay, ngoài tình thương vốn có, sự quan tâm, cần có hiểu biết nhất định về khoa học giáo dục. Các bậc cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu thế giới khoa học nuôi dạy con cái. Điều này tốt không chỉ cho trẻ mà còn cho chính các bậc cha mẹ”.

Nhà hoạt động giáo dục Nguyễn Thị Thúy Vy, người sáng lập và quản lý cộng đồng Cho trẻ em Việt Nam (For the children VN): “Học làm bà mẹ lười”

“Tôi có những người bạn chưa bao giờ thấy áp lực trong việc đồng hành cùng con, điểm chung của những người mẹ này là họ đều công nhận họ là bà mẹ lười. Việc học là của con, họ không phải kèm cặp, ngồi bên cạnh canh con làm bài tập bao giờ. Họ chỉ cho con thời gian biểu nhất định của việc làm bài tập nhà, trẻ tự chịu trách nhiệm với việc học của mình ngay từ khi con bé nên sẽ hình thành thói quen tự học sau đó bởi mẹ không phải lúc nào cũng phải bên cạnh nhắc nhở”.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.