Nghề giáo sẽ rất bạc với ai chỉ biết thích tiền tài, danh vọng và quyền uy, dù là quyền uy trước một bầy trẻ nhỏ… Bởi làm thầy giáo là đồng nghĩa với tình yêu thương con người. Nhất là đối tượng để yêu thương là lớp người trẻ tuổi, mà đôi khi còn ngăn cách nhau bởi một khoảng cách thế hệ…
Cô và trò cùng giao lưu trong tiết dạy cuối của cô Trần Thị Tú Hà ở Trường THPT Phan Châu Trinh. Ảnh: Phan Nguyệt |
Như những ngọn hải đăng
Trường THPT Thái Phiên trong mùa tri ân 20-11, sân trường đầy nắng, những khuôn mặt học trò đầy háo hức. Không khí thi đua học tốt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như đem lại cho ngôi trường năm nào từng mang tên “Ngoại ô” những nét tươi mới. Trò chuyện với Đỗ Hà Quỳnh, cô giáo trẻ về công tác tại trường vào năm 2009. Cô kể, ngày nhận công tác cô vừa mừng vừa lo. Mừng vì được về dạy một trường có bề dày truyền thống hơn 50 năm. Lo vì không biết bắt đầu như thế nào để vận dụng kiến thức đã học ở trường đại học vào thực tế giảng dạy.
May mắn đã mỉm cười với mình khi cô được chính thầy giáo Lê Đình Lỹ, tổ trưởng tổ Ngữ Văn, một thầy giáo có thâm niên 23 năm trong nghề hướng dẫn tập sự. Giờ nhắc lại cô vẫn không giấu được niềm hạnh phúc rạng ngời.
Thầy không chỉ tận tình chỉ dẫn cho cô từng trang giáo án mà còn kiên nhẫn ngồi dự nhiều giờ để cùng cô rút ra những kinh nghiệm giảng dạy quý báu. Những giờ giải lao giữa những tiết dạy cũng chính là lúc thầy trò cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy và cuộc sống. Đôi lúc cô có cảm giác thầy không chỉ là người thầy với mái tóc bạc hoa râm đáng kính mà còn là người bạn lớn trên hành trình đi gieo chữ của mình.
Cho đến hôm nay, dù người bạn lớn của cô đã nghỉ hưu nhưng cô Quỳnh vẫn không quên lời thầy bảo ban: “Dù lương giáo viên có thấp (thầy từng sống dưới thời bao cấp) nhưng lương tâm của nhà giáo không được thấp”.
Có thể nói cô Quỳnh không chỉ là một trường hợp duy nhất, mà còn nhiều thầy cô giáo trẻ khác đã và đang làm nhiệm vụ giảng dạy từ bậc tiểu học đến bậc THPT tại Đà Nẵng tâm đắc về điều đó. Ở Trường THPT Phan Châu Trinh có cô Trần Thị Tú Hà, giáo viên Toán, luôn giúp đỡ tận tình cho các giáo viên trẻ trong công tác chuyên môn lẫn chủ nhiệm, thậm chí còn cả tư vấn đời sống. Trong lòng mỗi giáo viên trẻ đều có một hình ảnh người bạn lớn đồng hành. Đối với họ, người thầy, người cô ấy như ngọn hải đăng chỉ đường cho những con tàu giữa biển khơi đi đúng hướng…
Người thầy - người bạn
Cái cảm giác yên tâm, tin tưởng về một người thầy trong khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời không chỉ có trong lòng các giáo viên trẻ mới vào nghề mà ngay cả những ai đang làm “nghề”… học trò. Sức chinh phục đích thực của người thầy được làm nên chủ yếu từ tấm lòng chân thành, tha thiết đó, từ tâm huyết của người thầy, chứ tuyệt nhiên chẳng phải từ các xảo thuật bề ngoài giả tạo. Nhiều thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không thể quên được hình ảnh cô giáo Đoàn Thị Nhỏ, người không chỉ đưa học sinh đến những miền đất văn chương ảo diệu mà còn là người bạn đồng hành sẻ chia những vui buồn tuổi học trò. Những lời chỉ bảo ân cần của cô vẫn mãi mãi là bài học làm người cho học trò mình trên hành trình mưu sinh gian khó.
Để trở thành người thầy dạy tốt không khó nhưng là một người bạn tốt của học sinh không phải là dễ làm. Cổ nhân từng ca ngợi những người thầy “dạy không biết chán” (cùng với những học trò “học không biết mỏi”). Một giờ dạy thành công là, và có lẽ chỉ là, giờ dạy mà người thầy thật lòng cảm thấy tha thiết muốn trao gửi cho học trò những điều mà mình biết là cần và bổ ích lắm cho cuộc sống trước mắt hoặc sau này của các em.
Hầu như ai trong số các thầy cô giáo đang công tác tại Trường THPT Phan Châu Trinh cũng có cùng một tâm niệm: “Nghề giáo sẽ rất bạc với ai chỉ biết thích tiền tài, danh vọng và quyền uy, dù là quyền uy trước một bầy trẻ nhỏ… Bởi làm thầy giáo là đồng nghĩa với tình yêu thương con người. Nhất là đối tượng để yêu thương là lớp người trẻ tuổi, mà đôi khi còn ngăn cách nhau bởi một khoảng cách thế hệ…”. Và để học sinh tiếp nhận mình trên cương vị người thầy thì trước tiên hãy làm một người bạn tốt. Một khi học sinh đã tin tưởng, yêu thương thầy thì việc giảng dạy kiến thức sẽ dễ dàng hơn.
Trong một lần trao đổi tại hội nghị giáo viên chủ nhiệm giỏi tại Trường THPT Phan Châu Trinh, nhiều thầy cô cho rằng: Cơ sở tạo nên tình bạn lớn là người thầy luôn đặt mình vào cách cảm nhận của học sinh mà giải quyết các tình huống sư phạm. Không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn vào trẻ con. Một khi đã được học sinh tin cậy thì công tác chủ nhiệm và giáo dục học sinh không còn khó khăn nữa…
Thế mới biết, thành công đối với người thầy giáo, không chỉ dừng lại ở những danh hiệu, tiếng tăm về chuyên môn mà là sự dõi theo, chứng kiến sự trưởng thành của lớp trẻ và đến một lúc nào đó hạnh phúc nhận ra chúng đã lớn lên vượt hơn cả mình… Trong trái tim của các thế hệ học trò, họ không chỉ là người thầy mà còn là người bạn lớn đầy bao dung kính mến…
NHƯ HẠNH