.

Theo chân du khách

.

Những món quà lưu niệm để lưu dấu những chuyến đi luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch khi đặt chân đến một đất nước, vùng miền bất kỳ. Không chỉ làm quà, không chỉ là vật để nhắc nhớ về hành trình họ từng có, quà lưu niệm còn mang những thông điệp văn hóa.

Du khách chọn mua đồ lưu niệm
Du khách chọn mua đồ lưu niệm ở Danang Souvenirs & Cafe. Ảnh: T.T

Đến Đà Nẵng, mua gì làm quà lưu niệm?

Theo chia sẻ của nhiều hướng dẫn viên du lịch, gần 2 năm trở lại đây, một trong những địa chỉ số một họ dẫn khách du lịch đến mua hàng, quà lưu niệm khi đến Đà Nẵng là Danang Souvenirs & Cafe (34 Bạch Đằng).

Không chỉ có ưu thế mặt tiền hướng ra phố Bạch Đằng, dòng sông Hàn thơ mộng, thức uống đậm đà, Danang Souvenirs & Cafe hấp dẫn du khách bởi gian hàng lưu niệm được bài trí gọn ghẽ, bắt mắt, với những món đồ xinh xắn, phong phú thể loại.

“Tôi đã vào Đà Nẵng nhiều lần, đến nhiều điểm bán hàng lưu niệm nhưng Danang Souvenirs có lẽ là điểm tôi ưng ý nhất. Các sản phẩm khá đa dạng, xinh xắn, giá cả vừa phải, phần lớn do công ty tự thiết kế, sản xuất nên tôi khá yên tâm về chất lượng. Đặc biệt, cách bài trí rất ấn tượng, thể hiện sự tôn trọng đặc biệt với khách hàng”, chị Hoàng Bảo Trân, du khách đến từ Hà Nội nói.

Cũng lang thang trong gian hàng lưu niệm của Da Nang Souvenirs, Park So Eun, một du khách Hàn Quốc đang mải miết với những chiếc túi vải thêu tay trang nhã thổ lộ: “Tôi rất thích những chiếc túi này. Chúng thật là xinh xắn, tôi có thể đựng đồ nữ trang và làm quà tặng”. Park So Eun  cũng cho biết, cô khá ấn tượng với những đồ vật trang trí, lịch để bàn có in hình loài voọc chà vá dễ thương, hình núi Sơn Trà, đèo Hải Vân... và những hình ảnh rất đặc trưng của Đà Nẵng được bày bán tại đây.

Anh Bùi Đức Vũ, Quản lý trưởng Danang Souvenirs & Cafe cho biết, hiện số đầu sản phẩm được bày bán tại Danang Souvenirs đã lên đến hàng ngàn và hơn hai phần ba trong số đó là do công ty tự thiết kế, liên kết sản xuất từ trang phục lưu niệm đến túi xách, đồ trang trí, lịch để bàn, đồ gốm sứ, thú nhồi bông, móc chìa khóa, miếng dán tường... Ngoài thiết kế gọn, nhẹ, độc đáo, yếu tố “Đà Nẵng” từ chất liệu đến hoa văn trang trí là điều đội thiết kế Danang Souvenirs đặc biệt chú trọng.

“Chính xác thì phải mất 2 năm ròng mày mò, lặn lội, chọn lọc, chúng tôi mới có bộ sưu tập hiện tại”, anh Vũ tự hào. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của anh Vũ, hiện các mặt hàng lưu niệm khách quốc tế khó tính đặc biệt yêu thích chưa nhiều: Họ luôn thích những mặt hàng thủ công đậm truyền thống, hàng hand made nhưng số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm này của Đà Nẵng còn khá hạn chế.

Bên cạnh sự có mặt của voọc chà vá chân nâu Sơn Trà - hình ảnh nhận diện của thành phố Đà Nẵng nhân sự kiện APEC 2017, trên nhiều sản phẩm lưu niệm thời gian gần đây, hình ảnh hoa đào chuông cũng trở thành hình ảnh đặc trưng của thành phố qua nhiều sản phẩm lưu niệm được du khách đặc biệt yêu thích.

“Tôi đã nhìn thấy đào chuông tinh khiết lần đầu ở Bà Nà mùa xuân năm trước. Và thật thú vị, trong lần trở lại Đà Nẵng này, tôi được gặp lại loài hoa này trên nhiều sản phẩm lưu niệm, có những chiếc đèn lồng kỳ công, độc đáo hình đào chuông”, Ishida, du khách Nhật nói.

Dạo quanh nhiều cửa hàng, siêu thị đặc sản - quà lưu niệm quanh thành phố có thể nhận thấy những mặt hàng lưu niệm phổ biến được bày bán vẫn là các  sản phẩm làm từ tre, nứa, gỗ, sơn mài, thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí...  Tuy nhiên, để thu hút du khách và tạo nét riêng, mỗi điểm bán thường chọn một vài mặt hàng lưu niệm chủ đạo.

Chẳng hạn, các điểm bán hàng lưu niệm của Tập đoàn Sun Group tại Bà Nà Hills, Công viên Châu Á... sẽ mang thương hiệu tập đoàn. Hay siêu thị đặc sản - hàng lưu niệm Quà Miền Trung (đường Võ Văn Kiệt) chọn tinh dầu, các sản phẩm điêu khắc gỗ, các loại vòng đeo từ trầm hương làm sản phẩm chính. Anh Trần Anh Vinh, Tổng quản lý hệ thống siêu thị Quà Miền Trung trên địa bàn thành phố cam kết: Các sản phẩm đặc sản và lưu niệm được bày bán tại đây đều được đơn vị đến tận nơi sản xuất tìm hiểu, đặt hàng, vì vậy chất lượng rất bảo đảm.

Hai quầy hàng lưu niệm Kim Liên, Thanh Thảo trước chợ Hàn ngày mưa vẫn thu hút đoàn khách này đến đoàn khách khác đến tham quan, mua sắm, dù các mặt hàng vẫn là vòng đeo tay, đeo cổ, móc chìa khóa, đá trang trí, đá phong thủy, gương lược, túi, ví thổ cẩm... Dù khá đắn đo, nâng lên đặt xuống khá nhiều lần, song, theo quan sát của chúng tôi, một cá nhân, nhóm khách khi đã vào hàng đều mua ít nhất 1-2 món hàng làm quà lưu niệm.

Theo nhìn nhận của các hướng dẫn viên du lịch, nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách là rất lớn, ngày càng lớn, nhưng mức độ đáp ứng của thị trường Đà Nẵng còn rất hạn chế. Mâu thuẫn giữa chất lượng sản phẩm, giá thành và đòi hỏi của phần đông du khách là những rào cản không nhỏ các cửa hàng, siêu thị kinh doanh quà lưu niệm chưa dám mạnh dạn đầu tư hết mình.

Du khách chọn mua đồ lưu niệm ở chợ Hàn.Ảnh: T.T
Du khách chọn mua đồ lưu niệm ở chợ Hàn. Ảnh: T.T

Loay hoay tìm điểm bán tập trung

Nắm bắt những tín hiệu từ du khách, từ ngành du lịch thành phố, thời gian gần đây, ngày càng nhiều cơ sở, nghệ nhân Đà Nẵng bắt đầu chú trọng sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, mây, tre, cát, vỏ ốc, đá thạch anh, đá thiên nhiên có biểu tượng Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công thương cũng như ngành Du lịch, phần lớn các cơ sở sản xuất tự phát hay 18 cơ sở được thành phố hỗ trợ vẫn ở dạng thử nghiệm và thăm dò thị trường, chưa mạnh bạo trong đầu tư sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Vấn đề đầu ra sản phẩm rất hạn chế.

Anh Văn Hồng Hải - Chủ cơ sở Ngôi nhà biển (Tổ 31, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ rằng, hơn 4 năm nay anh vẫn dồn mọi tâm huyết cho các sản phẩm lưu niệm làm từ cói như nón, mũ, dép, giỏ xách... rất hợp với những chuyến du lịch biển Đà Nẵng, đồng thời có thể làm quà tặng.

Anh Hải cho rằng, nhiều cơ sở sản xuất hàng lưu niệm của Đà Nẵng khác cũng đang nỗ lực thiết kế, sản xuất những mặt hàng lưu niệm đáp ứng đòi hỏi về đặc trưng, tính tiện lợi cũng như giá thành, song vấn đề lớn nhất hiện tại là đầu ra cho các sản phẩm.

Hầu hết các cơ sở phải tự thân vận động, tự kết nối với các khách sạn, cửa hàng, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch kiểu “mạnh ai nấy làm”. Đà Nẵng rất cần tổ chức một điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tập trung kiểu như các phố đêm ở Hội An, Huế, Sa Pa, Nha Trang, Sài Gòn... Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, chủ các sạp, siêu thị bán đặc sản, hàng lưu niệm cũng bày tỏ nguyện vọng tha thiết được hỗ trợ mặt bằng địa điểm tập trung giới thiệu và bán sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, điểm bán hàng đặc sản, quà lưu niệm tập trung là vô cùng cần thiết: Vừa tập trung, xúc tiến hiệu quả hoạt động bán hàng lưu niệm, giúp giải quyết đầu ra cho các cơ sở sản xuất, vừa quản lý tốt các hoạt động du lịch.

Thực tế, không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, các sở, ngành, hiệp hội liên quan đã có những đề xuất, những thí điểm về điểm bán hàng lưu niệm tập trung nhưng vì nhiều lý do, cho đến nay, lãnh đạo thành phố vẫn chưa thể quyết.

Chẳng hạn ý tưởng hình thành 10 quầy bán đồ khô, quà lưu niệm trước sảnh Nhà hát Trưng Vương; về khu vực bán hàng lưu niệm sắp xếp theo hình xương cá tại đường Nguyễn Thái Học (kéo ra đến Bạch Đằng) từ cuối năm 2012 cũng chỉ có thể dừng lại ở ý tưởng!

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố khẳng định: Thành phố chưa bao giờ thôi quan tâm câu chuyện quà lưu niệm cho khách du lịch, trong đó có điểm bán tập trung. Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực rất lớn của các cơ sở sản xuất tại thành phố, đã có một số sản phẩm tạo ấn tượng đẹp với du khách, một số sản phẩm được lãnh đạo thành phố chọn làm quà...

Vấn đề là cần một cú hích, một sự vận động thực sự từ nhiều phía. Trong khi thành phố chưa quy hoạch được điểm bán tập trung, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên linh hoạt, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, thay vì trông chờ hỗ trợ. Và, điều cốt yếu là luôn đặt chất lượng, sức hút, tính độc đáo của sản phẩm lên đầu.

Chờ đợi Phố 24/7!

Thông tin từ Sở Du lịch cho biết, hiện sở này đang phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn quy hoạch khu Phố 24/7 trên con đường ven biển Hoàng Kế Viêm (quận Ngũ Hành Sơn): Trong khu phố tập trung với đầy đủ các hoạt động lưu trú, kinh doanh phục vụ khách quốc tế này, các mặt hàng lưu niệm cũng sẽ được quy hoạch với các điểm bán tập trung, quy củ, bài bản. Dự kiến, Phố 24/7 sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2017 này.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.