Ngõ nhỏ, những quán tạp hóa trườn dần ra lòng đường trông nhếch nhác và lộn xộn. Ngõ của sinh viên trọ học và người lao động nghèo tá túc trong những căn nhà chật chội. Cái nghèo hiện hữu trong những dây quần áo xỉn màu cũ mốc giăng phơi phấp phới ngoài đường, trong mùi cá khô mắm tép nồng khắp ngõ vào mỗi bữa cơm chiều, trong tiếng rao quanh quẩn của bánh mì, chiếu chõng, xôi đêm…
Những người nghèo bán mua cho nhau, giá bao giờ cũng rẻ nên lãi lờ chẳng bao nhiêu. Cả cái ngõ thẳng tưng kéo dài quanh co như vậy bỗng lù lù xuất hiện một ngôi biệt thự kín cổng cao tường. Nó khiến những người lao động nghèo đi qua đó thường ngước lên nhìn. Có vài người tâm xáo trộn, lòng ao ước vẩn vơ, có vài người tủi phận trách sao cùng sinh ra trong kiếp con người mà kẻ nghèo hèn, kẻ lại giàu sang quá đỗi. Đêm đến có người nhớ nhà không ngủ được, thao thức ngó qua ánh đèn vàng rực bên ngôi biệt thự cuối ngõ mà cứ ngỡ nơi ấy là thiên đường.
Minh họa: Hoàng Đặng |
Chỉ có điều căn biệt thự ấy không có màu xanh. Chói lóa màu sơn vàng và những đồ đạc đắt tiền màu cổ điển. Chủ nhân của ngôi biệt thự là một ông quan lớn phong thái đàng hoàng. Ông ta ưa sạch sẽ nên thuê người lau chùi thường xuyên, miết tay không còn bụi bẩn. Bà vợ ông quan trông đúng kiểu mệnh phụ phu nhân, đi đâu cũng có kẻ đưa người đón.
Tuổi bà đã ngoài bốn mươi mà trông trẻ trung, khúc nào ra khúc đấy, ăn mặc lộng lẫy và kiểu cách. Thỉnh thoảng bà đi dạo với bạn, bóng bà đi khuất tận đẩu đâu rồi mà mùi nước hoa vẫn còn thoang thoảng trên mũi người nghèo. Đàn bà trong ngõ bảo đúng là người đẹp vì lụa, đàn ông tặc lưỡi than trời. Sống trong ngôi biệt thự còn có cô con gái tuổi ngoài hai mươi với vẻ bề ngoài bụi bặm. Người ta hay nhìn thấy cô đi học về, mặt cúi gằm chăm chú bấm nhoay nhoáy trên điện thoại. Ấy là bởi cô có sở thích trồng cây ảo.
Giúp việc cho ngôi biệt thự là một anh chàng ngoài hai mươi tuổi, cũng trạc tuổi cô con gái chủ nhà. Anh chàng tên Toàn. Cô gái tên Phương. Thỉnh thoảng va nhau ở cầu thang lúc Toàn đang lúi húi lau nhà còn Phương thì cắm đầu vào cái iphone chơi game nông trại. Toàn nép vào góc tường nhường đường cho Phương, cười hỏi:
- Trò đó vui thế cơ à?
- Ừ vui. Có muốn thử không?
Toàn lắc đầu bảo:
- Tớ có trò vui hơn nhiều, thiết thực hơn nhiều.
Phương nhún vai cắm cúi đi vào phòng. Những cuộc đối thoại trong ngôi nhà này luôn ngắn ngủi ngay cả trong bữa cơm. Mà hình như họ ít khi ngồi ăn cơm chung với nhau. Vì thức ăn hôm trước Toàn nấu thì hôm sau lại phải đổ đi. Thật lãng phí, Toàn nghĩ vậy khi nhớ đến tụi bạn sinh viên nghèo, một tháng thì đến mười mấy ngày ăn mì tôm thay cơm dành tiền mua sách và đóng tiền phòng trọ. Toàn cũng sống trong một căn phòng trọ chật hẹp ngay gần ngôi biệt thự này.
Thấy Toàn ngoan nên được ông bà chủ nhà trọ giới thiệu đến đây dọn dẹp nhà cửa vài ba tiếng sau giờ học. Người ta hỏi đàn ông con trai thiếu gì việc làm thêm sao phải đi làm osin cho khổ? Việc gì chẳng là việc, vừa gần chỗ trọ mà người ta trả công cũng hậu hĩnh nên gật đầu thôi. Hôm đầu đến, Toàn hơi ngại ngùng.
Phương kêu phòng tui cứ để tui dọn ông không cần động tay. Nhưng có hôm nàng mải mê chơi game quá, cửa thì mở nên Toàn vào lúc nào Phương cũng không hay biết. Phòng Phương đẹp quá nhưng lộn xộn. Dọn dẹp hoài vẫn thấy hình như vẫn thiếu cái gì. Mà cứ gì phòng Phương, cả ngôi biệt thự sang trọng này mỗi ngày đều tha thiết nói với Toàn rằng nó đang thiếu thốn. Toàn nghe thấy tiếng kêu than mỏi mệt văng vẳng đâu đó trong nhà như xương cốt của người già như sắc mặt của người bị bệnh.
Có nhiều buổi làm xong mọi công việc trong nhà, Toàn ngồi tựa đầu vào tường nghe mọi âm thanh vọng lại. Chỉ thấy tiếng Phương chơi game và tiếng của những cõi lòng lạnh lẽo. Ban-công nắng quá không có nổi một bóng râm. Chắc phải trồng vài cây xanh, Toàn nghĩ vậy khi cầm những đồng lương giúp việc đầu tiên trên tay. Hàng cây cảnh bán rong, chiều nào chả chở qua đây vài ba bận.
Phương đi học về, vừa rời mắt khỏi chiếc điện thoại đã va phải chậu hoa tóc tiên đặt bên cửa sổ. Nàng ngó đầu ra hỏi vọng xuống:
- Sao ông biết hôm nay là sinh nhật tui?
- Ủa. Vậy hả? À… cây nói cho tớ biết đấy.
Phương nhún vai, thả lưng xuống giường chơi game cho đến khi mệt lử ngủ thiếp đi. Trò mà Phương chơi Toàn chẳng lạ gì. Hết trò nông trại trồng cây thu hoạch quả lại đến trò “khu vườn trên mây” chăm sóc những tầng hoa trên mây. Tụi bạn Toàn cũng khối đứa ham, nửa đêm còn hẹn giờ thức dậy thu hoạch quả và tưới nước cho hoa. Toàn không có thời gian để nghiện mấy thứ đó. So với việc chăm sóc những cái cây ảo thì việc trồng một gốc cây thật thú vị hơn nhiều. Nhưng Phương thì khác, nàng chẳng đoái hoài đến chậu hoa tóc tiên Toàn tặng. Về quê xuống Toàn thở dài khi thấy chậu hoa suýt nữa thì chết héo. Ngó qua chỗ Phương đang cắm đầu vào chiếc iphone, Toàn bảo:
- Cậu định chết chìm tuổi trẻ trong vườn cây ảo ấy à?
- Thế theo ông thì đời còn có gì thú vị?
- Bất cứ thứ gì cũng đều thú vị hơn…
Phương thở dài bảo:
- Ước gì tui thấy được điều đó.
Lần đầu tiên Toàn thấy Phương thật tội nghiệp. Thấy cô tiểu thư sống trong cung điện thực ra rất nghèo nàn đơn độc. Đến mức không tha thiết gì với cuộc sống xung quanh. Chuông nhà hay reo vang, nhưng những con người tới đây hình như đều kiểu cách và xa lạ. Họ đến trong lặng im, cũng có lúc chuyện trò hỉ hả. Nhưng không có ai là bạn của Phương.
Ông chủ ngôi biệt thự hay đi xa. Vì công việc hay vì một cái gì đó thì Toàn không biết. Nhưng một hôm trở về nhà thấy Toàn đang hí húi chăm cây nhỏ trên ban-công thì ông cười bảo:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Chú cũng mới đi trồng cây về.
Toàn chưa kịp chuyện trò thì ông đã vui vẻ bước vào phòng riêng. Phương ngồi vắt vẻo bên cửa sổ nhìn theo dáng cha mình rồi nở nụ cười vô hồn. Toàn bắt gặp nụ cười ấy lòng thấy xót xa. Sợi dây liên kết tình thân trong ngôi nhà này đã ngầm đứt ở đâu đó, giữa những dáng người lầm lũi đơn độc trong chiếc vỏ bọc của giàu sang, đủ đầy, viên mãn ấy. Tối đó trong chương trình thời sự có quay cảnh các cán bộ ngành X tham gia phong trào trồng cây đầu năm. Nhưng cái cây họ trồng lại là một thân cây cổ thụ vẫn còn tươi tốt có lẽ tuổi cây còn hơn cả tuổi người.
Người ta đã bứng nó ở nơi từng rễ cây ăn sâu vào đất mấy mươi năm chỉ để chở đến phục vụ cho một phong trào. Toàn thấy ống kính máy quay lia nhanh qua một khuôn mặt quen thuộc, khuôn mặt ông chủ ngôi biệt thự. Kết thúc mục điểm tin là hình ảnh những tấm biển được treo lủng lẳng trên gốc cây vừa trồng đề tên ông X ông Y và tràng pháo tay bồm bộp tổng kết phong trào. Toàn tắt ti-vi ngồi nghĩ về Phương. Hẳn nhiên thấy thương căn phòng duy nhất trong nhà luôn luôn mở cửa nhưng chẳng ai có ý định bước vào, ngoại trừ Toàn vào dọn dẹp.
rong căn phòng ấy không biết Phương đã trồng biết bao nhiêu cây ảo?
Phương ốm. Cửa phòng im ỉm đóng. Toàn gõ cửa, thấy tiếng nàng yếu ớt “vào đi”. Phòng Phương rất lạnh. Hơi lạnh tỏa ra từ bàn ghế, ấm chén, chăn chiếu và hình như cả ở cơ thể của Phương. Nàng ngồi quay mặt vào tường, mệt mỏi gõ những ngón tay lên thành giường phát ra thứ âm thanh lộc cộc. Phương bảo:
- Tối qua không chăm cây có lẽ những chậu cây đã chết khô. Cái thứ cây gì mà chỉ cần không chú ý quan tâm một chút thôi cũng đã lụi tàn.
- Tại sao lại là những chậu cây ảo mà không phải những loài hoa rực rỡ thơm hương sắc ngoài kia?
- Cậu biết không, khi xem phim “Bức họa thứ tư” mình thích chi tiết ở cuối phim lắm nhé. Trong giờ vẽ, cô giáo dặn học sinh mang theo gương để vẽ khuôn mặt mà các em nhìn thấy trong gương. Có lẽ vì vẽ khuôn mặt chính mình bao giờ cũng rất khó khăn, nên thay vì nhìn vào gương thì cậu bé nhân vật chính trong phim đã từ từ nhắm mắt lại để bắt đầu tự họa. Mình nhớ, ngày bé đi học, cô giáo toàn cho đề bài là hãy miêu tả mẹ em, cô giáo em, con vật mà em yêu thích nhất... Nhưng chưa bao giờ thấy đề bài “các em hãy miêu tả chính mình”. Có lẽ vì vậy mà lớn lên hầu hết chúng ta đều không nhìn thấu được con người mình, nỗi đơn độc trong mình.
Toàn im lặng ngước nhìn ra ngoài cửa sổ. Đứng ở phòng Phương có thể nhìn bao quát ngõ nhỏ với những căn nhà lụp xụp. Giờ Toàn mới để ý ngõ tuy nghèo nhưng không hề thiếu màu xanh. Những thùng xốp cũ được treo trên mái nhà trồng đầy rau xanh, mơn mởn chen chúc vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Vài giỏ hoa mười giờ được làm từ vỏ chai lủng liểng đầy nụ nhỏ. Nhà ai đó chắc vì nhớ quê nên trồng một cây chanh, thể nào cũng có lúc vì hương hoa mà mất ngủ. Hôm nọ đi học về Toàn nhìn thấy chị buôn sắt vụn mới mang một ôm cây thuốc nam từ vườn nhà xuống. Nào thì đinh lăng, cỏ sữa, cối xay, nhọ nồi, cam thảo…
Biết đâu một hôm nào đó ngõ này trở thành ngõ bìm bìm biêng biếc tím, cái giống cây lá thì thanh nhiệt, hoa thì tím tái lòng người. Lúc ấy phố sẽ bớt buồn hơn khi khoác lên mình màu xanh của cây cối đâm chồi. Sự đơn điệu sẽ được lấp đầy dần. Mà Phương hôm nay dịu dàng quá đỗi, sự dịu dàng chứa đựng nỗi bất an. Nhiều ngày sau đó Phương càng ngày càng yếu đi, mỗi ngày chỉ ăn vài thìa cháo. Ông chủ đi công tác về quát vợ sao không đưa con đi viện?
Bà chủ cáu bảo ốm sao không có mồm kêu? Phương không chịu đi, đóng cửa phòng nằm quay mặt vào tường. Có lẽ Phương đang khóc, Toàn nghĩ vậy khi thấy vai nàng rung lên. Bức tường kia liệu có phải chính là bức tự họa của Phương? Những ý nghĩ ấy nảy nở trong đầu Toàn khi thấy tiếng xe của ông chủ vừa rời khỏi cổng. Tiếng bà chủ léo xéo hẹn hò bạn nhảy, chả là tối thứ bảy nào bà cũng đi khiêu vũ. Phương di tay vẽ loằng ngoằng trên bức tường màu trắng, những nét vẽ mơ hồ...
VŨ THỊ HUYỀN TRANG