.
Tản văn

Món quà của Musafi

.

Tôi thường đến Non Nước-Ngũ Hành Sơn vào những ngày nghỉ. Lang thang hết chỗ này đến chỗ khác. Đó là thói quen không thể bỏ của tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi thích leo bộ ở những bậc tam cấp lên núi. Đấy là khoảng thời gian tôi không được nghĩ ngợi lung tung, vì đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ chuyện nọ xọ sang chuyện khác. Leo những bậc thang thẳng đứng như thế, tôi không nghĩ gì khác ngoài việc đếm từ bậc tam cấp đầu tiên, đến bậc tam cấp cuối cùng khi tôi rẽ vào chùa Tam Thai nằm ở phía nam… Ở những bậc tam cấp ấy, người ta lướt qua nhau, chẳng ai kịp nhìn ai lấy một lần. Đó là những du khách nước ngoài, họ dìu dắt nhau đi, nói với nhau bằng ngôn ngữ của họ, và họ chỉ dừng lại nghỉ khi bắt đầu thấy thở dốc. Một là họ sẽ ngửa mặt nhìn lên núi, hoặc hướng mắt ra phía biển.

Nỗi hoang mang trong tôi tê cứng khi tôi lần mò một mình vào trong động  Âm Phủ thuộc ngọn Thủy Sơn. Bao nhiêu lần đến Non Nước, bao nhiêu lần vào động nhưng tôi vẫn không thôi hết cảm giác rùng mình khi nghĩ rằng trong dân gian âm phủ là nơi để trừng phạt những người gây ra nhiều tội lỗi. Muốn vào động, khách phải qua cầu Nại Hà. Đây là nơi có nhiều thú dữ, rắn độc mà người hiền thì thong dong bước qua, còn người dữ thì luôn gặp trắc trở, có khi phải làm mồi cho thú dữ. Ở khoảnh khắc ấy, tôi hoang mang vô định. Không biết mình là người hiền hay kẻ ác…

Bỗng dưng trước mặt tôi xuất hiện một người con trai mặc áo phông trắng. Tôi dường như sợ phát thét lên nhưng tiếng kêu nghẹn tắc trong cổ họng. Anh ta nói tiếng Việt lơ lớ: “Xin lỗi, gặp cô tôi mừng quá, vì ở đây một mình tôi hơi sợ”.

Vậy ư? Tôi nhìn vào trong. Đúng là chẳng có ai ngoài tôi và người thanh niên ấy, tôi vội quay trở ra, vừa đi vừa lục balô lấy áo khoác. Lúc ấy, có một nhóm du khách nước ngoài và vài người Việt hồ hởi đi vào trong. Vẳng lại phía sau tôi giọng ấm áp của một bà cụ “Đã đến đấy, phải đi hết cho biết Ngũ Hành…”.
Tôi tới Vọng Hải đài - nơi tôi thích nhất vì từ đấy tôi có thể dõi mắt nhìn bãi cát cắt dọc theo chân sóng, phóng tầm mắt bao quát phong cảnh với mây bay gió thoảng, những làn sóng nhẹ xô đuổi vào bờ cát trắng.  Ở đó, những khi mặt trời sắp lặn xuống đáy biển, người người tấp nập ra tắm biển, hóng gió, lòng tôi cởi mở, bỏ quên sau lưng bao chuyện buồn, khoảng lặng ấy tôi thấy mình vô lo.

Bất giác, tiếng chuông điện thoại ở đâu đó vang lên. Nhạc chuông bài 25 minutes. Tôi ngoảnh lại, người thanh niên tôi gặp ở động Âm phủ, anh chần chừ, rút điện thoại ra khỏi túi, rồi cầm chắc trên tay, rồi lại đút vào túi quần. Rồi tôi nghe tiếng Việt lơ lớ: “Anh ở Ngũ Hành Sơn, không sao, anh rất ổn!”.
Người thanh niên nhìn tôi mỉm cười, chào xã giao tôi cũng bằng câu tiếng Việt “Chào bạn”, tôi gật đầu.  Nhưng chỉ được thêm một lúc, tôi ngửa mặt lên trời và bảo: Nhạc chuông điện thoại của anh, là bài hát mỗi lần nghe tôi đều muốn khóc.

Người thanh niên tỏ vẻ bất an, xoay tròn chiếc vòng ở cổ tay. Tôi bật cười, hỏi một câu thừa thải:
“Anh không phải người Việt Nam…”, “Vâng, tôi là người Israel”. Gió từ biển thổi lồng lộng. Chúng tôi đi xuống dưới. Người thanh niên giới thiệu tên Việt Nam là Hòa Bình. Tôi sững người, hỏi lại cũng một câu rất thừa “thật vậy sao?”.

Anh lấy ra trong túi, một quyển sổ chép tay, được ai đó nắn nót viết đề tặng “Thương tặng anh Musafi – Hòa Bình”. Sau đó anh kể với tôi rất nhiều điều, bạn gái anh bị bố mẹ buộc phải chia tay với anh, chỉ vì anh là người Israel, họ không đồng ý cho con gái họ theo anh đến đất nước còn chiến tranh và đạn lạc. Anh kể về quê hương anh, cả những chuyện vụn vặt, rắc rối, tựa như chưa từng bao giờ được nói. Tôi buộc mái tóc rối bù vì gió, cười thoải mái. Anh bảo: “Tôi thật ngốc, tại sao có thể kể cho em những câu chuyện như thế chứ!”. “Không sao, không biết nhiều về nhau, người ta dễ bày tỏ mình!”.

Xuống đến bậc tam cấp cuối cùng ở chân núi, anh lấy từ trong balô ra một chiếc vòng mã não màu xanh nước biển, anh cầm tay tôi và đặt chiếc vòng tay vào trọn tay tôi. Anh bảo, mong tôi không từ chối,  anh yêu Việt Nam, cũng đặc biệt yêu Non Nước-Ngũ Hành Sơn như tôi, chiếc vòng tay anh mua để tặng em gái khi anh trở về nước. Nhưng anh bảo, sợ không có dịp gặp lại tôi nên anh tặng cho tôi.
Musafi ôm choàng lấy tôi: “Cảm ơn em! Về tất cả! - anh  nói nho nhỏ - “Tạm biệt Musafi! - nắm lấy tay anh, chúc anh luôn bình an…

… Tôi trở lại Ngũ Hành Sơn, tôi xoay chiếc mã não trên tay, chợt nghĩ đến Musafi. Tôi dạo quanh các hàng mỹ nghệ, “Lạ thật, không còn chiếc nào có màu xanh tựa nước biển đẹp như của Musafi đã tặng tôi”. Cụ ông bán hàng, nằm trên võng đọc báo không nhìn tôi nhưng nói, mỗi thứ chỉ có một màu thôi con, không có cái nào giống y như thế cả.

Musafi gửi email cho tôi với lời mời không chắc chắn “khi chiến tranh kết thúc, anh sẽ mời em đến thăm gia đình anh ở gần biên giới dải Gaza”…

BÌNH CHI

;
.
.
.
.
.