.
TRUYỆN NGẮN

Sóng hoàng hôn

.

Ông Toán có quyết định nghỉ hưu khi đang nằm viện bởi chứng đau dạ dày tái phát. Ở công ty lâu nay, người đến tuổi hưu nhưng đang bệnh nặng đều được giữ lại để chạy chữa. Đấy, ông Ảnh mới phong thanh nghe nghỉ thì phổi có vấn đề tiêu cực nên “stop” hưu; bà Nga được lãnh đạo kêu lên đả thông tư tưởng để chuẩn bị hồi quán thì phát hiện “bộ phận làm giống” trục trặc, liền tạm ngưng. Còn ông... không để trưởng phòng chính sách giải thích hết, ông nổi xung lên. Quan liêu! Tắc trách! Vô tâm! Vô trách nhiệm! Giải quyết chính sách mà lạnh tanh máu cá như thế nghĩa là sao!? Bao bực tức ông xổ ra bằng hết khiến người đối thoại há hốc rồi rối rít “mong thông cảm”. Tự đè cơn sân si đang trào trong lòng, ông đảo qua phòng làm việc của mấy đồng nghiệp bắt tay, tạm biệt.

Ông kết nối thông tin hành lang và được biết, chính lão Nhu - Giám đốc công ty đã quyết định cho ông nghỉ hưu đúng hạn, dù đang bệnh. Về hưu đồng nghĩa lương sẽ giảm cùng bao ưu đãi cũng chẳng còn. Nghĩ đến những thua thiệt về quyền lợi, ông lại tức đến nghẹt thở.

Bữa cơm thân mật chia tay ông sau đó biến thành bữa cơm tẻ nhạt; thực khách ngơ ngác khi không thấy nhân vật chính. “Ngó mặt đã thấy ghét, ăn uống cái gì!?”. Vùng ra khỏi những lời chèo kéo, thậm chí năn nỉ ở lại, ông hằm hằm về thẳng. Cả gói quà Công đoàn tặng cũng bị ông quăng lại chỏng chơ trên bàn trà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cơn phẫn uất như sợi dây vô hình xâu chuỗi những khuyết tật của lão Nhu - người ông ghét. Kẻ mặt sắt ấy giống như cục đất nặn nên ông táo, tài cán gì mà huênh hoang. Con người như đông cứng trong những nguyên tắc với cõi lòng lạnh như ruột đá kia quả là cạn tàu ráo máng; sống với đồng nghiệp mà cứ như một mình ở giữa bãi tha ma. Nhớ lại cái giọng gào như quạ của lão trước những sai sót của cấp dưới, ông điên tiết. Lão thường nhận mình nóng tính. Sao nóng khôn thế, chỉ nhằm vào cấp dưới; nếu nóng với cấp trên chắc chết cháy từ lâu rồi!

Ngược lại, giọng rề rà của lão trong hội nghị thì vô cùng chối tỷ. Cử tọa bị “gây mê”, gà gật liên tục bởi giọng nói như rùa bò mỗi khi lão đăng đàn. Lão đi kiểm tra, mắt đảo như chuột ngày, đố có gì giấu được. Đèn hành lang sáng giữa ban ngày; người ra khỏi phòng, quạt vẫn quay vù vù; chơi game giờ làm việc, đi trễ về sớm... Lão gom hết những tủn mủn đó rồi gay gắt phun ra trong các cuộc giao ban. Người thông thái khuyên, đừng chê kẻ khác nơi đông người nhưng lão phang ngang, bất kể chỗ nào. Hạ sách thế là cùng!

Thời gian “tập làm dân” chưa nhiều nên rời nhiệm sở, ông Toán đâm hẫng hụt. Tháng ngày lê thê như nhân lên trống vắng và làm đậm đặc những u uất trong ông. Vợ ông rủ cùng chơi thể thao nhưng ông chỉ chịu mỗi đi bộ buổi sáng.

Đi bộ nhưng không ra công viên gần nhà, phải theo lối ngược lại để ra đường lớn. Vợ ông tròn mắt, sao không đến nơi thoáng mát trong lành, lại ra đường hứng bụi? Buổi sáng, thả bộ trên thảm cỏ trong công viên, nhìn mặt hồ mơ màng trong sương sớm, ngắm hàng cây xanh mướt trên đầu, quả thích thật. Nhưng ông không thể nói thẳng với vợ rằng, ra công viên phải qua trước nhà lão Nhu, ông ghét đi lối đó!

Cùng làm việc với nhau hai mươi năm có lẻ nhưng giờ gặp lão ngoài đường, ông vênh mặt, với hỏa khí ngút trời. Nhiều đêm ông lên sân thượng nhà mình, dán mắt về nhà lão Nhu gần đó, lửa trong lòng cùng những điếu thuốc nối nhau trên môi khiến người ông bừng bừng. Nếu người ta bị nguyền rủa mà chết thì lão đã bị ông biến thành ma từ lâu rồi!

Những khi cùng đồng nghiệp xưa luận về sếp cũ, ông hững hờ khi nghe những chuyện hay của lão Nhu. Nhưng ông đột ngột háo hức khi nghe những khuyết tật của kẻ ấy. Giọng chê bai nào đó vừa dứt, ông “tiếp sóng” ngay bằng những mẩu chuyện tương tự, với giọng sôi nổi khác thường, tất nhiên có thêm thắt cơi nới để chuyện càng đậm đà. Ông hả hê lắm, hả hê đến nhẹ người mỗi khi nói xấu kẻ ông căm; nỗi niềm ấy rõ ràng tưởng như sờ được.

Rồi vợ ông cũng lần ra căn nguyên cơn sóng lòng của chồng lúc hoàng hôn. “Anh đừng dành giây phút nào cho kẻ anh ghét; quên khẩn trương cho nhẹ người!” - Bà nói như ra lệnh. Quên được thì đã khỏe! Nỗi uất ức phải về hưu khi đang đau cứ ám lấy ông; nó đồng lõa với những con bệnh đang lẩn khuất đâu đó trong cơ thể đã bắt đầu nhức mỏi khiến người ông nhợt nhạt, rã rời. Ai bảo về hưu đồng nghĩa với an nhàn thảnh thơi, xin hãy trừ ông ra.

Ai chớm bước vào mùa đông cuộc đời giống như ông, chắc bệnh viện, phòng mạch nào cũng quá tải. Ông đột nhiên có thêm những người bạn mới là y, bác sĩ và một thứ không thể thiếu (nhưng chẳng ai muốn) là các loại thuốc. Lắm lúc ông ước được như vợ. Giã từ bục giảng, bà có thêm thì giờ cho đi chùa, cầu lông, cho trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Lưng ong ngày xưa giờ đã thành eo chum nhưng bà vẫn hồ hởi tự tin lên sân khấu cùng đội múa những người cao tuổi của phường. Mới rồi, bà khoe vừa đăng ký dự thi chương trình “Sống vui sống khỏe” trên truyền hình. Được làm những việc ấy, dường như bà khỏe ra; bạn bè lâu ngày gặp lại cứ tấm tắc, ngỡ ngàng: “Mùa xuân của chị sao dài thế?!”. Thấy chồng vẫn đắm trong u uất, bà bực: “Ôm ấp mãi sân hận chỉ khổ mình, chứ làm gì được ai!?”.

Quả thế thật. Lão Nhu dường như không biết hay biết mà phớt lờ nỗi căm tức ẩn trong đôi mắt mang hình viên đạn của ông mỗi khi thoáng gặp. Lão cũng không thể ngồi mọc rễ ở cái ghế quyền lực của công ty. Về hưu, khuôn mặt hay cau có của lão nhẹ nhỏm hẳn.

Tờ mờ sáng đã thấy lão chạy lúp xúp trên đường, với trang phục trắng muốt từ giày tất đến quần áo. Tuổi sáu mươi nhưng lão phóng xe phơi phới như thanh niên; cũng giống thanh niên, đi đâu đều “vác” vợ theo. Nắng cũng như mưa, tầm nửa buổi, lão lại có cuốc xe ôm miễn phí đưa vợ đi chợ. Nhiều khi đứng xa nhìn hai người nói cười với nhau; ông thấy họ trẻ đến quên cả tuổi tác.

Hưu nhưng đồ chừng lão Nhu chẳng mấy rảnh rang so với khi đương chức. Cùng lúc lão ôm hết những cái chức không lương của khu phố; từ tổ mặt trận đến hội khuyến học, từ ban hòa giải đến ban bảo trợ trẻ em nhiễm H. Vợ chồng nào cãi nhau cũng gọi lão; lũ choai choai uống rượu rồi quậy tưng bừng cũng kêu lão; có bữa lão nhảy vô can, chúng đập cho vêu mỏ. Lão vẫn cái giọng rề rà đến phát ngấy với ông nhưng lại được nhiều người lắng nghe.

Tên lão luôn đứng đầu danh sách khu phố ủng hộ người nghèo, bà con bị bão lụt, nạn nhân chất độc da cam. Ngày Nhà giáo Việt Nam, bọn trẻ ôm hoa đến tặng lão, chẳng đứng trên bục giảng nhưng lão ủng hộ nhiệt thành quỹ khuyến học, lại nhận đỡ đầu những học sinh nghèo vượt khó. Cùng gặp nhau trong những ngày vui của bạn bè, ông thấy mọi người hồ hởi vây quanh lão; không ghẻ lạnh như ông tưởng. Lão cười rạng rỡ rồi đi bắt tay khắp lượt những đồng nghiệp xưa; giã từ quyền uy, con người ấy trông dễ thương, hệt như biến thành một lão Nhu khác vậy.

“Chắc gì ông ấy đã méo mó như anh nghĩ.” - Lời thận trọng của vợ khiến những chiêm nghiệm tưởng chắc như định đề trong ông bỗng chốc lung lay. Ta thiên kiến, mù màu? Ông tự vấn, xao lòng.

Hôm ông nằm viện, vợ chồng lão Nhu vào thăm. Vẻ như không biết cơn sóng âm ỉ dai dẳng trong ông bấy nay, cả hai chuyện trò tía lia như bắp rang. Thấy họ tươi trẻ, bất chợt ông chạnh lòng nhìn lại thân hình dặt dẹo của mình, lòng tê tái. Ánh mắt thân tình, những lời thăm hỏi vồn vã cùng cái bắt tay rất chặt của khách khiến ông bối rối.

Ra về, lão bảo vợ xuống cầu thang trước, còn mình nán lại. Lão cầm tay ông, giọng chợt nhỏ như chỉ muốn gói gọn trong hai người: “Mới rồi, tôi được biết anh về nghỉ nhưng có điều không vui. Thực ra, ngày đó công ty đã đề nghị cấp trên cho anh ở lại một thời gian để chữa bệnh nhưng bệnh anh không thuộc dạng hiểm nghèo nên không được. Thay vào đó, lãnh đạo công ty quyết định trợ cấp cho anh hơn hẳn những trường hợp tương tự như anh đã biết - Lão buồn buồn - Tiếc là anh không bình tâm để nghe cơ quan chính sách giải thích đầu đuôi. Thôi, đừng tự làm khổ mình nữa”.

Ông gật đầu như vô thức, người ngay đơ, lập bập không cất nên lời. Ông đứng lặng nhìn theo cho đến khi bóng dáng quen thuộc ấy hòa vào dòng người hối hả trước cổng bệnh viện. Bất chợt ông cúi xuống nhìn bộ đồ bệnh nhân của mình, mắt ứa lệ.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

;
.
.
.
.
.