“Hạnh phúc có phải là thứ có thật ở trên đời?”
Lời của một cơn gió
Năm đó bồ và mình cùng học trường đại học Vẽ. Bồ trọ ở phòng 4 dãy A ký túc xá. Sau khi mình nhận được thư của cha, mình đón xe về quê ngay trong đêm nhưng vẫn không quên gửi cho bồ lá thư, đề như thỏa thuận. Nhưng bồ vô tâm lắm, bồ không trả lời trả vốn, mà bặt tăm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Mấy năm sau mình nghe người thành phố về quê nói, phòng 4 dãy A giờ đã trở thành đống gạch đá đổ nát, những tấm tranh treo tường quằn quện nằm vất vưởng không ai lấy. Bây giờ chỗ ấy đang chờ một công trình khác mọc lên. Trong số tin đồn đó có người nói: “Dãy đó lâu năm nên bị sập, toàn bộ đám sinh viên vẽ đều bị đè dưới lớp gạch đá. Riêng một thằng bỏ học về quê cưới vợ thì thoát chết vì đêm đó nó đã ở quê tưng bừng đám cưới. Và một thằng khác thì mất tích”. Lúc đó không hiểu sao mình cứ khăng khăng bồ là thằng sinh viên thoát chết trong đêm đó, bồ đã về quê cưới vợ sinh con. Bồ đã quên những sen cánh trắng bông đen, đèn màu xanh hắt bóng đỏ…
Sau lần đó mình giận bồ ghê lắm. Mình nghĩ bồ có vợ ít ra cũng nói mình một tiếng, ít ra cũng để mình khóc một trận đã đời trước lúc pháo hoa rơi. Bồ ác nhơn im lặng. Bồ có biết sự im lặng giết chết con người một cách ghê gớm thế nào không? Chắc bồ không biết đâu vì lúc nào mà miệng bồ không oang oang như loa bông bí. Bồ là người một ngày không nói sẽ chết ngay, chết ngay. Bởi vậy chỉ có mười bốn lá thư của bồ gửi thôi mà mình đã giữ đầy một cái gối. Mỗi đêm nằm ôm gối ngủ, mình còn nghe chữ nghĩa bồ cãi cọ, lên tiếng vang vang, mà khi chui vào giấc ngủ thì thấy dìu dịu gì đâu, như giọng bồ ru lúc nào cũng ngọt.
Mình về nhà chồng khi không còn khóc nữa. Miếng đất sau nhà khát lúa gọi tên cha. Chồng của mình (không phải là bồ như mơ ước), trả đất lại cho cha vợ sau ngày cưới. Mình ôm gối về ngủ với chồng mà như cứ ngủ với bốn bức tường không, lạnh như đi lạc vào địa ngục. Lúc đó mình nghĩ, chắc kiếp trước mình mắc nợ người ta, nên kiếp này mình phải đầu thai lên trả. Trâu bò cày suốt ngày cũng vì nơi miếng cỏ, mớ rơm nuôi nó sống. Nó có bị đánh bị đập cũng do kiếp trước nó sống ác với người ta nên kiếp này người ta đánh nó. Mình cũng vậy! Nghĩ vậy mà mình không hận chồng, dẫu lâu lâu ăn vài ba cái bạt tai như ăn cơm cắn nhằm chút ớt.
Nhưng điều làm mình sợ là những lần thấy hoa phượng nở. Bồ nói hoa phượng nở đúng bốn mùa bồ sẽ cưới vợ (lúc đó còn nói với nhau là cưới mình). Hơn bốn năm rồi, nhưng sao mỗi lần cây phượng dưới bến sông ra hoa, mình lại sợ. Mấy lần mình không dám xuống dưới sông giặt đồ, vì thấy xác phượng rơi đỏ cả khúc sông. Y như máu của dòng sông thư khi bị đứt đoạn hồi âm chết ở một khúc ngặt nào đó trong đời.
Thằng nhỏ con của mình và chồng ra đời tháng tư âm lịch. Tháng đó hoa phượng bắt đầu nở, mình nằm lửa ở trong nhà nên không thấy hoa rơi. Lúc có cảm giác nhớ hoa da diết. Không hiểu sao cảm giác sợ và cảm giác nhớ cứ trộn lẫn vào nhau, cứ lại ào ào đến rồi ào ào đi, và chính âm thanh ào ào làm mắt mình đỏ lên mấy bận lòng rung rinh khi cơn gió mùa bay lạc qua lòng.
Chồng thay đổi đột ngột sau khi mình sinh. Thằng con giống cha như đúc. Chồng ẵm con đi khoe khắp xóm. Ai cũng khen, “Cái thằng cưới được con vợ ngoan hiền, đẻ đứa con tốt tướng, y hệt thằng cha”. Chồng đêm nào về cũng sà vào hôn lên trán mình. Mấy chén cháo nóng hổi (hồi trước chỉ có trong mơ, bây giờ chính tay chồng nấu) làm mình vừa buồn vừa vui, vừa lo vừa mừng. Mùi cháo chưa ăn đã thấy ngon rồi, mùi thơm nồng lên sống mũi dễ chịu làm sao. Có lần thấy chồng bưng vào chén cháo nóng, mình khóc. Chồng an ủi, cứ nghĩ là mình cảm động, mình động lòng khi thấy chồng lăn vào bếp núc.
Nhưng lúc đó mình lại thấy mùi cháo quen quen, nó giống mùi cháo ở ký túc xá trước khi cha triệu tập mình về nhà, sao mà lại có loại cháo nào giống nhau đến như vậy.
Những ngày sau sinh, mình nghĩ mình thật hạnh phúc. Lúc đó, hình ảnh của bồ và những mùa phượng nở không còn đọng lại lòng mình nữa. Hình ảnh ấy thoáng trôi qua, trôi qua như nước từ trên cao chảy xuống và chảy đi nơi đâu đó mất. Nhưng một ngày nắng gắt, có một lá thư gửi về địa chỉ nhà chồng, thư đề tên của bồ, tâm tình của bồ rủ mình đi trốn. Lần này mình thấy bồ thay đổi nhiều, mặc dù thấy chữ viết và hơi hám thư quen quen mà cũng thấy gần gũi như kề bên cạnh. Nhưng mình có cảm giác câu chữ không như bồ ngày xưa, cả chữ ký và chữ viết cũng đổi khác rồi, thư lại không hề đề mật mã: Sen cánh trắng bông đen, đèn màu xanh hắt bóng đỏ. Lẽ nào bồ đã quên. Ừ, thì bốn năm rồi, còn nhớ làm chi những điều như mơ mà ngoài làm sao có thật: Sen cánh trắng bông đen, đèn màu xanh hắt bóng đỏ.
Bồ đã quên!
Chồng là người nhận thư, chồng đổi sắc mặt. Đêm đó mình bất thần nên những cú tát hình như không gây cho mình cảm giác đau. Lúc đó, cảm giác sao bồ lại gửi thư lúc này, làm mình đau thắt hơn, những cơn đau đó áp cả những cơn đau do chồng đánh. Nhưng sao lúc đó trong đầu mình lại không hề nghĩ ra được, lá thư này có phải gửi từ cõi âm? Con tem hư vô, con dấu trạm hư vô, và ngày cũng hư vô. Ẩn hiện trên bì thư như dấu máu… Lúc đó mình đã tin vào sự thật của chính mình: Bồ đã chết!
Và ở ngôi nhà mình vừa bị đuổi đi vì lá thư gửi từ cõi âm, nơi đó chồng có người vợ trẻ đẹp sau khi nhà vắng hơi mình, chỉ vài hôm.
Đứa con trai theo mẹ sau ngày chồng ly dị mình. Khi nó mười sáu tuổi. Mình mới lần theo địa chỉ trong thư mà đi tìm bồ. Nhưng địa chỉ 23,5 trên lại là một cái mộ hoang ngay giữa nhà số 23 và 24 như địa chỉ viết. Lúc đó mình không nghĩ là mình bị lừa. Vẫn cứ nghĩ bồ rủ mình chết theo, xuống dưới sống với nhau hạnh phúc biết là bao…
Nhưng cũng ngay trong đợt tìm kiếm đó mình lại gặp được bồ thật. Là bồ bằng da bằng thịt chớ không phải hư vô hay hồn ma gửi thư không dán tem vẫn đến. Bồ bây giờ cô độc, sống một mình, bán vé số trong thị xã Biên. Có người nói bồ già hơn, xấu hơn. Nhưng mình thấy bồ vẫn y như xưa không hề đổi khác. Mình khóc một trận vì sao bồ lại bặt tăm. Bồ kể, bồ ra ngoài mua nước đá trong lần ký túc xá sập, bồ tiếc mấy lá thư của mình còn để trong phòng 4 dãy A chưa kịp lấy nên đi vào lấy sau trận hoang tàn. Nhưng không ngờ bị sụp, chân bồ gãy. Bồ về quê, rồi lại đi giang hồ đến cái xứ này. Câu chuyện vẫn không ăn thua gì mình đến câu cuối, bồ nói: “Thôi vậy thì ở lại đây với anh, sống với người mình thương mới là điều hạnh phúc”. Lúc đó trí óc mình mông lung lắm. Mình nói bồ đợi đi, mình về dọn đồ đạc đến. Vài hôm nữa thôi…
Nhưng khi về đến nhà, chồng xuất hiện trong nhà như người thân thuộc. Đứa con trai đón người cha từng bỏ rơi nó mười mấy năm trời như chuyện chưa hề xảy đến, về ngự tại nhà như một vị chủ gia. Nhưng nó lại không đón nhận mẹ nó. Nó nói, mẹ đi theo người thương được, thì đi luôn đi. Chồng thêm vào: “Đàn bà mà bỏ nhà đi không lý do là đàn bà hư thúi”. Nhà này không ai cần một người vợ, người mẹ như mình nữa. Lúc đó mình tự hỏi: “Tại sao là phụ nữ, lại bị đối xử như vậy?”.
Không hiểu sao trong lúc trí óc mông lung đó bồ không xuất hiện trong đầu mình. Và mình cũng không hề còn cảm giác muốn theo bồ nữa. Mình thấy sụp đổ hoàn toàn. Và sau ba ngày chịu đựng sự lạnh nhạt của chồng con, mình bỏ đi. Mình đi theo địa chỉ nơi bồ hẹn. Chỉ mong gặp bồ để thử kiểm xem thế gian này còn có một người thương nào đó tin tưởng và cho nhau một căn nhà hạnh phúc. Dẫu căn nhà đó đơn sơ hay rách nát. Nhưng nơi đó, bồ đã dọn đi cách đó hai hôm, đúng vào ngày mình về đến nhà.
Bồ để lại bức thư, mật mã: Sen cánh trắng bông đen, đèn màu xanh hắt bóng đỏ. Thư không một chữ nào nữa ngoài mấy chữ mật mã đề ở bìa thư. Đó là một bức tranh, là tranh gió, bức tranh hư vô, không có gì trong đó mà sao mình cảm thấy nó mênh mông, mênh mông…
Lúc đó mình không hiểu. Và đến bây giờ, khi đứa con và chồng, và bồ lần lượt đến chùa xin mình hãy về nhà mà ở. Mình vẫn không hiểu thật ra mình sống để làm gì? Câu nói: “Ngôi nhà hạnh phúc nào cũng cần có một hơi ấm đàn bà…” có lẽ hợp lý? Cả ba người họ đều cần một ngôi nhà hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc có phải là thứ có thật ở trên đời?
LÊ QUANG TRẠNG