Năm nào chẳng thế, cứ đến dịp bình xét hộ nghèo cuối năm là cán bộ thôn xóm lại đau đầu. Không phải ai cũng thích thoát nghèo. Có những hộ cứ mong gia đình mình nghèo “bền vững” để được hưởng nhiều ưu đãi. Nên họ giấu cái no đủ của mình đi.
Hoặc có nhiều người cứ ỉ lại Nhà nước nên lười lao động. Cứ thử nhấc họ ra khỏi hộ nghèo xem thể nào cũng ầm ĩ lên ngay ấy chứ. Làm cái nghề ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng cực nhất là cái khoản bầu xét. Nên mấy ngày hôm nay cán bộ thôn xóm cứ bận rộn họp hành suốt ngày.
Ngoài đồng bà con cày bừa cấy hái đã gần xong để thảnh thơi đón Tết. Nhiều người í ới hẹn nhau đi xuống chợ huyện sắm đồ. Tết năm nay ai cũng vui vì trong nhà thì ngô lúa nhiều hơn, chuồng trại chăn nuôi đông đúc. Còn thôn xóm thì được xây dựng khang trang hơn. Mới hồi sáng tất cả chị em phụ nữ đi xới cỏ lề đường còn cánh đàn ông thì đi giăng cờ đón thôn văn hóa. Ở nhà văn hóa đã có sẵn đội ngũ anh em hậu cần mổ nguyên con lợn tạ. Ăn mừng…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tiệc mừng được nấu nhanh thôi. Loa phát thanh ời ời mời bà con trong khu tới chung vui. Nhưng ngặt nỗi bà con còn tranh thủ đồng áng. Cắm cúi với cây lúa cây ngô đến lúc ngẩng lên thì trời đã tối rồi. Thành ra tiệc ăn mừng chỉ có cánh đàn ông. Tiếng cụng ly vang lên. Tiếng người nói cười ồn ã. Cơm rượu xong là đến khoản “văn hóa làng” vào buổi tối. Tiếng hát người say vang khắp thôn xóm.
Bà già đang tước lá dong ngẩng lên nghe ngóng rồi buột miệng than “toàn nhạc nhố nhăng hay ho gì chứ”. Mấy chị em phụ nữ đang tập trung làm mứt thì khúc khích cười. Nghe tiếng hát mà nhận giọng chồng, mà đoán xem đã say độ mấy.
Cuối năm cỗ bàn liên miên. Hết ăn đại đoàn kết lại đến liên hoan các hội. Đàn ông uống một ngày thì say hai ngày. Nằm dài ở nhà than thở “rượu gì mà nặng thế”. Nhưng chiều nay cán bộ thôn đã quán triệt rồi “uống phải biết dừng. Lỡ có say cũng về lên giường nằm chứ cấm được chửi vợ đánh con”. Thôn văn hóa thì say cũng phải có văn hóa chứ. Nhiều người đàn bà nghe quán triệt thì cười đắng đót. Ước gì…
Chị Nụ ngồi đếm tiền. Đếm đi đếm lại cọc tiền mới bán cặp bò hồi chiều. Gần hai mươi triệu đồng, đấy là cuối năm bỗng nhiên bò mất giá. Bò này nhà chị được xã cho cách đây đã vài năm theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo.
Chị nuôi bốn năm, cứ bò mẹ đẻ bò con giờ bán bớt mà trong chuồng vẫn còn một cặp. Tiền này ngày mai anh Khỏe chồng chị sẽ mang đi mua lợn giống. Lợn năm nay được giá, bà con nuôi cả trăm con. Mình ít vốn thì nuôi lấy chục con, số tiền còn lại mua cám bã. Chuồng thì mới xây xong, chồng chị túc tắc làm dần. Từ khâu đóng gạch đến lúc xây đều một tay anh làm, đỡ được khối tiền thuê công thợ.
Chị nói với chồng “mình nghèo thì phải chịu khó vất vả hơn người ta mới mong khá được”. Giờ thì anh chịu nghe rồi, chứ trước kia nói ngon ngọt thế nào anh cũng gạt phăng đi, suốt ngày chỉ đắm chìm trong men rượu. Rượu nhiều thì bệnh tật nhiều. Mỗi lần bình bầu hộ nghèo là chị Nụ rớt nước mắt. Người ta thương thì thương thật đấy nhưng người ta vẫn nói “cứ rượu mãi sao mà khá nổi”.
- Năm nay nhà mình ăn Tết to nhất làng. Mua những mười con lợn cơ mà - Khỏe vừa thả lợn vào chuồng vừa trêu vợ.
- Thế mới nói, anh cứ bỏ rượu là mẹ con em được nhờ. Năm nay mười con, năm sau vài chục con cũng nên. May mà thoát nghèo, chuyện học hành của con cái cũng không lỡ dở.
Khỏe không nói gì vuốt ve mấy chú lợn mới mua rồi kiểm tra lại cửa chuồng trại. Nụ còn mải chọn những quả bòng đẹp nhất mai mang đi chợ bán. Bòng bán Tết được giá. Quả đẹp thì mua về bày mâm ngũ quả. Quả xấu thì mua về ăn.
Mấy ngày Tết ăn toàn thịt cá ngán lắm, có quả bòng ngọt mát ai cũng thích. Cả chục gốc bòng sai quả bán đi cũng đủ trang trải Tết. Làm nông là phải có cái để ngóng. Đóng học cho con ngóng gà ngóng lúa. Tiền đi đám cưới, đám ma, đổi mả, mừng nhà mới thì ngóng vào lương đi làm thuê của Khỏe. Tết thì ngóng vào hoa trái trong vườn.
Chăm chỉ trời thương, chẳng lo đói kém. Mấy năm trước nhà còn dột nát khổ cực trăm đường. Những ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì ngồi ăn cơm cũng ướt. Năm ngoái Nhà nước hỗ trợ vài chục triệu, chị vay mượn thêm làm cái nhà cấp bốn nho nhỏ.
Nhỏ thôi nhưng mà ấm cúng. Nợ nần trả dần sẽ hết, có mấy ai làm nhà mà không vay mượn chứ. Từ khi thoát khỏi cảnh cửa nhà dột nát anh Khỏe cũng dần thôi kết thân với rượu để tu tỉnh làm ăn. Lúc thì đi xây, lúc lại theo đứa em đi làm nhôm kính hàn xì. Thợ phụ thôi nhưng ngày công cũng cao. Đi làm đều cũng đủ tiền nuôi hai đứa con đang học cấp ba. Giờ học hành không như trước kia, nhiều khoản lặt vặt không kể hết.
Năm nay chị Nụ tính gói nhiều bánh chưng hơn. Mứt bí, mứt gừng cũng làm nhiều hơn hẳn. Buổi trưa tranh thủ bóc hành muối dưa. Buổi tối thì cặm cụi bó giò tai lợn, làm nem bì thính. Chồng hỏi:
- Ăn sao hết mà em làm nhiều chi vậy?
- Em tính làm cỗ tất niên mời bà con lối xóm đến chung vui. Bao nhiêu năm nghèo khổ, không có mọi người giúp đỡ thì mình chẳng được như hôm nay.
- Ừ nhỉ! Năm nay nhà mình ra khỏi danh sách hộ nghèo mình phải ăn mừng chứ.
Đợt bình xét hộ nghèo cuối năm nay nhà anh chị đã bị gạt ra khỏi danh sách. Người ta hỏi có buồn không? Ra khỏi hộ nghèo là hết được hưởng ưu đãi. Con cái đi học cũng tốn kém hơn, ốm đi viện cũng không còn bảo hiểm của người nghèo nữa.
Chị Nụ cười tươi rói “buồn gì mà buồn. Mình hết khổ thì phải vui mới đúng”. Con cái đi ra ngoài cũng đỡ tủi thân. Người ta làm giàu, mình không giàu cũng phải gắng tươm tất chứ nghèo mãi ai mà thương cho nổi? Năm nay nhà chị mua ti-vi mới. Sắm thêm chiếc xe máy cũ cho anh Khỏe đi làm đỡ cực. Cũng may mà chăn nuôi được, gà bán vào mùa cưới giá cao. Chị lại thêm nghề thổi xôi bán quà sáng ở cổng trường mẫu giáo.
Lãi mỏng thôi nhưng dồn lại cũng thành tấm món mà vốn bỏ ra chẳng là bao. Trước kia nghèo có khi vì làm cái gì cũng sợ. Giờ thì chị Nụ nghĩ khác rồi, phải mạnh dạn vay vốn làm ăn. Sắp tới anh Khỏe còn định đào ao thả cá, nuôi thêm trăm vịt đẻ. Hai năm nữa là đứa đầu nhà chị thi đại học rồi. Cũng gom góp dần đi là vừa. Chặng đường nuôi con ăn học còn dài lắm…
- Anh tính mua một chậu quất nho nhỏ đặt trong nhà. Cũng rẻ thôi. Tụi nhỏ thích.
Chị Nụ đưa mắt nhìn chồng bỗng bật cười:
- Tết mọi năm toàn thấy anh lo mua rượu chứ có ngó ngàng gì đến hoa lá trong nhà.
- Ừ thì… rượu có khó gì. Lúc nào cần chạy vèo ra quán là mua được. Mà có khi Tết này khách đến nhà mời nhau chén chè cho lành. Rượu chè đau hết đầu. Sung sướng gì đâu.
Chị tủm tỉm cười. Sau gần hai mươi năm về nhà chồng thì năm nay chị cũng được đón một cái Tết đủ gọi là tươm tất. Lúc các con còn nhỏ ngày Tết trở thành gánh nặng. Muốn mua cho con bộ quần áo mới thì có khi phải bán cả con gà trống cúng giao thừa.
Mua cân thịt cho con ăn Tết cũng đắn đo. Sau này không đến mức khó khăn như vậy nữa nhưng cũng chẳng có tiền sắm sửa gì nhiều. Chồng thì Tết đến chỉ mong vét được đồng nào là xách chai đi mua rượu. Rượu say là chửi bới phá phách. Có khi hất đổ cả thúng gạo nếp đang định gói bánh chưng. Tết vì thế càng thêm cám cảnh.
Mấy năm trở lại đây anh Khỏe bỏ rượu, Tết đến còn có tiếng cười vui. Vợ chồng con cái sum vầy chẳng cần mâm cao cỗ đầy cũng thấy lòng yên ấm. Riêng năm nay kinh tế ổn nên chi tiêu cũng thoải mái hơn, ra chợ muốn mua thứ gì không phải cầm lên đặt xuống. Năm sau làm ăn khấm khá hơn chị sẽ sơn nhà, mua cho hai đứa một chiếc xe đạp điện để đèo nhau đi học. Trường xa quá…
Chị mải nghĩ ngợi vẩn vơ quên cả việc ra vườn chặt mía lộc cho anh em, hàng xóm. Tết nào vườn mía sau nhà cũng hết veo. Cây đẹp thì làm lộc dựng hai bên bàn thờ. Cây nào xấu thì tước sẵn để trong tủ lạnh mấy ngày Tết lôi ra ăn cho mát. Chiều nay nhà sẽ đông vui lắm.
Cũng chẳng phải khách khứa gì đâu, toàn bà con chòm xóm gần kề. Chị bảo anh mổ mấy con gà, lợn thì mới ăn đụng một đùi vẫn còn nguyên trong tủ lạnh. Nói là cỗ tất niên nhưng chẳng cần nấu nướng cầu kỳ. Mồi nhậu của đàn ông là mấy món dưa chua, ít chân gà tẩm ướp cay xè và trận bóng đêm qua đội nào thắng vậy?
Đàn bà ngồi với nhau ăn thì ít mà chuyện đồng áng thì nhiều. Lợn đẻ bao nhiêu con? Nghe nói có máy ấp trứng gà mi-ni có ai định mua không? Mỗi lần ấp được năm chục quả, đỡ phải đi thuê ấp. Mà thuê ấp bây giờ chẳng biết đằng nào mà lần, mình toàn gà chọi đẻ mà ấp về độc chỉ thấy gà ri. Mấy ruộng lúa đồng cạn đã bị chuột tấn công. Thuốc chuột giờ dởm lắm, hình như chuột ăn vào càng sinh sôi đông đúc.
Tiếng cốc chén va vào nhau lạch cạch. Tiếng cười rôm rả không ngớt. Cả năm trời vất vả có mấy khi được thảnh thơi như thế. Họ đến để mừng cho anh chị thoát nghèo. Mừng năm cũ đã qua, năm mới sắp về. Những cây mía lộc được dựng sẵn ngoài cửa. Đám cúc vạn thọ trồng trước nhà cứ dốc lòng mà vàng đau đáu…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG