.
TRUYỆN NGẮN

Chiều nhạt nắng

.

Cái màu hoàng hôn nhờ nhợ lập lờ trong khói bụi, thèm sắc đỏ ối của chiều ở chốn thị thành này thật xa xỉ. Đến lòng người còn nhàn nhạt thì mong điều gì đậm nét. Vừa chạy xe vừa miên man suy nghĩ, mặc dù biết nguy hiểm nhưng ý nghĩ như cánh diều đứt dây chẳng thể nào ghìm nổi. Bất chợt một bóng người vụt lao ra giữa đường mắc cửi người xe giờ tan tầm, tiếng phanh gấp ken két khét lẹt. Hai bánh xe khóa cứng miết lên mặt đường kéo vệt đen ngòm. Cả người tôi đổ xô về phía trước, tim đứng sững vài giây rồi tựa hồ như lò xo bị ép chặt bật văng loạn xạ trong lồng ngực. Đầu tôi quay mòng mòng, hơi thở đứt vụn, mặt cắt không còn một giọt máu. Định thần lại, trước mũi xe tôi là một người đàn ông mặc độc một chiếc quần đùi rách như xơ mướp, lom khom chộp bắt cái vỏ bim bim đang chực cuốn đi theo gió bụi. Hắn hí hửng ngó vào bên trong “chiến lợi phẩm” rồi hai đuôi mắt sụp xuống mặt dài ngoẵng như cái bơm xe. Toan ném đi nhưng tiêng tiếc hắn thọc cả bàn tay vào cái vỏ gói bim bim khua khoắng rồi đưa lên miệng mút chùn chụt. “Thằng điên này, chán sống rồi hả?”, “May chú kia phanh kịp chứ không thì giờ nằm đắp chiếu rồi”, “Người thân đâu nhốt nó lại chứ cứ để lang thang ngoài đường ngoài chợ thế này nguy hiểm quá”... đám đông ồn ào xôn xao bàn tán, người chỉ trỏ, người chửi bới, người hăm dọa. Chẳng nghe thấy hay đã chai lì với những lời ấy, hắn cứ say mê thưởng thức những ngón tay. Lắc đầu ngao ngán ai nấy hối hả nổ máy phóng đi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hắn vừa nhảy chân sáo quanh gốc cây xà cừ bên đường vừa ư ử như là đang hát, hai bàn tay vê vê cây xúc xắc (đồ chơi cho trẻ sơ sinh). Hắn gầy đến nỗi rẻ xương sườn chực chờ chọc thủng lớp da đen nhẻm phần vì cháy nắng phần vì bùn đất, bụi bẩn bám cáu. Đặc biệt hốc mắt sâu hoắm của hắn ta đổ đầy nỗi buồn mà khi nhìn vào đó tôi cảm thấy ngộp thở như đuối nước. Có một ma lực từ ánh mắt ấy khiến tôi xuống xe, tắt máy và tiến lại gần hắn. Thoạt đầu, hắn sợ sệt lê hai bàn chân nẻ toác giật lùi rồi bất ngờ hụt ổ gà ngã dúi dụi. Tôi cúi nhặt cây xúc xắc sứt vỡ loang lổ chỏng chơ trên vỉa hè đưa cho hắn. Khuôn mặt hắn dãn ra. Hỏi hắn có sao không, hắn trố mắt nhìn tôi. Hỏi lại hắn có đau chỗ nào không, mặt hắn cứ nghệt ra. Tôi móc từ đáy ba lô một nắm kẹo – lúc nào tôi cũng đem theo kẹo vì thường bị tụt huyết áp. Hắn bụm hai tay hứng những viên kẹo xanh đỏ từ tay tôi rồi cười hềnh hệch. Nụ cười nhạt nhẽo, trống rỗng. Rồi tôi cũng ngồi bệt xuống đất cạnh hắn. Người qua kẻ lại ném về phía tôi những ánh mắt tò mò, khó hiểu. Hai người đàn ông, một ở trần, một quần âu, áo sơ-mi; một đen đúa, nhem nhuốc, đầu tóc rối bù; một thơm phức nước hoa, tóc vuốt keo, giày bóng loáng cùng ngồi bệt trên vỉa hè. Hắn nhai nhồm nhoàm kẹo trong miệng, nước miếng từ kẽ miệng chảy dài xuống cằm rồi nhểu kéo tơ đáp lên đầu gối củ lạc. Hỏi hắn tên gì, hắn chỉ ú ớ hai tiếng:

- Tam Tai.

Hai tiếng rơi ra rời rạc và sứt mẻ như cây xúc xắc hắn ôm khư khư trong lòng. Có lẽ do hắn đang mải nhai kẹo cũng có thể do đã từ lâu không giao tiếp nên chẳng cất nổi thành lời tròn trịa. Không biết là Tam Tai, Tam Tài, Tám Tai, Tám Tải, Tám Tại... gì gì đó.

Hỏi nhà hắn ở đâu, hắn lắc đầu, nhè viên kẹo ra lòng bàn tay đưa lên đưa xuống nheo nheo mắt ngó nghiêng rồi lại ném tọp vào miệng nhai lấy nhai để như sợ ai cướp mất.

- Thế vợ con ông đâu?

Cả cơ thể hắn rung rung như thể thân cây oằn mình trong gió bão, lắc đầu nguầy nguậy, quờ quạng tay trên nền đất. Tôi cau mày khó hiểu. Lạo xạo, cây xúc xắc khẽ cựa mình dưới chân khiến hắn khựng lại. Hắn cuống cuồng nâng nó trên tay rồi ôm ghì vào lòng khóc rưng rức, khóc nức nở rồi khóc rống lên. Những mảnh vỡ cây xúc xắc lằn lên ngực hắn xiên xẹo những dấu đỏ lựng. Tôi rối quá không biết làm gì cứ lúng túng như gà mắc tóc. Hắn ngước nhìn tôi mặt méo xệch:

- Tôi thiêu chết con tôi rồi! Tôi thiêu chết con tôi rồi! Tôi thiêu chết con tôi rồi!

Hắn cứ nhắc đi nhắc lại như thế! Rõ ràng, rành mạch, tròn vành rõ chữ. Chắc hẳn trên đôi vai còm cõi kia đè nặng cả một vùng ký ức khủng khiếp lắm! Nỗi đau có thể hóa điên một người tỉnh mà cũng có thể đánh thức một người điên dẫu chỉ trong chốc lát. Lòng tôi trĩu nặng vì lỡ khuấy lên nỗi đau đã lắng cặn trong lòng hắn.

Điện thoại rung, trên màn hình hiện số vợ.

- Anh đi đâu mà giờ này chưa đón con, cô giáo gọi cho tôi bảo còn mỗi mình con ở lớp... Cái gì... anh đang lê lết vỉa hè tâm sự với một gã điên... anh cũng điên rồi... tôi đầu tắt mặt tối lo cho gia đình... còn anh thì suốt ngày thơ thơ thẩn thẩn, văn với chẳng chương,... giờ lại còn long nhong ngoài đường lo chuyện trời ơi đất hỡi...

Vợ tôi làm công nhân nhà máy da giày. Ngày nào cô ấy cũng tăng ca đến tận khuya để lo cho bốn miệng ăn giữa thành phố thứ gì cũng đắt đỏ. Đến son cô ấy còn tô vội thì tâm trí đâu mà để ý đến chuyện một gã điên với cây xúc xắc vỡ vật vờ lang thang đầu đường xó chợ.

Tôi tất tả chạy qua hàng tạp hóa bên kia đường mua ba hộp bánh ngọt, chục gói mì tôm, hai chai nước suối. Hắn hớn hở như đứa trẻ nhận được quà, đưa tay quệt ngang nước mắt nước mũi nhoe nhoét, khệ nệ ôm túi đồ rồi chạy ù về phía khu nhà hoang. Nhìn cái bóng liêu xiêu của hắn len lỏi trong đám cỏ dại cao lêu nghêu mà xót xa phận người cũng chỉ như cọng cỏ.

Tối hôm đó, tôi mất ngủ nhưng không dám trở mình trằn trọc vì sợ đánh thức vợ. Tiếng thở ngắn dài lô xô, lo toan hằn lên cả giấc ngủ cô ấy. Tôi nhón chân bước ra ngoài ban công. Ở khu tập thể này ban công nhà nào cũng bao lồng sắt kín mít. Trăng thành phố không tỏ như trăng quê, ánh vàng đùng đục như lợn cợn bụi. Lủng lẳng mấy chậu hoa đồng tiền vương vướng tầm mắt. Thèm một cốc cà-phê không đường nhưng rồi chợt thấy mình cũng đắng ngắt lắm rồi. Ngọn gió khuya lành lạnh thốc thẳng vào mặt khiến tôi càng tỉnh. Hình ảnh người đàn ông ở trần mặc độc một chiếc quần đùi rách te như xơ mướp, đen nhẻm tay vê vê cây xúc xắc sứt vỡ lại hiện lên rõ mồn một. Trong tôi rối như tơ vò những dấu hỏi về câu chuyện cuộc đời hắn. Tôi đứng quay lưng tựa vào lồng sắt, bóng đổ tối khuôn mặt. Có lẽ bất lực nhìn đứa con mới mấy tháng tuổi ngụp trong đám cháy ngay trước mắt đã quật ngã tâm trí người đàn ông ấy. Tôi áy náy vì không thể làm gì hơn giúp hắn. Vợ, bố mẹ, anh chị em, họ hàng của hắn đâu? Hắn sẽ sống sao qua mưa nắng đói khát?

Sáng hôm sau, đưa con đến trường mầm non, tôi quay lại khu nhà hoang. Lò dò bấu đế giày trên mảng rêu trơn trượt rẽ cỏ dại um tùm tôi bước vào căn nhà cấp bốn xập xệ, xộc lên mũi mùi thời gian, cánh cửa gỗ bị người ta tháo đem làm củi, mái thủng toang hoác, tường vỡ nham nhở. Đảo mắt nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng một ai, tôi trở ra. Thấy tôi ngồi lặng trông sang khu nhà hoang phía bên kia đường gần một tiếng đồng hồ mặc cốc trà tan đá loãng loẹt, bà lão bán quán vẻ mặt hình sự ghé tai tôi thì thầm: “Này chú, tôi hỏi thật... chú là công an cải trang theo dõi ai à?” Tôi bật cười: “Dạ không phải đâu ạ!”. Tôi tự hỏi mình, tìm hắn để làm gì, tại sao tôi phải nhọc lòng vì một người xa lạ đến thế? Tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào nhưng tuyệt nhiên không chỉ bởi tò mò.

Mấy ngày sau, hôm nào tôi cũng trở đi trở lại con đường ấy mà vẫn không thấy hắn. Hỏi thăm, người nói hắn bị xe tải đâm chết, người thì bảo hắn bỏ đi nơi khác, có người xua tay hắn chỉ giả vờ điên để lừa lòng tốt của người đi đường. Họ kể về hắn say mê và hào hứng cứ như thể họ là một phần của câu chuyện vậy. Tôi cảm ơn rồi thở dài lê bước. Trở về nhà, người lớn đi làm, trẻ con đi học nên khu tập thể trầm tư, tấm rèm cửa phồng gió rồi thổi nắng loang loáng vào phòng, lạch cạch gõ những dòng này mà người cứ run lên, nổi gai ốc từng chập, từng chập. Điều ám ảnh nhất không phải là cái chết của một người mà người đó còn sống hay đã chết.

ĐÀO MẠNH LONG

;
.
.
.
.
.
.
.

Đọc nhiều

.
.