.

Những mùa xuân có nội

.

Những chiếc lá cuối đông đã sắp rụng hết rồi. Những chiếc lá già cỗi úa vàng đã đi trọn phần đời của mình lại rụng xuống trở về nằm dưới cội. Nội tôi cũng trút hơi thở cuối cùng vào một ngày cuối đông, khi mùa xuân bắt đầu về gõ cửa. Nội nói nội đã đi hết phần đời của mình và không có gì phải nuối tiếc.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông bà ngoại mất sớm khi tôi còn chưa kịp bi bô, vậy nên suốt tuổi thơ tôi chỉ in bóng dáng của ông bà nội. Ông nội tôi khó tính, bà thì lại rất hiền lành. Thuở nhỏ, vì điều kiện kinh tế, bố mẹ tôi đi làm ăn xa. Vậy nên suốt những năm ấu thơ tôi ở với nội. Nhà nội tôi có một mảnh sân rộng, quanh sân trồng đầy rau bồ ngót. Mỗi sáng tôi đều đi theo bà gẩy từng con sâu bám đầy những chiếc lá non. Nội dạy tôi cầm chổi rơm quét sân. Nội dạy tôi nấu cơm, băm bèo, cắt cỏ.

Những năm đầu 80 của thế kỷ 20, hầu như nhà ai cũng còn đói khổ, nhà có củ khoai luộc nội cũng cắt ra làm bốn, năm khoanh cho mỗi đứa cháu một khoanh. Có quả chuối ai cho cũng chừng ấy phần cho cháu. Nhà có món chi ngon, có chút quà ai biếu, ai cho, nội đều nói nội không thích ăn rồi phần hết cho tôi. Nội thường nói “người già không cần ăn nhiều nhưng con nít phải ăn nhiều để lớn”.

Hồi đó ông nội tôi nổi tiếng là khó tính nhất làng. Cái gì ông nói là người khác phải nghe, ông bảo cái gì thì là phải đúng. Nhiều lần tôi thấy ông đánh bà và mắng nhiếc ca cẩm những chuyện không đâu, tôi thắc mắc sao bà không cãi; bà bảo tôi “ông bà sống với nhau bao nhiêu năm còn chẳng hiểu tính nhau sao. Đàn ông lúc nào cũng nóng như lửa, đàn bà lúc cơm sôi lửa bỏng biết lùi một bước cũng chẳng thiệt đi đâu.” Bà là người dạy tôi lúc nào cơm sôi thì bớt lửa.

Đất nước bước qua thời kỳ đầu đổi mới, những cơ cực rồi cũng dần qua. Bố mẹ tôi về quê, tôi xa nội để về nhà. Năm ấy tôi vừa tròn mười hai tuổi.

Mấy năm sau đó ông mất, bố mẹ tôi đón bà về nhà tôi ở. Tôi ở tuổi dậy thì bận bịu với những nỗi buồn niềm vui của tuổi mới lớn. Chỉ những khi nào có chuyện gì buồn chán tôi mới lại lẳng lặng ngồi xuống bên nội, chải hộ nội mái tóc bạc lưa thưa, giã hộ nội cối trầu, ngồi lắng nghe những chuyện xưa từ thời cố, can, cụ, kỵ.

Nhà tôi có giàn mướp sai quả suốt mùa. Hôm nào đi chợ nội cũng dặn tôi: Đi chợ đừng mua thịt cá gì nhiều cháu nhé. Nội thích nhất là canh mướp, có thể ăn cả tháng không chán. Sau này tôi mới biết nội thích mướp vì mướp nấu canh mềm, chỉ nuốt không cần nhai. Tôi nào biết đâu răng nội đã yếu đến nhường ấy.

Ngày tôi vào đại học, nội đưa bàn tay gân guốc nhăn nheo của mình nắm lấy tay tôi, miệng móm mém cười khoe hàm răng đen nhánh. Nội dặn tôi học cho giỏi để có công việc tốt, yêu đương phải sáng suốt để đừng chọn nhầm người. Miệng nội cười mà đôi mắt nhăn nheo rưng rưng: “Con tó con của nội đã thành sinh viên rồi đó”.

Vào một chiều cuối đông Đà Nẵng đổ mưa, anh trai tôi ghé phòng trọ bảo: “Chuẩn bị hành lý về quê với anh, bà nội mất rồi”. Quãng đường gần 500km về nhà chưa bao giờ xa xôi đến thế. Tôi đã hứa với nội Tết về sẽ tặng nội tấm áo nhung mới. Tôi đã hứa nếu tôi có bạn trai, người đầu tiên tôi kể sẽ là nội. Tết chưa kịp đến, nội đã đi rồi.

Tôi về không kịp đưa tang, chỉ biết ngồi khóc như một đứa trẻ cạnh những phiến cỏ vừa mới đắp lên trên nấm mộ kín những vòng hoa giấy. Nội đã dắt tay tôi đi qua suốt tuổi thơ với những phiên chợ mỏi rã chân, với những chiều theo nội đi cắt cỏ, đi nhặt lá khô, đi mót khoai mót lúa. Nội đã cõng tôi khi bàn chân non nớt của tôi không quen với đường mưa đầy đất bùn và những ngày trời nắng bỏng. Vậy mà khi chân tôi đã cứng cáp rồi lại không thể tiễn nội một đoạn đường cuối cõi nhân gian.

Mỗi lần về nhà, ngồi ở vạt thềm nhìn giàn mướp trổ hoa lại nhớ nội đến da diết. Tôi nhớ mỗi sáng nội hay ngồi ở cửa nhìn ra khoảng sân đầy nắng, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa chải mái tóc bạc đã lưa thưa trộn với vành khăn quấn gọn lại trên đầu. Thỉnh thoảng nội kể tôi nghe vài câu chuyện xưa xa lắc lơ, ngâm vài câu Kiều giọng run run đứt quãng. Nội thường mặc những tấm áo cũ sờn và để dành áo mới như trẻ con để dành quà. Nội mất rồi, bao nhiêu chiếc áo mới tinh vẫn còn nằm trong tủ.

Xuân này, tròn 10 năm nội đi xa. Nhưng lạ thay tôi chỉ luôn nhớ về những mùa xuân có nội. Nhớ những Tết tuổi thơ được nội dẫn đi chợ mua cho manh áo mới, được nội gói riêng cho một cặp bánh chưng con. Nhớ những chiều cuối năm chạy nhảy nơi mảnh sân nhà nội nghe mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát. Nhớ dáng nội ngồi nơi chiếc giường nhỏ để lũ cháu chúng tôi tíu tít chúc nội thêm mạnh khỏe khi sang tuổi mới. Nội nói “sinh-lão-bệnh-tử là lẽ tự nhiên ở đời. Nội chỉ mong có thể đi trọn cái vòng tự nhiên ấy để nhìn con cháu thành người đã là mãn nguyện”.

Mỗi khi năm hết, nhìn gốc đào nội trồng trong vườn bắt đầu chúm chím nụ, tôi như nghe tiếng nội nói với mình: Lá già rụng là để lá non đâm chồi, để đơm hoa, để kết trái. Vậy thì có gì mà phải buồn, vậy sao lại không vui lên?

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.