Không giống như ao hồ sông suối, giếng là một thực thể địa lý nhỏ hơn, nằm trong vòng tay của một ngôi làng hoặc thuộc sự sở hữu của từng hộ gia đình nhỏ lẻ. Hơn cả, giếng chứng kiến tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già của nhiều cuộc đời, nhiều con người trên cõi trần ai này. Cho nên, người được sống trong một ngôi nhà có vườn rau sân giếng sẽ không bao giờ quên những ngụm nước dâng lên từ mạch giếng sau mưa mà mình ghé uống khi còn thiếu niên.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ở làng khi xưa, mê nhất là những chiếc giếng đào sâu chừng 3 - 4m, được bao bọc xung quanh bằng đá ong hoặc đá tảng màu xanh. Mà nhất thiết phải là giếng được đào thủ công chứ không phải giếng khoan. Nước giếng được bắt đúng mạch sẽ cho màu trong và xanh chứ không vàng như giếng khoan bây giờ. Giếng làm xong được một thời gian, qua nắng hạ mưa rào đến mưa ngâu và giá rét sẽ hình thành những mảng rêu xanh nhỏ li ti bám quanh thành giếng. Ấy là khi giếng đã “được tuổi”, không còn vẻ thô nhám của vôi vữa vây quanh nữa, giếng hoàn nguyên đúng vẻ mộc mạc nguyên thủy của mình. Sân giếng được tráng bằng xi-măng hoặc lát gạch to bản màu hồng, mỗi khi chiều xuống chỉ cần dội một gáo nước láng nền thôi cũng thấy đủ mát. Lũ trẻ con chúng tôi khi ấy, hay rủ nhau chụm đầu soi gương xuống mặt nước giếng trong vắt không một gợn lăn tăn. Sau phút ấy lại hò nhau lấy gáo múc nước dội tắm ùm oà ở sân giếng.
Có những đêm rằm, ngồi bên thành giếng ngắm bóng trăng rọi xuống mặt nước nhỏ bằng cái nia, thấy như thể một cổ tích hiện về. Hoa na đương mùa đâm nụ để cho ra trái, in bóng mình xuống khoảng sân rộng. Gió mát trăng thanh, đâu đó tiếng trống dội liên hồi của các đội tập múa lân chuẩn bị cho mùa Trung thu sắp tới. Và bầy dế nhỏ dáo dác trong đêm, có lẽ chúng đã chờ đợi biết bao để đến ngày trăng sáng. Rồi cả những ngày cuối năm, khi các hộ gia đình mang lá dong ra giếng làng rửa sạch để mang về gói bánh, cái không khí hương thôn đầm ấm ấy khiến người ta dù có đi xa đến mấy cũng muốn lui gót quay về.
Nhưng có lẽ, ký ức đẹp nhất về giếng trong suy nghĩ của tôi lại là hình ảnh những người phụ nữ hòa thau nước bồ kết gội đầu bên sân giếng. Mùi thơm đồng nội của trái bồ kết được dải xuống một thau nước sôi bằng đồng, hòa thêm chút nước lạnh cho vừa độ ấm. Đôi cánh tay khoan thai dùng chiếc gáo dừa múc nước lên, dội vào mái tóc chảy dài xuống sân giếng. Tôi cứ đứng ngắm nhìn mãi hình ảnh ấy cho đến khi những cặn bồ kết cuối cùng ở đáy thau được đổ đi.
Khi xưa ông nội tôi còn sống, người vẫn hay múc nước từ giếng để nấu nước sôi pha trà. Phải là nước giếng lạnh ngắt vào mỗi sáng mùa đông, vì người bảo mùa đông ít mưa nên nước không bị đánh động bởi lớp bùn dày dưới lòng giếng. Mùa đông nước tĩnh, lạch nước im lặng như tờ, và đặc biệt, rất trong. Khói bếp bay lên, khỏa một làn mảnh khảnh xuống khu vườn nhỏ sau nhà. Sau nước trà thứ nhất, người thủng thẳng nói chuyện với mấy ông bạn đồng môn. Tôi nghe lỏm được một câu mà nhớ tới tận bây giờ. Người nói, chỉ có nước giếng mới được dùng để pha trà, còn nước ao hay nước sông là dùng cho các hoạt động dân sinh nông nghiệp.
Mỗi chúng ta, khi đi xa về lại quê nhà, vẫn thích nhất được vã nước rửa mặt ở sân giếng dưới bóng một hàng cây. Mấy chiếc lá khô rụng xuống mặt nước, con nhện thả mình giăng tơ ở đó luôn. Nhớ nhà đôi khi là nhớ một trong veo mát lạnh giản dị như thế thôi. Đi quanh bốn mùa khắp các vùng quê, mới hay, giếng chưa bao giờ thuộc về huyên náo hay đám đông vì nó không nằm trong những hoạt động đánh bắt mà đứng im một chỗ, kiệm lời và hiền lành nhưng đủ sức gánh vác đường đi, hơi thở và những biến thiên của làng quê Việt Nam.
NGUYỄN HƯƠNG