“Nhoáng một cái đã lại hè rồi”. Chị hàng xóm nói với tôi kèm theo một cái lắc đầu ra chiều lo lắng. Tôi biết nỗi lo của chị khi thấy hai thằng con trai nhà chị đang giành nhau chiếc máy tính bảng trong nhà. Hè đồng nghĩa với lũ trẻ nghỉ học. Ít nhất cũng phải nghỉ tầm một tháng mới bắt đầu rục rịch gửi con đi học hè. Trong một tháng ấy, mùa hè của những đứa trẻ thành phố chính là bốn bức tường nhà với ti-vi, điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Nếu không thế thì bắt chúng làm gì cho hết ngày hết tháng?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Mấy chị bạn tôi cũng đang dáo dác tìm chỗ gửi con dịp hè. Các chị ấy kháo nhau có chỗ này chỗ kia mở lớp học quân đội, nào là một tuần không điện thoại, không máy tính bảng. Nào là một tuần chỉ học đàn, học vẽ, nấu bếp, làm vườn… Nhưng chi phí cho một tuần “cai công nghệ” ấy cũng không hề rẻ, hết hẳn một tháng lương cơ bản của công chức văn phòng. Lũ trẻ hẳn nhiên vẫn rất thích được nghỉ hè dẫu mùa hè càng ngày càng bớt đi nhiều ý nghĩa và không đồng nghĩa với nghỉ ngơi thật sự.
Con gái tôi nói “Nghỉ hè mẹ cho con về quê đi chăn bò cho bà nội nhé”. Một câu nói của con mà kéo cả tuổi thơ của tôi ùa về. Những mùa hè ấu thơ, những mùa hè xa lắc lơ nhiều kỷ niệm.
Ngày ấy, cứ mỗi tháng 5 về. Sau buổi bế giảng cuối năm, lũ trẻ chúng tôi trở về nhà trong trạng thái vô cùng háo hức. Nghỉ hè, đó thực sự là một chuỗi ngày mong đợi. Chúng tôi sẽ dẹp sách vở vào một góc, sẽ chẳng còn phải đến trường mỗi ngày, phải lo học bài, lo kiểm tra, những bài thi và điểm số. Dẫu ngày ấy, áp lực học hành không nặng như trẻ con bây giờ nhưng nghỉ hè vẫn là một mốc thời gian luôn được chờ đợi.
Buổi tổng kết cuối năm, trên đường từ trường về nhà, chúng tôi đi qua một cánh đồng với những con đường xanh cỏ. Hai bên đường lúa đã chín vàng gục đầu xuống, đó đây rải rác vài ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ dưới cái nắng đầu hè miền Trung bỏng rát. Con đường làng đã bắt đầu kín đầy những lớp rơm phơi, những bước chân trên tấm thảm rơm trở nên êm ái vô ngần khác hẳn con đường đất đá gồ ghề trước đó.
Nghỉ hè, không chỉ lũ học sinh mong mà phụ huynh cũng mong chờ không kém. Bố mẹ nào cũng mong con được nghẻ hè để phụ giúp chuyện cửa nhà đồng áng. Ngày mùa, đứa bé sẽ ở nhà trông nhà, trông em. Đứa lớn hơn sẽ theo mẹ ra đồng gặt lúa, phơi rơm. Dù là trẻ con, chúng tôi cũng giúp bố mẹ được khối việc.
Nắng nóng, mồ hôi, bụi bặm lúa rơm không làm bọn trẻ con chúng tôi khó chịu. Ngược lại chúng tôi nô nghịch trên đồng, thi ai gặt nhanh hơn, đặt lúa gọn hơn. Trong lúc gặt, nếu ruộng có nước sẽ có cua lổm ngổm bò hay vài chú cá rô đồng bơi lội, và chúng tôi dĩ nhiên không thể nào bỏ qua cho chúng.
Vào những chiều muộn, khi lúa đã gặt xong, trong lúc chờ người lớn bó lúa lại chất lên xe cải tiến để trâu kéo về nhà, chị em tôi thường nằm sõng soài trên bãi cỏ giữa đồng, ngắm mây bay trên trời một cách bình thản. Hương lúa thơm quyện với mùi cỏ và mùi mồ hôi trên cơ thể tạo thành một mùi hương thật lạ.
Tôi rất sợ những ngày mình ở nhà trông lúa mà gặp trời mưa. Sợ sức mình không thắng nổi cơn mưa vội vã rồi bất lực nhìn những hạt lúa vàng chưa kịp xúc bị mưa cuốn ra khỏi mảnh sân nhỏ. Bao nhiêu công sức, cấy cày chăm bón, đến khi gặt về nhà rồi vẫn không thể bảo toàn nguyên vẹn cho đến khi xát thành gạo, nấu thành cơm. Những khi ấy thể nào tôi cũng sẽ bị mẹ mắng vài câu vì cho rằng ở nhà mải chơi không để ý trời mưa nên dọn thu không kịp. Bị mắng nhưng tôi không bao giờ cảm thấy dỗi hờn ấm ức, vì tôi biết để đưa được hạt lúa về nhà, bố mẹ đã đổ không biết bao nhiêu giọt mồ hôi.
Mùa hè, vui nhất là những đêm trăng, quên sách vở đi, đó mới là những buổi tối ngập tràn niềm vui với bè bạn. Sau bữa cơm tối muộn, lũ trẻ chúng tôi thường hò nhau tụ tập ở mảnh sân nhà nào đấy.
Bên những đống rơm cao ngổn ngang mùa gặt hái, chúng tôi chơi trò ú tim, chơi trò đuổi bắt, không ngại ngần chui vào những đống rơm khô. Tiếng cười nói râm ran khuấy động những đêm hè, nhiều khi khiến người lớn bực mình vì ồn ào không thể nghe một vở cải lương cho rõ ràng trọn vẹn.
Như nhiều đứa trẻ cùng quê, tôi lớn lên, xa ruộng đồng mưu sinh nơi phố thị. Những trưa mùa hè trốn mình trong điều hòa mát lạnh, gọi điện về nhà, mẹ nói vừa đi gặt về, trời nắng như đổ lửa, lúa trổ bông vào đợt nhiều mưa gió nên mất mùa. Tôi mường tượng ra chiếc áo mẹ đang mặc đã ướt nhẹp mồ hôi, mẹ đang ngồi ở thềm, khẽ khàng đưa cánh tay gầy gò lên lau mồ hôi trên trán để khỏi chảy vào mắt cay xè, tay còn lại cầm chiếc nón phe phẩy cho đỡ cơn bức bối. Càng nghĩ, lòng lại càng rộn lên nôn nao vì thương, vì nhớ.
“Con thích về quê lắm mẹ ạ”, con gái tôi vừa nói vừa mỉm cười thích thú khi nói đến một chuyến rong chơi giữa bát ngát cánh đồng với những cánh diều no gió. Thật hạnh phúc vì có quê để về, để đưa con quay lại nơi mình đã từng sinh ra và lớn lên, nơi mình đã đi trọn tuổi ấu thơ thiếu thốn khổ nghèo nhưng đầy sắc màu rực rỡ. Để bây giờ, đã qua nửa đời người vẫn nhớ thương đau đáu ngay cả trong những giấc mơ lộn xộn bởi cơm áo của đời thường.
LÊ GIANG