.

Người vợ

.

Ánh đèn khán phòng buổi chiếu giới thiệu bộ phim mới Bí mật tình yêu của đạo diễn Evghenhi Mikhailovits Gabrilov vừa bật sáng thì tiếng vỗ tay của hơn hai ngàn khán giả gồm toàn là sinh viên năng khiếu được chọn từ các trường nghệ thuật thủ đô tưởng như không thể dứt. Rồi nó cũng phải dừng khi ông chủ tịch hội đồng nghệ thuật của hội điện ảnh tháp tùng một cụ ông, tóc trắng như cước và một cụ bà cũng đã tuổi tác nhanh nhẹn đi ra. Đó chính là đạo diễn E.M.Gabrilov, tác giả kiêm đạo diễn bộ phim vừa chiếu và phu nhân của cụ, bà Natalia Gabrilovna. Ông chủ tịch hội đồng nghệ thuật mời hai cụ lại chỗ chiếc ghế tựa có bàn đầy hoa mà những người phục vụ khán phòng vừa sắp xếp xong. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hô “ura” chỉ dừng hẳn khi âm thanh một đoạn nhạc phim trữ tình sâu lắng trích từ phim Bí mật tình yêu réo rắt vang lên cùng với nhiều người trẻ tuổi ào lên sân khấu tặng đạo diễn những bó hoa tươi. Cụ ông đón bó hoa đầu tiên đưa bằng hai tay như dâng cho cụ bà và cảm động nói: “Natasa! Cho em yêu quý nhất của anh!”. Không gian trầm lắng trở lại nhường cho giai điệu trữ tình trích từ phim còn chưa dứt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chương trình sau đó là một ceminar truyền khẩu trực tiếp, dạng hỏi đáp xung quanh bộ phim Bí mật tình yêu được bắt đầu. Câu hỏi cho đạo diễn Gabrilov là: “Tại sao ở tuổi tám mươi mà nhà đạo diễn còn có thể dàn dựng được một bộ phim về tình yêu đắm say đến thế? Gabrilov cười hồn nhiên hỏi lại một câu kiểu pha trò: “Hồi những năm một chín hai mươi, chúng tôi cũng trẻ trung như các bạn ngồi đây, đúng không ạ?”. Tiếng vỗ tay vang lên. Đạo diễn Gabrilov đứng dậy, ông nhẹ nhàng đỡ bà vợ cùng đứng lên như dành cho bà  sự ngưỡng mộ ấy.

Tiếp theo với giọng sôi nổi và trẻ hơn tuổi tác, đạo diễn Gabrilov bắt đầu trả lời: “Các bạn trẻ yêu quý, có một bài hát đã từ lâu rồi cả người trẻ lẫn người già đều thích. Tôi nhớ giai điệu nó như thế này: Chúng ta đã trẻ trung đến thế! Chúng ta đã yêu nhau trắng trong đến thế! Chúng ta đã tự tin đến thế! Nói vậy để các bạn biết, vào thập niên một chín hai mươi, chúng tôi cũng đã từng căng ngực hô vang: “Ura! Ura! Ura!” như các bạn hôm nay. Ngày đó tôi là anh lính trận vừa kết thúc cuộc nội chiến với quân trắng về làm phóng viên thường trú của báo Kinh tế nông nghiệp tại vùng vựa lúa Sông Đông. Ngày ấy tôi đã viết một bài phóng sự nhiều tính houmur phản ánh một hiện thực, đó là nhân vật bí thư đoàn thanh niên Komsomol cấp huyện chỉ huy thanh niên đắp một con đập lớn chặn nhánh chính đổ vào sông Vonga với mục đích chủ động nguồn nước cho nông nghiệp trong vùng. Kết quả là huyện của anh ta năm nào cũng bị lụt lội mất mùa. Mười năm sau khi trở thành bí thư kiêm chủ tịch Xô viết huyện, nhân vật này đã cho phá con đập, giải thoát tình trạng mất mùa. Bài bút ký gây tiếng vang lớn nhưng lãnh đạo khu, nơi tôi thường trú đã trục xuất tôi về Moscow với thứ tội danh, gieo hoài nghi cho công cuộc xây dựng nông trang tập thể. Ở tòa báo không ai có thể bênh vực cho tôi  và tôi bị buộc thôi việc.

Phải về vườn lúc mới hai sáu tuổi, không có việc làm, phải sống khẩu phần vào suất lương và tem phiếu của vợ nên tôi đã mấy mươi lần trốn đi Sibir chặt gỗ; đến vùng Murmansk đánh cá, khai thác dầu... Cuộc sống vật chất vô cùng khó khăn và gánh nặng mặc cảm bị loại bỏ luôn đè nặng lên tâm trí nên có lúc tôi đã thấy không cần phải sống thêm trên cõi đời này nữa. Nhưng Natalia một mực khuyên giải: “Đừng nản, phải sống để đợi bình minh chứ !”.

Natalia của tôi là nghệ sĩ dương cầm, làm việc ở nhà hát lớn Moskva. Một lần có vị lãnh đạo quan trọng của cơ quan chủ quản về văn hóa nghệ thuật Liên bang đến thăm và duyệt chương trình âm nhạc khánh tiết. Tiết mục của cô được đặc biệt khen ngợi nên vị lãnh đạo nọ đã chụp ảnh chung với Natalia cùng một số nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Vị lãnh đạo tỏ ra thân thiết thăm hỏi cuộc sống của các nghệ sĩ. Nhân đó, Natalia khẩn cầu ông tạo cho chồng mình một việc làm. Cô tự tin nói: “Anh ấy là một cựu chiến binh, là một nhà báo có tài, nếu cứ bị loại bỏ mãi sợ anh ấy hỏng mất”. Vị lãnh đạo đã có nghe qua vụ Gabrilov và cái vụ đập nước bị phá ở sông Đông nên yêu cầu Natalia kể lại toàn bộ hoàn cảnh lệch lạc của tôi. Nghe rồi, ông cho trợ lý đến gặp tôi, người trợ lý ra đề cho tôi viết một bài báo năm trăm chữ về bộ phim Đất của đạo diễn Dovzhenko đang rất nổi tiếng trước sự giám sát của ông ta. Cứ tưởng viết để trình lãnh đạo kiểm tra tay nghề, quan điểm, ai ngờ bài báo được đăng trên tờ Sự thật thanh niên. Có bửu bối này và cũng còn cả công sức tác động của Natalia nên tôi được gọi đến làm hợp đồng thử việc tại xưởng phim Thời sự - Tài liệu trung ương với chức danh phụ dựng phim. Hoàn toàn trái nghề vì phụ dựng phim là chân sai vặt của người dựng phim chính. Nhưng không sao, có việc là sống rồi, là được công nhận có sinh mệnh chính trị rồi.

Công việc có thể gọi là điếu đóm dọn bãi của một người phụ dựng phim khá vất vả nhưng tôi thấy thú vị. Đôi khi, Natalia sợ cảnh tôi thất thế buồn phiền nên nói lời động viên, an ủi. Phụ dựng phim là tôi chỉ cười cười nói vui: “Có việc làm là quý rồi Natasa ơi, em cứ yên tâm! Anh đang triển vọng lắm mà!”.

Cứ thế rồi cũng trôi qua gần hai năm, tôi nhớ, có một hôm, đó là dịp xưởng phim Thời sự -Tài liệu kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Cờ đỏ. Buổi lễ khá long trọng, có ông bộ trưởng văn hóa thay mặt Nhà nước đến trao huân chương. Khi thấy ông giám đốc xưởng đưa các VIP vào phòng khách để dùng trà, tôi liền bám theo. Ông giám đốc liền cau mặt hỏi nhỏ: “Evghenhi, sao cậu dám vào đây?”. Tôi lấy hết sự bình tĩnh đáp: “Thưa giám đốc, tôi có một khẩn cầu đến đồng chí bộ trưởng ạ!”. Giám đốc tái mặt, hạ giọng nói nhỏ hơn nhưng ánh mắt thì đầy cảnh cáo: “Bộ trưởng có rất nhiều việc cần kíp, tôi sẽ báo cáo lại”. Tôi năn nỉ: “Dạ, xin thưa, chỉ có thể lúc này thôi ạ!”. Giám đốc xưởng phim chưa kịp nói tiếp thì ông bộ trưởng đã tươi cười đi đến hỏi: “Đồng chí có việc gì khẩn cầu vậy?”. Tôi mừng quýnh lên, nói một hơi cho hết ý tưởng đã dồn nén bị căng đến sắp vỡ: “Thưa đồng chí bộ trưởng kính mến, thợ phụ dựng phim, nguyên cựu chiến binh Hồng quân, cựu phóng viên thường trú Báo Kinh tế nông nghiệp tại sông Đông Evghenhi Gabrilov chỉ xin đồng chí ba mươi phút thì giờ vàng ngọc để xem hộ một bộ phim tài liệu mới thôi ạ”. Bộ trưởng vui vẻ nói: “Tốt quá, đến xưởng phim mà được xem phim mới thì nhất cử lưỡng tiện rồi. Tôi  nhận lời đồng chí”. Ông giám đốc càng tái mặt hơn, lo lắng đến hụt hơi báo cáo với ông bộ trưởng: “Đồng chí bộ trưởng, cậu này chỉ là phụ dựng phim, chứ không phải đạo diễn, cậu ấy không thể có phim. Bộ trưởng cho chúng tôi kiểm tra trước rồi xin kính báo cáo lại…”. Ông bộ trưởng nhẹ nhàng ngắt lời giám đốc: “Nhìn chàng trai này tôi có niềm tin đấy. Tôi đã nhận lời rồi, thế nên sau phần lễ kỷ niệm và trao huân chương, chúng ta mời các đại biểu cùng ở lại xem phim”.

Trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ, tình thế ông giám đốc xưởng phim như người ngồi trên chảo lửa. Ông không hiểu cậu phụ dựng phim Gabrilov mà ông hay nhầm tên đã làm phim gì? Ai cung cấp phương tiện máy móc cho cậu ta làm? Ai duyệt kịch bản và kinh phí? Thế rồi phần lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và đón nhận huân chương cũng diễn ra êm đẹp. Theo yêu cầu của ông bộ trưởng, chương trình chiếu phim mới được thực hiện ngay sau đó.

Đèn trong khán phòng tắt. Tiếng âm nhạc dồn dập cùng với hình ảnh tài liệu chiến trận làm nền cho tựa đề phim Những dấu chân gây dựng. Thời lượng phim diễn ra trên màn ảnh đúng 30 phút, với các cảnh chiến sĩ Hồng quân chiến đấu chống bạch vệ ở vùng sông Đông, vùng ngoại Cavkaz... Xuyên suốt toàn bộ chủ đề của phim là các cuộc hành quân gây dựng lòng tin trong dân chúng đối với chính quyền mới sau Cách mạng Tháng Mười của những người lính Hồng quân. Lời bình tha thiết,  thỉnh thoảng có xen những lời dân ca của  vùng đất Sông Đông và do một giọng nam trầm thể hiện khá truyền cảm.

Bộ phim được chiếu xong, đèn khán phòng bật sáng. Ông bộ trưởng văn hóa đứng ngay dậy nhìn ông giám đốc, dân dã đưa một ngón tay cái lên biểu hiện sự thú vị. Rồi ông vẫy tôi đến, thân thiện vỗ vai nói lời khen: “Tốt! Rất tốt! Cậu là chàng trai cừ khôi. Phim này cậu làm trong bao lâu?”. Tôi đáp: “Thưa đồng chí bộ trưởng! Dạ, độ gần một năm rưỡi ạ”. Bộ trưởng hỏi tiếp: “Xưởng phim cấp cho cậu bao nhiêu ngàn rúp?”. Tôi lúng túng không nói nên lời. Ông bộ trưởng quay sang hỏi giám đốc xưởng phim: “Có đến mười ngàn không?”.

Giám đốc bất giác đưa tay gãi tai nói: “Báo cáo...”. Tôi vội gỡ bí cho thủ trưởng của mình: “Dạ, thưa đồng chí bộ trưởng, phim này  tôi tự làm ạ”. Bộ trưởng: “ Biết là cậu tự làm rồi nhưng kinh phí hết bao nhiêu?”. Tôi nhìn nhanh sang giám đốc, mặt ông ta tái nhợt hệt như lúc thấy tôi xuất hiện ở phòng khách để xin khẩn cầu bộ trưởng nên vội bật mí: “Dạ, báo cáo bộ trưởng, đúng là phim tôi tự làm và không mất một đồng kinh phí nào cả ạ. Dạ, với chức trách là phụ dựng phim, hằng ngày tôi phải mang rất nhiều đoạn phim thừa, phim loại đi vứt. Vâng, cứ mỗi lần như thế tôi thấy có những thước phim còn tốt, có đoạn dài đến 10 mét. Tôi nẩy ra ý định thử gom góp, lựa chọn từ chỗ phim tư liệu phế thải này rồi dựng theo một chủ đề. Vâng…, gần một năm rưỡi, cứ sau mỗi buổi làm việc của đạo diễn và nhà dựng phim, tôi ở lại, bí mật thực hiện ý đồ của mình. Chọn lựa, cắt dán rồi tự viết và tự thể hiện lời bình.

Vâng, nay đã có được bộ phim như bộ trưởng vừa xem...”. Nghe đến đó, ông bộ trưởng ôm lấy hai vai tôi, gọi tôi bằng “đồng chí đạo diễn Gabrilov” và khen: “Cừ khôi! Cừ khôi! Tôi hy vọng nhiều ở đồng chí, đồng chí hãy cố gắng để thành công nhiều hơn nữa nhé”. Trước khi rời, ông bộ trưởng đã chỉ đạo trực tiếp cho giám đốc xưởng phim Thời sự-Tài liệu khẩn trương tiến hành các bước thẩm định bộ phim theo quy trình phê duyệt để phổ biến rộng rãi, đồng thời ông cũng không quên dặn phải trả thù lao hợp lý cho tôi.

Sau buổi chiếu phim hy hữu ấy, tôi được vào biên chế chính thức và chuyển về phòng Đạo diễn. Ông giám đốc trực tiếp giao cho tôi làm một số phim phóng sự, tài liệu từ nguồn tư liệu chiến trường nhiều như núi của xưởng phim với tư cách là tác giả, đạo diễn chính của phim tài liệu - tư liệu…

Đạo diễn Gabrilov dừng lời và thân thiết nhìn bà Natalia Gabrilova như rất đỗi biết ơn rồi ông quay hướng cử tọa, những người đang nín lặng để chờ nghe câu chuyện. Đạo diễn trở nên xúc động hỏi: “Các bạn trẻ thân yêu, chúng tôi đã có một thời trẻ trung và yêu nhau, nâng đỡ nhau như thế đó!”.

Tiếng vỗ tay.

Có một cụ già đứng lên từ hàng ghế đầu. Mọi người nhận ra đó là giáo sư Mikhail Sergeyevits Leonchev, người đang là chủ nhiệm bộ môn văn học của trường Điện ảnh Liên bang. Cụ cầm một bông hồng đỏ thắm đi lên sân khấu trong sự chú ý và hồi hộp của cử tọa. Vị giáo sư này tặng bông hồng cho bà Natalia Gabrilovna và gọi bà bằng cái tên thân mật: “Natasa, tặng ân nhân của chúng tôi! - giáo sư nhắc lại, vâng, xin tặng ân nhân của chúng tôi!”. Rồi ông hướng micro về phía khán phòng, tay hơi run run và lặng đi đến mấy giây. Cuối cùng thì vẫn trong tâm thế chưa hết xúc động, giáo sư nói: “Các bạn trẻ, trong không gian nghệ thuật và liên tài hôm nay, từng là đồng đội của Gienhia và Natasa tôi muốn kể một câu chuyện đã xảy ra ở một quân y viện tiền phương. Các bạn biết đấy buổi đầu cuộc của chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, quân ta gặp rất nhiều khó khăn, rút lui và thương vong nhiều lắm. Tôi là phóng viên chiến trường ở mặt trận phía tây Belorussia và cũng bị thương rất nặng, phải nằm lại một bệnh viện quân y. Một lần đang trong cơn mê man, tôi chợt tỉnh vì nghe tiếng đàn accordeon giai điệu Bản tình ca của những người yêu nhau. Tôi lờ mờ nhận ra người kéo đàn là một nữ Hồng quân trong binh phục văn công. Chà cô mới đẹp làm sao, chơi đàn gió mới hay làm sao! Tôi quên hết mọi đau đớn gượng ngồi lên để trông cho thật rõ người văn công tài sắc đó. Tiếng nhạc như thấm rót vào tâm hồn những người lính đang bị vết thương hành hạ. Cũng giống như tôi, nhiều cái đầu ngọ nguậy, nhiều bàn tay tự chống mình lên. Bỗng nghe một tiếng kêu như thét: “Natasa! Natalia Gabrilovna, là em phải không?”. “Em đây, anh Gienhia (Gienhia là tên gọi thân mật của Evghenhi), Natasa của anh đây!”. Người văn công tay vẫn chơi đàn bổ đến chỗ một thương binh bị băng kín đầu và mặt. Cô ngồi xuống giường của anh, ghé sát vào anh và kéo đàn hết bài nhạc. Các bạn trẻ, ở chiến trường đã có những tình huống bất ngờ đáng nhớ như thế đó. Giáo sư nhìn về phía đạo diễn Gabrilov hỏi- Giênhia, trong một bộ phim sắp làm nào đó, cậu phải đưa tình tiết này vào nhé!”. Bà Natalia Gabrilovna khẽ mỉm cười nói với giáo sư Leonchev: “Đã có rồi, có rồi Misa!” (Misa tên gọi thân mật của Mikhail). Giáo sư M. Leonchev hơi sững ra như một động thái hồi cố và gật gù toại ý. Bà Natalia nói với ông chủ tịch hội đồng nghệ thuật: “Cho phép tôi biểu diễn chút chút được không?”. Ông chủ tịch phấn chấn mời: “Thưa chị, rất hân hạnh ạ!”, và ông đưa tay ra hiệu về phía cánh gà. Liền đó hai chàng trai đẩy ra một chiếc piano. Bà Natalia khoan thai đi đến, bà cúi chào cử tọa và giới thiệu bà sẽ thể hiện phần nhạc Bản tình ca của những người yêu nhau trên đàn piano. Đôi bàn tay bà lướt như múa lên phím đàn. Tiếng nhạc vang lên, cử tọa vỗ tay tán thưởng  vì đó chính là giai điệu trữ tình đã được đạo diễn Gabrilov đưa vào bộ phim vừa mới chiếu xong.

Tiếp đó cả khán phòng lặng phắc để cho giai điệu của âm nhạc Bản tình ca của những người yêu nhau vang lên như bất tận.

Hai người đàn ông tuổi trọng, một đạo diễn danh tiếng, một giáo sư văn học danh tiếng cùng lúc rút khăn, chấm những giọt nước mắt.

LÊ NGỌC MINH

;
.
.
.
.
.