Thấy tôi hay “chàng ràng” cả văn chương và báo chí, có người đột nhiên hỏi: truyện ngắn in báo, là báo chí hay văn học?
Câu trả lời có thể rất đơn giản: truyện ngắn là một thể tài văn học, nhưng khi xuất hiện trên trang báo nó đã trở thành thể tài báo chí/một bài báo có giá trị thông tin như những bài báo khác, nhưng thay vì thông tin xã hội thì nó thông tin thẩm mỹ/đáp ứng nhu cầu và khoái cảm thẩm mỹ của con người.
Xét về tâm thế tiếp nhận, người đọc khi đọc truyện ngắn trên báo là đang đọc báo chứ không phải đọc văn/sách, cho dù là văn đang trải ra trên trang báo.
Người Ý tự hào “César là nhà báo thứ nhất, người Ý” (câu này được khắc dưới chân tượng của César do Hội Ái hữu những nhà báo Ý xây dựng, đặt ở quảng trường trung tâm thành phố Roma), bởi vì từ năm 58 trước công lịch, khi làm Thống lý thành La Mã, César đã nuôi trong nhà 300 nô lệ biết chữ, hằng ngày đục đá khắc những chương trình nghị sự, chỉ thị, nghị định của nghị viện dựng trước các cổng thành và định kỳ mỗi tháng thay những tấm đá này một lần.
Người đời sau, gọi đó là tờ La Mã nghị viện công báo, là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí thế giới và tôn vinh César là nhà báo đầu tiên. Ngày nay, cho dù chúng ta thừa nhận điều này là đúng, thì báo chí vẫn là một hình thái ra đời sau văn học.
Nhưng ở phương Tây, từ thời khai sáng (thế kỷ XVIII) cho đến nay, với việc tìm ra công nghệ làm giấy và máy in hiện đại, thông tin bùng nổ, báo chí phát triển và trở thành người đồng hành gắn bó một cách mật thiết với văn học, cùng sử dụng chung một hình thức là vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ.
Một bên là nhằm chuyển tải thông tin xã hội bằng ngôn ngữ sự kiện, thể hiện lý tưởng công dân của nhà báo, một bên là nhằm chuyển tải thông điệp thẩm mỹ bằng ngôn ngữ hình tượng, thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn và cùng xuất hiện trên trang báo, nên nó dung hợp xuyên thấm lẫn nhau đến mức có khi khó phân biệt đâu là văn chương, đâu là báo chí.
Trong văn có báo, trong báo có văn. Bởi vì văn chương nhất định phải mang đến thông điệp cho người đọc, còn báo chí nhất thiết phải diễn giải bằng văn chương. Chẳng thế mà, với thể tài tin, một trong những thể tài cơ bản nhất của báo chí, xuất hiện trên các tờ báo đầu tiên ở nước ta luôn có “truyện”, có yếu tố kể chuyện, là thông tin tự sự chứ không phải là thông tin sự kiện như báo chí ngày nay.
Hãy xem mục tin tạp vụ trên Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên, thời Trương Vĩnh Ký phụ trách: “Có một người tên là Thiện, nhà ở gần chợ Hốc Môn. Tối 12 tháng giêng này người ấy xuống ghe mà ngủ, còn vợ con thì để ngủ ở nhà.
Vừa đặng một hồi kế lửa phát lên, thím Thiện chạy ra la, làng xóm chạy đến, khuân đồ giùm đặng phân nửa, rồi nhà cháy trụm đi. Chú Thiện có tật tiếc của, vợ kêu, la làng tróc trôn lồi đít, làng xóm khuân đồ tở mở, lửa cháy đùng đùng, mà cho lọt vào tai va thì nhà cửa, tài vật đã ra tro rồi” (số 8, năm thứ sáu, ra ngày 8-3-1870).
Tin này phản ánh sự kiện diễn ra có tuần tự, lớp lang theo thời gian. Nếu chỉnh sửa, trau chuốt ngôn từ một cách cẩn thận, có thể tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật, không khác gì một truyện ngắn mini hiện đại. Đến những năm đầu thế kỷ XX, tin tức phản ánh có nhiều phẩm chất hiện đại hơn, có tiêu đề, số liệu cụ thể và rút ra kết luận có ý nghĩa khái quát, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi bản tin tự sự.
Đây là một tin thời sự quốc tế in trên báo Nông cổ mín đàm, tờ báo kinh tế đầu tiên do Lương Khắc Ninh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút:
“Các nhà Nho gia đồng rủ nhau bỏ hút á phiện, đem mâm đại bài và ống vố đến xã hội chất đống lại đó đặng phóng hỏa/Trước khi phóng hỏa có đọc bài diễn thuyết: ba ngàn con người ta đi coi/Trong các đồ hút đó, có hai bộ quý lắm, một bộ của ông quan nhà thương, một bộ của nàng huê đán tên La Yên.
Có nhiều người ngoại quốc trả tới 25.000 quan họ không chịu bán, để đốt bỏ mà làm gương khử tệ tùng tân/Công việc như thế cũng khá khen” (Nhựt trình Tàu thuật kỹ việc đốt ống vố tại Thượng Hải, số 39, ra ngày 13-8-1908)…
Có thể dẫn thêm nhiều tin tương tự vào buổi bình minh của báo chí nước ta. Đi qua nhiều khúc quanh của lịch sử, với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão, báo chí hiện đại đã được đúc kết thành lý thuyết, với yêu cầu thể tài tin phải có mấy thành phần, mấy W + H, rồi chia thành các loại tin vắn, tin sâu, tin tổng hợp…
Vượt qua bức tường xám ngắt của lý thuyết khô cứng đó, các thể tài báo chí vẫn năng động phát triển phù hợp với những sôi động có khi đến nghẹt thở của đời sống hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của con người, có thể dễ phân biệt một cách rõ rệt hơn, nhưng vẫn không thể tách rời giữa văn chương và báo chí.
Ngày nay, hầu hết các loại thể, thể tài văn chương đều có mặt trên trang báo, trong đó có truyện ngắn, thể tài chủ lực và năng động nhất của mọi nền văn học trên bước đường hiện đại hóa. Hầu hết các báo đều có đăng tải truyện ngắn, thậm chí, cả phát thanh cũng có cả mục đọc truyện đêm khuya, truyền hình có câu chuyện truyền hình…
Ngoài các báo và tạp chí văn nghệ ở địa phương và Trung ương, đều đứng ra tổ chức các cuộc thi truyện ngắn, để thực hiện chức năng phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng của tờ báo, và cả các báo địa phương cũng tổ chức cuộc thi.
Thành công mỹ mãn để có được tuyển tập 25 truyện ngắn (Nhà xuất bản Đà Nẵng 2014) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn đọc, như là than củi làm ấm nóng thêm đời sống con người và cả không khí đất trời, là nỗ lực của Báo Quảng Nam, là một ví dụ. Hoặc những tờ báo phát hành rộng rãi trong cả nước như tờ Nhân Dân, thì số báo cuối tuần, cuối tháng nào cũng đều có in truyện ngắn.
Tôi đang có trong tay tập Xin hãy chờ thêm 5 phút (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016) sưu tập “những truyện ngắn đặc sắc trên Nhân Dân hằng tháng” mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết lời giới thiệu một cách trang trọng rằng: “12 truyện ngắn là 12 đoạn đường để chúng ta đi hết chu kỳ thời gian của một năm và cũng là 12 cung bậc của thể loại văn học này.
Mỗi truyện ngắn mang đến cho chúng ta một con đường riêng biệt bằng sự tạo dựng cốt truyện, ngôn ngữ, nhân vật, thời gian và không gian (…). Báo Nhân Dân hằng tháng như người nhóm lên một bếp lửa, thắp thêm một ngọn đèn để các nhà văn như những người kể chuyện ngồi vào các buổi tối và kể cho những người bên cạnh về những điều kỳ diệu đang diễn ra trong cuộc sống, từ một con phố ồn ào đến một bản làng yên tĩnh xa xôi” (tr.6-7).
Ngoài yếu tố thời sự, một trong những yêu cầu khắc nghiệt của truyện ngắn in báo là tính cô đọng, số câu số chữ không vượt quá khuôn khổ của trang báo, nên tập sách cũng không quá dày. Từ tập sách này, bạn đọc biết đến nhiều hơn những tên tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Chu Thị Minh Huệ, Trần Nguyễn Anh, Lê Đức Quang, Y Nguyên…
Truyện ngắn là thể văn tự sự nhỏ, “cưa lấy một khúc, một lát cắt của đời sống” (Tô Hoài), nhưng viết truyện ngắn để in báo không phải dễ. Ngoài yêu cầu phải ít nhiều thể hiện tính thời sự, dù đưa người đọc chu du đến tận nơi đâu cũng phải cắm ý tưởng vào nơi thẳm sâu của cuộc sống hiện tại, nêu nội dung mỹ cảm và hiệu ý thẩm mỹ có ý nghĩa đối thoại với vùng sinh quyển mà nhà văn đang sống, cô đọng trong một số câu chữ phù hợp với yêu cầu khuôn khổ của tờ báo và nhất là, tạo được tâm thế xác tín cho người đọc.
Vì vậy, môi trường báo chí vừa là nơi rèn luyện kỹ năng cho những cây bút mới vào nghề, nơi ít nhiều nuôi sống các cây bút thành danh để họ lấy ngắn nuôi dài, nhưng cũng là nơi sàng lọc khắc nghiệt, là nơi thẩm định, khảo thí, thậm chí là cửa tử, sẵn sàng loại bỏ những kẻ bất tài hoặc không ý thức đầy đủ về nghề, những kẻ muốn soi gương làm dáng trước cuộc đời phù du bằng đẳng cấp phù du tột đỉnh cao sang.
PHẠM PHÚ PHONG