Vũ đến nhà Hùng lúc cuộc nhậu sắp tàn. Trên bàn bày vài món đồ nhắm, la liệt vỏ chai bia. Vợ Hùng ra mở cửa đon đả chào hỏi bạn của chồng. Hùng ngoắc tay bảo:
- Nhanh lên ông tướng. Lần nào cũng vậy cứ cuối bữa mới đến.
- Các cậu thông cảm, tớ bận đi viết bài. Xong việc cái là vội vàng chạy đến đây ngay.
- Ông thì lúc nào cũng vất vả ngược xuôi mà vẫn chẳng thấy khá hơn được chút nào. Bạn bè chỗ thân thiết nói đừng giận. Chứ bao năm nay ông vẫn cái xe máy cũ, ở nhà thuê. Vứt.
- Làm báo chứ có phải đi buôn lậu đâu mà đòi đổi đời ngay được.
- Thế bọn tôi không làm báo thì làm gì? Sao vẫn mua được nhà, tậu được xe hơi?
- Các cậu giỏi, chứ tớ thì... chịu.
- Giỏi mẹ gì. Ở đây nếu nói về năng lực thì khối thằng chẳng bằng ông được. Nhưng ông dại lắm, không biết nắm lấy cơ hội gì cả. Suốt ngày chỉ loanh quanh những đề tài vụn vặt và mấy nhân vật nhỏ thì kiếm chác được gì. Nhuận bút được mấy đồng? Lương mấy triệu?
- Đừng nói vậy. Không có nhân vật nào nhỏ cả. Mà thôi, lâu không gặp, uống đi.
- Ờ thôi uống đi. Nhưng đừng uống bia nữa. Đến đông đủ rồi thì khui món mới. Tôi mới được một doanh nghiệp tặng chai rượu ngoại xịn lắm. Chivas 25.
- Ái chà. Ngon đấy. Nhưng bây nhiêu thằng mà có một chai thì sao đủ.
- Cứ uống đi, không lo. Gì chứ rượu ngoại nhà tôi không thiếu.
Vũ dốc cạn ly rượu vào miệng. Rượu trôi xuống cổ họng bỏng rát. Có lẽ đây không phải là cách để thưởng thức một chai rượu quý. Những lời của Hùng cứ văng vẳng trong đầu Vũ. Đây không phải là lần đầu tiên bạn bè làng báo đả động đến chuyện cơm áo gạo tiền. Vũ thấy cay sống mũi vì đúng là đời mình nghèo quá. Mười năm lăn lộn với nghề đủ sống là may. Tiền lương, tiền nhuận bút có bao nhiêu Vũ đều đưa vợ lo trang trải gia đình. Tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền học phí cho hai đứa nhỏ. Còn ti tỉ thứ việc cần đến đồng tiền, Vũ thừa biết vợ mình đã phải xoay xở vất vả thế nào mới có thể chu toàn được mọi sự. Vợ Vũ không quen than thở, nếu có ai tỏ vẻ hỏi han quan tâm thì thể nào cô ấy cũng cười bảo “Có nhiều tiêu nhiều. Có ít tiêu ít. Miễn là thanh thản”. Vũ biết đó là lời vợ muốn nhắc nhở mình khi mỗi lần thấy chồng nhàu nhĩ vì tiền bạc. Bạn bè làm báo nhiều người giàu quá mà. Mua nhà mặt phố tiền tỉ, xe thì đổi hết cái này đến cái khác, vợ con ăn trắng mặc trơn. Lần nào đến nhà Hùng chơi, nhìn vợ bạn thướt tha váy áo, son phấn điểm tô, nước hoa thoang thoảng Vũ đều thấy chạnh lòng. Vợ Vũ bao lâu rồi không thấy mua quần áo mới, son phấn vài loại rẻ tiền có khi đã hết hạn sử dụng. Nói gì đến việc đi du lịch đây đó như vợ bạn. Con chó cảnh bạn mới mua giá nghe đâu cũng cả chục triệu đồng. Số tiền đó đủ để Vũ có thể đóng học phí cho con cả năm hoặc đổi được cái xe cà tàng lấy một chiếc xe số mới. Một hôm nào đó lúc đang ngồi ăn cơm Vũ có buông vài lời hằn học. Thật ra cũng không rõ là hằn học ai hay hằn học chính mình. Vợ vừa ngồi gỡ xương cá cho con vừa bảo:
- Có mấy người làm báo mà giàu được đâu anh. Có muốn giàu họ cũng phải vất vả bươn chải nghề này nghề khác.
- Vậy mà bạn anh làm báo đứa nào cũng giàu. Mỗi lần xuống doanh nghiệp là được tiếp đón chu đáo cơm no rượu say đút túi phong bì mang về nhà cho vợ đếm.
- Giàu như thế thì em chẳng mong đâu. Giàu như thế có gì để con cái tự hào.
Ừ đúng, giàu như thế có gì để tự hào. Vũ vẫn biết như thế mà sao cứ không nguôi dằn vặt. Mười ba năm làm báo thật ra cũng có đôi lần Vũ nhận phong bì. Nhưng đó là khi còn làm mảng văn hóa, còn đi dự các sự kiện ra mắt sản phẩm âm nhạc, điện ảnh. Ban tổ chức bao giờ cũng có một phần quà cho báo chí. Vũ từng hí hửng mỗi lần mở phong bì, từng có lần khựng lại chất vấn bản thân “nhận thế này có gì đó sai không?”. Rồi cũng tự thấy nhận hay không nhận trong trường hợp ấy chẳng ảnh hưởng đến ai. Đằng nào thì cũng cần tin bài lên báo, viết chẳng khen chẳng chê vô thưởng vô phạt ấy mà. Nhưng rồi Vũ tự nhiên thấy chán nghề. Viết mấy cái tin văn hóa ai chả viết được cần quái gì nhà báo. Trong khi đó, Vũ nuôi ước mơ cháy bỏng được trở thành một nhà báo từ khi còn học cấp ba. Lúc ấy Vũ từng chứng kiến nhiều bất công xảy ra ngay trước mắt mà những thân phận thấp cổ bé họng chỉ biết co cụm vào nhau trong tuyệt vọng. Không có ai lắng nghe họ nói, nói hộ tiếng nói của họ. Trong số họ có bà, có mẹ, có những người họ hàng thân thích. Ngày ấy một câu hỏi cứ luôn vang lên trong đầu Vũ rằng ai sẽ là người lên tiếng để bênh vực và bảo vệ cho lẽ phải? Vũ bám vào câu hỏi ấy để nỗ lực từng ngày cho đến khi rời khỏi trường Báo chí. Nghe bạn bè rủ rê chỗ này, chỗ kia dễ thở thế là nhào vào xin việc. Để có đêm ngồi xem lại những gì mình viết mỗi ngày Vũ tự hỏi: Ủa mình viết nó vì mục đích gì? Có giúp ích cho ai đó hay không? Nếu mình không viết nó thì cũng có khối người viết nó. Thế còn những người thấp cổ bé họng đang đợi mình đâu đó giờ họ thế nào? Vũ bỗng nhớ đến cánh đồng thơ ấu của mình từng bị người ta cưỡng chế để xây nhà máy giấy. Nước mắt người nông dân đổ trên cánh đồng từng thơm hương lúa, từng rộn rã tiếng cười lao động. Đồng ruộng đất đai là tất cả những gì người nông dân có được để cày cuốc mưu sinh nuôi sống gia đình. Mất ruộng là mất đi cái cần câu cơm. Cũng là lúc người dân trong làng phải tản đi khắp nơi kiếm kế sinh nhai. Nhà máy giấy đi vào hoạt động cũng là lúc quê hương phải gánh chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tiếng kêu cứu của đất đai đồng ruộng chìm vào vô vọng. Trên khắp đất nước này còn có bao nhiêu tiếng kêu cứu nữa? Sao Vũ không nghe thấy? Hay là Vũ đã bịt tai của chính mình? Câu hỏi ấy khiến cuộc đời làm báo của Vũ rẽ sang hướng khác. Dù bạn bè khối người chửi Vũ ngu…
Vũ chuyển về làm trang bạn đọc trong một tòa soạn báo. Đó cũng là khoảng thời gian báo giấy gặp nhiều khó khăn. Báo điện tử ra đời, công nghệ thông tin ngày càng phát triển đã đẩy báo giấy vào cơn điêu đứng. Nhiều tòa báo vẫn có độc giả thân thiết ấy là vì bài vở có chất lượng, nhiều đề tài hay. Phóng viên của họ đổ mồ hôi công sức cho những phóng sự dài kỳ, những vụ án được cả xã hội quan tâm. Sếp mới của Vũ quán triệt ngay từ đầu “làm báo mà hời hợt thì sớm muộn gì cũng tự giết mình”. Vũ nhìn chồng thư bạn đọc gửi về vừa vui mừng vừa lo lắng. Mỗi bức thư là một câu chuyện. Mỗi nét chữ đều chứa đựng tâm tư. Mỗi lời kêu cứu đều gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Vũ xách ba lô lên rong ruổi khắp nơi đi tìm sự thật và lẽ phải. Từng ăn dầm nằm dề trong rừng thiêng nước độc. Từng vài lần bị giang hồ dọa đánh. Từng lau nước mắt cho rất nhiều nhân vật. Từng đau đớn vì bất lực khi thấy sức mình quá nhỏ bé không thể thay đổi được hiện trạng bất công xảy ra ngay trước mắt. Không có tiệc tùng, cơm ngon rượu say chờ đón Vũ. Chỉ có những đôi mắt vời vợi ngóng trông, những cái nắm tay tha thiết ân tình, những bữa cơm rau cà bày ra trước mặt. Cơm của người nghèo ngon lắm nhưng đôi khi khó nuốt vì nỗi oan ức nghẹn đắng trong cổ họng. Không có phong bì nào đút túi. Chỉ có chùm nhãn đầu mùa, quả mít vẹo vọ chín cây hay mấy bắp ngô nếp vẫn còn non vừa mới bóc bi, nắm rau tập tàng kèm với mớ cua đồng dính đầy bùn đất. Họ dúi vào tay Vũ những món quà quê thơm thảo. Bữa cơm nhà có canh cua, ngô luộc, cà pháo vừa muối xổi vợ cứ xuýt xoa khen. Mấy đứa nhỏ thích mê những câu chuyện làng quê qua lời bố kể. Soi vào mắt các con Vũ thấy lòng trong lại để vượt qua biết bao nhiêu cám dỗ làm nghề.
Cái tin Hùng bị bắt khi đang tống tiền doanh nghiệp khiến Vũ bần thần cả buổi chiều. Vẫn biết đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma vậy mà chuyện xảy ra vẫn không khỏi bất ngờ. Vũ áy náy vì nhớ ra mình chưa từng khuyên can bạn việc dùng cái mác nhà báo để kiếm tiền. Hoặc ít ra mỗi lần Hùng rủ rê một vụ làm ăn ngon lành nào đó Vũ không nên im lặng từ chối mà phải chửi xối xả cho bạn tỉnh đòn. Không có miếng bánh ngọt nào bày sẵn mời mình. Đâu đó xung quanh là muôn vàn cạm bẫy. Vẫn biết chơi dao thì phải chịu đứt tay nhưng Vũ thấy xót xa cho bạn. Hùng là một nhà báo có năng lực. Trước khi bị đồng tiền cám dỗ Hùng từng là một “cây” phóng sự điều tra của làng báo phía Bắc. Nhiều vụ việc được Hùng đưa ra ánh sáng. Nhưng rồi đồng tiền có thể làm người ta ngậm miệng. Vũ tự hỏi kể từ khi biết nhận phong bì Hùng đã dìm bao sự thật xuống bùn? Làng báo được phen xôn xao. Bạn bè hùa vào bênh vực, có người còn nói “Hùng bị gài”. Gài thì đúng là gài, nhưng nếu không hoa mắt vì tiền thì sao dính bẫy? Vũ trở về nhà mà lòng nặng trĩu. Vợ có lẽ đã đọc thông tin trên mạng xã hội nên im lặng suốt bữa cơm chiều. Vũ không có nhiều thời gian để buồn phiền vì sếp gọi điện báo đi công tác gấp. Chuyến xe cuối cùng đi miền Trung chỉ còn hai chục phút nữa là xuất phát. Vũ chỉ kịp dặn con học bài chăm chỉ rồi ngủ sớm. Dặn vợ nhớ đừng quên khóa cửa rồi vơ vội mấy bộ quần áo nhét vào ba lô lao vội ra đường. Trong đầu Vũ vẫn còn vang lên lời sếp “có một dòng sông đang kêu cứu”.
Dòng sông, con đường, cánh rừng, đất đai hay bất cứ một tiếng người nào đó kêu lên Vũ đều sẽ lên đường…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG