.
TRUYỆN NGẮN

Xanh

.

Hôm họp lớp, Xanh mang đến một bao bỏng ngô. Cả lớp nhìn, tưởng “bà” nào đi thăm cháu bị lạc.  
Tại cái da cháy nắng, gò má cao; cái áo trắng thùng thình chả ăn nhập gì với cái quần ốp mo nang, vàng vàng ố ố y như xà cạp lội ruộng. Cả lớp nhìn nhau, ý hỏi, đứa nào đây nhỉ? Cái Xanh chứ đứa nào. Hồi xưa xinh gái nhất lớp, sao lại ra thế này nhỉ? Mày cứ hỏi mày, sao lại béo như con lợn thế kia thì khắc rõ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xanh mở bao bỏng ngô, vốc từng vốc đi chia các bàn. Bia, nước ngọt, bánh kẹo… giờ thêm món “hoa trắng”. Hết lượt, Xanh đứng giữa hai dãy bàn, nói - cây nhà lá vườn mời mọi người, không ngon đâu nhưng là của nhà tớ trồng.

Lại nhìn. Hơi lâu. Tôi thấy không khí có vẻ chùng xuống liền bảo, nào chúng ta ăn quê hương nào. Những ngón tay búp măng, múp mụp khẽ nhón. Những cái miệng nhỏn nhẻn. Hương ngô nếp thơm ngậy căn phòng. Ô, ngô nếp hả, nhà cậu trồng thật hả? Chuyện lớp bắt đầu nở. Thằng Tính còi làm thanh tra dưới Hà Nội, cái Hoa lấy chồng trong Thành phố Hồ Chí Minh, cái Lân “Thị Nở” làm hoàng hậu đại gia gỗ trên Sơn La…, giáo viên mèng mèng trong huyện thì vô khối. Chỉ mỗi Xanh là nông dân.

Xanh thấy mọi người ăn quà của mình thì nói, ngô này nhà tớ trồng, tớ đi nổ đấy. Xanh kể, tớ xong lớp 12, lấy chồng luôn, cứ suốt đẻ đái ruộng đồng nương bãi chả đi được đâu, chả gặp bạn nào. Hôm nay họp lớp mới được ngẩng mặt lên thấy đứa nào cũng béo trắng. Tớ chỉ ở đây một lúc là phải về… Sao, bận gì tí nữa cũng phải ra quán uống rượu, đặt hết cả rồi. Không được, tớ chỉ nhờ em cô trông bà một lúc, nhỡ làm sao thì chết.

Xanh dứt khoát về, mấy đứa đứng dậy lôi kéo, giận dữ. Tôi ghé tai mọi người, mẹ chồng nó liệt giường nằm chờ chết hơn năm nay. Xanh lần cạp quần, lấy túi nilon, mở ra, đếm đếm, 5 nghìn, 10 nghìn… Xanh nói, tớ không vui thêm với lớp được, các bạn thông cảm,… có ngần này tớ đóng góp. Các tay đồng loạt xua, thôi thôi thôi... Bất ngờ, Xanh dúi vào túi ngực tôi và ù chạy.

Buổi tối ở quán, sau những thằng này, cái kia làm gì… làm gì… con cái đang học đại học, đi làm… là chuyện cái Xanh. Tại tôi hồn nhiên kể, quên mất những nét mặt không thích lắm.

Bữa tiệc kết thúc sớm vì đang cao trào, tôi có ý kiến, ngay sau đây cả lớp đến thăm nhà Xanh. 100, 200 nghìn… lập tức các tay đưa cho tôi - cứ đóng phong bì, mày lớp trưởng đến đấy có ý kiến nhé. Dăm sáu đứa lý do có việc về, ba bốn đứa ngần ngừ một lúc rồi bảo, tớ sẽ đến sau. Đoàn đến nhà Xanh còn chín đứa.   

… Tiếng xe máy, ô-tô, cười nói tự khắc im bặt khi vào nhà Xanh. Ngoài sân thấy bắc rạp; dưới gốc cây mít có cái bàn, bộ ấm chén. Người ra người vào lặng lẽ.

Tôi có ý kiến… lớp đến thăm nhà, thăm bà ốm và xin phép gặp bà. Xanh đưa chúng tôi vào buồng. Đến cửa buồng thì một người vẻ mặt hốt hoảng ra, giơ tay xua - đừng, mùi lắm, khách ngồi ngoài rạp thôi.
Chúng tôi vẫn vào. Khăn khẳn, thối thối, nồng nặc như mùi chuột chết đậm đặc gian buồng. Có mũi chun, có mặt căng, nén… cố không biểu cảm thái quá.

Trên giường, một “bộ xương” nằm nghiêng, mặt toàn băng trắng lóa. Chúng tôi đứng lặng như viếng. Xanh ngồi xuống bên bà, mở cái băng ra. Nó lật miếng thịt má nhâng lên, bảo - Bà em bị ung thư vòm họng, đây… ăn ruỗng hết cả má, cả xương rồi. Tôi hoa mắt thấy nhòa nhòa sâu hút lở loét, máu mủ. Bên cạnh, lũ bạn đứa cúi mặt, đứa quên lịch sự đưa khăn mùi xoa bịt mũi.

Xanh đang đưa cái panh có cục bông vào má ngoáy ngoáy. Tiếng bà cụ ư ư khe khẽ.

- Bây giờ mới thay băng à? Hẳn nào tao đi từ ngoài ngõ đã thấy mùi.

- Em đi họp lớp, nhờ cô Xuyên trông bà. Em về vội nấu nồi cháo, lọc xong để nguội.

- Mẹ chồng sắp chết rồi còn đi. Thế bây giờ tao về đây rồi, tao trông cho, có đi nữa thì đi đi.

- …

- À này, chuẩn bị làm cho hai mâm cơm, tí nữa đoàn họ Trần trên Cao Sơn về đấy, anh Tâm vừa điện bảo xe hỏng, tầm 10 giờ sẽ đến.

- Khuya thế chắc họ ăn dọc đường rồi.

- Kệ họ, mình nhà trưởng phải tiếp đón cho đàng hoàng. Thôi để bà đấy, xuống bếp ngay đi.

Chúng tôi bất đắc dĩ đứng im nghe, đợi chồng Xanh dứt mạch thì rút.

Chồng ngồi xuống giường, Xanh ra; tôi có ý kiến ngay, đưa cái phong bì. Anh ta giơ hai tay nhận, nhắc đi nhắc lại, em xin lỗi, em cứ tưởng bên ngoại sang.

Xanh tiễn chúng tôi ra cổng, tôi bảo, bạn phải giữ gìn sức khỏe đấy. Xanh rơm rớm nước mắt, bà tớ chắc được mươi mười lăm hôm nữa là cùng.

Về nhà, tôi kể chuyện đến nhà Xanh, mẹ tôi hỏi, thấy bà cụ thế nào? Chắc dăm bảy ngày nữa là chết. Ừ, ông giời đã chí gạch tên thì đi sớm cho con cháu đỡ khổ. Cái Xanh ấy đúng là cơ khổ... thật con trâu chứ không phải con người. Mẹ tôi tặc lưỡi thở dài.

Tôi bảo Xanh ngày xưa học giỏi, đi thi văn được giải cấp tỉnh… thế mà làm sao… đúng là cái số. Thân em như hạt mưa sa/ hạt vào đài các hạt ra ngoài đồng, mẹ lầm rầm.

Tôi ngồi im, Xanh của ngày hôm qua, Xanh của ngày hôm nay, sao lại thế…

Năm ấy, lớp 12C, Xanh là đứa học khá nhất, lại tóc dài da trắng nhỏ nhẹ thướt tha trên chiếc xe đạp Liên Xô mới hự. Trong khi chúng tôi đa phần đi chân, mấy đứa nhà có điều kiện, xe cũng chẳng ra hồn xe; cái lốp chửa đẻ băng bó, cái sang vành, cái xích nhão…

Tôi, và nhiều đứa cùng thích Xanh. Giờ ra chơi, mấy thằng trai tồ vẫn khoái trò mèo đuổi chuột. Đuổi nhau, mồ hôi ướt đầu, cười, la hét, nhảy lên bàn, bụi lớp mù mịt. Một lần trời mưa, Xanh từ ngoài chạy vào giữa lúc đám đuổi nhau đang bốc. Xanh thành “con mồi” lấp lóa phía trước. Không hiểu do sợ những cái mặt đỏ lựng, mồ hôi đầm đìa săn đuổi hay làm sao mà Xanh cứ chạy, cứ chạy. Chúng tôi đuổi mãi không kịp, rầm rập rầm rập, la hét… vẫn mái tóc dài lắc lắc phía trước. Tưởng như cứ chạy cứ đuổi như thế mãi… Nhưng tôi đã thông minh đột xuất, tôi ghé tai bọn nó... Thế là chia hai cánh quân; ba đứa tiếp tục đuổi, tôi vòng nhanh ra ngoài đứng sẵn cửa lớp giang tay chờ… mồi nộp mạng. Y như rằng, sau một lát huỳnh huỵch hổn hển - Xanh ập vào tôi… Tôi ôm chặt Xanh trong tiếng reo hò.

Tùng tùng tùng! Trống vào lớp đã giải cứu cho Xanh. Suốt hai tiết toán còn lại, tôi như ở trên mây. Thỉnh thoảng tôi lại lén nhìn sang bàn bên. Xanh cúi mặt viết, mái tóc đổ xuống bàn.  

Hơn 12 giờ trưa, nắng như đổ lửa, tôi được ngồi trên chiếc xe Liên Xô của Xanh, đèo Xanh. Nguyên do là, “nghi can”, “bị can” vụ đuổi nhau bắt người bị cô chủ nhiệm “truy tố”. Bốn đứa con trai và Xanh phải tường trình, làm bản kiểm điểm tại phòng hội đồng. Chúng tôi khai thật, hứa từ nay không tái phạm, học tập rèn luyện tốt. Xanh không nói gì, chỉ khóc, cô Cúc chốc lại vuốt tóc dỗ dành. Kết thúc, cô bảo chúng tôi, muộn rồi đói rồi, thôi về phòng cô nấu cơm. Chúng tôi đời nào dám, chối ngay.

Xanh và ba đứa có xe; mình tôi đi bộ… sẽ lên xe một trong ba đứa. Nhưng chịu rồi, tôi lần lượt lên, cái hết hơi, cái kịt kịt bánh vào vành, cái đạp thật khẽ không là tuột xích.

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành lên xe Xanh. Tên “tội phạm” dĩ nhiên là không mặt mũi nào để gái đèo.

Tôi chỉ còn biết trút xấu hổ vào đôi chân, xe vù vù rẽ gió. Ổ gà, tảng đá chẳng nhìn thấy gì; xe cứ như con ngựa lúc băng băng, lúc chồm chồm. Ba thằng kia đã ở tít đằng sau, tôi vẫn guồng như mê ngủ, mặc Xanh đấm lưng, kêu chậm lại, chậm lại... Nhưng, tôi chẳng biết gì nữa, tôi thành cái xe đạp rồi.

Không phải mơ, Xanh đang ôm tôi. Miệng tôi xịt xịt gió trời, cây lá bên đường nở hoa reo vui.

Tận cuối tháng 5, tôi mới đến nhà Xanh. Tôi đến hỏi Xanh về thơ Tố Hữu. Thầy dạy văn nói như đinh đóng cột - nghị luận văn học dứt khoát vào Tố Hữu, nghị luận xã hội không thể thoát con người mới xã hội chủ nghĩa. Còn bốn ngày nữa là thi rồi, tôi đã cuống.

Nhà sáng trưng, một cây đèn bão treo sát bàn. Xanh đang ngồi học thấy tôi vào, giật mình - Ơ ơ… Thanh à… sao không thấy chó sủa.

- Ai đấy… Sức à? Sao hôm nay đến muộn thế?

Theo hướng tiếng nói, tôi chào một người đang ngồi thu lu trên giường và giới thiệu… cháu học cùng Xanh. Ông nói luôn:

- Cái Xanh thi xong thì bác cũng gả chồng cho nó. Nhà trai người ta tha thiết quá, cứ đòi cưới tháng này. Tôi bảo, đợi nó thi xong rồi cưới, chứ có trốn đi Trung Quốc đâu mà lo.

- … Cưới á, làm sao thế? Xanh đồng ý à? Tôi nhìn thẳng Xanh, không tin.

- Ừ, bố tớ nhận trầu cau người ta rồi.

- Không được. Giả trầu đi… còn thi đại học chứ.

Xuỵt. Xanh lấy tay che miệng tôi.

Thế rồi tôi đi học đại học. Lần nghỉ hè, tôi đạp xe vào nhà ông bác chơi. Qua nhà chồng Xanh, không hiểu sao tôi đạp thật nhanh. Thấy tiếng gọi, Thanh à, vào nhà tớ chơi đã. Thấy cái bụng chửa nhô ra từ gốc muỗm. Thấy gió táp vào mặt mình đau rát…

Nhiều lần khác, tôi chỉ nghe mẹ nói về Xanh… có trâu đất như nó mới chịu được cái nhà đấy. Hai mẫu ruộng, nương bãi chỗ nào cũng thấy, hai con học đại học… tất cả một tay nó, thằng chồng chỉ được cái gia trưởng và nói phét.

Tôi muốn đến thăm Xanh nhưng có gì đấy giữ chân lại.

Rồi tôi đi xa, năm về quê một vài ngày, có năm không về.

Sau lần họp lớp kể trên thì mẹ tôi đổ bệnh. Tôi xin nghỉ phép năm, ở nhà với mẹ. Xanh đến thăm, mẹ tôi bỗng tỉnh táo sau cả tuần hôn mê. Xanh kể bà con (mẹ chồng) mấy ngày liền chả ăn gì, buổi trưa con ra đồng móc được chục con cua về nấu canh chua, mẹ con liền ăn được lưng bát… Xanh kể chuyện hai đứa nhà con năm nay ra trường bận thi chưa về thăm bà được… Xanh cứ rì rầm, thấy mẹ tôi mở mắt, rồi tiếng thều thào… giá cháu là con dâu bác thì thằng Thanh đỡ khổ… Xanh nắm tay mẹ tôi, hai người nước mắt.

Hôm nào Xanh cũng đến với mẹ tôi. Một lúc trưa, một lúc tối; khi bón nước cháo, khi tắm, khi cho mẹ đi vệ sinh… Tôi chẳng biết nói gì, chỉ nhìn Xanh… biết ơn, tiếc nuối.

Mẹ tôi ra đi sau mẹ chồng Xanh năm mươi ngày.

Mấy hôm sau lễ 49 ngày mẹ tôi, vợ chồng Xanh đến chơi, có một túi xoài.  Một lúc hỏi chuyện vợ con tôi thì Xanh ngập ngừng:

- Hai đứa sinh đôi nhà mình ra trường rồi, tốt nghiệp loại giỏi… tớ chẳng biết xin việc thế nào… Bạn xem giúp tớ với.

- Khó lắm. Bây giờ đâu cũng khó lắm.

- Tớ nhắt nhịn được trăm triệu. Tớ chẳng quen ai, trăm sự nhờ bạn.

- Không được. Tớ chịu thôi.

Tôi chối đây đẩy. Xanh đứng lặng, rồi khóc thành tiếng.

- Khóc cái gì mà khóc. Con không xin được việc thì ở nhà vào rừng với bố. Thôi về… về… Chồng Xanh dằn từng tiếng và kéo Xanh đi.

Tôi ngồi im. Muỗi đốt đau quá.

NGUYỄN ANH DŨNG

;
.
.
.
.
.