.

Mua về yêu thương

.

Dì không biết đi xe đạp, xe máy cũng không. Bất cứ di chuyển nào gần xa dì đều đi bộ. Mà thực ra, di chuyển nhiều nhất, thường ngày nhất là đi chợ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Dượng tôi tính hơi khó chịu nên không được lòng bà con làng xóm. Tôi hồ nghi tại dượng mang nhiều nỗi bất mãn và chán chường. Hồi xưa dượng đẹp trai, hát hay lắm. Cưới dì mới hai tháng thì đi lính rồi chưa bao lâu đã bị trúng bom, hai chân dượng nát đến đùi. Năm đó, dì mới hai mươi tuổi, xinh đẹp có tiếng ở làng. Ba mẹ chồng đã đuổi dì về ngoại bởi mong muốn con dâu chọn lựa cuộc đời khác tốt đẹp hơn nhưng dì vẫn quyết ở bên dượng. Người làng đinh ninh dì khờ dại từ bữa đó. Chẳng thà dượng hiền lành, yêu thương nhỏ nhẹ, đằng này lúc nào cũng càm ràm, không mắng chó thì chửi mèo, hằn học với cả ngọn cỏ cành cây.

Nhà không có con gái, thế nên việc chợ búa mấy chục năm qua đều do dì lo liệu. Những cuộc chợ nào cũng ồn ã, náo động và cần phải khôn lanh, dì đã ăn nhập vô đó như bản năng đơn giản của đàn bà. Nắng mưa nào cũng vậy, cứ sớm ra, sau khi cho bầy heo trong chuồng ăn no, dì te tái xỏ dép đi chợ. Hồi chợ Hôm còn đông đúc, lộ trình đi chợ của dì chỉ vài trăm mét. Dăm ba bước chân là đã tới nơi. Từ ngày dời lên chợ Mới, đường đi của dì xa hơn. Dì vẫn lội bộ mỗi sớm như chuyện thường tình, khoảng cách hai cây số chẳng là gì. Phải mấy năm gần đây, khi sắm đôi chân giả, dượng mới lấy xe máy chở dì lên chợ.

Cuộc chợ của dì có thể mường tượng thế này. Trước hết, tại hàng cá, dì đi một vòng từ đầu đến cuối tăm tia coi mớ tôm cá hàng nào tươi ngon nhất. Xong một lượt mới vòng lại, cúi xuống dòm kỹ rồi hỏi giá, kỳ kèo thêm bớt từng đồng. Rẽ qua hàng thịt rồi tới hàng rau cũng tương tự. Tôi hay đùa chắc mấy người bán hàng trên chợ ngán dì lắm, thà mua nhiều nhặn còn chấp nhận, đằng này mua thì ít mà đứng săm soi nhiều.

Phải gặp mua mở hàng của ai chắc họ chửi có ngày. Tôi đinh ninh bao nhiêu khôn lanh ghê gớm hóa ra dì dành hết trong những buổi chợ.

Có điều, thể nào khi buổi chợ tan, vừa ngó mặt dì, dượng lại dằn từng tiếng “mua hết chợ chưa”, dì cười rồi leo lên xe. Nhiều khi tôi thấy dì hay thiệt, cứ như dượng khó chịu kệ dượng, chẳng liên quan chi tới mình. Vừa tới nhà, dì bắt đầu rôm rả vài chuyện lượm lặt đâu đó. Mặc dượng có quan tâm đáp lời hay không, dì vẫn xách đòn ra bể nước ngồi mần tôm cá và rề rà chuyện này chuyện nọ.

Dì sẵn tính hay quên, vậy mà trời sinh ở với người khó đăm đăm là dượng. Có bữa dì quên lần lữa hộp tăm đến mấy hôm liền. Ăn xong, dượng khều ống tăm thấy trống trơn lại dấm dẳng, thứ đàn bà đi chợ “hàng vôi tránh, hàng bánh nhớ”. Thương nhất là mỗi lần nhà có cúng kỵ, dì lên xuống chợ phải mấy bận bởi cứ quên trước hụt sau. Dù trước đó đã lo lắng tính toán cả tuần, lên thực đơn mua sao tiết kiệm, tính mâm tính đọi đủ đầy. Nết quê, đi cúng giỗ về thường đùm gói cho người nhà, vậy nên bữa nào con cháu về tay không, dì lại áy náy. Phải đùm gói chi đó rồi chạy theo ới người ta dừng xe, dắm dúi vô tay khi là cục xôi hay cái bánh ít, vậy mới an tâm.

Tính dượng khó nên ăn uống không thể qua loa. Dù nhà chẳng có ai, lắm khi đi chợ chỉ để mua hai trái cà chua, mười ngàn thịt bò rồi bó rau. Hàng xóm nói mắc mớ chi cứ làm cực thân mình, có hai người thì đi chợ một lần ăn mấy ngày cho tiện. Dì biết chẳng dễ phân bua nên cười cho xong chuyện. Hôm nào dượng đi vắng, bữa đó dì mới không đi chợ. Hình như sự ăn uống chợ búa của đàn bà phụ thuộc vào đàn ông còn phận mình ăn sao cũng được, bát cơm với xì dầu cũng xong bữa.

Hai anh con trai lớn của dì đã lập nghiệp ở Sài Gòn, lâu lắm mới về thăm ba mẹ. Năm ngoái, con trai út lấy vợ gần nhà. Tôi mừng vì nay dì có con dâu đỡ đần việc nhà cửa chợ búa hay ít ra có người tào lao ba chuyện đàn bà. Song, cuộc hôn nhân bồng bột ấy rất ngắn ngủi, con trai út sinh buồn bực rồi kiếm việc đi làm xa, thi thoảng mới ghé nhà. Chỉ còn lại hai ông bà đã hơn sáu mươi, ngày ngày lẩn quẩn trong căn nhà lọt thỏm dưới mé đường lộ nhưng không hụt buổi chợ nào.

Lắm bữa ra chợ không biết mua chi, dì ngó vô giỏ người ta “tham khảo”. Tưởng tượng tới bữa, dượng thở dài kêu mạ bây không sáng tạo, đi chợ mua tới mua lui mấy món. Dì lợn cợn trong lòng, xách giỏ vào chợ ngày hôm sau lại mang đắn đo suy nghĩ.

Từ mỗi buổi chợ về, tôi biết dì không chỉ mua dăm miếng thịt hay mấy cọng rau hành mà mua cả một trời yêu thương. Bất chấp những nhăn nhó càm ràm của người đứng đợi ngoài cổng chợ, thương yêu đó đã nằm trong giỏ từ năm tháng này sang năm tháng khác...

DIỆU ÁI

;
.
.
.
.
.