Bạn đưa con ra Hà Nội đi khám bệnh nên ghé qua nhà ở tạm. Căn nhà trọ vốn nhỏ, nay có thêm mẹ con bạn thì trở nên chật chội. Nhưng bọn nhỏ thì vui lắm. Chúng sà vào chơi chung, vừa gặp mà thân thiết như đã gặp nhau từ lâu lắm. Nhìn cả giỏ đồ chơi đủ sắc màu, bạn nhìn tôi, thốt lên đầy ganh tỵ: “Bọn trẻ bây giờ sướng quá ha! Chả bù cho tụi mình ngày xưa”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tuổi thơ của chúng tôi có nhiều thứ và cũng rực rỡ lắm. Ấy là những trưa trốn ngủ đội nắng đi bắt chuồn chuồn, là hì hục ngồi nhìn mấy anh đẽo con cù rồi thi nhau trọi, là lén mẹ xé mấy tập vở cũ để dán diều, là cặm cụi nặn những nắm đất sét làm búp bê, là những chiều tập trung đầu con ngõ ồn ào chơi khăng, chơi chuyền, đánh đáo.
Tuổi thơ của tôi còn là những trưa mùa hè đợi tiếng kêu bì bọp của ông bán kem. Dù đang làm gì, chỉ cần nghe tiếng còi của ông bán kem từ xa xa đã ra ngõ đứng đợi. Hồi đó, đến bữa no bụng đã là hạnh phúc lắm rồi đâu có tiền mà ăn quà bánh. Nhưng thay vì mua kem bằng tiền thì chúng tôi đổi kem bằng thứ khác, đó là sắt vụn, là đôi dép nhựa đứt quai hay những chiếc chai nhựa, chậu nhựa đã vỡ hay chiếc nồi nhôm thủng đáy.
Kem thời ấy không như kem bây giờ, không ngon bằng, không đẹp bằng, cũng không đa dạng bằng. Kem ngày đó cũng không có bao bì, chỉ là một cái que tre vót nhỏ xiên vào cái kem hình chữ nhật được xếp thành lớp trong chiếc thùng gỗ có xốp ở trong. Mỗi lần ông bán kem mở chiếc khăn đậy trong chiếc thùng ra, hơi lạnh bốc lên trắng xóa.
Mỗi cái kem ngày ấy, giá chỉ hai trăm đồng. Hai trăm đồng ấy còn là loại ngon có vài ba hạt lạc hay mấy sợi dừa ở trong. Còn nếu chỉ là kem đá không thì một trăm đồng cũng có. Ấy vậy mà không phải lúc nào cũng có một cái kem mà ăn cho ngon lành. Thường thì được tờ hai trăm mua được cái kem mấy anh em thay nhau mút. Có khi gom góp để dành được một chút sắt vụn, được hai que kem mà nhà có ba bốn đứa. Tuyệt nhiên chẳng đứa nào sợ bẩn hay vệ sinh gì cả.
Chẳng có gì sung sướng bằng việc giữa trưa trời hè nắng gắt, mẹ kéo lúa còn mấy anh em hì hục ủi xe. Nghe tiếng còi bán kem vang lên bì bọp đâu đó, mẹ vừa đưa tay lau mồ hôi vừa hào phóng bảo: “Út đi mua kem đi!”. Vừa dứt câu thằng út đã ù té chạy, xong rồi hỉ hả chạy về, tay cầm mấy que kem bốc khói. Cả trưa hè, cả cái nắng như thiêu như đốt bỗng tan biến đi trên tay nó, cả những giọt mồ hôi cũng chẳng còn có ý nghĩa gì, chỉ có vị kem tan chảy trên đầu lưỡi đê mê mát lạnh.
Trời mùa hè nhiều khi dở chứng, đang nắng bỗng âm u rồi đổ mưa. Những ngày như vậy chúng tôi hay khoái vì mua được kem ế. Trời nắng nóng thì kem bán mới chạy chứ đâu ai thừa tiền đi ăn kem ngày mưa. Vậy là ông bán kem bán tống bán tháo để về. Có khi mua một que, ông còn cho thêm que nữa.
Có dạo mẹ tôi ra Hà Nội chăm bác bị bệnh. Ở nhà chỉ có ba anh em. Những ngày mẹ vắng nhà là những ngày mấy anh em tôi được ăn kem thỏa thuê. Trưa nào anh cũng xúc gạo đổi kem cho chúng tôi ăn, ăn nhiều đến nỗi có hôm tôi và thằng út bị đau bụng. Hôm đó o tôi vừa giã rau ngót lấy nước cho chị em tôi uống vừa mắng anh tôi, nói là do ăn kem nhiều quá mà ngộ độc rồi cấm tiệt anh không được đem gạo đổi kem cho em ăn nữa.
Ngồi nói lại chuyện xưa mà bạn tôi mắt rưng rưng, bạn nói hồi nhỏ bạn đâu có được biết vị kem nó đắng ngọt ra làm sao. Nhà nghèo, bạn được bố mẹ cho đi ở nhà người khác để có cái ăn. Còn nhỏ bạn đã oằn lưng ra cắt cỏ, ngày nào cũng bở hơi tai mới dắt được con trâu to gấp mấy lần người từ đồng về nhà. Đến bữa, nhìn bát cơm nhiều cơm hơn sắn là đã mừng chảy nước mắt, đâu có mơ màng gì quà bánh. Những lần thấy con nhà chủ ăn quà bạn còn phải tránh đi vì sợ nhìn thấy sẽ thèm, mà lũ trẻ vô tâm còn cố tình “nhềm nhềm” cho bạn thèm mới chịu.
Tôi còn nhớ ngày đó, một trăm đồng mua được hai cái kẹo dừa, tôi cho bạn một cái. Bạn để dành trong ngăn cặp không nỡ ăn, đến khi lôi ra đã thấy lũ kiến cắn nát bao ni-lông bọc ngoài chui vào bu kín thanh kẹo dừa, bạn khóc.
Để dành, đó là thói quen của bọn trẻ chúng tôi thời đó. Cái gì ngon cái gì đẹp cũng để dành. Quả ổi ngon cũng để dành, củ khoai ngon cũng để dành, đôi khi để rồi tiếc thẫn thờ vì bị con chuột nào đó tha đi hay khoét mất.
Trên đường đưa con bạn đi khám bệnh về, cả nhà ghé quán ngồi uống nước. Thằng bé đòi ăn kem, đành chiều nó mua mỗi người một cái. Bạn cắn một miếng rồi quay qua hỏi tôi: Kem hồi xưa có ngon như này không? Ngon hơn chứ, kem này sao so với kem hai trăm đồng hồi xưa được. Bạn nhìn tôi khúc khích cười, nói “đói thì ngửi khói cũng ngon”.
Khi cảm nhận vị béo ngậy của vị kem tan trong lưỡi, tôi lại nhớ đến những que kem nhỏ nhắn đủ màu xanh, cam, trắng bốc khói trên tay thằng út. Nhớ tiếng còi bì bọp của ông bán kem mỗi trưa hè như khiêu khích mời gọi. Và tôi nhớ tuổi thơ tôi, tuổi thơ thiếu thốn khổ nghèo nhưng hồn nhiên trong vắt.
LÊ GIANG