.

Ông Khởi

.

Biền biệt xa quê mấy chục năm ròng. Bà con xóm giềng nghe tin ông Khởi về, liền chạy đến. Có người hóng hớt: “Tài sản ông ấy chẳng có gì. Một chiếc ba lô với hai cái bao tải đựng đầy cây thuốc nam”. Đơn vị định làm cho ông một ngôi nhà hai tầng nhưng ông từ chối. Huyện đội cử một người về phục vụ. Ông nói: “Đồng chí về đây sinh hoạt với ai. Chả nhẽ sinh hoạt với Hội Cựu chiến binh của xóm à? Thôi, về đi. Tôi đã báo cáo với huyện đội rồi”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thế đấy! Đại tá Quân y Trần Khởi chẳng muốn phiền ai. Căn nhà duy nhất trong xóm không mắc điện. Ông lý sự “Các đồng chí ở Trường Sơn thì lấy đâu ra điện. Tôi sống vậy quen rồi”. Ngày hè, ông chỉ phe phẩy cái quạt mo. Thấy thế, chi hội cựu chiến binh xóm đến mượn nhà của ông để sinh hoạt. Đó là cái cớ để mắc điện vào nhà cho ông. Chẳng nhẽ đi sinh hoạt mỗi người lại phải cầm theo một cái quạt mo. Có điện rồi mà chẳng mấy khi thấy ông bật đèn. Ông thường đi ngủ từ khi trời mới sâm sẩm tối.

Từ ngày về quê ông Khởi khỏe hẳn ra. Năm giờ sáng, ông dậy tập thể dục rồi đi bộ ra trạm bưu điện huyện nhận thư báo. Ông đi như duyệt binh, những bước sải dài. Hai cánh tay vung vẩy, đánh chéo qua trước ngực làm tờ báo kêu loạt xoạt. Về đến nhà ông ngồi đọc báo một tiếng đồng hồ rồi mới đi tưới vườn cây thuốc nam và nấu cơm ăn.

Họp Đảng bộ, ông đến sớm hơn 15 phút. Ai mà đến muộn 5 phút là ông phê bình ngay. Ông dám phê bình cả Bí thư Đảng ủy. Ông đưa ra tòa một cán bộ chính sách ăn chặn tiền thương binh-liệt sĩ. Kết quả anh ta phải vào tù mấy năm liền.

“Phải thẳng tay trừng trị những kẻ thoái hóa biến chất. Dựng lên một đội ngũ hoàn toàn mới, sạch sẽ, có năng lực không tì vết như một tờ giấy trắng”. Ông khoa tay phát biểu trước Đảng bộ. Có người ưỡm ờ: “Hay anh ra ứng cử làm một nhiệm kỳ”. Ông gạt phắt: “Tôi đã già với lại cả xã thiếu gì người mà để một thương binh nặng như tôi làm lãnh đạo. Nhưng mà tôi luôn đứng bên cạnh các anh”. Nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi được ông giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Oái oăm, có người kết nạp hôm trước, hôm sau đã bị khai trừ. Một thanh niên mới lập gia đình chạy máy xay xát mà mua được máy cày với máy gặt đập liên hoàn. Ông nhân điển hình đó là một gương mặt sáng giá về việc làm ăn giỏi. Đùng một cái ông mới biết hắn giàu nhờ cho người đi trầm vay nóng lãi suất 30% tháng.

Ông Khởi buồn lắm. Ông không còn hăng hái như buổi mới về. Đứa cháu nói: “Hay chú lấy vợ đi. Nói dại, mai sau chú ngã bệnh thì…”. Đứa cháu chưa dứt lời, ông quát: “Trẻ nít biết gì. Từ nay chú cấm mày không được nhắc lại chuyện này một lần nào nữa”.

Gió rít từng chặp bên ngoài cửa sổ. Ngớt mưa, nước dâng lên ngâm trên cánh đồng làng mấy ngày trời. Kiểu này thì sang năm mùa màng thất bát mất thôi. Đang mơ màng ông nghe tiếng gõ cửa.

- Ai đấy! Đêm hôm khuya khoắt ai đến nhà ông vào cái giờ này nhỉ. Có cả tiếng trẻ con. Ông sờ soạng đi bật công tắc điện. Điện mất. Ông sực nhớ điện đã bị cắt mấy ngày nay rồi. Bây giờ ông mới thấy cái cần thiết của ngọn đèn điện trong nhà. Ông luống cuống đi châm đèn. Một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, vai mang  bọc áo quần, tay xách một cái bị. Chị ta rên hừ hừ. Hai đứa trẻ, mũi dãi nhớt nhát. Người đàn bà chới với bước đến nắm lấy cánh cửa và ngã khuỵu xuống. Gạo với khoai sắn khô trong bị chảy ra. 

 - Nước! Cho tôi miếng nước. Giọng chị thều thào. Chị ta bị sốt cao quá, trán vã đầy mồ hôi. Ông dìu người phụ nữ lại giường rồi lại lấy phích nước rót cho chị một cốc. Uống xong, người đàn bà bắt đầu run cầm cập. Thế này là sốt rét rồi. Hồi ở Trường Sơn, đi trong rừng già ông bắt gặp một bộ xương khô nằm trên chiếc võng dù. Người lính bị sốt rét rừng quật ngã khi lạc đơn vị. Ông lấy dao găm đào một cái hố sát gốc cây cẩn thận đặt thi hài người lính xuống. Ông khắc vào thân cây “Mộ đồng đội vô danh”. Bệnh tật mấy chục năm, nay ông không còn nhớ cánh rừng đó nữa. Ông day dứt suốt cả cuộc đời. Còn bây giờ phải lấy 2 thìa cà-phê trà hoa cơm cháy pha với nước sôi cho chị ta uống đã. Đây là loại thảo dược ông trồng được trong vườn, loại này điều trị sốt rét rất hiệu quả. Hai đứa trẻ nhìn ông mếu máo. Chắc chúng đói. Ông nhóm lửa bắc nồi cháo...

Người đàn bà đi kinh tế mới được ba năm thì chồng chết. Chị ta dắt hai con nhỏ trở về quê ngoài Bắc, trúng ngay cơn bão khi tàu đến làng ông. Hết bão, nước từ thượng nguồn đổ về, đường tàu lở, tàu bị trật bánh. Ba mẹ con lang thang đi các làng ăn xin. Ông đã báo cáo trường hợp này với công an xã. Thôi thì “cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp”. Trong làng ông đã có hơn một chục mạng người bị sốt rét ác tính quật đổ khi đi tìm trầm. May mà còn một ít thuốc ký ninh, một ít thuốc bổ, tiêu chuẩn chế độ của ông dành lại. Nhờ thịt bầy gà gần hai chục con mà chị hồi phục rất nhanh, chị giúp ông nội trợ trong nhà. Chị lấy giấy báo gói từng thang thuốc cho người bệnh. Nhiều buổi chị cùng ông ra làm cỏ quanh vườn. Ba sào vườn, làm ở đầu này thì cỏ mọc đầu kia. Thấy chị đã khỏe lại, ông mua vé tàu cho chị về quê. Nhưng chị không chịu, chị muốn ở lại để đền ơn ông. Ông cười : “Chị còn trẻ. Tương lai chị còn dài. Về quê, tôi cho một ít tiền làm vốn”. Người đàn bà cảm động lắm. Đôi mắt chị long lanh, ngời lên dưới ánh điện. Chị muốn làm một cái gì đó để tỏ lòng biết ơn nhưng chẳng nghĩ ra. Hai đứa trẻ vẫn nô đùa vô tư chạy nhảy. Chúng đã quen coi đây như ngôi nhà của chúng rồi.

Ông Khởi làm thịt một con gà mái vàng liên hoan buổi chia tay. Chị gắp một miếng thịt gà đặt lên bát ông. Ông lấy đôi đũa hất ra giận dữ: “Người ta bảo không ăn là không ăn. Đúng là đồ... gà mái”. Người đàn bà ngạc nhiên quá độ. Ông thay đổi thái độ một cách bất ngờ. Chị nhìn ông chực khóc. Chừng như thấy sự vô lối của mình, ông rối rít : “Tha lỗi! Xin đừng chấp. Tôi lỡ lời. Ngày xưa...”. Ông chỉ nói được chừng ấy rồi hắt xì hơi mấy cái. Ông ho sặc sụa, cố muốn giải thích một điều gì đó mà không nói được. Bệnh cũ tái phát. Ông lên cơn đau tim, co giật liên hồi như chứng động kinh. Trong cơn mê sảng, ông gọi “Sâm ơi... ”. 

... Sau Mậu Thân, quân giải phóng bị đánh bạt lên rừng. Người chết đói, chết bệnh nhiều lắm nhưng bệnh xá chẳng còn một hạt gạo nào để nấu bát cháo cho thương binh. Trạm xá cử người về đồng bằng liên lạc với cơ sở mua gạo. Giao liên chôn những bao ni lông gạo dưới cát, anh em về phải tự tìm moi lên. Một hôm, 7 người vừa băng qua đường 14 thì bị phục kích. Mấy loạt đạn AR.15 bắn tới. Cậu Sâm bị trúng đạn. Ông vứt bao gạo sang vệ đường rồi xốc Sâm lên vai chạy cố sống cố chết đến lùm cây. Lúc sau, một bóng đen đi tới. Ông Khởi đặt ngón tay lên cò súng. 

- Đừng bắn! Anh cõng anh ấy đi. Để em vác bao gạo cho. Cái bóng đen đó vác bao gạo và chạy theo đoàn quân. Bọn địch không truy kích nữa. 

Họ đi đến bìa rừng thì trời sáng. Đó là một cô gái trẻ, có đôi mắt đen, tròn xoe như hạt nhãn. Nước da trắng, dáng người thon thả trong bộ bà ba đen. Cô khai tên là Bảy, sinh viên y khoa Sài Gòn năm thứ ba. Cô về quê ăn Tết thì xảy ra giao tranh giữa quân giải phóng với địch ở ngã ba Võ Tánh. Bọn địch nghi gia đình cô “chứa chấp Việt cộng”. Cha cô bị giết, mẹ cô dắt díu cả đàn con chạy về quê ngoại. Ông Khởi nhìn cô gái thật kỹ. Sinh viên y khoa hèn chi bắp tay, bắp chân cứ nõn nà. Có Bảy, ông Khởi mừng hết chỗ nói. Nhiệm vụ của trạm xá mặt trận 4 lúc này là thực hiện các ca tiểu phẫu cắt, cưa cụt. Những ngày trong trạm xá, cô thường khâu vá, hát hò động viên thương binh. Có những ca phải phẫu thuật kéo dài đến đêm. Hai người làm việc bên nhau, tình yêu đến lúc nào ông không hay. Họ hẹn nhau hết chiến tranh sẽ làm lễ cưới.  

Một ngày đầu năm 1969, cô Bảy đi hái môn thục mãi đến tối vẫn không thấy về. Ông Khởi lo lắm. Cô bị ngã xuống suối hay bị lạc đường. Ông Khởi bố trí người trực cấp cứu rồi xách súng dẫn theo hai thương binh còn khỏe đi tìm. Họ đốt đuốc đi dọc khe nhưng không thấy xác.

Mờ sáng hôm sau có tiếng máy bay OV-10 bay tới. Chúng loa ra rả yêu cầu mọi người sau 2 tiếng đồng hồ hãy lên điểm cao cắm cờ trắng đầu hàng. Ông Khởi cho cõng anh em thương binh nặng về các căn hầm bí mật. Các chiến sĩ còn chiến đấu được thì cầm súng bảo vệ trạm xá. Chiếc máy bay thả truyền đơn trắng xóa cả khu rừng. Có ảnh của Bảy ngồi đối diện với một sĩ quan CIA trong phòng làm việc. Trước mặt họ là một đĩa hoa quả đặt trên chiếc khăn trải bàn trắng muốt. Thế là đã rõ. Cô ta là một con rắn độc của đội Thiên Nga được người Mỹ huấn luyện cài vào. Ông nghiến răng trèo trẹo. Bốn chiếc trực thăng đổ quân xuống trạm xá. Bọn chúng bật lửa đốt cháy dãy lán. Ta vừa đánh trả vừa rút để nhử địch ra xa khu rừng có thương binh ẩn nấp. Bọn Mỹ đã bắt được Sâm và kéo anh lên một chiếc trực thăng. Một quả lựu đạn nổ. Chiếc trực thăng chưa kịp bốc lên trên bầu trời đã bị nổ tung. Ông Khởi nấc lên. Sâm ơi! Người bạn cùng ông nhập ngũ một ngày… 

Tôi nghe được câu chuyện trên sau ngày ông cấp cứu ở bệnh viện huyện trở về. “Không thể tin được đàn bà chú ạ!”. Ông ghét đàn bà lây sang cả con gà mái. Ấy thế mà ông lại tin tưởng và cưu mang hai đứa con của người đàn bà xa lạ ở lại nhà ông. Chúng đã lớn lên trong vòng tay ông và làm nên tên tuổi của Công ty Dược Nam. Ông lấy cái tên thằng cu Nam con của người phụ nữ ấy đặt cho công ty dược. Dược Nam chế biến thuốc nam sản xuất ở làng ông. Từ các loại rượu thuốc đến các loại cao và viên nang nén. Thuốc khớp, ho, thận, gan, dạ dày đến sốt rét, thương hàn của ông nổi tiếng trên toàn quốc. Ông đã mở ra công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình ở làng tôi. Tôi trở thành nhân viên tiếp thị cho ông ở các tỉnh Tây Nguyên đã hơn chục năm rồi…

- A lô! Chú ơi về gấp. Ba cháu muốn gặp chú lần cuối.  

Hoàng Nam gọi điện cho tôi với giọng đầy lo lắng. Ba cháu muốn nói với chú mấy lời trước lúc đi xa. Tôi cho xe bon bon chạy trên năm trăm cây số giữa ngày hè. Dọc đường về làng, những vườn cây thuốc nam đang lên xanh tốt. Dân làng tôi và các làng cùng chất đất hợp đồng trồng cây thuốc cho Công ty Dược Nam. Hoàng Nam dẫn tôi vào phòng điều hòa: “Ba cháu mong chú lắm, thỉnh thoảng ông lại nhìn đồng hồ”. Một người đàn bà ngồi bên giường bệnh xoa bóp chân tay cho ông. Thời gian không thể xóa hết nét xuân sắc của bà. Ông Khởi dường như mệt lắm. Ông thều thào: “Đây là bà Bảy, cô sinh viên trường y năm xưa mà tôi đã nói với chú. Thì ra tôi đã trách nhầm bà ấy. Hôm đó bọn thám báo đã lần đến trạm xá. Chúng phục kích bắt được bà bên bờ suối. Tôi đã mắc mưu của bọn tâm lý chiến chú ạ. Mấy chục năm bà ấy vẫn đi tìm tôi thế mà tôi không biết. Bọn địch đã tra tấn bà rất dã man, chúng đánh giập nát mất hai bàn chân của bà. Bây giờ bà ấy phải đi bằng đôi chân giả”.

Hoàng Minh Đức

;
.
.
.
.
.