Hàng ngàn năm nay người Việt Nam, ai lớn lên cũng được nghe các bài ca dao, những câu hát à ơi, lời ru của mẹ. Thơ lục bát là cội nguồn câu hát dân ca, là quốc hồn, quốc túy dân tộc, là “đặc sản” duy nhất mà chỉ người Việt Nam mới có.
Bìa sách Thơ lục bát của Hoàng Bình Trọng. |
Hoàng Bình Trọng biết làm thơ lục bát khi mới 12 tuổi. Ngày đó ông theo cha về tản cư ở làng Khương Hà, một vùng rừng núi Quảng Bình. Gặp đôi trai gái yêu nhau, ông làm “bưu tá” đưa thư liên lạc cho hai người. Khi cuộc tình của cặp uyên ương tan vỡ, thương quá mà ông khóc rấm rứt, bỏ ăn mấy ngày liền. Ông viết truyện thơ “Lỡ làng” dài gần hai ngàn câu về mối tình của họ. Hơn sáu chục năm sau, đến nay ông vẫn thuộc lòng. Đi học đại học, thương nhớ mảnh đất Khương Hà quê hương thứ hai, ông đã viết truyện thơ “Tiếng hát sông Bùng” dài hơn ba ngàn câu. Trong sự nghiệp văn chương ông đi đều cả hai chân, viết văn và làm thơ, mặc dù ai cũng biết là ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu từ tiểu thuyết “Bí mật một khu rừng”. Cùng với các giải thưởng tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa Hoàng Bình Trọng còn gặt hái được nhiều giải thơ. Năm 2012, trường ca “Tướng Giáp - Người Anh Cả của toàn quân” của ông giành giải Nhất do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Năm 2018, ông chọn ra 52 bài thơ lục bát in thành một tập riêng lấy tên là “Thơ lục bát”. Bài “Viết thơ dán cội cây đào” là bài ông tâm huyết nhất:
“… Viết thơ dán cội cây đào
Lại nghe tiếng hát thuở nào mẹ ru
Gốc bần mắc võng ngày xưa
Mẹ ru con ngủ bây giờ con khôn
Con đi lội suối trèo non
Băng qua khói lửa đạn bom trùng trùng
Lời ru mẹ vượt mênh mông
Theo con từng bước núi sông dặm dài
Mất rồi mẹ của con ơi
Hận thù dưới đất càng bồi càng cao
Bom Tây vùi mẹ năm nào
Bây giờ bom Mỹ lại đào mẹ lên,
Đời người chết vẫn chưa yên
Nhắc câu hát cũ lòng thêm nghẹn ngào”…
Năm 1951, người mẹ thân yêu của ông bị “vùi” vì bom Pháp, năm 1966, bom Mỹ lại “đào” mộ mẹ, ông đã bật lên tiếng kêu thảng thốt: “Mất rồi mẹ của con ơi”. Tiếng kêu xé ruột, xé gan, nghẹn ngào, đau đớn. Ông kể, khi viết những dòng thơ này ông đã khóc. Nước mắt ông chảy giàn giụa cả trang giấy. Và cũng từ tấm lòng yêu thương, tiếng thét căm thù đã thúc giục ông ra chiến trường giết giặc.
Lời ru của mẹ in đậm trong ký ức ông. Hình tượng “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”, những con cò bạc trắng như vôi lặn qua bao kiếp người trong lời ru của mẹ. Trong bài “Con cò trong câu ca dao” ông viết:
“ Đêm nào mưa ngập bãi cồn
Mẹ đi bắt tép như con cò gầy
Khuya về con chửa ngủ say
Ngóng lời mẹ hát cò bay đầy trời”
Con cò hay chính cuộc đời của mẹ? Bằng lối nói so sánh ẩn dụ, nhà thơ Hoàng Bình Trọng đã ví người mẹ như con cò gầy tiễn con ra trận:
“Ai thương thân mẹ gầy mòn
Mà lòng mẹ nặng tình con cò gầy?
Con đi ra trận hôm nay
Tiễn đưa có cánh cò bay rợp trời”
Hai mươi lăm năm sau ngày mẹ mất, ông lên đường đi đánh giặc, không có mẹ nhưng lại có những cánh cò bay rợp trời đưa tiễn. Những hình ảnh thân thương xúc động biết chừng nào.
Năm 1971, bà má miền Nam chống sào chở đơn vị ông qua sông, nhìn cánh tay má sao mà giống cánh tay gầy của mẹ mình đến thế:
“Cánh tay má vít cong sào
Gầy như tay mẹ thuở nào đưa nôi,
Giữa dòng thêm loạt bom rơi
Lòng thuyền chao tựa lòng nôi những ngày”. (Lòng nôi, lòng thuyền)
Hình ảnh của người mẹ luôn túc trực trong tâm thức ông. Những câu hát đưa nôi lặn vào tim ông như nguồn sữa mẹ thao thiết chảy không bao giờ cạn. Rộng hơn, cao hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước. Các bài “Dòng đời – Dòng sông”; “Hồn hoa”; “Đổi đời” tập trung phản ánh đề tài này. Đặc biệt khi viết về đồng đội, những người bạn thơ thì lòng ông ấm áp, tình cảm:
“Rừng Lào trải nắng vàng hoe
Các anh lên dốc, mình về dưới xuôi,
Chia tay xiết nỗi ngậm ngùi
Nhớ khi điếu thuốc chín người hút chung”. (Chia tay tiểu đội)
Viết về nhà thơ Hải Kỳ, người bạn tâm giao làm thơ lục bát, bài thơ “Bạn theo hương khói về trời” có những câu thật ám ảnh:
“Vẫn là ánh mắt dại khờ
Nụ cười khinh bạc nét bờ môi cong
Nổi chìm một kiếp long đong
Biết bao tiếng nấc giấu trong nụ cười”
Thơ lục bát của Hoàng Bình Trọng không chỉ là khúc hát, lời ru, mà còn là tiếng cười chua chát, mai mỉa, trào lộng, ít ai sánh được. Từ ngày về chế độ 176, “khởi nghiệp tiều phu” làm nghề đốn củi để bán, ông gần như mất trắng. Ông nói “Tự trào”; “Tự hát”; “Kính gửi cụ Tản Đà”; “Tiếng cười”;
“ Bán thơ”; “Hắn là” là những bài thơ mà khi “Về già ta ném tiếng cười vào thơ”.
Ông tập trung lên án các tệ nạn chạy chức, chạy quyền trong xã hội:
“Vung tiền chạy chức, chạy quyền
Có tiền chạy chức, chạy tiền càng hăng
Đời mình mãi thế này chăng
Tránh thằng mặt thớt, gặp thằng mặt mo!”. (Mặt thớt mặt mo)
Bài “Kính thưa” (gồm 3 khổ) đã phần nào lấp lóe cuộc đời cơ cực của ông:
“Bây giờ tôi kính thưa tôi
Chức quyền không có đòi ngồi
chiếu trên
Trải bao cơn túng hồi đen
Vẫn thơ, vẫn rượu út em rầy rà”.
Ban đầu chỉ là “tôi kính thưa tôi”. Tuy bị tuốt sạch nhưng tôi vẫn còn bầu rượu, túi thơ, vẫn còn “út em rầy rà”. Khi không còn cái gì nữa mới đến lượt “ta kính thưa ta”:
“Bây giờ ta kính thưa ta
Miếng cơm đời thực sao mà
chát chua
May còn một cõi mộng mơ
Tìm trong hư ảo phút giờ hiển vinh”.
Ta là đại từ tự xưng khi tự nói với mình, nhưng cũng có thể hiểu là ông nói với cả hai ta. Từ ta có thể mở rộng ra cho ông cùng với người bạn đời. Cuộc kiếm tìm miếng cơm manh áo của hai ta thật nghiệt ngã, lận đận. Khi thơ rượu, bạn tình đã nhạt, ông tìm về chút vinh quang của một thời vang bóng để tự an ủi mình. Cuối cùng chút hiển vinh cũng trở thành hư ảo, thì “mình kính thưa mình”:
“Bây giờ mình kính thưa mình
Rượu thơ đã nhạt bạn tình đã xa
Chỉ còn tôi, chỉ còn ta
Và còn mình nữa để mà kính thưa”
Mình ở đây là đại từ ngôi thứ nhất, và cũng là đại từ chỉ chồng nói với vợ (gọi vợ bằng từ mình là ngôi thứ hai). Công lao, nghĩa tình chồng vợ, đức hy sinh, vai trò của người bạn đời, các đại từ đã thay đổi qua ba cấp độ. Từ tôi, ta rồi đến mình. Ông nói: “Cái hay của tiếng Việt là ở chỗ đó. Nó phổ dụng và biến hóa thiên hình vạn trạng. Theo mình thì trong thơ truyền thống, thơ lục bát là hay hơn cả. Những ngày còn lại của cuộc đời, mình cũng sẽ còn làm thơ lục bát”. Ông cho rằng cái độc đáo của tiếng Việt là phát âm có đủ thanh trắc và thanh bằng, các giọng nói của các miền quê có rất nhiều âm sắc. Cách phát âm của người Việt viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài thanh không ra còn phải sử dụng 5 loại dấu (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã).
Đó là điều mà ta khẳng định rằng chỉ có người Việt Nam mới làm được thơ lục bát. Và thật đáng mừng với quan điểm, tuyên ngôn của nhà thơ, nhà văn Hoàng Bình Trọng, ta sẽ tiếp tục được thưởng thức những câu thơ hay của ông. Nó khẳng định sức sống diệu kỳ của thơ lục bát Việt Nam, là giá trị trường tồn đồng hành cùng dân tộc.
HOÀNG MINH ĐỨC
(*) Đọc tập “Thơ lục bát” của Hoàng Bình Trọng.